Nước mắt ân tình trong cuộc hội ngộ của cựu binh Gạc Ma
Những người lính từng làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền Gạc Ma tháng 3/1988, có cuộc hội ngộ xúc động bên giường bệnh một người đồng đội bị ung thư.
Ngày 19/11, cựu binh Dương Văn Dũng – bệnh nhân ung thư, được đẩy trên xe lăn từ phòng bệnh ra một phòng họp nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Dù phải ngồi khom người để nén những cơn đau, nhưng ông Dũng đã nở nụ cười tươi, đưa tay chào theo điều lệnh khi bất ngờ gặp 6 đồng đội trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma (14/3/1988) cùng bị Trung Quốc bắt giữ.
Vừa nhìn thấy đồng đội, cựu binh Trương Văn Hiền (Đắk Lắk) bật khóc, đưa tay gạt những giọt nước mắt trên khuôn mặt. “Dũng là ân nhân cứu mạng tôi trong trận chiến Gạc Ma”, ông tâm sự và cho biết đồng đội Dũng trong giây phút sinh tử đã đẩy cho mình tấm ván bằng gỗ để nổi trên mặt nước. 64 đồng đội khi đó đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ.
Khi cựu binh Dũng được đẩy xe lăn ra phòng gặp mặt đồng đội, cựu binh Hiền (bìa phải) đã không cầm nổi nước mắt. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Dũng là người duy nhất trong số 10 chiến sĩ hải quân quê Đà Nẵng còn sống sót. 4 năm sau trận chiến, những người lính Gạc Ma được phía Trung Quốc trả tự do. Họ giải ngũ và mưu sinh bằng đủ nghề. Ông Dũng đi làm thợ nề, còn vợ bươn chải kiếm sống bằng việc bán rau ở chợ để nuôi 3 người con.
Tháng 7/2015, ông Dũng đến khám bác sĩ trong một lần đau nặng và bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư. Trải qua nhiều lần xạ trị, bệnh đã di căn vào não. Gia cảnh đã nghèo nay lại phải vay nợ để có tiền chữa trị, gia đình ông Dũng lâm cảnh khốn khó. Đồng đội khi hay tin đã kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Một nhóm sinh viên ở Hà Nội có ý tưởng sẽ dành cho ông Dũng điều bất ngờ ngay tại bệnh viện, đó là tổ chức cuộc hội ngộ giữa những cựu binh Gạc Ma từng bị Trung Quốc giam giữ. Sau nhiều nỗ lực, chương trình được thực hiện với sự giúp đỡ nhiệt tình của một số nhà báo ở Đà Nẵng.
Ông Dũng được đồng đội khoác lên mình chiếc áo hải quân và được nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tặng hoa động viên. Ảnh: Nguyễn Đông.
“Gặp các bạn mình vui lắm”, ông Dũng nói khi trên môi nở nụ cười tươi. Sau những cái siết chặt bàn tay, những người đồng đội vây quanh ông, đưa những tấm ảnh chụp chung ngày vừa được thả tự do, chỉ mặt đọc tên từng người. “Có sáu đứa tụi mình ở đây sẽ chia bớt những cơn đau cho Dũng”, cựu binh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) nói.
Đồng đội cùng nhau may tặng ông Dũng chiếc áo hải quân, họ cẩn thận mặc vào cho bạn, ông Dũng không ngồi trên xe lăn nữa mà nhờ bạn đỡ mình đứng dậy. Họ xếp thành hàng, đưa tay lên chào theo điều lệnh quân đội khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Video đang HOT
Ông Dũng đầu trọc lóc sau những đợt hóa trị không còn dáng vẻ tiều tụy của một bệnh nhân. Những cơn đau dường như không còn giữa những tiếng cười.
Nhiều người nhà bệnh nhân kéo đến xem cuộc hội ngộ trong bệnh viện. “Ông ấy là lính hải quân bảo vệ Trường Sa”, tiếng những người phụ nữ bảo nhau. Nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đến bên bệnh nhân Dũng, nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của tổ quốc Việt Nam. “Tất cả chúng ta luôn tri ân những người đã cầm súng bảo vệ Gạc Ma”.
Nắm chặt tay đồng đội, cựu binh Nguyễn Văn Thống động viên bạn cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Đông.
Những người đồng đội dìu ông Dũng về giường bệnh. “Kiên cường lên Dũng ơi! Súng đạn không giết được tụi mình, giờ hãy gắng hết sức chiến đấu với bệnh tật. Đừng bỏ cuộc!”, những người lính Gạc Ma động viên bạn.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Tái hiện cuộc hải chiến Gạc Ma trên 2,5 hecta
Hơn chục nghệ nhân dựng lều trú tạm bên công trường, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, xẻ những phiến đá nguyên khối để tạc tượng người lính hải quân trong dự án xây Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa.
