Nước mắt trên quê hương thứ 2 của vị Đại tướng huyền thoại
Điện Biên được coi là quê hương thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã từ lâu, nhân dân các dân tộc Điện Biên tôn thờ Đại tướng như một vị thần của bản làng, người đã lãnh đạo nhân dân các bản mường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đến khi tuổi già, sức yếu, ông vẫn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiến nghị Trung ương giúp đỡ nhân dân địa phương xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Hôm nay, trên địa bàn xã Mường Phăng, nơi căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, bà con các bản làng nghẹn ngào nghe tin ông mất, để rồi ngồi ôn lại những công lao của Vị Đại tướng huyền thoại đối với nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
Nhân dân xã Mường Phăng lặng người khi nghe Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Biên thông báo tin Đại tướng qua đời.
Ngay từ sáng sớm ngày 5/10, bà con xã Mường Phăng đã tụ họp về nhà Trưởng bản Lò Văn Ương dưới chân Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Bí thư Đảng uỷ xã Lò Văn Biên nghẹn giọng đi thông báo tin: “Vị thần hộ mệnh” của bản làng đã ra đi mãi mãi. Trong tiếng nức nở, những người đã từng được gặp Đại tướng ngồi ôn lại những kỷ niệm của mình. Ôm khư khư trong tay bức ảnh chụp chung với Đại tướng vào dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004), cụ Lù Thị Đôi, năm nay tròn 100 tuổi ở bản Phăng nghẹn ngào kể lại bằng tiếng dân tộc Thái: Năm đó, cụ được đích thân Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, bắt đầu xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng căn dặn cụ: “Nhiệm vụ này rất quan trọng, cô là Trưởng ban vận động của địa phương, phải tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng cũng phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi”. Sau đó, cụ như con thoi, đi khắp các bản làng tuyên truyền vận động bà con, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngay sau ngày chiến thắng, Đại tướng lại gặp cụ, căn dặn là đất nước giải phóng rồi, nhưng vẫn phải tham gia công tác để xây dựng đất nước, xây dựng bản làng, Đảng và Nhà nước sẽ có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Nghe lời Đại tướng, cụ đã tham gia công tác, làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Phăng trong nhiều năm rồi mới nghỉ hưu. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm bà con nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Đại tướng đã cho người đến tận nhà mời cụ đến chụp ảnh chung, bởi sức khoẻ của ông đã yếu, không biết sau này có còn lên với bà con được nữa không.
Trưởng bản Lò Văn Ương thay mặt cho nhân dân địa phương phát biểu: Năm Đại tướng lên thăm bà con, nhân dân khắp vùng đã kéo đến để gặp “Vị thần” và cũng là người con của bản làng. Bà con ở vùng này chịu ơn ông cụ lắm, vì đã giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm năm xưa, bây giờ lại tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo. Trên địa bàn xã đã mọc lên những ngôi trường được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của ông cụ và gia đình, giờ có ngôi trường đã mang tên Đại tướng. Nay nghe tin cụ Giáp mất, bà con buồn lắm vì tình cảm đã quá sâu nặng, cứ như trong bản mất đi người già làng vậy.
Cụ Lù Thị Đôi, tròn 100 tuổi ở bản Phăng, xã Mường Phăng, người được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình, xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004.
