Nước mắt cuộc đời người phụ nữ phải đi hỏi cưới vợ cho chồng
Ngồi trước mặt chúng tôi là người phụ nữ khắc khổ. Bà kể lại cuộc đời đầy bi kịch của mình với những giọt nước mắt chảy tràn trên má.
Bà Hòa và cô con nuôi bị chất độc da cam. Ảnh: H.Diễm
Phận đời éo le
Người phụ nữ bất hạnh ấy là bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi, ở xóm Đông, thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Khi chúng tôi đến đầu thôn Phú Nhơn, hỏi thăm nhà bà Hòa thì ai cũng biết, bởi cuộc đời của bà là một câu chuyện đầy bi kịch. Khi nhắc đến câu chuyện của đời mình, khóe mắt nhăn nheo của bà Hòa rớm lệ.
Theo bà Hòa kể thì bà sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống nghèo khổ nên bà sớm phải lăn lộn ngoài đồng ruộng phụ giúp cha mẹ kiếm miếng ăn cho cả gia đình. Năm 15 tuổi, trong một lần lên rừng với cha để kiếm củi đi bán, bà Hòa không may bị rắn độc cắn khiến thân thể đau đớn và gia đình đã chuẩn bị tình huống xấu nhất cho bà. Tuy nhiên, may mắn đã đến với bà khi gặp được một ông lang lành nghề chữa khỏi độc rắn. Nhưng sau lần bị rắn cắn ấy, cuộc đời bà cũng tiếp tục gắn liền với bệnh tật, với những cơn đau ê ẩm mỗi khi trái gió trở trời.
“Đợt đó, không biết là rắn gì cắn nhưng tôi ngày càng gầy tong teo. Nhiều người cứ nghĩ tôi bị ma ám nên mới thế. Dù vậy, tôi vẫn phải cùng cha và anh làm lụng để lo cho mẹ, các em có cái ăn, cái mặc. Nhiều lần vì làm việc quá sức nên tôi bị ngất xỉu ngoài ruộng, nhờ có bà con phát hiện cõng về nhà xoa bóp, cho ăn uống chứ không tôi đã chết rồi”, bà Hòa nói.
Sau những tháng ngày lăn lộn, làm thuê cuốc mướn trên các vạt rừng ở vùng đất Tây Nguyên, năm 19 tuổi bà Hòa lấy chồng. Người đàn ông mà bà chọn là ông Phạm Ngọc Liêm (SN 1954). Chồng bà cũng có hoàn cảnh éo le không khác gì bà. Ông Liêm có một tuổi thơ cơ cực khi mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Những tháng ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo khó này cũng chẳng kéo dài được lâu bởi bà không thể sinh cho chồng một mụn con.
Sau 10 năm chung sống, không sinh được con, với mong muốn trong ngôi nhà có tiếng cười của trẻ nhỏ, vợ chồng bà đã xin một bé gái sơ sinh về nuôi. Được 3 năm sau thì bé gái tội nghiệp ấy bắt đầu có những biểu hiện của một căn bệnh kỳ lạ. Mãi sau này bà mới biết là con mình mắc các chứng bệnh do bị nhiễm chất độc da cam.
Buồn nản với cuộc sống gia đình, chồng bà đã tằng tịu với một người phụ nữ khác. Biết lòng chồng không còn chung thủy với mình, nghĩ rằng mình đã không thể sinh nở, không làm tròn trách nhiệm người vợ nên bà Hòa đành chấp nhận nhìn cảnh chồng qua lại với người phụ nữ khác mà không hề oán trách.
Khi nghe tin người tình của chồng mang thai, bà lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong rồi chuẩn bị một lễ cưới vợ cho chồng. Trên sân khấu bi kịch của đời mình, bà Hòa đã phải đóng vai là người thân duy nhất của chồng đi hỏi cưới cô nhân tình về làm vợ cho chồng (do ông Liêm là trẻ mồ côi, không có người thân, nhà gái yêu cầu bà đích thân phải đến hỏi cưới – PV).
