Nước mắt của người đàn bà mang tội mưu sát chồng
Trở lại những thời khắc sau khi gây trọng án vung dao đâm chồng, trong lúc mọi người tích cực đưa Bình đi cấp cứu, người vợ tội lỗi Trần Thị Phẩm co rúc trong bốn bức tường phía nhà chồng khóc vì lo sợ. “Khi biết chuyện em đâm anh Bình, những anh chị em của anh nóng mặt đòi xử em. Sợ có chuyện chẳng lành, bố chồng mở đường, bảo em đi nơi khác mà trốn”.
Bạn tù động viên Trần Thị Phẩm
– Khi ấy chị có đến cơ quan Công an đầu thú?
- Dạ không, lúc đó em hoảng sợ, bấn loạn nên không suy nghĩ sáng suốt!
- Vậy chị đi đâu?
- Khi nghe ba chồng nói như thế, em gom vội mấy bộ đồ cùng ít tiền rồi ra đường lộ đón xe xuống T.P. HCM. Khi xe dừng tại bến xe An Sương (quận 12), em thuê 1 phòng trọ, náu thân trong đó, không dám liên lạc với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ ruột. Em sợ nhận được tin không mong đợi.
- Đó là tin gì?
- Dạ, em sợ khi gọi về nhà nghe mọi người nói anh Bình do nhát dao đâm của em mà chết. Nếu đúng là như vậy em sẽ sống không nổi. Giết người thì đền mạng là điều đương nhiên. Đối mặt với án tử đã đành, em còn sợ cả việc đối mặt với người thân 2 bên nội ngoại…
Những ngày nhốt mình trong phòng trọ ở T.P. HCM thì Trần Thị Phẩm chỉ biết khóc và khóc. Ngoại trừ những lúc ra ngoài mua cơm nước ăn uống cho đỡ đói qua ngày, thời gian còn lại, Phẩm co rúc, khóc ngủ trong mê man.
“Trong những cơn mê, em thấy đôi tay mình vấy máu. Có lúc em thấy mình bị giải ra pháp trường và hứng vào lồng ngực những phát súng của đội thi hành án. Những lúc như thế, em nghĩ từ đây là hết rồi, là chấm dứt. Lúc ấy em ăn năn, hối hận vô cùng, chỉ ước gì thời gian quay ngược trở lại em sẽ không làm điều dại dột ấy, em sẽ nhờ gia đình chồng và cơ quan đoàn thể tác động để đưa anh Bình quay về với em. Chứ việc ghen tuông sát hại ảnh chẳng những không mang lại ảnh về với mẹ con em, mà trái lại càng khiến ảnh càng thêm xa, khiến tình nghĩa vợ chồng càng thêm hố sâu ngăn cách” – Phẩm nhớ và hối tiếc.
Phạm nhân Trần Thị Phẩm cũng như nhiều phạm nhân khác, khi gây ra tội ác, khi tay đã nhúng chàm, khi đối mặt với bản án lương tâm và bản án mà luật pháp dành sẵn cho kẻ gây trọng tội, mới biết sợ, biết ăn năn và cầu mong thời gian quay trở lại để tội ác không xảy ra thì chuyện đã quá muộn: “Đến bây giờ, đêm đêm nằm trong trại, em không nghĩ mình lại có lúc trở thành tội phạm giết người. Mâu thuẫn của vợ chồng em không đến nỗi trầm trọng như những cặp vợ chồng khác. Chuyện lẽ ra được giải quyết êm thấm nếu em khôn khéo. Đằng này… Nên khi biết căn nguyên việc em vào tù, các chị trong phân trại ở cùng phòng với em ai cũng trách em ngu, trách em dại. Các chị ấy nói người ta không có mái ấm gia đình để gìn giữ, yêu thương, còn em có lại lại phá hỏng nó”.
Video đang HOT
Hôm đó, Trần Thị Phẩm thổ lộ, giãi bày nhiều lắm. Nhưng thật đáng buồn là điều đó không giúp chị ta níu giữ được những khoảnh khắc hạnh phúc vợ chồng đã qua. Và khi Trần Thị Phẩm thôi nói chuyện giá như, chúng tôi đưa chị ta trở về thực tại của những tháng ngày trốn chui trốn lủi:
- Chị náu thân ở phòng trọ được bao lâu?
- Dạ, khoảng 1 tháng.
- Sau đó chị đi đâu, làm gì?