Video đang HOT
Tại Ban quản lý hồ Lọong Luông ở xã Mường Phăng mà bà con vẫn gọi là “Hồ Đại tướng”, bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết ngày 30/9/2008 gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thuỷ lợi này đã được phóng to, treo lên trang trọng từ ngày khởi công công trình. Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên”. Bí thư Đảng uỷ xã Lò Văn Biên cho biết: “Sau khi hồ Lọong Luông được khánh thành vào đúng ngày 7/5/2013, công trình này đã cấp nước tưới cho 150ha đất trồng lúa sản xuất 2 vụ của bà con nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… thuộc 6 bản trên địa bàn xã Mường Phăng. Đồng thời công trình này cũng phục vụ cải tạo, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho Khu di tích lịch sử Mường Phăng – Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Điện Biên cũng đã bàn giao hồ Loọng Luông 1 cho nhân dân các bản trong khu vực quản lý để thả cá, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhân dân các dân tộc địa phương rất ghi nhớ công ơn của Đại tướng. Cụ mất đi, hỏi đồng bào chúng tôi không đau buồn sao được”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã mất đi trong niềm thương xót vô bờ của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Nỗi niềm của bà con trước sự mất mát này cũng giống như tâm sự của lão thành cách mạng Mùa A Sấu, 80 tuổi ở phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ: “Tôi đi làm liên lạc cho bộ đội ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa từ khi còn nhỏ. Ngày chưa giải phóng, cán bộ nói sau này cách mạng thành công, nhân dân sẽ có đường đi, trường học, bệnh viện cho toàn dân được hưởng. Bây giờ những điều mơ ước đã thành hiện thực nhờ công lao của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, giải phóng Điện Biên và đất nước. Tôi vẫn nói chuyện với bà con ở quê mình là mong muốn trong ngày Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2014), bà con sẽ được nhìn thấy Đại tướng, hay ít nhất là được nghe lời Đại tướng nói với nhân dân Điện Biên từ nơi dưỡng bệnh của mình. Hôm nay nghe tin ông mất, vậy là mong ước của chúng tôi đã mãi mãi không còn được thực hiện rồi”.
Theo infonet
Đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền đạt vai trò của thông tin liên lạc
Người truyền đạt, người thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác thông tin liên lạc không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, nhà cách mạng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Người.
Đặt thông tin liên lạc ở vị trí hàng đầu
Trong suốt chặng đường hơn 68 năm xây dựng và phát triển, CBCNV ngành Bưu điện luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".
Có thể nói, lời căn dặn của Người như một bản tuyên ngôn chắc nịch về vai trò của công tác thông tin liên lạc, từ đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành. Và người truyền đạt, người thấm nhuần lời dạy ấy không ai khác chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, nhà cách mạng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo nhà báo Minh Chí - một nhà báo thuộc ngành Bưu điện, lần đầu tiên câu nói trên được nhắc tới trong cuốn sách "Khu Giải phóng" của tác giả Võ Nguyên Giáp do Nhà Xuất bản Cứu Quốc ấn hành tháng 9/1946 để kỷ niệm 1 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên tới năm 1969 câu nói đó mới thấy được nhắc tới trên báo Nhân dân và một số báo khác. Từ đó đến nay câu nói thường được dẫn mỗi khi chúng ta muốn nói về vai trò quan trọng của thông tin liên lạc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam tới thăm. (Ảnh: Trần Tuấn)
Năm 2004, dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói thêm: "Mặc dầu đến nay, hầu như chúng ta cũng chưa đặt vấn đề xác minh rõ xem Bác đã nói câu này trong bối cảnh cụ thể nào, nhưng có thể nói sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài khi trở về Tổ quốc thì đây là một trong những chỉ đạo đầu tiên mà vị lãnh tụ kiệt xuất đã dành để truyền đạt tới những người hoạt động trong nước. (Người đặt chân về đất Cao Bằng ngày mồng 2 Tết năm Tân Tỵ (28/1/1941) thì ngày 28/2/1941 Người nói câu trên). Điều đó chứng tỏ vấn đề thông tin liên lạc luôn được đặt ở vị trí "hàng đầu" trong suy nghĩ của Người mà qua bao trải nghiệm, trăn trở suốt quá trình tổ chức và đấu tranh mới đúc kết nên".
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp thông tin liên lạc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn hồi ký "Từ nhân dân mà ra", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Ngay từ khi về biên giới, Bác đã luôn luôn chú trọng vấn đề liên lạc với Trung ương dưới xuôi. Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định lấy miền rừng núi Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang. Sau hội nghị, hai đồng chí Trung ương ở với Bác tại Cao - Bắc - Lạng. Các đồng chí khác trở về miền xuôi để lãnh đạo phong trào. Vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với vùng xuôi trở nên đặc biệt quan trọng. Bác thường nói: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi".
Trước tình hình phát triển của phong trào cách mạng trong cả nước, Bác thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội hoạt động du kích mới có thể tiến hành thuận lợi, và nhất là mới tranh thủ kịp thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên Tổng khởi nghĩa"...
