Nước mắt vùng lũ và những chia sẻ xoa dịu nỗi đau
Không khí tang tóc nặng nề đang bao trùm lên vùng rốn lũ phía bắc tỉnh Quảng Nam. Chiều 18.12, trong khi nước lũ chưa rút hết thì người thân cùng xóm phải làm lễ đưa linh cữu ông Trần Văn Hùng (52 tuổi, trú thôn Phúc Khương, xã Đại Cường, H.Đại Lộc, Quảng Nam) đi an táng.
Bà Võ Thị Lệ Thu (vợ ông Trần Văn Hùng) khóc ngất khi đưa linh cữu chồng mai táng trong nước lũ
Những người thân ông Hùng cho biết, chiều 15.12, nước lũ tràn vào, ông Hùng cùng vợ đưa đàn heo lên cao thì không may bị điện giật ngã xuống dòng nước.
PV Thanh Niên đã đến viếng hương và trao 5 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình ông Hùng. Anh Trần Văn Đào (25 tuổi, con trai ông Hùng) cố kìm nước mắt cho biết: “Anh em chúng tôi đứa đi làm, đứa đi học xa, cha ở nhà phụ giúp mẹ làm ăn nhưng cuộc sống thiếu thốn vất vả lắm” và cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời từ bạn đọc của Báo Thanh Niên.
Trong ngày, PV đã vào các địa phương Điện An, Điện Phước và Điện Thọ (TX.Điện Bàn) để trao tiền hỗ trợ cho 3 trường hợp khác (mỗi trường hợp 5 triệu đồng) cũng tử vong trong mưa lũ. Nhiều người có mặt tại đám tang anh Đỗ Hoàng Vũ (25 tuổi, trú thôn Ngọc Tứ, Điện An) rất xúc động khi nghe ông Đỗ Như Huệ (56 tuổi, cha anh Vũ) kể, sáng 16.12, để giúp bạn đi thăm vợ mới sinh, Vũ đã chèo ghe vượt dòng nước đưa bạn ra Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (tại Vĩnh Điện, TX.Điện Bàn).
Đến chiều tối cùng ngày, khi nhóm bạn cùng Vũ về nhà thì chiếc ghe bị lật úp. Nghĩ mình biết bơi nên Vũ đã nhường áo phao cho bạn bơi vào bờ còn một mình anh vật lộn giữa dòng nước. “Nhưng vì mang áo mưa cánh dơi nên Vũ không xoay xở được. Đến sáng hôm sau, thi thể Vũ mới được tìm thấy”, ông Huệ lấy vạt áo lau nước mắt.
“ Sao dở dang hết thế này con ơi…”
Khi PV vào động viên và trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Nguyễn Đình Dinh (52 tuổi, Chủ tịch HĐND xã Điện Phước), ông bật khóc nức nở. Con trai ông là Nguyễn Đình Toàn (25 tuổi, thượng sĩ công an đang công tác tại TP.Hội An, Quảng Nam) vừa bị chết đuối trong lũ. “Sáng 15.12, vì nước lũ lớn nên Toàn không về được cơ quan. Đến chiều hôm sau, Toàn cùng anh trai bà con chèo ghe đi thăm người thân thì chiếc ghe bị vô nước rồi chìm nghỉm”, ông Dinh kể.
Thấy anh họ chới với trong dòng nước lũ, Toàn đã tìm cách ứng cứu nhưng vì mặc áo ấm và bị đám bèo theo lũ trôi về đè lên người nên Toàn đuối nước. “Tôi nghe nó bảo chuẩn bị được công an TP cho đi học lên đại học, tôi mừng vô cùng. Thế mà… Sao dở dang hết thế này, con ơi…”, ông Dinh nghẹn ngào.
Video đang HOT
Một nạn nhân khác trú tại TX.Điện Bàn cũng từng phục vụ trong ngành công an là ông Trần Văn Lại (62 tuổi, trú thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ). Chiều 17.12, ông Lại chở chị gái về nhà thì bị rơi một túi đồ. Ông Lại nhảy xuống vớt thì không may bị nước cuốn dẫn đến tử vong. Nhận được số tiền hỗ trợ, con trai ông Lại, anh Trần Văn Hòa (37 tuổi) nói trong nước mắt: “Gia đình chúng tôi thật sự xúc động khi mưa lũ vẫn đang hoành hành nhưng Báo Thanh Niên vẫn đến tận nhà để thăm hỏi, chia sẻ”.
Cả xã thương tiếc “vua bò”
Sáng 18.12, dưới cơn mưa phùn, giá rét hàng trăm người dân ở xã Hồng Tiến, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng bà con đã tiễn đưa ông Phạm Minh Trí, 46 tuổi ở thôn 4, Hồng Tiến về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Trí là 1 trong 4 người ở Thừa Thiên-Huế thiệt mạng trong đợt mưa lũ từ ngày 13 – 17.12.
