Nước mắt rơi trên thủ đô kháng chiến
Sự thảng thốt, nghẹn ngào và niềm tiếc thương vô hạn bao trùm thủ đô kháng chiến – ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) từ khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.
Đã mấy đêm rồi, hàng vạn người con của huyện Định Hóa trằn trọc, thao thức. Các mế ở đây vẫn không muốn tin Đại tướng đã qua đời. Trong quán nước nhỏ trên đỉnh đèo De ở xã Phú Đình, những người già thay nhau kể lại các mẩu chuyện thấm đẫm ân tình mà Đại tướng dành cho đồng bào Việt Bắc.
Ai cũng tiếc thương
“Khi nghe tin Đại tướng mất, từ người già đến trẻ nhỏ ở đây ai cũng đều rất tiếc và thương Đại tướng” – bà Lường Thị Nhận (dân tộc Tày, ngụ xã Phú Đình) giàn giụa nước mắt nói.
Bà Nhận kể: Vào năm 1998, khi Đại tướng về thăm Phú Đình – nơi ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948, bà và hàng ngàn người đã ra đón. Ai cũng thấy vui và hạnh phúc vì sau mấy chục năm mới được gặp lại Đại tướng bằng da bằng thịt. “Đại tướng đã rất gần gũi và nhân hậu” – bà Nhận nhớ lại.
Video đang HOT
Bà Lường Thị Nhận ở xã Phú Đình bật khóc khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thầy Nguyễn Long, nguyên Trưởng Khoa Văn – Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, dẫn các học trò cũ lên đồi Đỏn Mỵ (thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) thắp nén hương tưởng nhớ Đại tướng. Tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc từ năm 1949-1954 để chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thầy Long đã khóc khi đọc lại bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu cho các học trò nghe: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!/ Sét đánh ngày đêm/Xuống đầu giặc Pháp!/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta…
Luôn nặng tình
Ông Mông Đức Ngô (84 tuổi, dân tộc Tày, ngụ xóm Pa Trò, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa) là người đặc biệt gần gũi với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp khi tham gia bảo vệ cơ quan của Trung ương Đảng ở Phú Đình giai đoạn 1947-1954. Đặc biệt, năm 1954, tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông Ngô đảm nhận vị trí trung đội trưởng Trung đội Thông tin, đã trực tiếp truyền lệnh của Đại tướng cho các quân, binh chủng tại mặt trận. Sau khi đất nước thống nhất, ông Ngô còn nhiều lần được gặp Đại tướng tại Định Hóa và căn nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội).
Theo lời kể của ông Ngô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi đồng bào Định Hóa như người thân trong nhà và căn dặn các cán bộ của Định Hóa: “Phải chăm lo tốt cho dân!”. Lần nào ông xuống thăm, anh Văn (bí danh của Đại tướng) cũng trò chuyện bằng tiếng Tày để hỏi thăm những cụ già ai còn, ai mất; cuộc sống của đồng bào ấm no không và gửi lời thăm hỏi tới mọi người. Đại tướng dặn dò: “Chú xuống thăm tôi, chỉ cần cho tôi một ít gạo Bao Thơm và ít lạc của quê hương Định Hóa mình” – ông Ngô kể.
Cuộc chuyện trò giữa chúng tôi với ông Ngô thường ngắt quãng vì người lính già đã trải qua nhiều trận chiến ác liệt này liên tục rút khăn tay lau nước mắt. Trong nhà, ông Ngô treo rất nhiều ảnh Đại tướng. Lúi húi mở vali, lôi ra một cuốn sổ bìa cứng bên trong là những tấm hình đã mờ, ông Ngô kể lại kỷ niệm về mỗi tấm hình ông được chụp chung với Đại tướng. Chỉ vào tấm hình chân dung của Đại tướng được cất cẩn thận bên trong chiếc ví của mình, ông Ngô nói: “Những tấm ảnh này là báu vật của đời tôi”.
May mắn 5 lần được gặp Đại tướng, ông Hoàng Phùng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa, kể mỗi lần Đại tướng lên Định Hóa, các cụ già dù rất yếu vẫn chống gậy để đi, mong gặp Đại tướng sau nhiều năm xa cách. Đại tướng nói với đồng bào: “Tuy tôi sống ở Hà Nội nhưng tôi rất nhớ Định Hóa”. “Đồng bào Định Hóa và tất cả đồng bào ở thủ đô gió ngàn này đều lặng đi khi hay tin Đại tướng ra đi” – ông Hoàng Phùng xúc động.
Theo Văn Duẩn (Người Lao Động)
Đà Nẵng: Dừng vui chơi giải trí trong 2 ngày Quốc tang Đại tướng
Ngày 7/10, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã ký văn bản gửi các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, sở, ban, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí về việc tổ chức Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ, đồng thời ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn TP trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 13/10).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông Hồ Nghinh (1913 - 2007), nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Việc treo cờ rủ thực hiện theo Điều 10 Nghị định 105/2012/NĐ-CP (ngày 17/12/2012) của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: Cờ có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay).
Cùng ngày, ông Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng cho biết, thể theo nguyện vọng của nhân dân, quân nhân, cựu quân nhân và các cựu chiến binh trên địa bàn TP, Thường trực Thành uỷ và UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương về việc Hội Cựu chiến binh TP tổ chức lễ viếng và truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức tại trụ sở Hội Cựu Chiến binh TP Đà Nẵng (số 68 Quang Trung, quận Hải Châu) từ 7g30 sáng 12/10 đến 10g sáng 13/10 theo đúng lịch của Ban tang lễ TƯ. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, hội viên, cựu chiến binh, HS-SV... có thể đến viếng, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng không mang theo hương đèn, vòng hoa.
Hiện Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng có 17.500 hội viên và hơn 14.000 cựu quân nhân. Sau lễ tang, Hội sẽ lập bàn thờ và không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tầng 2 của Văn phòng Hội (số 68 Quang Trung) vì Đại tướng không chỉ là vị Tướng của nhân dân mà còn là Chủ tịch danh dự Hội cựu chiến binh Việt Nam.
HẢI CHÂU
Theo infonet
Hà Nội đã nghiên cứu đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu về vấn đề đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp từ lâu. Trong nhiều phiên họp, có ý kiến nên đặt tên đường, phố Võ Nguyên Giáp ngay khi đại tướng còn sống... Tại cuộc họp giao ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 8.10, nhận được câu hỏi về việc thành phố Hà Nội...