Quan tâm đến nhân lực và khoa học kỹ thuật
Để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng của phong trào cách mạng, vấn đề đào tạo cán bộ sử dụng thông tin liên lạc hiện đại đã trở nên cấp bách. Thi hành chỉ thị của Người, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cho mở lớp đào tạo báo vụ viên tại Tân Trào vào cuối tháng 6 năm 1945. Lớp học có 10 người, ngoài phần dạy nguyên lý, quy tắc chung của máy còn có phần thực hành sử dụng các loại máy SST một đèn phá sóng GN6...
Những năm sau khi đất nước hoàn hoàn giải phóng, Đại tướng vẫn giành nhiều thời gian đi thăm và động viên CBCNV ngành Bưu điện vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong chuyến thăm Trường Công nhân Bưu điện 1, ngày 20/12/1981, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng căn dặn: "Mong các đồng chí giáo viên, học sinh, công nhân ra sức phấn đấu, thực hiện tốt phương châm kết hợp giảng dạy, học tập nghiên cứu khoa học với lao động sản xuất theo ngành nghề. Chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các em học sinh, của cán bộ và công nhân viên nhà trường. Chúc các đồng chí tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết với các trường dạy nghề khá, với địa phương, phấn đấu trở thành trường đầu đàn của ngành, một trong những trường kiểu mẫu của toàn ngành dạy nghề quan trọng của nước ta".
Năm 1986, Đại tướng cũng dành thời gian đến thăm và làm việc với ngành Bưu điện; Dự buổi truyền teletype trên tuyến cáp quan thử nghiệm; Đến thăm Bưu điện Hà Nội năm 1990; Thăm và tìm hiểu về đổi mới khoa học công nghệ viễn thông tại Bưu điện Nghệ An năm 1993; Thăm tổng đài đa dịch vụ của Cục Bưu điện Trung ương tại T78, TP HCM vào ngày 22/10/1996. Năm 1997, Đại tướng đã đến thăm VDC II và thăm gian trưng bày kết quả đề tài Kc-01-01 của viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trao tặng cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp" cho bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng.
Ngày 6/11/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đến dự Hội thảo Lịch sử Cục Bưu điện Trung ương. Trong bức thư gửi Hội thảo, Đại tướng đã nói: "Là một hệ thống thông tin liên lạc mật phục vụ Đảng và Chính phủ trên phạm vi cả nước trong công cuộc cách mạng và qua 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược nước ta, đơn vị thông tin liên lạc mật đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã cùng ngành thông tin quân sự liên hệ mật thiết, phối hợp chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cao cho các chiến trường và các địa phương. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đạt hóa đất nước, công tác thông tin liên lạc phục vụ Đảng và nhà nước cần được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đội ngũ các anh chị em cán bộ và công nhân phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến, không ngừng phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ, phục vụ tốt các yêu cầu thông tin phục vụ Đảng và Nhà nước".
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, nhưng với người dân Việt Nam nói chung và mỗi CBCNV ngành Bưu điện, ngành TT&TT nói riêng, tư tưởng của Đại tướng sẽ mãi mãi bất diệt.
Ngày 30/09/2011, Bộ TT&TT đã trao tặng cho gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cuốn sách ảnh "Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp" - Sách do Cục Thông tin đối ngoại và Nhà Xuất bản TT&TT phối hợp thực hiện. Đây là hoạt động chào mừng nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2011), kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Từ 300 bức ảnh trong cuốn sách này, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu với công chúng và bạn đọc. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Qúy Doãn chia sẻ, cuốn sách này được xem là kỷ vật của Bộ TT&TT trao tặng cho gia đình làm kỷ niệm với mong muốn Đại tướng sẽ trường thọ và luôn luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Huệ Anh
Theo infonet
Người Quảng Bình đếm ngược ngày Đại tướng về quê hương Hơn hai ngày nay, người dân làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã có những đêm không ngủ vì những ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con vĩ đại của quê hương, cứ ùa về, đắp đầy vào nỗi nhớ. Gần lắm, quê hương ơi... Tối qua 6.10, dù đã khuya nhưng hàng trăm...