Bà Hòa kể: “Biết cô ấy mang thai cần được quan tâm nên tôi sắp xếp cho chồng và cô ấy ở nhà trên, còn tôi và con gái bệnh tật ở nhà nhỏ phía dưới. Một năm sau, người vợ mới của chồng sinh con trai, từ đó ông ấy kiếm chuyện gây gổ hắt hủi, coi mẹ con tôi như cục nợ, như cái gai trong mắt”.
Gắng gượng sống vì con
Ngôi nhà của bà Hòa vay mượn tiền xây cách đây 10 năm.
Thương cảnh sống lang thang, không nơi trú thân của mẹ con bà Hòa, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, cấp cho mẹ con bà một khoanh đất nhỏ, dựng tạm lên ngôi nhà để tránh nắng, tránh mưa. Mẹ con bà lại tiếp tục những chuỗi ngày rong ruổi kiếm sống bằng làm thuê, cuốc mướn. Lúc đi hái cà phê ở Tây Nguyên, khi thì đi làm cỏ dưa, cỏ mía ở Gia Lai, rồi qua Phú Yên… cứ có người mướn việc là bà đi làm, bất kể đó là việc gì, miễn có tiền.
Video đang HOT
“Căn nhà này dựng lên 10 năm rồi, một phần là tiền hộ nghèo, còn lại là tôi vay mượn họ hàng để mẹ con có chỗ che mưa, tránh nắng. Căn nhà xây 15 triệu đồng, đến nay tôi còn nợ 10 triệu đồng, cứ trả lãi dần chứ không đủ sức trả hết. Tôi giờ như ngọn đèn trước gió. Nếu chẳng may nằm xuống, nợ nần con tôi gánh không nổi. Giờ tôi còn sống thì mẹ con rau cháo qua ngày, còn nếu có bề gì thì đành phó thác cho bà con lối xóm”, bà Hòa nghẹn giọng.
Chị Phạm Thị Bình (con nuôi bà Hòa) năm nay 30 tuổi, nhưng di chứng chất độc da cam khiến chị cứ ngây ngây, dại dại như đứa trẻ, tay chân teo tóp không thể làm được việc gì. Mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng hàng ngày bà Hòa vẫn một tay lo tất cả, từ cơm nước, giặt giũ cho đến làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi con. Trước đây khỏe mạnh, bà đi làm xa xứ, giờ già yếu bà Hòa chỉ làm thuê quanh quẩn trong làng, trong xã. Ban ngày chạy đồng trên, xóm dưới làm thuê, tối về bà đan nón lá kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Nhiều đêm cứ khóc một mình chẳng biết tỏ cùng ai. Than thân, trách phận chẳng được gì, tôi chỉ khóc cho khuây khỏa mà thôi. Tuy con bị bệnh nhưng nó là nguồn vui, là sự sống của tôi. Tôi không có con, còn nó bị gia đình vứt bỏ, may mắn gặp nhau cũng là duyên phận. Đã nuôi con rồi, khôn thì được cậy nhờ, mà không khôn thì cũng không thể rời xa nó được. Một đứa nhỏ bị ruồng bỏ hai lần thì tội nghiệp lắm”, bà Hòa chia sẻ.
Ông Lê Đức Bá – Trưởng thôn Phú Nhơn cho biết, khi nói đến cuộc đời bà Hòa ai cũng chảy nước mắt, thương cảm. Hiện tại, gia đình bà Hòa thuộc diện hộ nghèo của địa phương. “Dù biết bà Hòa khó khăn nhưng chúng tôi không thể giúp gì được. Người dân địa phương còn nghèo nên ai cũng lo cho gia đình mình chứ không thể giúp bà ấy về kinh tế được”, ông Bá cho biết.