Những năm về trước từ một người có hoàn cảnh khó khăn, ông Trí làm ăn vươn lên và trở thành một tấm gương điển hình. Cho đến nay ngoài hồ cá, vườn nương, ông Trí có khoảng 37 ha rừng keo lai. Đặc biệt, có thể xem ông Trí là “vua nuôi bò” ở Thừa Thiên-Huế hiện nay khi đang chăm nuôi và sở hữu hơn 250 con bò, hơn 50 con trâu.
Chiều 13.12 thấy mưa lớn, ông Trí cùng người làm công lên rừng lùa bò về trại (đóng trong rừng, đi về 1 ngày đường). Khi đi ngang suối Máu, nước lũ về rất lớn nhưng ông Trí vẫn bơi qua thì bị nước cuốn. Khi PV Thanh Niên mang tiền bạn đọc đến hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, vợ ông Trí, nghẹn ngào: “Tui thật sự bất ngờ, chỉ xin biết gửi lời cảm ơn đến mọi người”.
(Theo Thanh Niên)
Thiên tai làm 235 người chết và mất tích trong năm 2016
Bão, mưa lũ, sạt lở, rét đậm... xảy ra trong năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương trên cả nước, ước tính thiệt hại gần 38.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục mưa lũ miền Trung.
235 người chết và mất tích, thiệt hại gần 38.000 tỷ đồng
Sáng nay (17/12), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình thiên tai ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp. Tình hình bão, hạn hán, mưa lũ, rét đậm, rét hại, sạt lở đất... diễn ra bất thường với cường độ cực đoan.
Đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên vừa trải qua đợt hạn hán kéo dài thì từ tháng 10 trở lại đây lại phải hứng chịu mưa lũ trên diện rộng. Tổng lượng mưa 2 tháng gần đây nhiều nơi lớn hơn trung bình năm, cá biệt như Trà My (Quảng Nam) mưa 2.611mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729mm.
Mưa lớn đã làm lũ các sông lên cao, các hồ chứa thủy điện phải xả lũ gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh; đường giao thông bị chia cắt, sản xuất đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn.
Từ giữa tháng 10/2016 đến nay, mưa lũ đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng.
Riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích. Hơn 111.000 ngôi nhà bị ngập nước; hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi và các địa phương vẫn tiếp tục thống kế thiệt hại.
Như vậy, cùng với đợt lũ này, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ở Việt Nam làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Tại cuộc họp, 9 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp. Về lương thực: 5.850 tấn gạo và 5 tấn lương khô (Bình Định).
Về thuốc khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho người: 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác. Các tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ hàng trăm tấn giống cây trồng phục vụ sản xuất cũng như hơn 1.200 tỷ đồng cho khắc phục cấp bách về hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Tập trung mọi nguồn lực cứu trợ người dân
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: "Trước mắt, các địa phương tập trung cứu dân, không để người dân đói, khát, bệnh tật xảy ra. Nước rút tới đâu, dọn dẹp vệ sinh môi trường tới đó".
Tình hình mưa lũ miền Trung vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Ảnh Người lao động.
Với tình trạng ngập úng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo ở Trung ương và địa phương huy động đoàn viên, thanh niên, hội viên ở những vùng ít bị thiên tai để dựng lại nhà cửa cho dân, không để cho người dân sống cảnh màn trời chiếu đất.
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chuẩn bị một vụ Đông Xuân "đặc biệt" cho các tỉnh miền Trung vì vụ đã chậm 20 ngày, đồng ruộng hiện bị cát lấp, thủy lợi bị phá hoại.
"Bằng những biện pháp cụ thể, cơ cấu cây trồng cho vụ Đông Xuân phải được triển khai ngay trong năm nay để khắc phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân", Thủ tướng chỉ đạo.
Các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, báo cáo lên Trung ương để Chính phủ và các bộ ngành xem xét, giải quyết từng việc hỗ trợ cho người dân. Các bộ ngành Trung ương theo nhiệm vụ chức năng xuống trực tiếp địa phương kiểm tra để có kế hoạch hỗ trợ khắc phục như y tế, giao thông, giáo dục, kế hoạch đầu tư, công an, quân đội...
"Từng tỉnh một phát động nhanh cả hệ thống chính trị để giúp dân kịp thời hơn nữa, huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an giúp dân trong lúc khó khăn. Làm tốt truyền thống, noi gương người tốt việc tốt, động viên nhân dân chủ động vươn lên. Trong khó khăn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ các gia đình khó khăn. Không để người dân chờ đợi", Thủ tướng yêu cầu.
Kết thúc phần chỉ đạo của mình, Thủ tướng cho rằng: "Đây là bài học về giữ gìn, bảo vệ, phát triển rừng. Các tỉnh cần tiếp tục trồng rừng để bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực 4 tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra".
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Thảm án Quảng Ninh: Bị can được nạn nhân mời ở lại ăn cơm Sau khi sát hại 4 người họ hàng, Dũng về nhà tắm giặt, đưa vợ đi làm, thậm chí rủ bạn về nhà đánh bạc như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bị can Doãn Trung Dũng (giữa) gây ra vụ thảm án sát hại dã man 4 bà cháu ở Quảng Ninh Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh...