Nước Nhật kỳ vọng vào con trai cựu Thủ tướng Koizumi
Shinjiro Koizumi, 32 tuổi, đang “lên như diều gặp gió” trên chính trường Nhật Bản và được kỳ vọng có thể trở thành Thủ tướng vào năm 2020.
Chính trị gia trẻ tuổi Shinjiro Koizumi đến nơi bị thảm họa 11.3.2011 tàn phá (Ảnh: Facebook Shinjiro Koizumi)
Báo Straits Times của Singapore gọi Shinjiro – con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi – là một “ngôi sao chính trị”.
Koizumi “con” chính thức bước vào chính trường với tư cách một nghị viên Hạ viện hồi năm 2009 khi cha anh bắt đầu nghỉ hưu.
Hồi tháng 9.2013, Koizumi “con” bắt đầu nắm chức vụ đầu tiên trong chính phủ khi được Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm làm Thư ký quốc hội phụ trách công cuộc tái thiết nước Nhật sau thảm họa ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima tháng 3.2011.
Straits Times cho hay Koizumi “con” có thể đảm nhận một chức vụ khác “hào nhoáng” hơn, ví dụ như trong Bộ Quốc phòng nhưng chàng trai này đã “chọn mục tiêu giúp đỡ các nạn nhân thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.2011″.
“Tôi không muốn đứng giữa vũ đài. Tôi chỉ muốn làm việc hết mình sau hậu trường”, chính trị gia trẻ tuổi này phát biểu trước báo chí về vị trí của mình.
Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi (nay 71 tuổi, nắm quyền trong giai đoạn 2001-2006) được đánh giá là một chính trị gia có tài ăn nói, lập được nhiều công trạng với đất nước và rất được kính trọng.
Việc Koizumi “con” thăng tiến nhanh chóng trong vòng 4 năm (so với cha mình phải mất đến 7 năm mới đạt được vị trí tương tự) khiến dư luận đặc biệt chú ý.
Con nhà tông
Shinjiro Koizumi (trái) thừa hưởng tài ăn nói từ cha, cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi (phải) – Ảnh: Reuters – Facebook Shinjiro Shinjiro là con trai thứ hai của ông Koizumi.
Video đang HOT
Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học tư thục Kanto Gakuin ở thành phố Yokohama cạnh thủ đô Tokyo, Koizumi “con” tiếp tục học thạc sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ.
Anh tốt nghiệp năm 2006 dưới sự dẫn dắt của giáo sư nổi tiếng Gerald Curtis, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản.
Không chỉ học hành bài bản, Koizumi “con” cũng giỏi ăn nói như cha mình, và được đánh giá là hơn hẳn đương kim Thủ tướng Shinzo Abe về mặt này.
Báo Straits Times trích lời cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận xét: “Shinjiro là một sinh viên rất năng nổ trong cuộc thảo luận mà tôi từng thực hiện ở Đại học Columbia. Cậu ấy cũng nói tiếng Anh rất tốt”.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Shinjiro làm nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington một thời gian ngắn trước khi trở về Nhật Bản năm 2007 và làm thư ký riêng cho cha mình.
“Một kết quả hơn trăm lời nói”
Từ khi trở thành người đứng đầu nhánh đảng viên trẻ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền hồi tháng 2.2012, vào ngày 11 hằng tháng, Shinjiro dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp trẻ của LDP đi đến những vùng bị thiệt hại bởi thảm họa ngày 11.3.2011.
Mới đây, chính trị gia trẻ tuổi này đã gặp Thủ hiến tỉnh Fukushima, nơi nước thải chứa phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân hư hỏng bởi thảm họa 11.3 tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài.
Shinjiro Koizumi (phải) được kỳ vọng là Thủ tướng tương lai của Nhật Bản và hiện đang được lòng công chúng hơn đương kim Thủ tướng Shinzo Abe – Ảnh: Facebook Shinjiro Koizumi
Mặc dù chính phủ Abe khăng khăng rằng vấn đề nước thải rò rỉ “nằm trong tầm kiểm soát”, người dân trong nước lẫn thế giới vẫn không khỏi bất an.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Thủ hiến Fukushima, Shinjiro nói: “Tôi muốn giải quyết việc này trong sự chia sẻ hiểu biết với ngài Thủ hiến và ghi nhớ trong tâm rằng một kết quả hơn trăm lời nói”
Báo Straits Times cũng cho hay, hôm 15.10, trong “giờ vàng” phát sóng của Đài truyền hình quốc gia NHK về chiến lược tăng trưởng của Thủ tướng Abe được bàn tại Quốc Hội, Shinjiro là người đầu tiên phát biểu, trước cả Tổng thư ký đảng LDP Shigeru Ishiba.
“Tất nhiên chúng ta phải thực thi các chiến lược tăng trưởng. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề nước thải nhiễm phóng xạ, tôi nghĩ cả nước Nhật sẽ không hài lòng đâu”, Shinjiro nói một cách hùng hồn.
Chưa hết, Shinjiro cũng tập trung ưu tiên vào tình cảnh của người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa 11.3, giúp họ yên tâm rằng chính phủ không bỏ rơi họ.
Những hành động này khiến uy tín của Shinjiro trong công chúng dâng cao.
Một cuộc khảo sát của mạng Sankei-FNN ngay sau việc bổ nhiệm hồi tháng 9 vừa rồi cho thấy 75,6% người được hỏi đặt niềm tin ở chính trị gia trẻ tuổi Shinjiro Koizumi.
