Nước quả đóng hộp có thay thế được hoa quả tươi?
Công nghệ chế biến tiên tiến đang tạo ra những sản phẩm nước quả đóng chai được quảng cáo là tốt không kém hoa quả tươi. Nhưng có thật là như thế?
Bạn có thích ăn hoa quả không? Nếu có, hãy giữ sự yêu thích và thói quen ăn nhiều hoa quả của mình. Hoa quả giúp bạn phòng ngừa được từ bệnh viêm khớp tới các bệnh ung thư nguy hiểm. Chúng còn giúp bạn tăng cường hệ tuần hoàn trong cơ thể. Hoa quả thật tuyệt vời, nhưng đôi lúc việc ăn chúng gây ra thật nhiều phiền phức. Thật khó đem theo hoa quả khi đi xa và việc cất giữ cũng khá phiền nhiễu.
Đây có thể là một giải pháp – Nước hoa quả đóng hộp – công nghệ hiện đại giúp cho việc hấp thụ hoa quả trở nên đơn giản và nhanh chóng. Những loại nước hoa quả này không chỉ chứa nước ép mà còn có cả thịt quả. Các nhà sản xuất tuyên bố rằng một chai nước có chứa đủ lượng hoa quả một ngày cho 1 người. Nhưng điều đó có đúng không? Có thật là nước quả đóng hộp tốt không kém gì hoa quả tươi hay không?
Chị Sabine Haberlein – Chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Ở đây không nói gì về thành phần vitamin có trong món đồ uống. Nó chỉ đề cập đến lượng hoa quả do Hội Dinh Dưỡng Đức khuyến cáo nên ăn là 200g/ngày. Tuy nhiên, từ góc độ khoa học, không có quy định về nhu cầu hấp thụ lượng hoa quả hàng ngày nào như thế”.
Lựa chọn hoa quả tươi thay cho nước hoa quả đóng hộp là sự lựa chọn thông minh
Vì thế, nếu một chai nước chứa 200g hoa quả đã chế biến, trên nhãn của nó sẽ ghi là tương ứng với nhu cầu quy định, bất kế nó chứa lượng dinh dưỡng là bao nhiêu.
Theo Chị Sabine, điều này là sai lệch. Các nhà sản xuất cố gắng đưa ra các bằng chứng khoa học rằng lời nói của họ có cơ sở, tuy nhiên họ lại không chứng minh được, bởi vì hoa quả không có lượng dinh dưỡng tiêu chuẩn cụ thể.
Video đang HOT
Vậy trung bình một chai nước đóng hộp có lượng vitamin ra sao? Mẫu thứ nhất là sản phẩm của một công ty nhỏ – Trên nhãn của nó đề rằng hãy cẩn thận kẻo nghiện món đồ uống này vì nó quá ngon và bổ dưỡng. Mẫu thứ 2 là một sản phẩm công nghiệp hứa hẹn cung cấp đủ khẩu phần hoa quả hàng ngày. Mẫu thứ 3 cũng là một sản phẩm công nghiệp hàng loạt – Nó ghi rằng đây là hoa quả tinh khiết đóng hộp.
Đầu tiên, chúng được kiểm tra lượng vitamin C, với những loại hoa quả đã được dùng để chế biến ra loại nước quả thứ 1. Chỗ hoa quả tươi chứa ít nhất 35 mg vitamin C. Chúng còn lại bao nhiêu khi được đóng chai? Các phân tích cho kết quả là 12.5 mg, chỉ còn 1/3 so với chỗ hoa quả tươi. Chai nước thứ 2 và thứ 3 cho kết quả tương tự, chỉ có khoảng 1/3 lượng vitamin C ban đầu.
Thử nghiệm thứ hai, vitamin A. Vitamin A hòa tan nhanh và không dễ mất như vitamin C. Và các kết quả cho thấy 3 mẫu nước đóng lọ đều có lượng vitamin A tương đương với lượng có trong 200g hoa quả tươi.
Cuối cùng, vitamin B. Hai lọ nước thứ 2 và thứ 3 – các sản phẩm công nghiệp – có lượng vitamin B suýt soát gần bằng lượng có ở chỗ hoa quả tươi. Nhưng lọ thứ nhất, chỉ có lượng vitamin B bằng một nửa so với 200g quả tươi. Tại sao lại như vậy?
BS. Gerhard Scheller, Nhà nghiên cứu thực phẩm cho rằng: “Chúng tôi cho rằng quá trình đồng nhất và chế biến đã làm giảm lượng dinh dưỡng của sản phẩm. Và lại một lượng nữa mất đi trong quá trình đóng gói trước khi được bày bán ở các cửa hàng”.
Tuy nhiên, vitamin không phải là tất cả những gì ta hấp thụ được từ hoa quả. Việc biến hoa quả thành nước đóng chai còn làm mất đi một số loại dinh dưỡng khác nữa.
Chị Sabine cho biết: “Chất thực vật thứ cấp cũng bị mất đi. Nó rất quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào. Nó còn giúp giảm huyết áp và giảm viêm tấy. 80-90% chất này nằm ở vỏ và hạt của quả, trong khi nước đóng hộp không hề có chất này”.
Vậy, nước đóng hộp có tốt cho sức khỏe không? Kết luận của các nhà nghiên cứu là nước đóng hộp chắc chắn có ít chất dinh dưỡng hơn hoa quả tươi. Chúng có thể rất tiện lợi và ngọt ngào nhưng không thể thay thế hoa quả tươi. Hơn thế nữa, nhiều loại còn có nhiều chất bảo quản. Còn hương vị thì sao? Rất nhiều người cho rằng: “Nếu cho tôi lựa chọn, tôi sẽ chọn cho mình một quả táo ngon lành hơn, vừa tươi, vừa giòn”.
