Nước mắt thứ tha và những lá tâm thư của phạm nhân
“Suốt thời gian qua con chưa từng ngừng dằn vặt về tội ác của mình. Cứ đến đêm con lại cầu cho linh hồn anh ấy được siêu thoát”, phạm nhân giết người thổ lộ trong lá gửi cho cha nạn nhân.
Ngày 9/11, trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước) đã tổ chức sơ kết phong trào viết thư “gửi lời xin lỗi” của các phạm nhân. Theo các giám thị, mỗi bức thư là một nỗi niềm, sự dằn vặt ân hận của các phạm nhân. Trong đó, không ít thư đã đánh động đến lòng trắc ẩn của thân nhân người bị hại và đã được họ tha thứ.
Thụ án gần 4 năm về tội Giết người, phạm nhân Lê Nguyên Vũ viết thư gửi cha của bị hại là ông Nguyễn Văn Bắc. Trong thư, Vũ bày tỏ sự hối hận, nỗi dằn vặt, tội ác do mình gây ra đồng thời tỏ lòng biết ơn đến ông Bắc vì đã xin giảm án cho mình.
“Dù cháu là người cướp đi sinh mạng đứa con trai duy nhất của chú nhưng khi ra tòa, trước khi cháu nói lời sau cùng, chú đã xin giảm nhẹ hình phạt cho cháu”, phạm nhân này viết và cho biết đã thấm thía rất nhiều về tội ác mình gây ra cùng nỗi ân hận tột độ. “Bây giờ, hàng đêm trước khi đi ngủ, lúc nào cháu cũng cầu nguyện cho linh hồn anh ấy siêu thoát”, Vũ viết và mong ông Bắc tha thứ.
Vũ nghe như nuốt lấy từng lời tha thứ của cha bị hại. Ảnh: Quốc Thắng.
Nhận được bức thư, ông Bắc cho biết tỏ ra khá bất ngờ vì chuyện xảy ra đã lâu, gia đình cũng phần nào nguôi ngoai. Dù trước đó, thời điểm nghe tin cậu con trai Nguyễn Văn Bằng bị sát hại khi mới 23 tuổi, ông cùng vợ mình tưởng như không thể sống nổi. Nhưng ngày ra tòa để chứng kiến kẻ thủ ác phải trả giá, người cha này đã nén đau thương mà xin giảm án cho Vũ bởi thấy bị cáo còn người mẹ già để chăm sóc. “Khi đọc lá thư, nỗi đau xé lòng thêm lần nữa dày vò tôi. Song, thấy Vũ hiểu được tội lỗi và dằn vặt suốt thời gian trong trại tôi nghĩ anh ấy đã hướng thiện”, ông nói.
Đối diện với kẻ sát hại con mình, ông Bắc không ngần ngại chìa bàn tay về phía trước. Nắm lấy bàn tay Vũ, giọng ông nhẹ nhàng khuyên nhủ, mong anh sớm được trở về chăm sóc gia đình. Cuối cùng, bằng nước mắt và sự cảm thông, ông một lần nữa tiến đến bên Vũ, nhẹ giọng: “Tôi tha lỗi cho cậu”.
Hạnh phúc hơn là trường hợp của ông Nguyễn Trí Dũng. Ở cái tuổi 75 gần đất xa trời, khi nhận được bức thư xin lỗi của con trai mình, ông bảo dường như mình được sinh ra thêm lần nữa. “Tôi không nghĩ đến tuổi này tôi lại được hưởng niềm vui như vậy. Tôi nghĩ mình đã mất đi đứa con trai này rồi”, ông Dũng nghẹn ngào.
Đứa con ngỗ ngịch được cha già tha thứ. Ảnh: Quốc Thắng.
Con trai ông Dũng là Nguyễn Thành Trung, bị tuyên án 8 năm tù về tội Buôn bán trái phép chất ma túy. Trong thư gửi về cho cha mẹ, phạm nhân này bày tỏ sự hối hận. “Ngày đó, khi hay tin con bị bắt ba đã ngã bệnh và liệt không đi đứng được. Hỏi mẹ mà mẹ cứ nói lảng sang chuyện khác. Trời ơi, con xót xa và ân hận vô cùng, mái tóc ba xơ xác chỉ sau vài tháng con bị bắt”, Trung viết trong thư.