Trong khi đó, khảo sát mới đây của đài NHK cho thấy tín nhiệm của người dân đối với chính phủ Abe giảm sút chỉ còn 58%, bởi sau 10 tháng cầm quyền, người ta chưa thấy ông Abe đẩy mạnh cải cách và kinh tế Nhật Bản chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, dù tăng trưởng 2 quý vừa rồi có phần ổn hơn.
Các nhà bình luận cho rằng Koizumi “con” được bồi dưỡng tốt và có triển vọng trở thành Thủ tướng xứ hoa anh đào.
“Nếu có một chút may mắn, anh ấy có thể sẽ là người đứng đầu quốc gia vào thời điểm Tokyo đăng cai Olympics 2020. Khi ấy anh ta mới 39 tuổi”, Straits Times trích lời một số nhà bình luận.
Hiện tại, Shinjiro cũng là Thư ký quốc hội trong Văn phòng Thủ tướng, phụ trách các vẫn đề kinh tế như tự do hóa thương mại, cải cách thuế và an ninh xã hội.
Đằng sau hậu trường, hiện đang có những xầm xì liệu việc bổ nhiệm Koizumi “con” có phải là “một lựa chọn chính trị khôn ngoan” của Thủ tướng Abe hay không.
Theo TNO
Tổng thống Philippines đổ lỗi cho người tiền nhiệm
Tổng thống Benigno Aquino III hôm 15.10 đổ lỗi cho người tiền nhiệm Gloria Macapagal-Arroyo đã khiến niềm tin của dân chúng vào ông bị giảm sút.
Tổng thống Aquino cho rằng chính người tiền nhiệm Gloria Macapagal-Arroyo (trái) khiến ông bị giảm sút tín nhiệm trong công chúng - Ảnh: AFP, DPA
Báo Philippine Daily Inquirer ngày 16.10 trích lời ông Aquino nói: "Dĩ nhiên, nếu bạn ở vị trí của tôi, bạn sẽ phải hỏi điều gì được phát hiện trong giai đoạn 2007-2009? Ai là người làm chủ Phủ Malacanang khi đó? Rõ ràng, không phải chúng tôi".
Mặc dù không nói thẳng tên, nhưng ai cũng biết ngồi trong Phủ Malacanang khi đó là bà Gloria Macapagal-Arroyo.
Philippine Daily Inquirer cho biết ông Aquino nói như vậy trong cuộc phỏng vấn bất ngờ ở trại Aguinaldo, Tổng hành dinh của quân đội Philippines, ở quận Quezon phía đông bắc thủ đô Manila, sau khi một khảo sát cho hay chỉ số tín nhiệm của công chúng đối với ông giảm sút mạnh trong 3 tháng qua vì vụ bê bối ăn chặn công quỹ.
Vụ ăn chặn Quỹ hỗ trợ ưu tiên phát triển (PDAF) dành cho các nghị sĩ thực hiện các dự án địa phương diễn ra trong gần 10 năm dưới sự sắp đặt của nữ doanh nhân Janet Lim-Napoles bị báo Philippine Daily Inquirer phanh phui hồi tháng 7 vừa rồi, gây ra đợt biểu tình khắp toàn quốc, đe dọa niềm tin của công chúng vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Aquino.
Khảo sát với 1.200 người trên toàn quốc trong các ngày 20-23.9 của Trạm quan trắc Thời tiết xã hội (SWS) - tổ chức chuyên đánh giá thái độ của người dân đối các cơ quan công quyền ở Philippines - cho biết điểm hài lòng của người dân đối với chính quyền Aquino giảm 15% so với hồi tháng 6, từ mức "rất tốt" xuống "tốt".
Sự giảm sút được ghi nhận ở tất cả các địa phương, trong mọi thành phần kinh tế xã hội và giới tính, SWS cho biết.
Theo Cục Điều tra quốc gia, trong vòng gần 10 năm, đường dây của bà Napoles bòn rút 228 triệu USD từ quỹ PDAF, mà "cao điểm" là trong các năm 2007-2009 dưới thời Tổng thống Arroyo.
"Dường như chúng tôi bị kéo vào vụ bê bối này chỉ bởi vì chúng tôi là một phần của chính quyền", ông Aquino thanh minh.
Tổng thống Aquino cũng ra sức trấn an dân chúng rằng ông đang nỗ lực cải cách và chống tham nhũng: "Hiện tại, mọi người có thể thấy những việc chúng tôi đang làm nhằm ngăn chặn sự tái diễn hành động đáng xấu hổ kéo dài từ năm 2007 đến 2010".
Ông Aquino - nhậm chức năm 2010 với sự tin tưởng và kỳ vọng rất cao của công chúng - cũng nói rằng ông tin: "Công chúng sẽ nhận ra điều này bởi nhân dân ta luôn công bằng trong việc đánh giá".
Trong khi đó, nhiều nghị sĩ khuyến cáo lòng tin của người dân vào ông Aquino sẽ còn giảm sút nếu ông không bãi bỏ ngay PDAF và trừng trị thích đáng những kẻ dính líu trong vụ này.
Thục Minh
Theo TNO
Trung Quốc đề xuất 7 gói hợp tác với ASEAN Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Thượng đỉnh ASEAN với những lời lẽ rất hữu nghị và đưa ra 7 gói hợp tác trị giá nhiều tỉ nhân dân tệ. Cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc ngày 9.10 tại Brunei - Ảnh: Thục Minh/ASEAN 2013 Ông Lý đến Brunei chiều 9.10 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN...