Nước mắt người tử tù trẻ nhất trại giam công an tỉnh Đồng Nai
Trong trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Nai (trại B5) có một khu vực được thiết kế hoàn toàn tách biệt với các dãy nhà tạm giam khác, số lượng cán bộ canh gác dày đặc, nghiêm cấm các phạm nhân và các cán bộ không có nhiệm vụ ra vào khu nực này. Đó là khu nhà giành để giam giữ các phạm nhân mang án tử hình…
Người tử tù trẻ nhất
Để được vào khu vực giành riêng giam giữ tử tù của trại tạm giam công an tỉnh Đồng Nai chúng tôi phải nhận được bút phê và chỉ đạo trực tiếp của thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Tôi là một trong số rất ít nhà báo trước đó được phép tiếp cận các tử tù trong quá trình họ đợi thi hành án tại đây. Khoảng mười chiến sỹ cảnh sát bảo vệ với đầy đủ công cụ hỗ trợ được huy động đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đợt tiếp xúc này. Thông qua năm cánh cổng của trại tạm giam, chúng tôi mới tiếp cận được với khu nhà giam giữ tử tù. Lúc này đã hơn 10 giờ sáng nhưng quan sát xung quanh thì tất cả như chỉ vừa mới bắt đầu bình minh.
Với những người mà bản án tử hình được treo lơ lửng đồng nghĩa với những cái chết đã được báo trước, thì họ lại càng lo sợ và khát khao sự sống hơn bao giờ hết. Việc thi hành án tử hình đối với phạm nhân được tiến hành trong đêm và không dự báo trước. Khi Ban giám thị trại nhận được quyết định thi hành án sẽ lên kế hoạch đầy đủ, đối tượng bị thi hành chỉ được tiết lộ vào phút cuối khi cán bộ quản lý trại tạm giam đến mở cửa buồng giam, gọi tên phạm nhân ra cho ăn bữa cơm cuối cùng, đưa một mảnh giấy để viết những dòng cuối đời cho người thân.
“Dẫu biết cái chết là không thể tránh được nhưng đêm nào chúng tôi cũng hồi hộp lắng nghe xem có điều gì diễn ra không. Khi tiếng mở cửa buồng lách cách vang lên là biết trong số chúng tôi có kẻ sắp phải lìa đời nhưng chưa biết đích thị là ai. Lúc ấy, tất cả như nín thở, không khí trầm lặng, ai nấy đều lẩm bẩm cầu nguyện” – một tử tù tâm sự. Vì thế, mỗi lúc đêm về, tất cả họ đều thức trắng, hồi hộp đợi qua 5 giờ sáng mới bắt đầu đi ngủ. Chỉ khi thấy mặt trời ló dạng họ mới biết được sống thêm một ngày.
Tử tù Trần Anh Phúc
Video đang HOT
Một cán bộ trại tạm giam cho biết hầu hết các phạm nhân, kể cả những đại bàng nổi tiếng lỳ lợm thì lúc được cho ăn bữa cơm cuối cùng với khá nhiều món ngon nhưng đều không thể nuốt được, đưa tay gắp thức ăn mà run lẩy bẩy rồi lại buông đũa khóc nức nở như một đứa trẻ. Sau khi hoàn tất các thủ tục, phạm nhân được áp giải ra xe bít bùng thì ai nấy đều khụy gối không thể bước đi được…
Trong số những tử tù được tiếp xúc hôm ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với phạm nhân Trần Anh Phúc (SN 1990, ngụ tỉnh Cần Thơ). Phúc là tử tù trẻ tuổi nhất trong số các phạm nhân đang chờ thi hành án trại giam công an tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng hành vi phạm tội của Phúc lại hết sức dã man mà khi nhắc đến không ít người phải rợn tóc gáy.
Khác với những gì tôi hình dung về tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Đi giữa hai hàng cảnh sát là một gã phạm nhân khệnh khạng bước những sải chân xiêu vẹo, lâu lâu lại chao đảo như người say rượu. Với làn da trắng muốt, dáng người nhỏ nhắn, thư sinh nhưng lại mang ánh mắt hung tợn, Phúc bước đến ngồi xuống chiếc ghế đá. Với vẻ mặt bất cần, Trần Anh Phúc tỏ vẻ thách thức, hất hàm về phía tôi: “Cho mấy điếu thuốc coi. Cô là nhà báo hả? Không cần phải viết gì về tôi đâu, chỉ cần lên nói với ban giám thị trại giúp cho tui được chết sớm là OK!”. Rồi vẫn sắc mặt lạnh tanh ấy, hắn từ chối trả lời tất cả mọi câu hỏi liên quan đến tội ác đã qua của mình. Tôi bắt đầu đề cập đến gia đình, chuyện vợ con. Như bị đánh động vào nơi sâu thẳm tự đáy lòng của một con người, gã tử tù trẻ tuổi nhất bắt đầu lên tiếng.
