Nước mắt thai phụ cố từng ngày để giữ con
Bác sĩ khuyên mổ để cứu mẹ, nhưng tôi cứ lần lữa mãi, con mới được 27, 28 tuần mổ ra thì liệu có sống được không. Tôi không muốn từ bỏ vì có lẽ đây là lần cuối cùng tôi có thể được làm mẹ”, chị Hiền (Hà Tĩnh) khóc nói.
Khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) được nhiều người ví như khoa “ung thư” của ngành sản, nơi tập trung toàn những thai phụ có bệnh lý nặng, chỉ một phút sơ sảy có thể mất cả mẹ lẫn con. Trường hợp của sản phụ Đặng Thị Hiền, 28 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cũng trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó.
Lấy chồng được hơn một năm, chị có bầu 2 lần. Lần đầu chỉ được 10 tuần thì thai chết lưu. Đến lần thứ hai, lúc thai được 6 tháng, chị thấy hai chân bị phù nên vào bệnh viện huyện khám. Từ đó cơn ác mộng của chị bắt đầu. Chị được chuyển lên bệnh viện tỉnh, rồi lại ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào ngày 28/8 với chẩn đoán bị tiền sản giật, huyết áp tăng, kèm thêm suy thận.
Đối với chị Hiền, lần mang thai này là cơ hội duy nhất để chị được làm mẹ. Ảnh:N.P.
Video đang HOT
Theo các bác sĩ, tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Trong khi đó thai nhi sẽ chậm phát triển, suy thai, thậm chí bị chết lưu trong tử cung.
Lo sợ cho tính mạng của người mẹ nên các bác sĩ khuyên bệnh nhân và gia đình chấp nhận lấy thai sớm, để lâu thì có khi hỏng cả mẹ lẫn con. Chị Hiền không muốn. Chị cố cầm cự từng ngày, cầu mong huyết áp xuống để hai mẹ con được khỏe mạnh. “Con càng có thêm thời gian ở trong bụng mẹ thì khả năng sống sẽ càng cao hơn”, chị Hiền chia sẻ.
Cảm nhận được những lo lắng của bác sĩ khi hằng ngày đo huyết áp, kiểm tra tim thai… nên dù mệt mỏi, người tím tái nhưng lúc nào chị cũng nói mình khỏe, chỉ để chứng minh rằng còn đủ sức để giữ con. Trước khi có bầu chị được 35 kg, đến giờ đã lên được 42 kg.
“Đây là cơ hội duy nhất tôi có để có thể làm mẹ, tôi phải trân trọng nó. Bác sĩ nói tôi bị suy thận nên việc có thai lần nữa là một điều rất nguy hiểm. Vì thế tôi muốn con được sống dù phải đặt cược cả tính mạng mình”, chị Hiền rơm rớm nước mắt nói.
Bị suy thận nên khả năng có thai lần nữa của chị Hiền gần như là không thể. Ảnh:N.P.
Phó giáo sư Trần Danh Cường, Trưởng khoa sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Đây là cơ hội mang thai cuối cùng của bệnh nhân nên chúng tôi cố giữ được ngày nào hay ngày đấy. Cũng phải nói thật là cố cho bé một vài ngày nhưng có thể hỏng mẹ và bé. Chúng tôi luôn phải theo dõi chặt để kiểm soát huyết áp, theo dõi nhịp tim. Với những trường hợp thai phụ bị tiền sản giật thông thường chỉ cố được 1 tuần, thai phụ này kéo được đến 2 tuần là rất hiếm”.
“Khả năng trẻ sống khi được 29 tuần không nhiều, nhưng vẫn phải cố, mục tiêu cứu được cả mẹ và em bé. Chúng tôi đã tiêm thuốc trưởng thành phổi để đến khi trẻ ra khỏi bụng mẹ thì cơ hội sống cao hơn”, phó giáo sư Cường cho biết thêm.
Ngày 11/9, bác sĩ quyết định mổ lấy thai, bé gái nặng 800 gr, đang được nuôi trong lồng kính. Sức khỏe chị Hiền cũng đã ổn định và được xuất viện sau 2 ngày. Gia đình chị cũng quyết định đặt tên cho con là Lê Thị Tường Vi, như một lời cầu chúc cho con được may mắn.
“Cháu còn bé lắm, tôi chưa bế được mà chỉ nhìn con qua lồng kính. Cứ nhìn con mà tôi lại rơi nước mắt, không hiểu con có thể sống được không”, chị Hiền nói.