Video đang HOT
Theo ông Dũng, trước khi vào tù, Trung là đứa con nghiện ngập. Dù đã có vợ con nhưng anh này thường xuyên tụ tập để hút chích. Muốn con thoát khỏi “cái chết trắng”, ông cùng vợ bàn nhau đưa con về Bình Dương để cách ly với bạn bè xấu. Tuy nhiên, trải qua 3 năm yên ả, một ngày ông như chết lặng khi nghe tin cả vợ chồng con trai bị bắt vì tội buôn bán ma túy. “Sau khi đọc thư, vợ chồng tôi hạnh phúc khôn tả. Dường như nó đã gột rửa được tội lỗi của mình và đứng lên”, ông chia sẻ.
Lập cập tiến những bước khó khăn, người cha già ôm chầm lấy Trung. Đứa con ngỗ nghịch ngày nào khóc nấc như đứa trẻ trong vòng tay cha. “Tôi cảm ơn các cán bộ trai giam. Chính các vị đã tái sinh cho tôi đứa con này”, ông lão nói lời cảm ơn.
Trại giam Tống Lê Chân có hơn 2.500 lá thư xin lỗi của các phạm nhân. Ảnh: Quốc Thắng.
Còn với phạm nhân Lê Hoàng Sơn (27 tuổi), anh bảo đã đắn đo rất nhiều khi viết tâm thư gửi lời xin lỗi đến bà Nguyễn Thị Mai bởi trước đó 3 năm anh là nỗi kinh hoàng cho cả gia đình họ.
Trưa một ngày năm 2010, cả nhà bà Mai gồm 5 người đang ở nhà tại tỉnh Bình Phước thì xảy ra một vụ ẩu đả giữa 2 nhóm thanh niên say xỉn diễn ra ngoài đường cách đó không xa. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì bất ngờ Sơn dẫn nhóm thanh niên tay lăm lăm hung khí như cuốc xẻng, mã tấu, gậy gộc… xộc thẳng vào nhà.
Nhóm này tấn công khiến 5 người trong gia đình bà Mai đều bị thương nặng, trong đó người con rể Quách Văn Ngà (39 tuổi) bị cuốc đánh vào đầu trở nên “lẩn thẩn”. Sau vụ việc, Sơn bị tuyên án 10 năm tù và một số người khác cũng chịu trừng phạt của pháp luật.
“Chắc anh rất ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ này mà không nghĩ đây là những lời sám hối của người đã từng gây cho anh đau đớn, khiếp sợ và xáo trộn trong cuộc sống bình yên của gia đình anh…”, Sơn viết trong bức xin lỗi gửi anh Ngà và gia đình bà Mai. “Những ngày tháng trôi đi, tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó để tạ lỗi với anh và gia đình. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm hay nói lên nỗi lòng cho anh hiểu vì tôi sợ sẽ làm cho anh và gia đình tổn thương thêm lần nữa. Tôi ước thời gian qua là phương thuốc xoa dịu nỗi đau ngày đó, ngày của sự thù hận được nung nấu và trở thành hành vi côn đồ và tội ác…”.
Bà Mai thẳng thắn kể, lúc nhận được bức thư, ai trong gia đình bà cũng tức giận, căm phẫn bởi từng gánh chịu những vết thương ghê gớm. Song, khi đọc những lời lẽ trong thư, mọi người đều đã thấy được sự ăn năn của một người trẻ tuổi, nông nổi nhất thời trong cơn say. “Gia đình tôi tha thứ và mong cậu sớm cải tạo tốt để về với xã hội”, bà Mai nói và không quên nắm chặt tay khi gặp Sơn.
Có mặt trong buổi Sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục 8 (Cục Cảnh sát Thi hành án dân sự và Hỗ trợ tư pháp) đánh giá, đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhân văn. Bởi sự tha thứ không chỉ giúp cho phạm nhân được giải tỏa nỗi lòng để tập trung cải tạo thành người tốt mà còn giúp cho toàn xã hội bớt đi một kẻ tội phạm.
“Cần thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng rộng mở, tha thứ cũng như đón nhận những con người một thời lầm lỗi này”, trung tá Ninh chia sẻ.
