Nước Nga sẽ khổ sở hơn vì giá dầu
Để hiểu thêm về việc người Nga đang ra sao giữa lúc giá dầu Brent ngày càng lao dốc, hãy nhìn vào chỉ số Nghèo khổ, thước đo lấy tổng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, của nước này, theo Bloomberg.
Ảnh: Bloomberg
Chỉ số Nghèo khổ của Nga tăng đến 19% từ mức 11,7% trong tháng 2.2014, đặt đất nước sản xuất dầu thô lớn thứ nhì thế giới nằm giữa các quốc gia có nền kinh tế ảm đạm nhất.
Giá dầu rơi tự do đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, khiến đồng rúp Nga đi xuống và giá cả tiêu dùng lên đến gấp ba lần con số mục tiêu 4% mà ngân hàng trung ương đề ra. Nga là một nước nhập khẩu ròng hàng hóa chủ yếu, vì thế, giá nhập khẩu gia tăng vì rúp mất giá thúc đẩy lạm phát. Tuần trước, giới chức nước này giữ nguyên chi phí đi vay ngay cả khi nền kinh tế đang chìm sâu hơn vào suy thoái.
Chu kỳ bùng nổ và tan vỡ của Nga theo sát giá dầu Brent, vốn đã giảm còn quanh 30 USD/thùng trong năm 2016 từ mức 100 USD/thùng trong năm 2010.
“Câu chuyện của Nga về cơ bản là một câu chuyện dầu mỏ: Dầu đang kéo theo lạm phát gia tăng, giá trị đồng rúp Nga giảm, sự suy yếu của nền kinh tế và rất nhiều nỗi đau cho người Nga”, chuyên gia Tim Love tại hãng đầu tư GAM có trụ sở ở London (Anh), công ty giám sát 130 tỉ USD tài sản, cho hay. Nga chiếm 3% danh mục đầu tư của ông Love.
Được ra đời vào những năm 1970, kỷ nguyên của tình trạng lạm phát và thất nghiệp cao – thước đo nghèo khổ ít được sử dụng hơn khi các nền kinh tế phát triển phức tạp thêm, với nhiều người vẫn nghèo khổ dù tỷ lệ thất nghiệp và giá cả được kìm hãm.
Chuyên gia kinh tế Nga Vladimir Osakovskiy tại Bank of America là một trong số các chuyên gia cho rằng chỉ số này không nói lên được bức tranh toàn cảnh. “Chúng ta có thể thấy chỉ số này tiếp tục đi xuống trong những tháng tới vì lạm phát thấp hơn, song nó vẫn không đánh dấu bất cứ thay đổi cơ bản và lớn nào”, ông Osakovskiy cho hay.
Dù vậy, chỉ số này có thể là một ống kính hữu ích nhằm kiểm tra các quốc gia quá phụ thuộc vào một loại hàng hóa như Nga. Chỉ số Nghèo khổ của Nga cao thứ tư trong số các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Tỷ lệ lạm phát hằng năm ở nước này là khoảng 13% và tỷ lệ thất nghiệp thì gần 6%.
“Lạm phát đang ăn vào lương bổng của người dân, có nghĩa là họ đang có ít tiền hơn để chi tiêu. Chuyện giá dầu thô lao dốc đồng nghĩa với việc lạm phát có thể không giảm nhanh như nhiều người dự đoán”, nhà phân tích Tomasz Noetzel thuộc Bloomberg Intelligence nói.
Với ông Love, hiện có quá nhiều biến số để đánh giá: “Tôi muốn mua thêm tài sản Nga, nhưng không thể nào dự đoán được hướng đi của giá dầu vào thời điểm này và tôi không muốn nhận thêm các nguy cơ không cần thiết”, ông Love cho biết.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Video đang HOT
Nỗi lo cơm áo đè nặng dân Nga vì giá dầu lao dốc
Giá dầu giảm mạnh khiến ngân sách Nga bị co hẹp, kéo theo lương bổng cùng hàng loạt phúc lợi bị cắt giảm, đẩy đời sống của nhiều người dân rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Sergei Titov đứng bên ngoài trụ sở chính quyền vùng Krasnodar ở miền nam Nga. Ảnh: NYT
Ông Sergei Titov, 64 tuổi, giáo viên dạy nhạc, và vợ là bà Victoria Tito vừa trải qua một năm 2015 với tình hình tài chính ảm đạm chưa từng thấy, theo New York Times.
Lương của bà Victoria Titov đã bị cắt giảm 1/3. Lạm phát tăng vọt khiến một số mặt hàng thực phẩm cơ bản như dưa chuột hay cà tím thậm chí cũng nằm ngoài tầm với của đôi vợ chồng này.
Hôm 1/1 vừa qua, chính quyền thành phố Krasnodar, thủ phủ của trung tâm nông nghiệp phía nam nước Nga, nơi hai người đang sống, đột ngột ra quyết định cắt trợ cấp chi phí đi lại đối với người già nên họ giờ đây còn phải hạn chế cả đi xe điện.
