Nước Mỹ trầm lặng trước giao thừa
Khác với biển người háo hức vào đêm giao thừa năm ngoái, Quảng trường Thời đại sẽ chỉ còn vài trăm người lặng lẽ tạm biệt những sóng gió năm 2020.
“Tôi nóng lòng được chôn vùi năm 2020 hơn cả việc trông đợi vào năm 2021. Tôi không muốn nhìn thấy năm 2020 thêm chút nào nữa”, Stephen Hughes, trợ lý tại Sở Cảnh sát New York, Mỹ, người chịu trách nhiệm hỗ trợ giám sát an ninh vào đêm giao thừa, cho hay.
Thay vì mở cửa cho khoảng một triệu người như thường lệ, Quảng trường Thời đại ở thành phố New York năm nay sẽ chỉ đón vài trăm người có giấy mời đặc biệt, bao gồm những nhân viên thiết yếu trên tuyến đầu chống Covid-19, cùng gia đình họ. Họ sẽ được kiểm tra thân nhiệt và cần đeo khẩu trang trong lúc chứng kiến một trong những năm tồi tệ nhất lịch sử Mỹ trôi qua.
Quả cầu pha lê đặt tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, hôm 30/12 để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Ảnh: AFP .
Bao trùm năm 2020 là đại dịch Covid-19, với hơn 20 triệu ca nhiễm và gần 351.000 người chết tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, kéo theo nạn thất nghiệp và các công ty làm ăn thua lỗ trầm trọng.
Vụ George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis, bị một cảnh sát da trắng ghì chết hồi tháng 5 đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình dữ dội khắp đất nước, thậm chí lan sang nhiều quốc gia khác, nhằm chống nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.
Thêm vào đó là cuộc bầu cử tổng thống gây chia rẽ chưa từng có trong lòng nước Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump kiên quyết không chịu nhận thua trước Joe Biden, liên tục khẳng định ông mới là người thắng cuộc đích thực, khiến lời chia tay với năm 2020 dường như càng trở nên khó khăn.
Video đang HOT
Nhiều người cũng ý thức được rằng “hiện thực tàn nhẫn” của nước Mỹ sẽ không biến mất trong buổi bình minh đầu tiên của năm 2021. “Việc kim đồng hồ báo hiệu năm 2021 đã tới sẽ không giúp xóa bỏ mọi thứ”, Juanita Erb, một y tá nghiên cứu lâm sàng được mời dự đêm giao thừa tại Quảng trường Thời đại, cho hay.
Trên bức tường dán điều ước ở quảng trường, nơi mọi người gửi gắm hy vọng vào năm mới, nội dung trên các mảnh giấy phản ánh nỗi bất an dai dẳng giữa cuộc khủng hoảng. “Covid suy giảm, du lịch nhiều hơn”, “Đại dịch sẽ kết thúc”, hay “Thịnh vượng và không Covid” là những thông điệp nằm trong số đó.
Mặc dù Covid-19 ở Mỹ chưa có dấu hiệu khả quan hơn, một số nghi thức đón giao thừa truyền thống vẫn được tổ chức, bao gồm việc thả quả cầu pha lê nặng 6 tấn dọc bên tòa nhà 25 tầng trên Quảng trường Thời đại, để đánh dấu sự kết thúc năm cũ, khởi đầu năm mới.
Tuy nhiên, sự hiện diện của hàng trăm nghìn người, yếu tố tạo nên không khí đón giao thừa sôi động trên Quảng trường Thời đại, sẽ không còn. New York, nơi từng thu hút cả thế giới vào dịp này mỗi năm, giờ đây đề nghị công chúng tránh xa. “Sự kiện giao thừa 2021 sẽ không mở cửa cho công chúng và không có khu vực quan sát cho công chúng”, theo nội dung in đậm trong thông báo của Sở Cảnh sát New York.
Suốt ba thập kỷ qua, trợ lý cảnh sát trưởng Hughes cùng một nhóm đồng nghiệp đã xử lý phần lớn công việc hậu cần cho một trong những sự kiện thường niên lớn nhất thế giới, chứng kiến dòng người dần đông đúc hơn qua từng năm. Họ hôn nhau, reo hò trong bầu không khí rộn ràng và huyên náo, hướng tới một năm mới đầy hứa hẹn.