Một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đang được khẩn trương thi công để kịp hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 7 tới.
Giữa công trường tiếng máy cắt, máy khoan, búa vang lên liên hồi. Những phiến đá nặng hàng chục tấn được đơn vị thi công chuyển về công trình được cắt theo kích thước từng tác phẩm. Dù nắng gắt, những người nghệ nhân dựng láng trại túc trực, miệt mài tạc tượng.
Các nghệ nhân dựa vào hình mẫu là tượng thạch cao đo vẽ chi tiết để phân chia tỷ lệ ở các phiến đá rồi tùy vào bản thảo mà có thể dùng búa, khoan hay máy cắt để tạc tượng.
Tượng đài chính của khu tưởng niệm "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử". Biểu tượng này được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988.
Tượng của mỗi chiến sĩ đều khác nhau, buộc người thợ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu phiến đá mới chế tác đúng kích cỡ và hình dạng. "Có khi một tượng nhưng phải mất mấy tháng ròng rã, vì chỉ thực hiện bằng đục, búa do có nhiều chi tiết nhỏ trên bức tượng", một nghệ nhân cho biết.
"Làm việc ở công trình, dù vất vả nhưng nghĩ tới hy sinh của người lính, mong mỏi của gia đình về khu tưởng niệm cùng những bức tượng chiến sĩ Gạc Ma, mọi người trong nhóm đều tích cực, tập trung công việc và luôn tỉ mỉ", nghệ nhân Tạ Chắc (45 tuổi, quê Ninh Bình) nói.
Theo lời ông Chắc, nhiều nghệ nhân có chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong tạc tượng ở mọi miền đất nước, từ nhiều tháng nay đổ về công trình. "Nhóm chúng tôi cơ bản đã hoàn thành 8 trong số 9 tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma", ông Chắc cho biết.
Hơn 20 năm trong nghề, nhóm trưởng nghệ nhân tại công trình - ông Đỗ Đình Hanh - cho biết đã ở công trình từ ngày đặt viên đá khởi công. Gần đây, nhóm thợ của ông phải tăng cường thời gian, làm từ sáng sớm đến tối mịt để sớm kịp tiến độ.
"Mỗi bức tượng chiến sĩ Gac Ma luôn khắc rõ kiên cường, bất khuất trên khuôn mặt, thể hiện ý chí quên mình ngã xuống của người lính hải quân", ông Hanh khẳng định.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch liên đoàn Lao động Khánh Hòa - Thành viên Ban quản lý Khu tưởng niệm cho biết, các hạng mục chính Khu tưởng niệm đang triển khai đạt tiến độ và dự kiến, tháng 7 này sẽ xong giai đoạn 1. Trong đó, phần tượng đục thô cơ bản hoàn thành, bệ đài đang đổ bêtông.
Dù đã 28 năm trôi qua nhưng rất nhiều chiến sĩ tham gia trận hải chiến Gạc Ma năm nào vẫn còn nằm lại ở biển khơi. Khu tưởng niệm sẽ là nơi an ủi vong linh, thờ tự của gia đình những chiến sĩ đã ngã xuống. "Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác mãi nằm lại với lòng biển lạnh", cựu binh Lê Hữu Thảo - người có mặt trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 - cho hay.
Mới đây, khi kiểm tra tiến độ thi công công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đôn đốc các nghệ nhân làm đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng.
"Khu tưởng niệm cũng sẽ tạo không gian cộng đồng cho cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa, người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài tới tưởng niệm; tìm hiểu về lịch sử đấu tranh giữ nước, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước; ý chí bất khuất của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, tạo thêm một điểm tham quan du lịch đầy ý nghĩa", Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nói.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 hecta, khởi công hồi tháng 3/2015. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2 (rộng 2,5 ha) sẽ được xây dựng tại khu đảo Cô Lin, Len Đao, có cả nơi để thân nhân các liệt sĩ có thể ở lại, tham quan, nghỉ dưỡng...
Điểm nhấn thiết kế toàn cảnh mang chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời" với biểu tượng "Vòng tròn bất tử". Các tác giả chia sẻ về ý nghĩa của tác phẩm thiết kế với nội dung trọng tâm là "Vòng tròn bất tử" của các chiến sĩ Gạc Ma cùng tinh thần bất khuất, dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân đã ngã xuống vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xuân Ngọc
Theo VNE
Khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào dịp 27/7 Tròn một năm sau ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công, sáng ngày 13/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiểm tra tiến độ xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đưa Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào sử dụng nhân dịp 27/7...