Theo trại giam Tống Lê Chân , trong phong trào viết thư “Gửi lời xin lỗi”, trại có tất cả 2.551 bức thư được gửi đi. Trong đó, nhiều bức thư xin lỗi người thân, người bị hại, cơ quan chức năng… đã được hồi đáp. Mỗi bức thư là nỗi niềm tâm sự, tâm huyết, suy nghĩ của các phạm nhân thể hiện qua trang giấy. Các lá thư dù khác nhau như có phạm nhân viết chữ rất đẹp, người thì viết rất xấu; người thì viết rất hay, rất dài, rất tình cảm, lời văn bay bổng nhưng cũng có người viết ngắn gọn, câu văn lủng củng… vì trình độ tính cách rất khác nhau. Nhưng tựu trung lại tất cả đều thể hiện sự ăn năn, hối lỗi với hành vi phạm tội mình từng gây ra.
Theo VNE
Phía sau những lá thư xin lỗi
Ngày 9-11, Tổng cục VIII Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư "Gửi lời xin lỗi".
Phạm nhân Nguyễn Thành Trung
Trong suốt chuyến xe đi từ TP.HCM ngày 9-11 đến trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước), ông Nguyễn Trí Dũng (75 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Sang (57 tuổi, ở phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) không hề trò chuyện gì bởi ông bà rất căng thẳng đợi gặp con trai Nguyễn Thành Trung đang thi hành án tại trại này.
Con xin lỗi
Bởi tất cả sự hồi hộp, mong mỏi, vui sướng và hạnh phúc của ông bà đều để dành cho những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt nhăn nheo khi nghe đứa con tội lỗi đọc lá thư xin lỗi để gửi cho ông bà. Con của vợ chồng ông Dũng nghiện ma túy, rồi bị bắt vì tội buôn bán ma túy với mức án 7 năm tù.
Được hai cán bộ trại giam đưa lên sân khấu gặp con, ông muốn bước đi thật nhanh để ôm lấy đứa con trai ông dứt ruột đẻ ra bởi có đến hơn 1.000 ngày ông không được ôm nó trong vòng tay. Tiếng khóc nghẹn của đứa con trai khi vòng tay ôm chặt lấy đôi vai gầy guộc của người cha già và những giọt nước mắt rơi trên vai áo ông, y như ngày nào nó còn bé, đi chơi và bị bạn đánh chạy về khóc với ba.
Những giọt nước mắt ấy không phải hôm nay nó mới khóc, mà nó đã khóc từ rất nhiều ngày trước, từ khi nó bị bắt giam vì liên quan đến ma túy. "Tôi viết thư gửi lời xin lỗi đến ba vì nạn nhân của tôi nhiều quá, tôi không biết ai để viết thư xin lỗi" - phạm nhân Nguyễn Thành Trung đã tâm sự như thế.
Trung là con trai cả của ông Dũng và bà Sang, sau Trung còn hai em một trai, một gái và hai con nhỏ. "Vợ Trung bị bắt cùng chồng một lượt, hai con nhỏ giờ tui chăm" - ông Nguyễn Trí Dũng cho biết.
Ngồi phía trên ông Nguyễn Trí Dũng một hàng ghế là một người mẹ buôn gánh bán bưng ở TP.HCM cũng nghỉ một buổi bán hàng để lên trại được nhìn thấy con khi con trai chị đang thụ án cướp giật tài sản trong tù.
Trong khi cha con ông Dũng trùng phùng trên sân khấu thì chị cũng không ngăn được những giọt nước mắt của mình và lần giở lá thư của đứa con trai đã gửi cho chị mà chị đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần đến nhàu nhĩ.
Chị nói chị không tin được đây là lá thư do đứa con ngỗ ngược của chị viết, mà lại còn viết chữ rất đẹp nữa. Thư con viết xin lỗi chị vì những lỗi lầm nó đã gây ra khiến bản thân mình phải vào tù và hằng tháng, thay vì đi làm nuôi dưỡng mẹ thì mẹ lại phải dành tiền vào trại để thăm con.
"Tôi đã khóc rất nhiều ngày, tôi mong rằng sau khi ra trại, cháu sẽ tìm được những công việc tốt để làm nuôi sống bản thân mình. Tôi nghĩ rằng mọi khó khăn rồi sẽ vượt qua được, còn sức khỏe và còn con người thì còn cơ hội làm lại" - chị nói thế.
