Nước Pháp ứng phó với các làn sóng dịch
Chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh dịp Hè vừa qua đã giúp cho nước Pháp kiểm soát phần nào làn sóng dịch thứ tư.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho người dân tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Trừ các tỉnh hải ngoại, nơi công tác tiêm chủng còn chậm khiến dịch bệnh vẫn đang hoành hành, cuộc chiến chống COVID-19 ở Pháp đã có nhiều khả quan. Mặc dù con số người nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, vẫn trên dưới 7.000 ca/ngày, nhưng so với giai đoạn đỉnh điểm của dịch từng lên tới 50.000 ca/ngày thì tỷ lệ nhiễm có xu hướng giảm đi rất nhiều. Số bệnh nhân diễn biến nặng hoặc tử vong vì COVID-19 cũng giảm rõ rệt, ngày 5/9 là gần 50 ca. Có thể nói nước Pháp đang dần bước ra khỏi khủng hoảng y tế, các giải pháp phòng chống dịch được đánh giá đi đúng hướng, các gói phục hồi kinh tế đang phát huy tác dụng.
Nhìn lại cuộc chiến chống COVID-19 gần 2 năm qua của nước Pháp, có thể thấy một trong những bí quyết đem lại hiệu quả là sự chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt từ trên xuống, cũng như việc triển khai đồng bộ và thống nhất của chính quyền địa phương các cấp.
Ở Pháp, tổng thống là người chỉ huy toàn bộ chiến dịch, nhưng chính phủ và chính quyền các cấp lại là đối tượng triển khai các quyết định, giải pháp… Trên cơ sở các ý kiến tư vấn của một hội đồng khoa học bao gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học, kinh tế, xã hội…, tổng thống sẽ bàn bạc, đưa ra các quyết định và chỉ đạo mang tính toàn quốc. Tuân thủ đường lối chỉ đạo chung, nhưng các địa phương lại chủ động và linh hoạt ứng dụng các giải pháp phù hợp với bối cảnh và tình trạng dịch bệnh ở địa phương của mình. Trong trường hợp cần phải đưa các quyết định vào luật thì các dự thảo đó sẽ được lấy ý kiến rộng rãi, đưa ra lưỡng viện (Thượng viện và Hạ viện) bỏ phiếu và Hội đồng thể chế phê duyệt trước khi áp dụng trong cuộc sống.
Trong những giai đoạn đỉnh điểm của dịch, số ca mắc mới ở Pháp có ngày lên tới 50.000 người và số ca tử vong khoảng 1.400 người, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ được khuyến cáo tự cách ly ở nhà do chính quyền không đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn lực để chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện. Các nhân viên cứu trợ thường xuyên gọi điện hỏi thăm và sẵn sàng trợ giúp, tiếp tế lương thực thực phẩm. Các đường dây nóng luôn có bác sĩ trực để hướng dẫn các phương pháp tự điều trị tại nhà. Chỉ khi bệnh trở nặng, bệnh nhân không thở được, cần cấp cứu, thì các lực lượng cứu hộ sẽ tới và giúp đưa vào bệnh viện.
Những trường hợp đã khỏi bệnh, bình phục hoàn toàn lại chính là những lực lượng trợ giúp đắc lực cho công tác phòng chống dịch. Họ được kêu gọi tham gia và giúp đỡ đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện, triển khai trợ giúp xã hội tại địa phương, cũng như chia sẻ, tư vấn và hướng dẫn cho những người khác đang bị bệnh phải cách ly tại nhà.
Một trong những giải pháp phòng chống dịch được chính quyền thực hiện khá hiệu quả là áp dụng giãn cách xã hội. Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, trong vòng 2 năm, nước Pháp đã phải áp dụng giãn cách xã hội và lệnh giới nghiêm đến 3 lần: lần thứ nhất kéo dài 3 tháng, từ tháng 3 đến tháng 5/2020; lần thứ hai từ tháng 9-11/2020 và gần đây nhất là tháng 3-4/2021.