Theo_2Sao
Cựu binh Mỹ luôn đau đáu với nạn nhân bom mìn, chất độc da cam
"Những hệ quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, như bom mìn chưa nổ hay chất độc da cam. Vì vậy không ít người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh như chúng tôi, cảm thấy có trách nhiệm đóng góp cho quá trình hàn gắn và giải quyết các di chứng của chiến tranh".
Chuck Searcy là một trong những người Mỹ có đóng góp lớn nhất cho sự gàn hắn các vết thương sau cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ông từng tham chiến ở miền nam Việt Nam những năm cuối 1960 và đã sống tại Việt Nam 20 năm trong thời bình, một thời gian đủ dài để ông hiểu hơn về con người và đất nước này.
Phóng viên Dân Trí đã có buổi gặp gỡ ông trong một buổi sáng giao mùa đẹp trời của Hà Nội, nghe ông trải lòng về những ký ức thời chiến và về những công việc mà ông cùng các cựu chiến binh đồng hương đã và đang làm nhằm khắc phục hậu quả của cuộc chiến do Mỹ gây ra.
Cuộc trò chuyện được thực hiện ngay trước khi ông bay vào miền Trung Việt Nam cùng một nhóm cựu binh Mỹ thuộc tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP), những người đang có chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Một trong những điểm đến của họ là Quảng Trị, nơi từng là chiến trường ác liệt và Chuck đang dẫn đầu một dự án nhằm rà phá bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Cựu binh Mỹ Chuck Searcy
Xin ông chia sẻ những ký ức về chiến tranh Việt Nam?
Tôi tham gia quân đội từ 1966-1969 và phục vụ tại chiến trường Việt Nam từ tháng 6/1967 đến tháng 6/1968. Khi đó, tôi là chuyên gia phân tích tình báo quân đội, chuyên phân tích và dự báo các hành động của bộ đội miền Bắc. Chúng tôi cũng nghiên cứu mọi khía cạnh của cuộc sống ở miền nam Việt Nam, về kinh tế, chính trị, quân sự, vì vậy tôi đã hiểu khá nhiều về Việt Nam.
Tôi làm việc tại Trung tâm tình báo phối hợp (CICV) của Mỹ tại Sài Gòn trong 1 năm. Chúng tôi phân tích các thông tin, mà nhiều trong số đó phục vụ cho việc đưa ra các quyết sách về chiến tranh.
Điều gì đã thôi thúc ông quay trở lại Việt Nam?
Tôi chuyển tới sống tại Việt Nam tháng 1/1995. Tôi trở lại Việt Nam để sinh sống và làm việc. Tôi muốn chứng tỏ với người Việt Nam và chính phủ của các bạn rằng nhiều người Mỹ cảm thấy có trách nhiệm về những gì xảy ra trong chiến tranh và cố gắng kết thúc những vấn đề vẫn còn gây ra nhiều thiệt hại đối với Việt Nam. Những hệ quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, như bom mìn chưa nổ hay chất độc da cam. Vì vậy không ít người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh như chúng tôi, cảm thấy có trách nhiệm đóng góp cho quá trình hàn gắn và khép lại di chứng của chiến tranh. Đó là lý do để tôi quay trở lại Việt Nam.
Theo ông, những nhóm nào hiện vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hệ quả của chiến tranh?
Thế hệ người Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nhất bởi chiến tranh chắc chắn là các binh sĩ đã trực tiếp tham gia, hỗ trợ chiến đấu hoặc những người đã sống trong dưới các làn bom đạn.
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, thế hệ người cao tuổi đã dần mất đi và các thế hệ trẻ ra đời. Nhưng có một vấn đề là thế hệ trẻ ngày nay vẫn bị ảnh hưởng bởi các hệ quả của chiến tranh. Họ không tham gia nhưng vẫn phải trả giá cho cuộc chiến xảy ra trước khi họ chào đời.