Ngân sách co hẹp
Tức giận và lo sợ những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra giữa lúc Nga lún nhanh vào các khó khăn kinh tế, ông Sergei Titov tham gia cuộc biểu tình trái phép hồi tuần trước. Cuộc biểu tình thu hút hàng trăm người lớn tuổi, tụ tập dưới bức tượng đồng kỵ binh Cossack ở khu quảng trường chính. Đám đông liên tục hô to những câu khẩu hiệu như "Hãy trả lại phúc lợi cho chúng tôi".
Họ không phải những người duy nhất cảm thấy bất mãn ở Krasnodar và trên khắp nước Nga khi mà các cuộc biểu tình trái phép và đình công liều lĩnh suốt thời gian qua liên tục nổ ra, với sự tham gia thường xuyên của giới tài xế xe tải, giáo viên, công nhân nhà máy... Họ là những người Nga đang phải đối mặt với các khoản phúc lợi bị cắt giảm vì nguồn thu dầu khí giảm mạnh.
Sự sụp đổ giá dầu toàn cầu đang sắp xếp lại các quan hệ kinh tế trên thế giới. Những thay đổi đó đe dọa trực tiếp tới Nga, đất nước có đến 50% ngân sách liên bang dựa vào xuất khẩu năng lượng.
Tháng trước, trong bản thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều tồi tệ nhất của cơn suy soái đã qua và đà tăng trưởng sẽ quay lại vào năm 2016. Ông coi việc giá dầu lao dốc như một cơ hội để Nga giảm dần sự phụ thuộc quá lớn vào ngành năng lượng, cũng như đa đạng hóa nền kinh tế.
Tháng 1/2016, giá dầu tụt xuống dưới 30 USD/thùng. Đồng rúp của Nga cũng giảm giá kỷ lục, đứng ở mức gần 85 rúp đổi một USD trước khi bước vào một đợt hồi phục nhẹ.
Lần giá dầu giảm mạnh gần đây nhất ở quốc gia này là vào thập niên 1980 khi Liên Xô tan rã. Kể từ thập niên 2000, giá dầu tăng ổn định đã đưa Nga thoát khỏi nghèo nàn và các hỗn loạn kinh tế, đồng thời mang lại đời sống sung túc cho nhiều người Nga. Theo New York Times, ông Putin khá may mắn khi làm tổng thống vào thời kỳ đó nhưng nay ông sẽ phải đối mặt với tình trạng nguồn thu của Nga bị co hẹp vì giá dầu.
Titov cho hay ông đã chuẩn bị tinh thần để đương đầu với những thời khắc khó khăn.
"Tôi không hay họ sẽ cắt giảm những gì nhưng tôi biết nó sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi", ông nói. "Chúng tôi đang dõi theo những diễn biến này với tâm trạng đầy lo lắng. Rõ ràng chính phủ thiếu các nguồn lực cần thiết để mang lại cho chúng tôi một cuộc sống bình thường".
Giá thực phẩm tăng
Nhân viên nhà hàng Sbarro ở Moscow biểu tình đòi trả lương. Ảnh: NYT
Tại Krasnodar, thành phố với khoảng 800.000 dân, những người hưu trí chia sẻ, họ thấy sốc vì giá cả thực phẩm tăng quá nhanh và thay nhau liệt kê tên những mặt hàng đang tăng lên các mức giá mới.
"Táo", một người nói to rồi nhấn mạnh giá táo đã tăng gần gấp đôi. Bí xanh hay xúc xích heo hun khói cũng cùng chung hoàn cảnh.
Theo số liệu thống kê chính thức, giá thực phẩm năm ngoái tăng 20%. Song, người dân Nga cho biết chi phí thực phẩm phải tăng đến 30% hoặc cao hơn thế, một phần là vì những lệnh cấm nhập khẩu từ phương Tây mà Nga áp đặt để trả đũa các biện pháp trừng phạt mà nước này phải chịu liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Sergei Galustian, một cảnh sát về hưu 65 tuổi, sống ở khu phố ngoại ô Krasnodar. Nơi đây chỉ có 27 mái nhà nên ông dễ dàng nhận ra sự thay đổi.
"Chưa có ai rơi vào cảnh đói kém nhưng mức thu nhập rõ ràng đang đi xuống", ông nói và thêm rằng nhà cửa ở khu phố của ông đang trở nên lạnh lẽo hơn vì những người hàng xóm chỉ dám bật hai đèn điện vào buổi tối thay vì 5 đèn như trước đây.
Mọi người cũng ngừng mua quần áo mới. Doanh thu bán lẻ của cả nước giảm 13,1% trong 11 tháng đầu năm 2015. Bên cạnh đó, doanh số bán ôtô cũng giảm gần 40%.
