Nước nào điêu đứng vì giá vàng, giá đồng giảm mạnh?
Chỉ vài năm trước, vài quốc gia trên thế giới sở hữu nhiều khoáng sản như vàng và đồng như Peru sống rất khỏe. Tuy nhiên hiện giờ, nước này và rất nhiều nước đang điêu đứng vì giá cả kim loại quý giảm đáng kể.
Giá vàng giảm khiến nhiều nước gặp khó – Ảnh: Shutterstock
Theo CNN, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thời gian qua đã thúc đẩy nhu cầu kim loại công nghiệp, đơn cử là đồng – mặt hàng chiếm đến 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Peru. Song hiện nay, Trung Quốc đang tiêu thụ ít đi. Giá cả hàng hóa từ mức cao vào năm 2011 cũng rớt xuống nhanh chóng trong vài tháng qua.
Sự suy thoái mới nhất trong thị trường hàng hóa ảnh hưởng đến các kim loại nói chung. Giá cả vàng, bạc, đồng, sắt, nhôm, bạch kim, thiếc và niken đều giảm trong năm nay. Với vàng, giá trị kim loại quý gần đây tuột xuống dưới 1.100 USD, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Tăng trưởng kinh tế hằng năm của Peru chỉ còn 1% hiện nay thay vì 7% hồi cuối năm 2013. Ngoài Peru, Chile, Nam Phi, Úc, Brazil, Zambia và Cộng hòa dân chủ Congo, Ghana, Mozambique là các nước chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc giá vàng, giá đồng giảm.
Ở Chile – nơi 1/4 lô hàng hướng thẳng đến Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng trở lại sau nhiều năm giảm đều. Chỉ số chứng khoán FTSE Nam Phi giảm 7% trong 3 tháng qua, khai thác vàng của nước này cũng hạ 24% chỉ trong tháng 7.
Nước Úc đang cố gắng tránh cuộc suy thoái kinh tế lần đầu tiên kể từ năm 1991 trong bối cảnh hiện gặp khó vì giá than, dầu và khí đốt rẻ. Tăng trưởng kinh tế của Úc thời gian qua được thúc đẩy bởi sự đi lên của Đại lục. Tại Brazil, giá cả hàng hóa giảm đẩy nước này đối mặt với đợt suy thoái tồi tệ nhất trong 1/4 thế kỷ.
Video đang HOT
Ngoài ra, các thị trường mới nổi cũng không có nhiều tin vui. Giá kim loại giảm làm dấy lên lo ngại về các đợt sa thải lớn trong ngành khai thác khoáng sản, tệ hơn là đẩy nền kinh tế các nước vào suy thoái. Điều này càng đặc biệt xấu khi cộng với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến các nước khó trả nợ hơn và đồng nội tệ của họ bị giảm giá so với USD.
Ed Yardeni, Chủ tịch hãng Yardeni Research viết: “Khi Trung Quốc hắt hơi, tất cả các nền kinh tế mới nổi khác sẽ bị cảm lạnh”.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Năm 2022, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới
Ấn Độ sẽ "soán ngôi" Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ trong vòng 6 năm tới, sớm hơn so với dự báo trước đó, theo Liên Hợp Quốc.
Nigeria đang phát triển nhanh trong quá trình vượt Mỹ vào khoảng năm 2050, và sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân thứ 3 thế giới, Liên Hợp Quốc dự báo.
Dân số toàn cầu hiện nay là 7,3 tỷ người và được dự báo sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050; 11,2 tỷ người vào năm 2100, cao hơn một chút so với dự đoán cuối cùng của LHQ.
Đông nghịt người tham dự lễ hội Maha Pushkaralu trên sông Godavari ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Hầu hết sự gia tăng dân số sẽ xảy ra tại các vùng đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của LHQ công bố hôm 29/7.
Các dự báo dân số rất quan trọng đối với việc thiết kế và thực hiện những mục tiêu phát triển toàn cầu được đưa ra vào cuối năm nay để thay thế Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Ông John Wilmoth, người đứng đầu cơ quan dân số của Liên Hợp Quốc cho biết tốc độ gia tăng dân số tại các nước nghèo nhất sẽ gây khó khăn trong việc xóa đói giảm nghèo, mở rộng hệ thống giáo dục và y tế ở những khu vực này.
Hàng ngàn người chen chúc tại bể bơi nước mặn tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images
Hai quốc gia lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có hơn 1 tỷ người mỗi nước và có khả năng Ấn Độ sẽ soán ngôi Trung Quốc vào năm 2022.
Các chuyên gia dự đoán, Châu Phi sẽ chiếm hơn một nửa số dân thế giới gia tăng trong vòng 35 năm tới.
10 quốc gia châu Phi gồm - Angola, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Malawi, Mali, Niger, Somalia, Uganda, Tanzania và Zambia - dự kiến tới năm 2100 sẽ tăng dân số gấp 5 lần hoặc hơn thế.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh sản đã giảm ở hầu hết các nước trên thế giới, trong khi tuổi thọ đã tăng lên đáng kể tại những nước nghèo nhất. Tuổi thọ trung bình tại các nước nghèo đã tăng từ 56 lên đến 62 tuổi kể từ đầu thế kỷ 21.
Tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng đồng nghĩa rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Trên toàn cầu, số người trong độ tuổi từ 80 trở lên hiện nay là 125 triệu, được dự đoán sẽ nhiều hơn gấp 3 lần vào năm 2050 và tăng gấp 7 lần cho tới năm 2100.
Mặc dù vậy, dân số tại nhiều nơi trên thế giới vẫn còn khá trẻ, trong đó có châu Phi, trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 2/5 dân số.
"Một lượng lớn những người trẻ tuổi (ở châu Phi), những người sẽ trưởng thành, lập gia đình và có con, đảm bảo rằng khu vực này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và phân bổ dân số thế giới trong những thập kỷ tới.", báo cáo của LHQ cho biết.
NGÂN LINH (Theo Smh)
Theo NLD
Bạo loạn bùng phát ở Zambia Thủ đô Lusaka của Zambia đã rơi vào bạo loạn, hơn một tuần sau khi Tổng thống nước này Michael Sata qua đời ở Anh hồi tuần trước. Hàng trăm người biểu tình giận dữ đổ về tòa nhà chính phủ ở thủ đô Lusaka. Bạo loạn nổ ra giữa những người người biểu tình với cảnh sát suốt từ tối 3/11 để...