Tôi tha thứ
Trái với ông Dũng phải vượt gần 200km từ TP.HCM đến Bình Phước để được gặp con trai trong nỗi niềm hạnh phúc, ông Nguyễn Văn Bắc (60 tuổi, bố của nạn nhân Nguyễn Văn Bằng đã mất năm 2010) được con rể chở bằng xe máy vượt qua đoạn đường khó khăn với nhiều ổ trâu, ổ voi từ Lộc Ninh đến trại giam Tống Lê Chân chỉ để nói với phạm nhân Lê Nguyên Vũ rằng ông đã tha thứ cho Vũ và mong Vũ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình chăm sóc mẹ già.
Trước khi có quyết định đến trại giam Tống Lê Chân để gặp Vũ, suốt đêm hôm trước ông Bắc dường như không ngủ.
Nỗi đau đớn khi mất đi con trai duy nhất dù đã vài năm rồi nhưng không thể nào nguôi ngoai trong tâm trí ông. Bao nỗi giằng xé, đau đớn tiếc thương sau ngày con bị sát hại đã khiến không chỉ ông mà cả người vợ gầy guộc cũng không thể có nổi một ngày vui.
"Nhưng tôi nghĩ con tôi cũng đã mất rồi, và đọc thư của Vũ dù lúc đầu khiến tôi thật đau lòng nhưng tôi đã an ủi mình rằng quãng thời gian ở tù và dằn vặt với tội ác mình gây ra là hình phạt rất nặng nề đối với Vũ rồi. Tôi tha thứ cho Vũ và mong rằng cháu cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình".
Đây không chỉ là lần đầu tiên ông tha thứ cho Vũ, bởi trong phiên tòa xét xử Vũ cách đây vài năm, khi đối diện kẻ đã lấy đi mạng sống của con trai mình, ông đã nói với hội đồng xét xử xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Cũng có mặt ở trại giam Tống Lê Chân, bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, ở Tân Lợi, Đồng Phú, Bình Phước) mang theo cả con trai, con dâu và cháu nội.
Bởi cả ba người lớn đều là nạn nhân của một vụ hành hung kinh hoàng cách đây đã ba năm khiến cả năm người trong gia đình bị thương tích. Người bị nặng nhất là con trai lớn của bà Mai với tỉ lệ thương tật lên tới 46% và bây giờ gần như cả nhà phải cưu mang anh ấy.
"Tôi bất ngờ khi nhận được thư của Lê Hoàng Sơn. Đọc thư lúc đầu tôi vẫn rất giận, bởi Sơn đã dẫn đầu một đám côn đồ đến nhà tôi hành hung nhầm khiến cả nhà tôi bị thương tích. Nhưng đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, bởi vậy tôi tha thứ cho Sơn".
Cần những bàn tay chìa ra
"Ông cha ta có câu đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, bởi vậy khi anh đến đây, chúng tôi hiểu rằng tấm lòng anh đã rộng mở để tha thứ cho Lê Nguyên Vũ, đó là điều không chỉ có Vũ cần mà rất nhiều phạm nhân khác cần khi trở về với cộng đồng. Bởi những lá thư, những con chữ ấy anh được đọc trong một khoảnh khắc nhưng là bao suy tư trăn trở của Vũ. Anh tha thứ cho Vũ là anh đã dang rộng vòng tay mình với Vũ rồi, và các phạm nhân khác cũng cần những vòng tay như thế" - trung tướng Nguyễn Văn Ninh, phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII (Bộ Công an), đã chạy lên sân khấu nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc của ông Nguyễn Văn Bắc và nói với ông Bắc những lời như thế. "Làm công tác cải tạo phạm nhân, chúng tôi chỉ mong rằng sau thời gian cải tạo, các anh chị sẽ được xã hội và gia đình bao dung, đón nhận. Nên rất cần những bàn tay từ xã hội chìa ra với những người mãn hạn tù. Để các phạm nhân thật sự hòa nhập cộng đồng thì cần hơn rất nhiều những tấm lòng mở rộng" - trung tướng Ninh nói.
Theo Xahoi
Đề nghị truy tố 8 cán bộ ngân hàng gây thiệt hại gần 200 tỉ đồng Chiều 8.11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an thành phố Cần Thơ đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Công ty TNHH An Khang (Khu công nghiệp Trà Nóc II,...