Nước Mỹ “phân cực” sau cuộc luận tội Tổng thống
Sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống, ông Trump đã chỉ trích cuộc luận tội là một toan tính chính trị.
Sáng 19/12 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua 2 điều khoản luận tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội đối với Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích động thái trên của đảng Dân chủ, gọi đây là “đỉnh điểm của một trong những tập phim chính trị đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Euronews.
Sau 3 tháng điều tra, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng thống Donald Trump, với 230 phiếu ủng hộ so với 197 phiếu chống và 1 phiếu trắng đối với điều khoản lạm quyền và 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống đối với điều khoản cản trở Quốc hội. Trong số các Hạ nghị sĩ bỏ phiếu chống có 3 nghị sĩ Dân chủ.
Nhà Trắng đã ngay lập tức có phản ứng, chỉ trích cuộc bỏ phiếu là mang tính đảng phái, thiếu quy trình, đồng thời khẳng định quá trình vi hiến của Hạ viện đã dẫn đến hai điều khoản luận tội vô căn cứ mà không đưa ra bằng chứng nào về hành vi sai trái của Tổng thống.
Ông Donald Trump nhận quyết định bị luận tội khi đang đứng trên sân khấu tại một cuộc mít tinh theo chủ đề Giáng sinh ở Michigan, bang đã góp phần mang lại cho ông chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Từ đây, Nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ trích cuộc luận tội là một toan tính chính trị và là một bước đi mang tính tự sát đối với đảng Dân chủ. Ông đồng thời nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu đã một lần nữa cho thấy, mỗi lá phiếu của đảng Cộng hòa đều dành cho ông.
“198 là số phiếu chống đối với hai điều khoản luận tội. Có nghĩa là chúng ta đã không mất một phiếu bầu của đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa của chúng ta chưa bao giờ phải đương đầu như vậy, nhưng cũng chưa bao giờ chúng ta lại đoàn kết như hiện tại. Ở Thượng viện cũng vậy, chúng tôi có những thượng nghị sĩ tuyệt vời. Họ yêu đất nước của mình và sẽ làm điều đúng đắn”, ông Trump nói.
Phe Dân chủ cũng ngay lập tức đáp trả, cho rằng những hành vi vô trách nhiệm của Tổng thống chỉ càng cho thấy sự cần thiết của việc luận tội. Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders cũng đang trong cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Hôm nay là một ngày buồn, nhưng cần thiết cho nền dân chủ Mỹ. Tổng thống đang bị luận tội và đó là điều đúng đắn. Bởi chúng tôi không bao giờ được quên rằng không có ai có thể đứng trên luật pháp, trên Hiến pháp. Vì vậy, tôi ủng hộ những gì Hạ viện đã làm”.
Video đang HOT
Kết quả của cuộc bỏ phiếu lịch sử tại hạ viện sẽ mở đường cho một phiên xét xử tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát để đưa ra phán quyết liệu có kết tội và phế truất vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ nữa hay không. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là không cần thiết. Bởi để được thông qua, việc luận tội cần phải nhận được sự ủng hộ của 2/3, tức 67 trên tổng số 100 thượng nghị sĩ.
Hiện nay đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tuyệt đối tại cơ quan lập pháp này, với 57 ghế so với 43 ghế của đảng Dân chủ. Dù tất cả các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đều bỏ phiếu chống lại ông Donald Trump, thì vẫn phải cần có thêm sự ủng hộ của 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 tới.
Trong lịch sử nước Mỹ, tới nay chỉ có hai Tổng thống bị đưa ra luận tội. Lần gần đây nhất, Hạ viện Mỹ năm 1998 đã luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton về các tội khai man và cản trở công lý, nhưng sau đó Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu chống lại nỗ lực này.
Trước đó vào năm 1868, Hạ viện đã luận tội cựu Tổng thống Andrew Johnson do quyết định loại bỏ Bộ trưởng Chiến tranh, tuy nhiên ông Johnson vẫn “sống sót” nhờ một phiếu bầu tại Thượng viện. Còn đối với trường hợp cựu Tổng thống Richard Nixon năm 1974, ông này đã từ chức ngay trước khi Hạ viện tiến hành bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội.
Dù kết quả cuộc bỏ phiếu sắp tới Thượng viện ra sao, thì rõ ràng một thực tế không thể phủ nhận là nước Mỹ đang bị chia rẽ. Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy, 48% số người dân Mỹ ủng hộ việc luận tội Tổng thống và cũng tỷ lệ tương đương 48% phản đối. Một điều mà không ai dù là đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ có thể phủ nhận là cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua đã viết thêm một trang buồn vào lịch sử nước Mỹ.