Thông thường, hàng nghìn sĩ quan được huy động để hỗ trợ trong đêm, nhiệm vụ mà họ cũng sẵn sàng bởi được giao lưu với người dân từ khắp thế giới một cách vui vẻ. Năm nay, lực lượng cảnh sát bổ sung sẽ giảm 80%, khi quy mô sự kiện được thu hẹp và đi kèm với những biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19. Với một sự kiện khép kín và phát trực tuyến, không khí có lẽ sẽ trầm lắng hơn.
Juanita Erb, y tá giúp giám sát các thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer tại Trung tâm Vaccine Langone của Đại học New York, nằm trong số ít những người được trực tiếp theo dõi sự kiện. Sau khi đại dịch tấn công nước Mỹ, người phụ nữ 44 tuổi đã bỏ việc để đến hỗ trợ hoạt động tại trung tâm vaccine. “Tôi nghĩ mình nên làm như vậy. Cộng đồng và đất nước cần tôi ngay bây giờ”, Erb cho biết.
Một trong những khách mời khác là Danny Haro, sinh viên 22 tuổi đến từ thị trấn Montclair, bang New Jersey. Anh làm nghề giao đồ ăn cho một nhà hàng Italy và bảo vệ một cửa hàng quần áo, những công việc không được ca ngợi nhưng đã tạo điều kiện cho cuộc sống “bình thường mới” diễn ra.
Khi Covid-19 hoành hành hồi mùa xuân, nhà hàng Villa Victoria Pizzeria ở Montclair, nơi Haro làm việc, bắt đầu phát mỳ ống và salad miễn phí cho nhân viên tại bệnh viện Mountainside gần đó.
Sau một thời gian giao đồ, đến đầu tháng 4, Haro nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV và đã lây cho cả cha mẹ, anh trai và hai chị gái. Virus khiến Haro phải chịu đựng những cơn sốt, tức ngực, mất khứu giác và nhiều đêm dài sợ hãi.
Sức khỏe của Haro đã ổn hơn nhiều. Anh sẽ dành đêm giao thừa tại Quảng trường Thời đại với mẹ và chị gái, trong khi Erb đi cùng người bạn đời. Y tá 44 tuổi hy vọng trong năm mới, mọi người sẽ không còn lơ là và tuân thủ hướng dẫn y tế cộng đồng, vì mục tiêu ngăn chặn đại dịch.
Haro dự đoán năm 2021 sẽ không khác gì so với 2020, ít nhất là giai đoạn đầu năm. Vì vậy, sinh viên này chỉ ước một điều. “Thật sự thì tôi chỉ cần khỏe mạnh”, Haro nói.
Cảnh tượng đìu hiu của Sydney trước đêm Giao thừa
Dịch bệnh khiến quy mô màn trình diễn pháo hoa nức tiếng của Sydney năm nay bị thu nhỏ, người dân cũng được khuyến cáo ở nhà đón năm để ngăn dịch lây lan.
Cầu Cảng Sydney vắng vẻ hơn rất nhiều so với thời điểm này các năm trước. (Ảnh: Mick Tsikas / AAPA)
Khung cảnh đón giao thừa vắng vẻ ở Australia, khác biệt so với các năm trước. (Ảnh: Twitter)
Mỗi năm, có khoảng một triệu người kéo tới Bến cảng Sydney để xem màn trình diễn pháo hoa nổi tiếng. Nhưng năm nay giới chức Sydney khuyến cáo người dân đón năm mới qua TV. (Ảnh: AP)
Một biển báo gắn gần hàng rào an ninh gần bến cảng Sydney. (Ảnh: AP)
Nhà hát Opera Sydney đã đóng cửa từ 15h chiều 31/12. Một số khu vực xung quanh bị phong tỏa để tránh tụ tập đông người. Hàng năm, khoảng 9.000 người sẽ có mặt bên ngoài Nhà hát Opera Sydney để tham gia các sự kiện đón Giao thừa và Năm mới. (Ảnh: Guardian)
Cảng Sydney nơi tổ chức bắn pháo hoa năm nay vắng lặng chưa từng thấy. (Ảnh Reuters)
Cả thế giới đón giao thừa kỳ lạ nhất: Sẽ cực kỳ yên ắng vì COVID-19 Hàng tỉ người trên toàn thế giới đang chuẩn bị đón năm mới 2021. Nhưng có lẽ đây sẽ là một giao thừa khác biệt với các lệnh phong tỏa, giới hạn đi lại và giờ giới nghiêm tại nhiều quốc gia vì COVID-19. Giao thừa 2021 sẽ rất khác biệt với các lệnh phong tỏa, giới hạn đi lại và giờ giới...