Cái chết và sự tàn phá vẫn gây ra bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc, khoảng 32% nạn nhân chết vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là trẻ em dưới 17 tuổi. Đó là một thực tế đau lòng. Giờ đây chúng ta cũng biết rằng chất độc da cam gây ra những vấn đề sức khỏe tồi tệ, nó dường như sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữa. Thật xót xa. Những đứa trẻ vô tội phải trả giá cho sai lầm trong quá khứ. Chúng đã không làm gì sai.
Trong 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông đã và đang làm gì để khắc phục những vấn đề đó?
Tôi đã và đang làm việc cho các dự án khác nhau của các cựu chiến binh Mỹ kể từ năm 1995. Một trong số đó là tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) có trụ sở tại Mỹ. VFP có một chi nhánh tại Việt Nam, với 35 thành viên là các cựu chiến binh Mỹ. Không phải tất cả họ đều sống tại Việt Nam nhưng họ đến Việt Nam mỗi năm.
VFP là một tổ chức nhỏ và không có nhiều ngân sách nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đóng góp hàng năm cho các dự án nhân đạo tại Việt Nam, trợ giúp các gia đình và các tổ chức giải quyết với các hậu quả của bom mìn, khiến Việt Nam trở nên an toàn. Chúng tôi cũng trợ giúp các gia đình giải quyết hậu quả của chất độc da cam.
Cụ thể, trong 14 năm qua, tôi đã làm việc tại Quảng Trị trong dự án mang tên Dự án Renew, tập trung vào sứ mệnh nhằm giúp tỉnh này trở nên an toàn. Rà phá bom mìn là nhiệm vụ hàng ngày. Nhưng dự án cũng bao gồm việc hướng dẫn mọi người làm thế nào để an toàn, làm thế nào để nhận dạng những mối nguy hiểm, để hiểu được những hậu quả nếu họ đụng chạm vào bom mìn chưa nổ. Chúng tôi hướng dẫn họ làm thế nào để tránh các tai nạn và cách thức thông báo về những quả bom mà họ tìm thấy ngay lập tức với các đội rà phá. Đội trợ giúp sẽ có mặt rất nhanh, chỉ trong 1 hoặc 2 giờ và họ sẽ phá bom. Nhờ đó mọi người sẽ được an toàn và họ sẽ biết cách giải quyết các vấn đề gặp phải.
Chúng tôi cũng trợ giúp người lớn và trẻ em, các cựu chiến binh địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn phát nổ sau chiến tranh. Có người bị mất tay, có người bị mất chân, có người bị mù mắt... Chúng tôi trợ giúp chăm sóc y tế, hồi phục chức năng, giáo dục, mở các doanh nghiệp nhỏ để chăn nuôi, trồng nấm. Chúng tôi cũng tài trợ chân, tay giả để giúp những người bị thương tật đi lại độc lập.
Mục đích cuối cùng của Dự án Renew là gì thưa ông?
Đó là nỗ lực phối hợp để khắc phục các hậu quả của bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị. Nhưng sứ mệnh cuối cùng của dự án là cho thấy làm cách nào để người dân và các nguồn lực địa phương có thể được sử dụng để giải quyết các di chứng chiến tranh và để mô hình này có thể được nhân rộng tại các tỉnh thành tại Việt Nam, nơi gặp vấn đề tương tự.
Việt Nam có thể thực hiện các dự án tương tự Renew mà không phải dựa vào các nguồn lực nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Cá nhân tôi cho rằng Mỹ và các tổ chức phi chính phủ nên tiếp tục hợp tác với Việt Nam về vấn đề rà phá bom mìn ít nhất trong 5-10 năm tới. Nhưng sau đó, Việt Nam có thể tự làm vì việc đó không khó và không đắt. Dù công việc rà phá bom mìn có thể tiếp tục trong nhiều năm nữa, nhưng mọi người không cần phải lo lắng về các mối nguy hiểm.
Chính phủ Mỹ có hỗ trợ dự án của ông không?