Tuy nhiên, để tránh làm ngưng trệ mọi hoạt động của cuộc sống và tê liệt hoàn toàn nền kinh tế, vẫn có những trường hợp được phép ra ngoài trong thời gian giãn cách. Giấy phép ra đường hay còn gọi là giấy thông hành được sử dụng như một giải pháp để quản lý các đối tượng đi lại. Trong thời gian giãn cách, các quy định được thông báo rõ ràng cụ thể trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng và được áp dụng nghiêm túc, triệt để.
Theo thông báo của chính phủ, trong thời gian áp dụng giãn cách và giới nghiêm, chỉ có 7 đối tượng được ra ngoài lưu thông trên đường và phải mang theo giấy phép: những người buộc phải đến nơi làm việc do hoạt động nghề nghiệp không thể thực hiện được từ xa; các trường hợp cấp cứu, khám chữa bệnh không thể trì hoãn; hoạt động chăm sóc trẻ em, người già, tàn tật không có khả năng tự phục vụ; các hoạt động theo giấy triệu tập của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng theo yêu cầu của các cơ quan hành chính hoặc các tổ chức xã hội hoạt động hợp pháp; đi chợ hoặc mua sắm các đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt; và cuối cùng là đi ra ngoài nhanh trong giới hạn cho phép 1giờ/ngày và trong bán kính tối đa 1 km xung quanh nơi ở, nhằm giải quyết các nhu cầu cá nhân liên quan đến hoạt động thể chất, đi dạo đơn lẻ hoặc với người cùng sống trong một nhà, hoặc phục vụ nhu cầu của vật nuôi.
Video đang HOT
Tất cả các trường hợp ra đường nói trên đều phải có giấy phép, theo mẫu chung áp dụng trên toàn quốc và được tải từ trang hành chính công của Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tư pháp, hoặc được in sẵn phát cho các hộ gia đình không có máy in. Chỉ có 2 mẫu giấy thông hành là giấy chứng nhận đi làm và giấy đăng ký đi các công việc khác. Giấy đi làm phải có chữ ký và dấu của cơ quan hoặc công ty cấp. Còn giấy đăng ký đi các công việc khác chỉ cần khai báo trên mạng, hoặc viết tay và kèm các giấy tờ chứng minh lý do ra ngoài như hóa đơn mua hàng, giấy triệu tập, chứng nhận khám bệnh, chứng nhận chỗ ở…
Mỗi cá nhân khi ra đường sẽ phải cam kết khai báo thành thật và thực hiện đúng theo nhu cầu đã khai báo. Trong trường hợp vi phạm, mức phạt tối thiểu sẽ là 135 euros/lần, nghiêm trọng hơn có thể bị khởi tố, thậm chí đi tù.
Cảnh sát, hiến binh sẽ là những lực lượng kiểm tra giấy tờ. Các nhà hoạt động xã hội và tình nguyện viên sẽ là lực lượng hỗ trợ trong trường hợp các gia đình có nhu cầu cần giải quyết công việc mà không thể ra ngoài. Đường dây nóng được tăng cường và hoạt động liên tục để các lực lượng cứu hộ có thể ứng phó sự cố kịp thời. Trong thời gian giãn cách, các trung tâm phục vụ hàng thiết yếu vẫn mở cửa phục vụ khách trong các điều kiện an toàn vệ sinh phòng dịch. Hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm vẫn được đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân. Những người phải nghỉ việc do dịch bệnh, các hộ gia đình khó khăn được nhà nước cấp một khoản hỗ trợ tối thiểu để có thể mua sắm lương thực và các đồ dùng thiết yếu, đủ sống trong thời gian giãn cách.
Chính nhờ việc tổ chức quản lý khoa học và thống nhất nên cả ba đợt giãn cách đều bảo đảm các điều kiện sống và phòng chống dịch hiệu quả. Và trên hết là ý thức và tinh thần tự giác của người dân, chỉ ra đường khi cần thiết, đã giúp các đợt giãn cách thành công và dịch bệnh phần nào được kiểm soát.