Theo Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)
Hậu quả khôn lường khi D.Trump bị luận tội!
Tổng thống Donald Trump chính thức bị luận tội với 229 phiếu thuận của các nghị sĩ Dân chủ và 198 phiếu chống, gồm tất cả các nghị sĩ Cộng hòa và 3 nghị sĩ Dân chủ.
Với hai cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội, ông chính thức trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ bị Hạ viện luận tội, mở đường cho việc mở phiên xét xử Tổng thống tại Thượng viện.
Cuộc luận tội Tổng thống Trump cho thấy sự phân cực trong nội bộ chính quyền Mỹ
Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng công bố báo cáo điều tra luận tội dài 300 trang, cho biết bằng chứng về hành vi sai trái và cản trở quốc hội của Trump "rất mạnh mẽ".
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Tuy nhiên, khả năng "gãy gánh giữa chừng" là rất thấp vì Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Mặt khác, hiện các nghị sỹ Cộng hòa đã lên tiếng bảo vệ Tổng thống. Hạ nghị sỹ Doug Collins khẳng định việc đảng Cộng hòa cảm thấy không có vấn đề gì trong việc đưa vấn đề luận tội Tổng thống công khai với người dân Mỹ vì chính họ đã bầu nên Tổng thống Trump.
Do đó, ông cho rằng việc bỏ phiếu về luận tội nhẽ ra là phải thuộc về cử tri Mỹ, chứ không phải là tại Hạ viện. Ông chỉ trích các động thái của đảng Dân chủ và cho rằng cả 2 bản luận tội nhằm vào Tổng thống đều không có căn cứ.
Có thể thấy, cuộc luận tội đang thể hiện sự phân cực sâu sắc trong nội bộ chính quyền Mỹ tại nhiệm kỳ Tổng thống Trump, đồng thời có thể gây ra hậu quả chính trị nghiêm trọng cho cả hai đảng trước cuộc bầu cử năm 2020.
Nhà bình luận chính trị kiêm sử gia quân sự của Mỹ Oliver North nhận định, cuộc điều tra luận tội Trump sẽ khiến người dân Mỹ "quay lưng" với đảng Dân chủ, và sẽ bỏ phiếu cho Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 khi làm trầm trọng hóa tình trạng phân cực trong xã hội Mỹ.
Thậm chí, cuộc luận tội này cũng đã gây chia rẽ lớn trong nội bộ đảng Dân chủ khi nhiều nghị sĩ thuộc đảng này lo ngại sẽ đánh mất phiếu bầu của cử tri tại địa hạt của mình nếu cố theo đuổi cuộc chiến với Tổng thống.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump sẽ không phải lo lắng quá nhiều về cuộc bầu cử năm 2020, xuất phát từ việc nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp kỷ lục.
Cụ thể, báo cáo điều chỉnh do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/11 cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới trong quý III năm nay đạt 2,1% so với cùng kỳ năm 2018 và cao hơn mức 1,9% công bố trước đó một tháng.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 6/12 cũng cho biết, trong tháng 11 vừa qua nền kinh tế Mỹ tạo ra 226.000 việc làm, cao hơn dự báo trước đó của giới chuyên gia là 180.000, qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mốc 3,5%, mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.
Các dữ liệu đều đưa đến một thực tế là rất khó để đánh bại một Tổng thống đương nhiệm trừ khi nền kinh tế bị đa số công chúng nhìn nhận là đang suy yếu nghiêm trọng.
Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2, cử tri sẽ coi nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Điều này đồng nghĩa nếu họ tin rằng một Tổng thống đang làm tốt công việc điều hành đất nước, thì họ có xu hướng chọn lại người đó để tiếp tục cầm quyền.
Với kết quả dường như đã được định trước, cuộc luận tội Tổng thống Trump sẽ tạo thành vết sẹo tồn tại trong nhiều năm nữa với nước Mỹ.
Tương tự như các cuộc luận tội đối với các cựu Tổng thống Bill Clinton (năm 1998) và Andrew Johnson (năm 1868) trước đây, quá trình này sẽ phản ánh và tăng cường cuộc nội chiến đang chia rẽ chính quyền và đe dọa động lực tiến lên của nước Mỹ.
Cẩm Anh
Theo enternews.vn
Phiên tòa luận tội Tổng thống Mỹ tại Thượng viện diễn ra thế nào? Trong phiên tòa luận tội tổng thống Mỹ, Thượng viện đóng vai trò bồi thẩm đoàn, Hạ nghị sĩ đóng vai trò công tố viên và tổng thống là bị cáo. Hôm nay (18/12), Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên họp toàn thể để bỏ phiếu luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đánh giá, Tổng thống Trump gần như chắc...