Trần Thị Phẩm kể rành rọt rằng khi sắp cạn tiền, lúc không biết trong những tháng ngày sắp tới sẽ ra sao thì chị ta đi đến quyết định “liều”, gọi điện về tạ từ bố mẹ ruột lần cuối. Ôm ngực ho sù sụ, nữ sát phu mặc áo tù, khẽ thở dài, nhớ lại: “Em định sau cuộc nói chuyện sẽ tự kết liễu đời mình. Nhưng khi nghe mẹ ở đầu dây bên kia cho biết anh Bình đã được cứu sống và khuyên nên trở về đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng, em lập tức trở về và đến Công an xã Phước Lưu đầu thú”.
Tại trại giam, Trần Thị Phẩm được các cán bộ quản giáo dạy học chữ và vực dậy tinh thần.
– Khi ấy chị không sợ bị án tù à?
- Dạ không, em biết anh Bình còn sống nên không có chuyện mình bị tòa tuyên án tử hình, chỉ biết là sẽ ở tù thôi
- Bình thoát chết là nhờ anh ta may mắn. Việc anh ta còn sống là ngoài ý muốn của chị. Nếu chị rắp tâm sát hại người khác, dẫu người ta còn sống nhưng chị vẫn có thể bị tuyên mức án cao nếu cơ quan điều tra và hội đồng xét xử làm rõ chị rắp tâm giết người, chị hiểu chứ?
- Dạ, em hiểu, em biết. Nhưng thực lòng mà nói, trước sau vẫn vậy, em chưa bao giờ có ý định lấy đi mạng sống của anh Bình. Ghen tuông thì em có, nóng giận chửi bới thì em có… Nhưng làm cái chuyện đâm chém, em không thể. Nhìn thấy máu em sợ lắm! Nếu lúc đó không có con dao nằm sẵn trên bàn thì chuyện không đến nỗi nghiêm trọng như hôm nay!
“Xin đừng ai dại dột như em”
Sau khi Trần Thị Phẩm đến cơ quan Công an đầu thú, vụ việc được Công an xã Phước Lưu trình báo lên Công an huyện. Do Phẩm thành khẩn khai báo, vả lại do vụ án cũng khá đơn giản, tình tiết rõ ràng nên cơ quan điều tra sớm kết thúc vụ án. Không bao lâu sau, tòa án đưa vụ việc ra xét xử. Khi bị dẫn ra vành móng ngựa, nhìn ba mẹ chồng và người chồng bị mình trong lúc ghen tuông đã nóng nảy vung dao, Trần Thị Phẩm cứ vừa khóc vừa quỳ lạy xin tha thứ.
Xét tình tiết vụ việc, Trần Thị Phẩm không cố ý giết chồng, sau khi gây án, Phẩm đầu thú, không chối cãi quanh co, thẳng thắn thừa nhận mọi tội lỗi, mặt khác phía bị hại cũng có đơn bãi nại cho bị can nên tòa tuyên Trần Thị Phẩm 7 năm tù vì tội “Giết người”.
- Sau khi tòa tuyên án, chị có kháng án không?
- Dạ không, em thấy mức án đó là tòa đã rất du di, rộng đường khoan hồng cho em rồi.
Án tuyên nhưng vì khi ấy Trần Thị Phẩm đang mang thai nên tòa cho Phẩm hoãn thi hành án để sinh nở và nuôi con. “Điều may mắn cho em là sau đó, anh Bình rộng lòng tha thứ. Ảnh đón em về và chăm lo cho em. Ảnh tốt như thế nên em ân hận vô cùng”.
- Trong quá trình hoãn thi hành án, chị có lúc nào nảy sinh ý định chạy trốn để không phải thi hành án?
- “Dạ, nếu nói không thì không thật lòng” – phạm nhân Trần Thị Phẩm trả lời- “Những lúc vợ chồng quây quần bên con nhỏ, cứ nghĩ đến ngày mình phải khăn gói vào tù thi hành án, em tủi thân khóc. Cũng có đôi lần em bừng lên ý định trốn khỏi nơi cư trú, đi biệt xứ nhưng nhờ sự động viên của ông xã, các cô chú anh chị ở các cơ quan đoàn thể nên em bình tâm trở lại. Em ý thức được rằng mình gây nên tội lỗi thì phải trả giá, trốn chạy chỉ càng mệt sức, nhọc tinh thần vô ích mà thôi. Nhiều người trốn lệnh truy nã hơn 20 năm, dù đã cố thay tên đổi họ, thậm chí phẫu thuật thay đổi nhân dạng vẫn không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Em đã từng làm chuyện dại dột một lần, em không cho phép mình dại dột thêm lần nữa”.
