Nước thải nhiều khu dân cư đổ xuống sông Đuống
Nước thải của hàng nghìn hộ dân tại phố Bắc Cầu, Long Biên (Hà Nội) đổ thẳng xuống sông Đuống mà không qua bất cứ trạm xử lý nào. Nguồn nước này hòa nước sông Đuống, là đầu vào sản xuất của Nhà máy nước sông Đuống.
Nhiều cống nước thải xả xuống đầu nguồn sông Đuống và sông Hồng. Ảnh: Minh Đức
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, ngã ba sông Đuống – sông Hồng thuộc khu vực cửa Dâu (Ngọc Thuỵ, Long Biên) là khu vực đầu nguồn sông Đuống. Sông Đuống được coi là một nhánh của sông Hồng, đây là khu vực có lưu lượng tàu thuyền đi lại khá đông đúc.
Đáng chú ý, tuyến đường Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) có chiều dài gần 3km, với khoảng trên 10 nghìn hộ dân sinh sống nằm cạnh khu vực đầu nguồn nước sông Đuống. Tất cả nước thải của các hộ dân ở đây không hề qua hệ thống xử lý, chảy ra cống thoát nước mưa rồi chia nhánh đổ thẳng xuống sông Hồng và sông Đuống. Ngồi trên chiếc thuyền đánh cá chúng tôi thấy, có hàng trăm miệng cống nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối từ hai bên vệ đường Bắc Cầu – Ngọc Thụy xả thẳng xuống sông Đuống.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, hiện có khoảng 10 nghìn hộ dân sống ngoài đê thuộc địa bàn phường Ngọc Thuỵ. Theo ông Văn, hiện tại nước thải của các hộ dân này hầu hết đều đổ xuống sông Hồng và sông Đuống vì chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đáng chú ý, khu vực này còn có một số hộ chăn nuôi lợn, gà…
Anh Nguyễn Quang Trình, tổ 38, phường Ngọc Thuỵ (Long Biên) cho biết, nhiều hộ chăn nuôi lợn cũng kết nối đường ống thoát nước thải xả ra hệ thống thoát nước mưa của tuyến phố Bắc Cầu. Nhiều hộ gia đình không thiết kế bể phốt cũng xả thẳng phân tươi ra hệ thống thoát nước mưa của tuyến đường.
Nước thải sau đó chảy xuống sông Đuống, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Theo anh Trình ngoài nước thải các tàu thuyền hoạt động khai thác cát, vận chuyển vật liệu đều có nhà vệ sinh thiết kế thô sơ xả thẳng phân tươi xuống sông Đuống.
Video đang HOT
Thông tin từ Cục Đường thủy Nội địa (Bộ Giao thông vận tải), sông Đuống là một trong 3 hành lang vận tải chính của phía Bắc, có lượng tàu thuyền qua lại lớn. Trong đó, trạm bơm nước thô của Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc một trong những đoạn tuyến có lưu lượng lớn nhất, nằm cách ngã ba sông Đuống – sông Hồng khoảng 11 km về thượng lưu.
Thống kê của Chi cục Đường thủy Nội địa phía Bắc cho thấy, tại trạm đo đếm phương tiện Dương Hà, từ tháng 1 đến 10/2019, có hơn 41.000 lượt tàu thuyền có trọng tải từ 50 đến 500 tấn và hơn 15.600 lượt tàu thuyền có trọng tải trên 500 tấn đi qua sông Đuống.
Theo TPO
Hà Nội giải thích về giá bán nước của Nhà máy nước sông Đuống
Giám đốc Sở Tài chính khẳng định, giá bán dựa trên cơ sở thoả thuận giữa bên bán và bên mua, Hà Nội chưa "trợ giá bất cứ đồng nào" cho Nhà máy nước sông Đuống.
Nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn một với công suất 300.000 mét khối một ngày đêm. Ảnh: Trần Quang.
Năm 2016, UBND TP Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống với mục tiêu bổ sung nguồn cung cấp nước sạch một số khu vực thành phố Hà Nội, các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Thanh Trì. Theo thoả thuận, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống (tạm tính năm 2017) là 10.246 đồng mỗi m3.
Ngày 27/12/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội, công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, công ty nước mặt sông Đuống có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán nước của nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Phần chênh lệch (với mức giá tạm tính là 10.246 đồng/m3), liên ngành đề xuất UBND TP Hà Nội cấp bù gần 200 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách.
Trong khi đó, giá bán của Nhà máy nước sạch sông Đà hiện đang ở mức 5.069 đồng mỗi m3. Điều này khiến nhiều người cho rằng TP Hà Nội đang ưu ái Nhà máy nước sạch sông Đuống nên dùng ngân sách để bù lỗ cho Nhà máy này.