Khoảng 100 công nhân tại Xưởng Công cụ Máy móc Seydin, từng là niềm tự hào của thành phố trong thời kỳ Liên Xô, một năm qua không được lĩnh lương. Gần đây, họ còn nhận được các thông báo cho nghỉ việc. Họ thỉnh thoảng tụ tập ở khu quảng trường chính của thành phố để biểu tình đòi trả lương. Các công nhân "buộc phải xuống đường" là lời họ viết trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Putin.
Theo một truyền thống có từ thời Liên Xô, hầu hết các công ty, đặc biệt là công ty nhà nước Nga, thường chọn việc cắt giảm giờ làm hoặc dừng trả lương thay vì sa thải người lao động nhằm hạn chế các nguy cơ bất ổn xã hội.
Hôm 20/1, tại thủ đô Moscow, khoảng 15 nhân viên nhà hàng Sbarro thuộc chuỗi nhà hàng pizza, có trụ sở tại bang Ohio, Mỹ, đã đứng trong giá rét bên ngoài nơi họ làm việc và cầm trên tay các biểu ngữ có cùng nội dung: "Hãy trả tiền cho chúng tôi". Một số người cho biết họ không nhận được lương trong ít nhất ba tháng qua.
"Người ta nói với chúng tôi rằng họ đang gặp khó khăn", Sergei Yudichev, 50 tuổi, lái xe chở hàng đã làm việc cho Sbarro hơn hai năm, cho hay.
Dù vậy, Nga vẫn là một cường quốc dầu mỏ nên số lượng người giàu có ở quốc gia này còn rất lớn. Doanh thu của hãng xe siêu sang Rolls-Royce năm ngoái tăng 5% ở Nga. Người giàu vẫn phô trương trong khi giá trị tài sản của họ sụt giảm mạnh.
Chờ ngày giá dầu cải thiện
Nga năm ngoái khai thác sản lượng dầu kỷ lục, ở mức gần 11 triệu thùng/ngày. Nhưng tốc độ khai thác ấy không cứu vãn được tình hình khi mà hiện nguồn cung dầu dư thừa trên toàn cầu. Chiến lược của chính phủ cho đến nay chỉ là cắt giảm chi tiêu và dựa chủ yếu vào nguồn dự trữ ngoại hối, chờ đến khi giá dầu cải thiện.
Nga có dự trữ ngoại hối khoảng 360 tỷ USD cùng khoảng 120 tỷ USD trong hai quỹ dự phòng, giảm so với mức 160 tỷ USD cách đây một năm. Tuy nhiên, với tốc độ chi tiêu hiện nay, hai quỹ này dự kiến chỉ duy trì được trong 18 tháng nữa.
Nga cũng có thể tính đến việc bán cổ phần tại các công ty nhà nước, như tập đoàn dầu khí Rosneft hay ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank, đồng thời không tăng chi tiêu quân sự.
Việc Nga bị cáo buộc liên quan đến các cuộc xung đột tại Ukraine và tham gia vào chiến sự ở Syria làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn cầu. Đài truyền hình nhà nước Nga từng đề cập đến viễn cảnh này.
"Mọi người thấy sợ hãi và căng thẳng hơn", Valery Fedorov, tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga, nhận định.
Giới chuyên gia kỳ vọng người dân Nga sẽ thực hiện những gì mà họ luôn làm trong các thời khắc khó khăn trước đây, đó là kiên trì bám trụ, chăm sóc các luống rau và chờ đợi khó khăn qua đi. Nhưng nhiều người lại nói dân Nga đã quen hưởng thụ mức sống cao nên họ sẽ tức giận và thể hiện sự phản đối nếu cuộc sống quá xuống cấp.
Chính quyền một số địa phương ở Nga hiện phản ứng khá ôn hòa đối với những cuộc biểu tình. Thống đốc vùng Krasnodar đã khôi phục trợ cấp đi lại cho người già có mức lương hưu thấp.
Tại thành phố Sochi, giáp Krasnodar, Nga đã chi 50 tỷ USD để xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội mùa Đông 2014 và đang dành một khoản chi phí lớn để xây các sân vận động trên toàn quốc nhằm chuẩn bị cho World Cup 2018.
Những người giống như ông Titov phàn nàn rằng tiền bạc đang bị lãng phí cho các dự án xây dựng để lấy tiếng hơn là hỗ trợ người dân. Tuy vậy, ông Titov không cho rằng người Nga sẽ oán ghét Tổng thống Putin.
Hồng Vân
Theo VNE
Kinh tế Nga đang gặp khó đến mức nào? Bloomberg mới đây có bài viết nhận định về tình hình kinh tế Nga, với ý kiến của nhiều chuyên gia Nga cho rằng kinh tế nước này đang tuột dốc đáng kể. Ảnh: Reuters Với nền kinh tế đang chật vật của Nga, dự báo năm 2016 trông có vẻ ảm đạm. Rúp Nga (RUB) đã trượt xuống mức đáy kỷ lục...