Tuổi thơ bị đánh cắp
Chỉ khi nhắc đến đứa con trai bé bỏng sớm thiếu vắng tình thương của người cha thì khuôn mặt Phúc mới chùng xuống, ánh mắt xa xăm, y kể hành trình lưu lạc của đời mình cho đến ngày phạm tội. Phúc không biết ai đã sinh mình ra trên cõi đời này. Tuổi thơ của Phúc là những tháng ngày sống lang bạt đầu đường xó chợ bằng nghề trộm cắp vặt. “Không có người thân, tôi luôn phải sống dưới ánh nhìn miệt thị, khinh rẻ của mọi người xung quanh. Hận đời, tôi trở nên cọc cằn, hỗn láo với tất cả những ai nhìn mình với ánh mắt rẻ mạt. Người nào cũng chửi tôi là thằng mất dạy, họ không dám cho con cái đến gần nên suốt ngày tôi tụ tập với bọn trộm cắp ngoài chợ nhưng chúng nó cũng ăn hiếp, cướp hết đồ ăn còn đánh đập tôi liên tục.” – Phúc nhớ lại.
Không đủ sức mạnh tranh giành “địa bàn” với bọn côn đồ ở TP. Cần Thơ, Phúc xin làm phụ hồ, học được cái nghề sơn nước và hắn cũng “kiêm” thêm nghề trộm cắp. “Trai tứ xứ gặp gái giang hồ”, mười sáu tuổi, Phúc có vợ nhưng cuộc sống tạm bợ chẳng ra gì. Ít lâu sau hắn lại chung đụng với một cô gái khác và sinh được đứa con trai. Cuộc sống gia đình chẳng thể kéo dài hơn, khi đứa trẻ được vài tháng tuổi thì Phúc chính thức chia tay vợ để tiếp tục cuộc sống lang thang. Khoảng cuối năm 2008, Phúc dạt vào đất Đồng Nai, sống nương nhờ nhà một người quen ở huyện Long Thành và nhanh chóng kết giao với nhóm thanh niên hư hỏng trong xóm, tối ngày rượu chè bê tha.
Chiều 2/2/2009, sau khi lai rai vài xị với nhóm bạn, Phúc chui vào vườn cây Tràm gần đó tìm chỗ ngả lưng cho mát. Vừa thiu thiu ngủ, Phúc thấy bóng một phụ nữ tên Nguyễn Thị Loan (SN 1984, ngụ xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang chặt củi, hắn bèn trờ đến hỏi thăm và ngỏ ý mượn dao để chặt củi dùm. Thấy gã đã nồng men say chị Loan đòi dao lại nên đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Tức tưởi vì bị chị Loan chửi, Phúc chạy về nhà lấy dao thủ trong người, quay lại vườn Tràm với ý định dạy cho chị một bài học. Đến nơi, Phúc lao vào dùng vũ lực khống chế, bóp cổ chị Loan cho đến chết rồi tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại, cướp hết tài sản trên người nạn nhân gồm dây chuyền, bông tai và một ít tiền trong túi. Để che dấu hành vi tội ác của mình, Phúc kéo thi thể nạn nhân đến bờ suối mổ lấy nội tạng thả trôi theo dòng nước rồi dùng dây dù cột xác cô gái trẻ vào gốc tre dìm xuống nước sâu. Kết thúc tội ác là việc Phúc rửa sạch vết máu trên người rồi thản nhiên về nhà nằm ngủ như chưa từng xảy ra chuyện gì.