Theo VTV
Phát khiếp với bò khô, mứt Tết!
Lò sấy bò khô nằm... sát vách nhà vệ sinh sục tay trần vào các thau ngâm đầy nguyên liệu làm mứt!
Thấy "công nghệ" chế biến mà... kinh!
Đến lò sản xuất bò khô Q.N tại quận Hải Châu (Đà Nẵng), chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết cơ sở này có đủ mọi thứ giấy tờ về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bởi bò khô vừa tẩm gia vị để trên sàn inox sát cạnh tường, sát cửa ra vào mà không được che đậy cẩn thận.
Thau đựng thành phẩm cáu bẩn đặt cạnh thau nước đen bẩn dùng để... rửa tay, còn lò sấy thịt thì nằm sát vách nhà vệ sinh. Bò khô sau khi chế biến xong, cho vào bao nilon và đem ra bỏ ở chợ và các cửa hàng kèm theo là nhãn hàng có sẵn của cơ sở này, tự nơi bán sẽ cho vào bao!
Đây là "công nghệ" chế biến... bò khô! Ảnh: HC
Đến một cơ sở chuyên sản xuất mứt Tết trên đường Lê Đại Hành (quận Hải Châu), chúng tôi nghe người dân quanh đó cảnh báo: "Nhà đó làm mứt lâu nay rồi nhưng chủ yếu bán sỉ ở các chợ chứ dân ở đây chẳng ai dám mua. Mỗi lần đi ngang nhà, thấy họ làm mứt là đã... kinh rồi!".
Quả thật, trước mắt chúng tôi là... các thau, chậu ngâm gừng, dừa, cà rốt... bày ngổn ngang giữa nền nhà, xen lẫn với đủ thứ vật dụng linh tinh khác. Có 3 - 4 người gồm cả đàn ông, đàn bà đang hì hụi chế biến mứt nhưng không đeo găng, cứ để tay trần sục vào các thau ngâm nguyên liệu. Mùi đường dính bết lâu ngày bốc lên nồng nặc, và bám theo đó là những bầy ruồi chen chúc bu quanh các nồi đường, các miếng dừa đã tách vỏ và cả... các thúng mứt thành phẩm!
Tại cơ sở chế biến mứt ở kiệt 11 Hoàng Diệu, xác dừa chất thành đống, bốc mùi nồng nặc ngay từ ngoài ngõ. Bên trong sân, các chậu nước ngâm gừng, dừa để tràn lan giữa nền nhà và cả trong khu rửa chén bát của gia đình... Thấy chúng tôi có vẻ e ngại, bà chủ nhà trấn an: "Mứt đưa vô lò đường sôi sùng sục thì còn sợ gì vi trùng nữa. Đảm bảo sạch sẽ hết. Muốn làm trắng mứt thì tụi tôi làm trắng cho, muốn nhuộm màu cho đẹp cũng được hết!"...
Ra đến chợ là... "nhà ngói như nhà tranh"?
Tuy chế biến "kinh" như vậy nhưng khi tung ra thị trường, những thứ thực phẩm này đều được nhuộm màu, đóng gói rất bắt mắt khiến người tiêu dùng khó phát hiện. Thấy chúng tôi hỏi giá, chị chủ quầy hàng T.H (chợ Cồn) đon đả: "Loại nào cũng có, chỉ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Cốt dừa thượng hạng 100.000 đồng/kg". Tuy nhiên hầu hết các gói mứt, cốt dừa và nhiều thực phẩm dùng cho ngày Tết tại đây đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng theo quy định.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhưng người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình! Ảnh: HC
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết ngày 2/2, qua 2 tuần thanh kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm Tết trên địa bàn Đà Nẵng, đã phát hiện 32 cơ sở (chiếm 30%) không đảm bảo các điều kiện vệ sinh trong chế biến và đội ngũ công nhân chưa nắm rõ về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chi cục đã phạt 11 cơ sở gần 30 triệu đồng, cảnh cáo 1 cơ sở và buộc tiêu hủy 15 loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhắc nhở 20 cơ sở khác và yêu cầu chỉnh sửa 16 loại nhãn mác hàng hóa không rõ ràng, sai quy định về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần thực phẩm, hạn dùng. Hiện 7 mẫu thực phẩm thường được dùng trong dịp Tết cũng đang đưa đi xét nghiệm, trong đó có mẫu ớt bột mà dư luận quan ngại có chứa chất gây ung thư Rhodamine B...
Đáng lưu ý, tại chợ Cồn, thanh tra y tế đã phát hiện một chủ hàng nhập nhằng trong việc kinh doanh chất phụ gia thực phẩm khi trưng bày chất phụ gia dùng để tạo màu sơn chung với chất phụ gia được phép sử dụng để tạo màu thực phẩm trên cùng một quầy hàng. Tại đại lý kinh doanh phụ gia thực phẩm T.T trên đường Hùng Vương, lực lượng thanh tra đã niêm phong hơn 10 loại phẩm màu thực phẩm không ghi ngày sản xuất và một số đã hết hạn sử dụng!...
"Dù rất nỗ lực ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh không đảm bảo VSATTP trong dịp Tết nhưng chúng tôi không thể có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để nắm bắt được mọi diễn biến phát sinh, nên rất cần người dân khi phát hiện các sơ sở có vi phạm thì thông báo cho Chi cục để kịp thời xử lý. Đặc biệt, người tiêu dùng cần nêu cao ý thức tự bảo vệ mình, không nên sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần, hạn dùng... để tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc!" - bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nói.
Hải Châu