Chiều 12/11, trả lời một số câu hỏi xung quanh vấn đề này, giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho hay, mức 10.246 đồng mỗi mét khối là "giá tạm tính tối đa" làm cơ sở triển khai dự án nhà máy nước mặt sông Đuống từ năm 2016, đó không phải giá bán cho các đơn vị bán lẻ hay giá bán tới người tiêu dùng.
Lý giải cơ sở hình thành mức giá tạm tính này, ông Hà cho biết, mức giá được xác định từ các chi phí liên quan đến khấu hao và lãi vay; chi phí sửa chữa bảo dưỡng; chi phí quản lý doanh nghiệp; chi phí bán hàng; tỷ lệ thất thoát; lợi nhuận định mức...
"Mức giá bán chính thức của Nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ được xác định khi nhà máy hoàn thành toàn bộ, đi vào hoạt động và có quyết toán, kiểm toán", Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nói.
Hiện nay, thành phố Hà Nội chỉ quy định một mức giá bán nước sạch đến người sử dụng theo biểu giá đã ban hành năm 2013. Cụ thể, 5.973 đồng mỗi m3 đối với 10 m3 đầu tiên; từ trên 10m3 đến 20m3 là 7.052 đồng; trên 20m3 đến 30m3 là 8.669 đồng và trên 30m3 là 15.929 đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà tại buổi thông tin báo chí chiều 12/11. Ảnh: Võ Hải.
Cũng liên quan đến câu chuyện giá bán, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (các khách hàng của Nhà máy nước sông Đuống) cho rằng, nếu mua với giá tạm tính trên 10 nghìn đồng một mét khối thì hai công ty sẽ lỗ hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Hà cho hay, theo quy định giá bán buôn do bên bán và bên mua tự thoả thuận với nhau, nếu không thoả thuận được thì các đơn vị đề nghị Sở Tài chính hiệp thương.
Vừa qua, Sở Tài chính đã đã tổ chức hiệp thương trên nguyên tắc "giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ". Trên cơ sở ý kiến của các bên, liên ngành đã xác định giá tạm tính là 7.700 đồng. Đây là giá Công ty nước mặt sông Đuống bán buôn cho các đơn vị bán lẻ.
Trước thông tin "thành phố phải chi hàng tỷ đồng bù lỗ" cho các đơn vị bán lẻ mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, ông Hà khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa trợ giá bất cứ đồng nào cho các đơn vị cung cấp nước sạch, trong đó có sông Đuống".
Giải thích giá nước sông Đuống cao gần gấp đôi giá nước sông Đà (Viwasupco), Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, nguyên tắc tính giá của các đơn vị giống nhau nhưng các nhà máy có công nghệ khác nhau dẫn đến mức đầu tư khác nhau. Ông dẫn chứng, năm 2009 Nhà máy nước sạch sông Đà được tính là có giá trị 1.555 tỷ đồng, nhưng trong quyết định phê duyệt xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, số vốn đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng.
Trước câu hỏi có phải giá nước sông Đuống cao vì chất lượng nước tốt hơn nước sông Đà hay không, ông Võ Tuấn Anh, Phó Văn phòng UBND TP Hà Nội cho rằng, theo quy định thì tất cả các sản phẩm khi đưa đến người tiêu dùng phải đạt được trên mức quy chuẩn tối thiểu.
Phó văn phòng UBND TP cho biết thêm, theo chủ trương đầu tư của thành phố, giai đoạn 1 của Nhà máy nước sạch sông Đuống (đến năm 2020) đạt công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 đến 2025 đạt công suất 600.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 3 đến 2030 đạt công suất 900.000m3 mỗi ngày đêm.
Hiện nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang cấp khoảng 120.000 m3 mỗi ngày đêm.
Tổng công suất nước sạch của TP Hà Nội hiện từ 1,3 đến 1,5 triệu mét khối một ngày đêm, cung cấp cho người dân khu vực đô thị (gần 4 triệu người).
Nước sạch trên địa bàn thành phố hiện được cung cấp bởi 5 đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh nước sạch số 3, Công ty cổ phần Wiwaco và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông.
Theo VNE
Bảy điều cần biết xung quanh vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu bẩn VietnamPlus xin gửi tới bạn đọc 7 thông tin cần biết xung quanh vụ đổ dầu thải tại đầu nguồn nhà máy Viwasupco gây nhiễm bẩn hệ thống nước sạch của hàng vạn người dân Hà Nội. Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà - tâm điểm của sự cố xả dầu thải. (Ảnh: PV/Vietnam ) Vụ nước sạch sông Đà...