Ngày đầu tiên nhập trại, Trần Thị Phẩm tâm sự “sợ lắm, hoang mang lắm, tinh thần rối như tơ vò”. Hỏi lý do vì sao, chị ta, khẽ đáp: “Mới hôm qua còn đang sum vầy bên chồng con, hôm nay đã khoác bộ quần áo tù, phía trước là những ngày dài tháng rộng sau song sắt, em sao không lo sợ, hoang mang. Em sợ khi mình chính thức mặc áo tù rồi, ông xã và người thân sẽ bỏ mặc mình, em sợ cái cảm giác cô độc, bị bỏ rơi. Nhưng nhờ các bạn tù đi trước động viên và sự an ủi, khích lệ của các cán bộ quản giáo mà em dần lấy lại thăng bằng”.
- Từ hôm chị nhập trại đến nay, ông xã chị có ghé thăm không?
- Dạ, tháng nào ảnh cũng ghé. Lần nào ảnh cũng khuyên ráng cải tạo để được giảm án, sớm về với chồng con.
Chuyện về người vợ tội lỗi Trần Thị Phẩm vung nhát dao cắt đoạn lìa tình nghĩa phu thuê là thế. Trong trại giam, Phẩm bộc bạch số chị ta bất hạnh nhưng ngẫm cho cùng lại may mắn. Bởi bất hạnh ấy do Phẩm tự tạo, và lẽ ra sẽ nhận sự trừng phạt với một mức án nặng hơn nhưng từ sự độ lượng của người thân mà chị ta vẫn tìm thấy sự tin yêu trong cuộc sống, có được động lực để cải tạo mong ngày về.
Khi chia tay chúng tôi để quay trở lại phòng giam, Trần Thị Phẩm gửi gắm rằng, phụ nữ thường hay ghen, khi ghen người ta thường mất lý trí, thường nảy sinh ý nghĩ và hành động dại dột như muốn kết liễu, huỷ hoại người mình yêu thương. “Làm như thế là dại dột”.
Trần Thị Phẩm nhấn mạnh – “Trong phân trại, em có những bạn tù cũng vì ghen tuông mù quáng mà sát hại chồng. Khi vào tù rồi, họ mới nhận ra ghen tuông như thế thật nông nôi, rồ dại, không chỉ huỷ hoại người đầu gối tay ấp mà còn gây tổn hại cả chính mình, với án tù dài đằng đẵng… Bài học không bao giờ thừa là những lúc ghen tuông như thế, mình cần phải biết tự kìm chế, đừng cố tự giải quyết cơn ghen mà hãy nhờ người thân và các tổ chức đoàn thể. Có như thế thì những rạn nứt trong cuộc sống vợ chồng sẽ được hàn gắn, cải thiện. Em chỉ biết nhắn nhủ xin ai đừng dại dột như em”.
Theo Phunutoday
Khởi tố, bắt giam tài xế tông chết 4 người
Ngày 22-12, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố và bắt giam Nguyễn Vũ Thông (SN 1981, ngụ quận Bình Thạnh) về hành vi "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Như Báo Người Lao Động Online đã thông tin, lúc 22 giờ 40 phút ngày 10-12, Thông lái ôtô lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (hướng từ quận Bình Thạnh vào quận 1) với tốc độ kinh hoàng.
Khi vừa qua cầu Thị Nghè 2 (quận 1), chiếc xe do Thông lái lao thẳng sang dải phân cách giữa đường rồi đâm trực diện vào ôtô do chị Trần Thị Bích Liên (SN 1971, ngụ TP Hà Nội) điều khiển lưu thông ngược chiều.
Chiếc xe do chị Trần Thị Bích Liên điều khiển bị hư hỏng nặng
Thời điểm bị tông, trên xe chị Liên còn có ông Trần Văn Phần (SN 1936, cha chị Liên), em Nguyễn Chí Trung (SN 1994) và Nguyễn Chí Hiếu (SN 2002, cả hai là con chị Liên).
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, người dân đã đưa các nạn nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Riêng Thông bỏ trốn khỏi hiện trường, đến sáng ngày 11-12 thì tới công an đầu thú.
Do bị thương quá nặng nên chị Liên, ông Phần, em Trung tử vong vào sáng 11-12. Riêng cháu Hiếu sau khi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu cũng không qua khỏi.
Tại cơ quan công an, Thông khai đã uống nhiều rượu bia và đang trên đường đi trả ôtô.
Theo Người Lao Động
Lời sám hối của người phụ nữ sát hại chồng Đang sống êm đềm, chỉ vì ghen tuông thiếu lý trí, kiềm chế mà Trần Thị Phẩm phạm tội giết người. Người mà Phẩm vung dao sát hại không ai khác chính là người đầu gối tay ấp mà chị ta từng thề thốt sẽ yêu thương suốt đời. Tại Phân trại 2 Trại giam Cây Cầy (tỉnh Tây Ninh, trực thuộc Bộ...