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cung cấp tài chính trong nhiều năm qua nhưng số tiền đó không đủ và chúng tôi mong muốn nhiều hơn. Có một tín hiệu đáng mừng là giờ đây số tiền tài trợ đang tăng lên. Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ 7,8 triệu USD cho Dự án Renew trong 3 năm tới, nhiều hơn nhiều so với trước đây. Chúng tôi hi vọng rằng số tiền đó đủ sẽ giúp chúng tôi hoàn thành dự án tại Quảng Trị. Dự án cũng nhận được sự trợ giúp từ các cựu chiến binh từ Đài Loan, Nhật Bản, Úc.
Ông thấy quan điểm của người Mỹ về các vấn đề di chứng chiến tranh như thế nào?
Nhiều người Mỹ rất sẵn lòng trợ giúp việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Họ có thiện chí đó vì cảm thấy có lỗi với những gì đã làm tại Việt Nam trong quá khứ. Chính phủ Mỹ cũng đã thay đổi trong vấn đề này nhưng nhịp độ còn chậm.
Trong 20 năm qua, người dân hai nước đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị mới. Quan hệ song phương giờ đây tốt đẹp hơn bao giờ hết, mang lại nhiều ích lợi cho cả hai nước. Chúng tôi có nhiều điều để học hỏi ở các bạn và ngược lại các bạn vậy. Chúng ta có lợi ích chung và sự tôn trọng ở cả hai phía.
Ông có gặp khó khăn gì trong công việc không?
Tôi không gặp khó khăn lớn nào cả. Từ 1995 đến nay, chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Trị, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), hội cựu chiến binh Việt Nam, hội liên hiệp hữu nghị hợp tác chặt chẽ với nhau. Đôi khi chúng tôi không đồng tình về vấn đề gì đó nhưng các bên tìm cách giải quyết và đều có thiện chí.
Cuộc sống của ông tại Hà Nội thế nào?
Cuộc sống của tôi ở đây khá ổn. Với tôi, Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt, rất thú vị. Hà Nội không giống thành phố nào trên thế giới. Người nước ngoài nhận ra điều đó ngay từ lần đầu tiên họ đến Hà Nội. Người Hà Nội sống thường ngày ở đây nên không nhận ra. Tôi thích kiến trúc, con người, phố phường nơi đây.
Ông có nghĩ tới việc khi nào sẽ trở về Mỹ?
Giờ tôi chưa biết chắc chắn. Tôi đã không định ở Việt Nam quá lâu nhưng thực tế tôi lại sống ở đây 20 năm rồi. Nếu mọi việc sẽ vẫn tiến triển tốt đẹp như bây giờ, tôi sẽ nghĩ về việc đó trong 5 hoặc 6 năm tới.
Trong 10 năm tới, tôi cho rằng Mỹ, Việt Nam và các nước khác cần phát triển một chiến lược để quản lý vấn đề rà phá bom mìn, chất độc da cam càng sớm càng tốt. Chất độc da cam gây ra những hậu quả thảm khốc. Vấn đề này có thể không bao giờ được giải quyết triệt để nhưng chúng ta có thể kiểm soát và chăm sóc những người bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể thiết lập một hệ thống để chính phủ Mỹ và Việt Nam tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo trong nhiều năm tới. Sau 40 hoặc 50 năm nữa, các di chứng chiến tranh sẽ được giải quyết và chúng ta có thể đóng lại một chương trong lịch sử và hướng tới tương lai với một chương mới, không bị ố màu và thực sự hợp tác cùng nhau vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
An Bình
Thực hiện
Theo Dantri
Ông Lê Hồng Anh tặng quà hộ nghèo, nạn nhân da cam Đoàn đã trao tặng 100 phần quà cho các hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam xã Thạnh Quới, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Sáng nay (10/2), ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương ảng dẫn đầu oàn công tác Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đến thăm,...