Bảng yêu cầu khách hàng xuất trình giấy thông hành y tế khi vào một trung tâm mua sắm ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện nay, ngay cả khi tình hình đã trở nên khả quan, Chính phủ Pháp vẫn không ngừng đề cao cảnh giác. Để đối phó với nguy cơ bùng phát của làn sóng dịch thứ tư, tránh việc phải áp dụng giãn cách lẫn nữa, giấy chứng nhận y tế là công cụ kiểm soát việc đi lại ở những nơi đông người, đặc biệt là các cơ sở y tế, trung tâm dưỡng lão, khu vực công cộng như bảo tàng, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, nhà hàng, sân bay, tàu hỏa, xe bus đường dài. Chứng nhận y tế có thể là giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ, hoặc giấy chứng thực đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Quy định này được áp dụng trên toàn nước Pháp và kéo dài ít nhất là đến cuối tháng 11/2021. Thậm chí, tất cả các bệnh viện và nhiều cơ quan, công sở trường học đã coi giấy chứng nhận y tế như một điều kiện bắt buộc để tiếp tục các hợp đồng làm việc của nhân viên.
Giới chức Pháp hy vọng, với các nỗ lực như vậy, Pháp có thể nhanh chóng thoát khỏi đại dịch, tập trung vào phục hồi nền kinh tế vốn đã quá mệt mỏi vì phải vật lộn chống lại COVID-19 suốt 2 năm qua.
Điểm danh những quốc gia bắt buộc tiêm vaccine COVID-19
Sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Delta và tỷ lệ tiêm chủng giảm đã khiến nhiều chính phủ phải áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, hoặc những rào cản với người không chịu tiêm phòng.
Người dân xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 miễn phí ở Bangkok, Thái Lan ngày 15/7/2021. Ảnh: Reuters
Dưới đây là quy định về bắt buộc tiêm vaccine ở một số quốc gia theo tổng hợp của hãng tin Reuters:
Australia : Vào cuối tháng 6, Australia đã quyết định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 đối với những người chăm sóc người già và nhân viên có nguy cơ cao trong các khách sạn cách ly.
Chính phủ cũng quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các vận động viên Paralympic tới Tokyo vì các thành viên chưa được tiêm trong đội có thể gặp rủi ro về sức khỏe.
Anh: Các nhân viên chăm sóc tại nhà ở Anh sẽ bắt buộc phải tiêm phòng COVID-19 từ tháng 10.
Ngoài ra, trong một động thái đảo ngược chính sách với "Ngày Tự do" (dỡ bỏ hầu hết các hạn chế kể từ ngày 20/7), Chính phủ Anh yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ khi tới các địa điểm đông người, như hộp đêm. Quy định này được đưa ra sau khi nghiên cứu cho thấy khoảng 35% thanh niên từ 18-30 tuổi ở Anh chưa được tiêm phòng.
Ngoài ra, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, từ cuối tháng 9, khi tất cả người trưởng thành có cơ hội được tiêm đủ 2 mũi vaccine, "hộ chiếu" vaccine nội địa sẽ là bắt buộc ở Anh.
Nhiều người xếp hàng chờ vào câu lạc bộ đêm Egg ở Anh vào nửa đêm 19/7, khi hạn chế được dỡ bỏ. Ảnh: Guardian
Canada: Ban Thư ký Hội đồng Ngân khố Canada cho biết hôm 20/7, họ đang xem xét liệu vaccine COVID-19 có cần thiết cho một số vai trò và vị trí nhất định trong chính phủ liên bang hay không.
Pháp : Tất cả nhân viên y tế ở Pháp đều bắt buộc phải tiêm COVID-19 và bất kỳ ai muốn vào rạp chiếu phim hoặc lên tàu sẽ phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính - theo quy định mới được Tổng thống Emmanuel Macron công bố vào ngày 12/7.
