Nước mắm Vạn Phần đón Huân chương Lao động
Ngày 15.12, Công ty cổ phần Thủy sản Vạn phần Diễn Châu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ hai. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, công ty đã phải trải qua những ngày gian khó.
Công ty cổ phần Thủy sản Diễn Châu (tiền thân là Trạm hải sản Diễn Châu thành lập năm 1947) được xây dựng, kế thừa quy trình làm nước mắm cổ truyền của Kẻ Vạn xưa. Sau nhiều năm gây dựng, công ty được biết đến là đơn vị chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh Nghệ An, phục hồi thành công công nghệ chế biến nước mắm theo phương thức cổ truyền.
Ông Võ Văn Đại giới thiệu với khách tham quan quy trình chế biến nước mắm Vạn Phần truyền thống. Ảnh: NMVP
Theo ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty, muốn nước mắm ngon, khâu đầu tiên là nguyên liệu cá phải tươi, chủ yếu là sử dụng cá cơm đen, cơm than. Chỉ ủ cá bằng thùng gỗ mít thì nước mắm thành phẩm sau này mới thơm ngon lại có màu sắc đẹp mắt. Công ty có hơn 50 thùng gỗ cỡ lớn với công suất chứa trên 1.000 tấn cá nguyên liệu. Quy trình chế biến nước mắm của công ty hoàn toàn theo cách truyền thống, ủ chượp – gài nén, cho “chín” tự nhiên, không tác động phụ gia, hóa chất. Cá được trộn đều với muối theo tỷ lệ xấp xỉ 3:1 rồi cho vào thùng gỗ lớn (cứ 1 lớp cá bên trên 1 lớp muối), sau đó rải muối gài nẹp đè đá nặng bên trên để nén. Trong tháng đầu, ngày nào cũng phải đảo náo, sau đó một tuần đảo náo một lần cho nước trong. Thời gian ngâm ủ kéo dài từ 9 – 12 tháng. Loại đặc biệt để lâu có ngâm vừng vàng. Loại này, theo ông Đại còn dùng chống rét cho người đi biển mùa đông, tăng sức khỏe cho người thợ lặn, làm thuốc chữa đau bụng gió rất tốt.
“Công ty đã đăng ký bản quyền thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Vạn Phần và đã xuất được hàng trăm nghìn lít sang các thị trường Malaysia, Hàn Quốc…” – ông Đại cho hay.
Video đang HOT
Cũng theo ông Đại, công ty còn làm thêm sản phẩm đặc biệt là nước mắm “hạ thổ”. Trải qua quy trình ủ chượp truyền thống, nước mắm được chiết xuất vào trong các chum đậy kín và đem chôn trong lòng đất. Thời gian hạ thổ thường kéo dài từ 2 – 2,5 năm trở lên, sau đó được chiết vào các chai nhỏ và bán ra thị trường. Nước mắm “hạ thổ” là loại thực phẩm để bổ sung dinh dưỡng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe người dùng.
Chế biến nước mắm truyền thống tại Công ty CP Thủy sản Vạn Phần. Ảnh: NMVP
Đặc biệt, nước mắm “hạ thổ” rất thích hợp cho người dùng là trẻ nhỏ, người suy dinh dưỡng, người cao tuổi, người có thể trạng yếu, do trong quá trình hạ thổ, các chất đạm trong nước mắm đã chuyển hóa thành các hợp chất hữu cơ có ích cho cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty cho ra các loại sản phẩm đa dạng, như nước mắm từ 10 đến 32 độ đạm.
Đến nay, nước mắm Vạn Phần đã chiếm lĩnh được thị trường rộng khắp toàn tỉnh Nghệ An và vươn xa đến các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Hà Nội… Nước mắm Vạn Phần còn “xuất ngoại” tới hàng chục nghìn lít sang Lào, Angola, Malaysia, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động với mức lương ổn định.
Tới thời điểm hiện tại, nước mắm Vạn Phần là một trong hai mặt hàng nông sản trên địa bàn Nghệ An được dán tem truy xuất nguồn gốc.
“Thời gian qua, sản phẩm của nước mắm Vạn Phần được phân phối qua Trung tâm Nông sản, thực phẩm an toàn (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) được khách hàng tin dùng và đánh giá cao. Nước mắm Vạn Phần là sản phẩm khó thể thiếu trong từng bữa ăn cũng như những ngày lễ, tết truyền thống của mỗi gia đình” – ông Đào Ngọc Nam – Tổng Giám đốc Trung tâm Phân phối nông sản, thực phẩm an toàn chia sẻ.
Nước mắm Vạn Phần đoạt Cúp Vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất 2009, lần thứ hai 2011 và là 1 trong 2 sản phẩm của Nghệ An được Bộ Công Thương cấp chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Nghệ An và khu vực miền Bắc. Sản phẩm được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng giải Cầu Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 300 sản phẩm hàng đầu Việt Nam 2014 do người tiêu dùng bình chọn; đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2015; sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016.
Theo Danviet
GĐ Sở ở Bình Phước bị thu hồi huân chương vì khai man thành tích
Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Bình Phước bị phát hiện khai man thành tích để nhận bằng khen của Thủ tướng và Huân chương Lao động hạng Ba.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm vừa ký công văn thông báo việc thu hồi Bằng khen của Thủ tướng và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước đã trao tặng cho ông Trần Văn Vân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.
Sở Khoa học - Công nghệ Bình Phước. Ảnh: TTXVN
Trước đó, từ đơn thư tố cáo, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra việc ông Vân khai man thành tích để được tặng hai danh hiệu trên.
Kết quả điều tra xác định, ông Vân khai từng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua 7 năm liền, từ 2003-2009. Tuy nhiên, qua rà soát trong hai năm 2003-2004 thì trong danh sách công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở không có tên ông Vân.
Ngoài ra, cuối năm 2005, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước đã thông báo những khuyết điểm sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ và vi phạm về lối sinh hoạt ảnh hưởng đến uy tín của người lãnh đạo đối với ông Vân.
Người đứng đầu tỉnh Bình Phước yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nội vụ thu hồi hiện vật khen thưởng, gồm: phôi Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; phôi Huân chương Lao động hạng Ba và cuống Huân chương cùng số tiền thưởng 3.785.000 đồng mà ông Vân đã được nhận.
Theo Văn Trăm (VnExpress)
Dân giăng thép B40 chặn công ty chế biến thủy sản gây ô nhiễm Cơ sở chế biến thủy sản của Công ty Việt - Trung mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã khiến người dân thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc. Quá bức xúc, người dân đã dùng thép B40 rào đường, ngăn phương tiện chở hải sản vào...