Sáng hôm sau, xác nạn nhân được phát hiện, Phúc cũng theo dòng người hiếu kỳ tìm đến hiện trường xem. Khoảng 20 giờ cùng ngày, Phúc bị công an đưa vào tầm ngắm và lệnh bắt khẩn cấp được thực thi. Tại cơ quan điều tra, sau vài giờ quanh co chối tội, trước những bằng chứng mà cơ quan điều tra đưa ra cùng nhiều vết xước như móng tay người cào trên cơ thể, Phúc phải cúi đầu khai đã nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
May mắn hơn tử tù, những phạm nhân tù có thời hạn vẫn còn cơ hội chuộc lại lỗi lầm
Ngày 5/9/2009, tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án tử hình đối với bị can Trần Anh Phúc về 3 tội danh “giết người”, “hiếp dâm” và cướp tài sản”. Và mức án này được giữ nguyên tại phiên xét xử sơ thẩm sau đó.
Lời sám hối muộn màng
Sau khi lá đơn xin tha tội chết của Phúc lên Chủ tịch nước bị bác, y rơi vào tuyệt vọng và viết tiếp một lá đơn xin được thi hành án sớm. “Những ngày đầu vào trại tạm giam tôi vô cùng ân hận trước tội lỗi của mình, nhiều đêm liền không không sao chợp mắt được vì hình ảnh Loan cứ hiện về ám ảnh. Tôi chỉ muốn chết đi để đền mạng cho cô ấy nhưng nghĩ đến đứa con của mình tôi lại cố ngồi viết đơn xin được sống. Vì một phút không kiềm chế được bản thân trong cơn say mà tôi đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của một phụ nữ hiền lành, khiến đứa con gái nhỏ của cô ấy rơi vào cảnh cút côi.” – nói rồi Phúc đưa tay ôm đầu.
Vào trại tạm giam được vài ngày, Phúc xé quần áo treo cổ để tìm đến cái chết như tự mình kết thúc sự giày xé tâm can về tội ác đã từng gây ra nhưng may mắn được các bạn tù phát hiện, ngăn cản. Từ ngày hay tin chồng gây nên tội lỗi, bất kể trời nắng hay mưa, hàng tháng, vợ Phúc đều đi xe đò ẵm con tìm đến trại thăm nom. Khi thì miếng ruốc bông, hôm lại ít lương khô và chút ít tiền bạc. Phúc tâm sự, mỗi lần hai vợ chồng gặp nhau chỉ được khoảng thời gian ngắn ngủi, quý báu nhưng chẳng ai nói được nên lời, chỉ còn biết cầm tay nhau mà khóc. Từ lúc bị Phúc bỏ rơi, người đàn bà tội nghiệp ấy từng phải ngày ngày nặng gánh mưu sinh, nuôi nấng đứa con thơ dại. Nay chồng rơi vào vòng lao lý lại phải lặn lội đường xá thăm nuôi, gõ cửa cơ quan chức năng xin tha tội chết cho chồng để con mình không phải mồ côi cha.
Những lúc hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, Phúc lại càng yêu thương vợ con đến bội phần nhưng tất cả đã quá muộn màng. Những ngày trong trại, mỗi lúc nhớ đến gia đình, Phúc lại dùng ống hút nước để dành được, rút tỉa đan thành một vật hình trái tim, trên có dòng chữ “cha nhớ Nam” và “anh yêu em”. Hôm tiếp xúc với chúng tôi tại trại tạm giam, Phúc cầm theo món quà đó trao cho tôi và nói: “Đây là tình yêu thương tôi dành cho gia đình, nhờ chị mang nó trao lại cho vợ con tôi để làm kỷ niệm. Hy vọng sau này, dù tôi đã mất đi nhưng con tôi vẫn có thể hiểu được rằng tôi từng yêu thương nó đến nhường nào. Dẫu biết, đối với gia đình, tôi là kẻ chưa làm tròn trách nhiệm một người cha, đối với xã hội tôi là kẻ sát nhân nhưng xin mọi người hãy tha thứ tất cả vì tôi nay đã không còn cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.” – Phúc nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Buổi trò chuyện kết thúc, Phúc chào tôi bước về buồng giam cùng lời cám ơn vì đã lắng nghe tâm sự của một kẻ sắp lìa đời. Sau một hồi nhìn theo bước chân của Phúc, tôi cũng đứng lên bước ra, tay vẫn cầm nguyên món quà nhỏ Phúc nhờ gửi cho người thân. Cánh cửa buồng giam đóng sầm lại, âm thanh kéo then cửa vang lên cót két trong cái nắng oi bức. Tôi rời khỏi cánh cửa trại giam mà trong lòng nặng trĩu và chợt suy nghĩ về những con người đã từng gây đau thương cho người khác, chuốc cho mình cái chết để rồi lại khát khao sự sống trong vô vọng…
Theo Phunutoday.vn