Lúc này vừa lo cho con, chị lại vừa canh cánh không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ. Hai vợ chồng làm chung mấy sào ruộng với ông bà nội, kinh tế rất khó khăn. Từ ngày chị nằm viện, số tiền vay mượn anh em họ hàng đã lên đến 30 triệu đồng. Nhưng dù tốn bằng nào thì chị vẫn quyết tâm lo cho con, được ngày nào hay ngày đấy.
Theo Dantri
Một bé sơ sinh chết tại bệnh viện
Dù nhập viện trong tình trạng bình thường, nhưng ngay sau khi sinh được vài giờ, bé sơ sinh - con của sản phụ Trịnh Thuỳ Linh (ở tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên) đã tử vong. Lý do phía bệnh viện Phụ sản Trung ương đưa ra là cháu bé bị nhiễm khuẩn đường huyết...
Cuộc họp chiều 13-9 giữa đại diện bệnh viện Phụ sản Trung ương và gia đình sản phụ Thùy Linh
Bệnh viện thiếu trách nhiệm?
Không đồng ý với nguyên nhân gây tử vong và thái độ của một số y bác sĩ trong kíp trực, bà Lê Thị Đông, mẹ chồng sản phụ Trịnh Thuỳ Linh đã có đơn khiếu nại gửi Báo ANTĐ. Trong đó, bà Đông cho rằng, hồ sơ bệnh án vẫn còn thiếu một kết quả xét nghiệm. Ngày 27-7, theo chỉ định của bác sỹ, sản phụ Linh được nhập viện để chờ đẻ nhưng kíp trực đêm 27-7 không thăm khám thường xuyên nên đã không tiên lượng được ca đẻ dẫn đến hậu quả xấu đối với thai nhi.
Bên cạnh đó, bác sĩ Huệ - người trực tiếp theo dõi tình trạng của sản phụ Linh đã không làm hết trách nhiệm. Sau khi chị Linh sinh, cháu bé bị ngạt không thở được và đã được đưa đến khoa sơ sinh chăm sóc. Nhưng khi lấy máu của cháu xét nghiệm, gia đình đã không được các bác sĩ cho biết. Kết quả xét nghiệm không có tên cháu bé mà chỉ có mã số nên kết quả này là thiếu trung thực.
Bà Đông còn thắc mắc: "Vì con dâu tôi sau khi đẻ không có biểu hiện sốt nên lý do cháu bé bị nhiễm khuẩn huyết là khó chấp nhận. Hơn nữa, nếu cháu bé bị nhiễm khuẩn huyết thì toàn thân không thể bị thâm tím như vậy...". Điều khiến gia đình bà Đông bức xúc hơn cả là sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã không chủ động thăm hỏi và chia buồn với gia đình sản phụ. Mãi đến ngày 15-8 khi gia đình bà Đông gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo bệnh viện thì kíp trực hôm đó mới đến gặp gia đình để chia sẻ mất mát này. Mặt khác, tại buổi gặp mặt với gia đình bà Đông ngày 23-8, thái độ của lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự nhiệt tình, thiếu tôn trọng người nhà sản phụ. Thậm chí, lãnh đạo bệnh viện còn thách thức gia đình kiện và bỏ về giữa chừng.
Có mặt trong buổi làm việc với đại diện bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 13-9, bà Đông bức xúc: "Gia đình chúng tôi chỉ muốn lãnh đạo bệnh viện kiểm điểm sâu sắc thái độ làm việc của kíp trực hôm đó. Đồng thời, tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra cái chết của cháu tôi". Ông Trịnh Văn Long, bố đẻ của sản phụ Linh cho biết: "Quá trình cháu Linh trở dạ và chờ sinh tại bệnh viện chúng tôi đều chứng kiến. Cháu Linh luôn tỉnh táo và gọi điện cho tôi nhiều lần để thông báo tình trạng sức khỏe". Ông Long cũng đặt câu hỏi liệu thời gian sinh của Linh có quá dài, bởi, một số sản phụ khác nhập viện với chị Linh cùng thời điểm đã sinh trước đó hàng giờ đồng hồ. Do vậy, rất có thể cháu bé tử vong do bị ngạt.