Ngày 19/7, Chính phủ Pháp thông báo rằng, mức phạt dự kiến 45.000 euro đối với các doanh nghiệp không kiểm tra xem khách hàng có giấy thông hành sức khỏe sẽ được hạ thấp hơn nhiều, bắt đầu từ 1.500 euro và tăng dần đối với những người tái phạm. Tiền phạt sẽ không phải nộp ngay lập tức.
Hy Lạp : Ngày 12/7, Hy Lạp đưa ra yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 với nhân viên viện dưỡng lão và nhân viên y tế kể từ tháng 9. Ngoài ra, theo các biện pháp mới, chỉ những khách hàng đã được tiêm chủng mới được phép vào bên trong các quán bar, rạp chiếu phim, nhà hát và các không gian kín khác.
Indonesia : Indonesia đã yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine từ tháng 2. Chính quyền thủ đô Jakarta quy định phạt tiền tới 5 triệu rupiah (357 USD) với những người từ chối tiêm vaccine.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Italy : Một nghị định được chính phủ Italy thông qua từ tháng 3 yêu cầu các nhân viên y tế, bao gồm cả dược sĩ, phải tiêm phòng COVID-19. Những người từ chối có thể bị đình chỉ việc mà không được trả lương trong thời gian còn lại của năm.
Kazakhstan : Bộ Y tế Kazakhstan cho biết hôm 23/6, nước này sẽ áp dụng tiêm chủng COVID-19 bắt buộc hoặc xét nghiệm hàng tuần cho những người lao động trong các nhóm từ trên 20 người.
Ba Lan : Ba Lan có thể bắt buộc tiêm chủng đối với một số người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 từ tháng 8.
Nga : Theo tờ Moscow Times, Thủ đô Moskva đã tiết lộ kế hoạch yêu cầu 60% tất cả công dân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phải được tiêm chủng đầy đủ trước ngày 15/8.
Người dân Moskva không còn phải xuất trình mã QR chứng minh họ đã được tiêm phòng hoặc có khả năng miễn dịch để được ngồi bên trong các quán cà phê, nhà hàng và quán bar kể từ ngày 19/7.
Saudi Arabia : Vào tháng 5, Saudi Arabia đã yêu cầu toàn bộ người lao động các khu vực công và tư nhân muốn đến nơi làm việc phải tiêm vaccine, nhưng không nêu rõ thời điểm thực hiện.
Người dân cũng sẽ phải tiêm phòng khi vào bất kỳ cơ sở chính phủ, tư nhân hoặc cơ sở giáo dục nào cũng như khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng kể từ ngày 1/8. Công dân Saudi Arabia sẽ cần tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 nếu muốn xuất cảnh từ ngày 9/8.
Fiji: Đảo quốc Thái Bình Dương Fiji vừa công bố kế hoạch bắt buộc toàn bộ người lao động tiêm vaccine ngừa COVID-19 với thông điệp cương quyết Thủ tướng Frank Bainimarama đưa ra là "không tiêm, mất việc".
Ông Bainimarama yêu cầu toàn bộ nhân viên trong lĩnh vực công ở quốc gia 930.000 dân này phải nghỉ phép nếu như không đi tiêm mũi đầu tính đến hạn 15/8 và sẽ bị sa thải nếu không tiêm mũi hai với hạn chót 1/10. Các cá nhân vi phạm sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng, trong khi các công ty có người lao động vi phạm có nguy cơ phải đóng cửa.
Pháp và Anh siết chặt kiểm soát biên giới Pháp và Anh ngày 20/7 đã nhất trí triển khai thêm cảnh sát và đầu tư vào công nghệ phát hiện tại bờ biển của Pháp nhằm ngăn chặn tàu thuyền chở người di cư bất hợp pháp tới được bờ biển Anh. Người di cư bất hợp pháp di chuyển từ Pháp vào Anh qua eo biển Manche. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN...