Nước mắm Phú Quốc đứng trước nguy cơ “treo thùng”
Các nhà thùng ở Phú Quốc (Kiên Giang) chưa kịp vui mừng với thông tin nước mắm Phú Quốc được bảo hộ xuất xứ tại EU đã phải đối mặt với nguy cơ “treo thùng” vì không có nguyên liệu sản xuất.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm tại Phú Quốc bị thiếu nguồn nguyên liệu cá cơm nghiêm trọng như hiện nay. Nguyên nhân là do hàng trăm ghe đánh bắt cá cơm theo cách truyền thống (đánh lưới vây) chuyển sang đánh bằng đèn cao áp cực mạnh, với mật độ khai thác quanh năm làm nguồn cá cơm cạn kiệt. Thêm vào đó là việc gần đây, các thương nhân Trung Quốc cạnh tranh thu mua với giá cao gấp 3 lần, khiến nguồn nguyên liệu càng trở nên khan hiếm.
Nhiều thùng để trống vì không có cá cho vào muối nước mắm – Ảnh: Giang Sơn
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết toàn hội có 86 cơ sở, DN, công ty làm nghề chế biến nước mắm. Trung bình mỗi năm huyện đảo cung cấp ra thị trường khoảng 30 triệu lít nước mắm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trước đây, chưa từng có thương buôn đến Phú Quốc mua cá cơm tươi, nhưng hiện nay thương lái ra đây thu mua mỗi ngày gần 500 tấn với giá cao, từ 14.000-18.000 đồng/kg nên DN tại Phú Quốc không mua được cá.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, chủ DN sản xuất nước mắm Hớn Hưng cho rằng với giá nguyên liệu cao như hiện nay thì DN phải ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng đợi giá cá giảm xuống. Nhiều DN khác cũng rơi vào cảnh tương tự, phải “treo thùng” vì không mua được cá nguyên liệu. Như vậy, nguy cơ sản lượng nước mắm trong năm 2013 giảm nhiều là điều khó tránh khỏi, vì cá muối nước mắm phải từ 12-15 tháng, tùy theo cá lớn nhỏ. Cùng với sản lượng và doanh thu giảm thì DN còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: vật tư (chai pet), tỷ giá, lãi suất ngân hàng, giá điện… đều tăng. Chưa hết, nếu DN nào đã “lỡ” ký trước hợp đồng với các đối tác thì nay do giá cả biến động, không có nguyên liệu sản xuất buộc phải bồi thường hợp đồng, DN có thể bị phá sản.
Khi những “nhà thùng” lâm vào cảnh điêu đứng thì hàng ngàn lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Hiện nhiều lao động đã phải chuyển sang tìm kiếm việc làm khác như: thợ hồ, phục vụ du lịch… Tuy nhiên, số lao động nữ rất khó kiếm việc làm nên ai thuê gì làm nấy, cuộc sống hết sức khó khăn.
Để ổn định sản xuất, đặc biệt là duy trì thương hiệu “nước mắm Phú Quốc”, các DN sản xuất nước mắm và người lao động đang rất cần những giải pháp hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng, trước tiên là UBND tỉnh Kiên Giang.
Theo TNO
Nước mắm Phú Quốc gặp khó vì cá cơm
Từ giữa tháng 9.2012 đến nay, giá cá cơm (loại "cá cơm than" làm nước mắm) trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tăng đột biến, từ 8.000 - 9.000 đồng lên 16.000 đồng/kg, gần gấp đôi giá bán cho các nhà thùng nước mắm so với thời điểm trước đây.
Từ giữa tháng 9.2012 đến nay, giá "cá cơm than" làm nước mắm trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tăng đột biến.
Theo một số ngư dân, do tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cá cơm nguyên liệu được các thương lái nước ngoài thu mua với giá cao để làm cá hấp hoặc sấy khô nên một số thương lái trong đất liền đã liên hệ với các chủ ghe hình thành một hệ thống thu mua cá cơm từ Phan Thiết đến Phú Quốc.
Cá cơm được một số chủ ghe thu mua ngay trên biển với giá khoảng 16.000 đồng/kg (gấp 2 lần giá bình thường), sau đó cá được chuyển bằng xe về tỉnh Bình Thuận bán cho các cơ sở làm khô hoặc làm cá hấp để chuyển ra nước ngoài bán với giá 22.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ việc bán cá cơm làm đông nhiều gấp 3 lần so với cá cơm muối mặn, do đó các chủ ghe thu mua ở thị trấn An Thới (Phú Quốc) chuyển hầm ghe chưa muối cá cơm thành ghe cá tươi đông lạnh để bán cho các thương lái.
Hiện có khoảng hơn 10 ghe thu mua cá cơm đông lạnh bán cho hai chủ chính tại thị trấn An Thới và một số ghe thu mua khác tại An Thới cũng trực tiếp vào Ba Hòn - Kiên Lương để bán cá cơm. Ngành chức năng Phú Quốc đang tiếp tục nghiên cứu, nắm tình hình vì sao có hiện tượng này, bởi nó đang ảnh hưởng không nhỏ đến nghề sản xuất nước mắm nổi tiếng của huyện đảo này.
Theo laodong
Thương nhân Trung Quốc lại "tung chiêu" gom mua cá cơm Sau hàng loạt đợt thu mua kỳ quặc với móng bò, rễ cây, đỉa trâu... thương nhân Trung Quốc lại tiếp tục gom mua cá cơm - gây ảnh hưởng đến sản xuất nước mắm. Trong khi đó, tình trạng nhập lậu gà thải, nội tạng động vật vẫn đang nhức nhối. Chiều 29/10, trao đổi với Dân trí tại phiên họp thường...