Tử vong do nhiễm khuẩn đường huyết
Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ Trịnh Thùy Linh nhập viện tại bệnh viện Phụ sản Trung ương lúc 15h50 ngày 27-7 trong tình trạng thai 41 tuần, được chuyển khoa Đẻ lúc 16h15 cùng ngày với chẩn đoán chuyển dạ đẻ con so, cơ co tử cung thưa, tim thai 140 lần/phút, ối còn, đầu cao. Về cận lâm sàng, siêu âm chỉ số ối 50, HBSAg dương tính, men gan bình thường. Sản phụ được theo dõi chuyển dạ đẻ thường, có giảm đau trong đẻ, được theo dõi sát đến 0h25 và sinh con, khi sinh có mặt bác sỹ Huệ và 2 nữ hộ sinh. Sản phụ sinh thường 1 bé trai nặng 3.200g, được đặt nội khí quản tại khoa Đẻ và chuyển Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh trong tình trạng rất nặng, biểu hiện của một trường hợp sốc nhiễm khuẩn.
Cháu bé đã được làm các xét nghiệm cơ bản, cấy máu và được điều trị tích cực với 3 loại kháng sinh. Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh đã mời gia đình giải thích tình trạng của cháu. Kết quả xét nghiệm của bé là nhiễm khuẩn đường huyết, bạch cầu rất cao, phù hợp với chẩn đoán và diễn biến lâm sàng. Mặc dù cháu bé đã được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực nhưng do bệnh quá nặng nên cháu đã tử vong lúc 5h40 ngày
29-7.
Ông Vũ Bá Quyết - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, sau khi cháu bé tử vong, gia đình người bệnh đã được các bác sỹ giải thích nguyên nhân và bà Lê Thị Đông - bà nội cháu bé đã đại diện gia đình ký đơn xin miễn mổ tử thi và cam kết không thắc mắc gì về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé. Tuy vậy, sau đó gia đình lại làm đơn khiếu nại về trường hợp này nên ngày 23-8, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có buổi làm việc với gia đình sản phụ Trịnh Thùy Linh để giải đáp thắc mắc và trả lời về nguyên nhân tử vong của cháu bé. Do cuộc gặp không đi đến thống nhất nên ngày 13-9, bệnh viện lại tiếp tục tổ chức thêm cuộc họp nữa để làm rõ vấn đề.
Tại buổi làm việc chiều 13-9, gia đình sản phụ Thùy Linh tiếp tục nêu những thắc mắc về hồ sơ bệnh án, phê phán thái độ của kíp trực đêm 27-7 và đại diện bệnh viện trước cái chết của cháu bé. Thay mặt Ban Giám đốc bệnh viện, ông Vũ Bá Quyết đã chia sẻ mất mát của gia đình sản phụ Trịnh Thùy Linh và khẳng định hồ sơ bệnh án của sản phụ này là hoàn toàn đầy đủ, không thiếu xét nghiệm và được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Kíp trực đêm 27-7 cũng thực hiện đầy đủ quy trình thăm khám, không có biểu hiện thiếu trách nhiệm. Cháu bé đã được chẩn đoán điều trị kịp thời tích cực song vẫn không qua khỏi. Tuy vậy, ông Quyết cũng thừa nhận thiếu sót của mình với gia đình bệnh nhân tại buổi gặp mặt ngày 23-8 do bỏ về giữa chừng.
Kết thúc buổi làm việc, nguyện vọng của gia đình sản phụ Trịnh Thùy Linh là đề nghị bác sỹ Huệ - người thăm khám trực tiếp cho sản phụ ngày 27-7 và kịp trực đến nhà thăm hỏi động viên sản phụ đồng thời hỗ trợ tiền mai táng cháu bé. Trước đề nghị này, ông Vũ Bá Quyết đã ghi nhận, ngay sau khi đi công tác về, bác sỹ Huệ và đại diện khoa Sản 2, kíp trực sẽ tới nhà động viên chị Thùy Linh đồng thời sẽ hỗ trợ một phần phí mai táng cho gia đình sản phụ.
Theo ANTD
Bệnh viện phụ sản Tiền Giang giải trình về cái chết của một sản phụ Ngày 12.9, bác sĩ Trần Thanh Thảo, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết đang yêu cầu Bệnh viện phụ sản Tiền Giang giải trình về cái chết của sản phụ Trần Thanh Nguyệt. Theo gia đình của chị Nguyệt (32 tuổi, ngụ ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, H.Chợ Gạo, Tiền Giang), sản phụ này được đưa đến...