Nước giàu gây tranh cãi với liều tiêm vaccine Covid-19 thứ ba
Khi vaccine Covid-19 vẫn là điều xa xỉ với một nửa thế giới, ngày càng nhiều nước châu Âu và có điều kiện khác bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho công dân.
Các nước châu Âu nằm trong nhóm có chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 thành công nhất trên toàn cầu. Nhóm nhỏ trong số này, gồm một số quốc gia giàu và đông dân nhất lục địa, sẽ là những nước đầu tiên triển khai tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường, thường là mũi tiêm thứ ba. Kế hoạch này có thể tạo tiền lệ và đánh dấu một giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng.
Nhưng khi Covid-19 tiếp tục lây lan và gây tử vong với tốc độ đáng báo động trên toàn cầu, quyết định tiêm thêm liều vaccine cho những người đã tiêm đủ mũi thay vì quyên tặng cho các nước nghèo trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Nhiều nhà hoạt động và chuyên gia, trong đó có những người ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ trích hành động này, trong khi người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng khối chưa quyên tặng đủ vaccine cho các nước châu Phi và Mỹ Latinh.
Andrea Taylor, người dẫn đầu nghiên cứu về phân phối vaccine toàn cầu tại Đại học Duke, Mỹ nói người dân ở những nước giàu có thể dễ dàng tiêm vaccine với nguồn cung dồi dào, trong khi một nửa thế giới vẫn “khát” vaccine.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho một người cao tuổi ở Ottobrunn, Đức đầu năm nay. Ảnh: NYTimes.
Tuy nhiên, những lo ngại đó đã không làm cản bước kế hoạch của một số quốc gia. Đầu tuần này, Đức thông báo bắt đầu tiêm liều tăng cường cho người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và bất kỳ ai đã tiêm đủ mũi vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson từ tháng 9.
“Chúng tôi muốn bảo vệ các nhóm dễ gặp rủi ro một cách tốt nhất có thể khi mùa thu và mùa đông đến”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói. “Khả năng miễn dịch giảm ở nhóm đối tượng đó là lớn nhất”.
Chưa đầy 48 tiếng sau thông báo của Đức, WHO kêu gọi toàn cầu hoãn tiêm liều tăng cường ít nhất hai tháng.
Video đang HOT
“Chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đang sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu tiếp tục sử dụng nhiều hơn nữa, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất của thế giới chưa được bảo vệ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ngày 4/8.
Nhiều chuyên gia bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo không nên vội vàng tiêm liều tăng cường cho đến khi có nhiều dữ liệu hơn về hiệu quả của nó. Các nhà khoa học vẫn bất đồng về việc có nên tiêm liều tăng cường hay không hoặc tiêm vào thời điểm nào. Hướng dẫn mới nhất từ các cơ quan y tế châu Âu cho biết “còn quá sớm” để kêu gọi tiêm liều vaccine bổ sung.
Tuy nhiên, biến thể Delta với khả năng lây nhiễm nhanh đã thay đổi tính toán của một số quốc gia. Khi số ca nhiễm mới đang gia tăng trên khắp châu Âu, các nhà lãnh đạo hy vọng liều tăng cường giúp ngăn chặn một đợt bùng phát mới vào mùa lạnh.
Tại Pháp, nhóm đầu tiên tiêm vaccine gồm người ở viện dưỡng lão, người trên 75 tuổi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, sẽ được phép tiêm liều tăng cường vào tháng 9, Tổng thống Emmanuel Macron nói tháng trước.
Tại Anh, giới chức Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết họ chuẩn bị tiêm liều tăng cường vào tháng 9, nhưng vẫn đợi hướng dẫn và xác nhận từ hội đồng chuyên gia cố vấn của nước này. Một người phát ngôn cho biết chương trình tiêm liều tăng cường sẽ đảm bảo “hàng triệu” người duy trì bảo vệ trước biến thể vào mùa đông tới.
Hungary, nơi cấp phép nhiều loại vaccine hơn các nước láng giềng gồm cả vaccine Nga và Trung Quốc, đã bắt đầu tiêm liều tăng cường cho tất cả người dân, bất kể độ tuổi và tình trạng sức khỏe, nhưng khuyến cáo mọi người nên đợi ít nhất bốn tháng sau khi tiêm mũi hai.
Quan chức Tây Ban Nha và Italy cũng thông báo có thể cần tiêm liều tăng cường cho người dân, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.
Chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường đang được tiến hành ở Nga và Israel cho những người trên 60 tuổi. Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho rằng tương tự như vaccine cúm, vaccine Covid-19 cũng cần “tiêm nhắc lại”.
Mỹ có thể cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết họ đang xem xét về tiêm liều bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch. Đến nay, Mỹ mới cấp phép cho ba loại vaccine gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Nhưng chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony S. Fauci nói “có thể” khuyến nghị tiêm liều tăng cường đối với một nhóm dân số nhất định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu còn hạn chế, việc triển khai tiêm liều tăng cường đồng nghĩa số lượng vaccine được chuyển tới các nước nghèo sẽ ít hơn.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 3/8 thông báo Mỹ đã chuyển hơn 110 triệu liều vaccine cho hơn 60 quốc gia. Tuy nhiên, WHO cho biết thế giới cần gần 11 tỷ liều vaccine để “chấm dứt đại dịch”.
Dù EU đưa ra nhiều cam kết đầy tham vọng về chia sẻ vaccine, khối và các nước thành viên tiếp tục tụt hậu so với Mỹ về lĩnh vực này, theo các báo cáo và dữ liệu được công bố.
Josep Borrell, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết EU còn cách rất xa cam kết 200 triệu liều chia sẻ cho đến cuối năm nay. “Có nhưng khi nào? Vấn đề không chỉ là cam kết mà còn là hiệu quả thực hiện”, Borrell nói cuối tuần trước.
Theo số liệu của EU, khối đã tặng 7,1 triệu liều vaccine cho thế giới, trong đó gần 1,59 triệu thông qua sáng kiến chia sẻ Covax. EU cho biết các tổ chức và quốc gia thành viên cũng cung cấp khoảng 3,5 tỷ USD cho Covax và huy động được gần 50 triệu USD viện trợ phục hồi đại dịch, trong đó hơn 1/4 dành cho các nước Mỹ Latinh và châu Phi.
“EU đã và đang đóng một vai trò quan trọng. Nhưng chúng tôi cần làm nhiều hơn. Chúng thôi đã cam kết và thiết lập các kênh phân phối cho đối tác. Giờ là lúc bắt đầu cung cấp”, tuyên bố của EU nêu.
Một điểm tiêm chủng ở Poissy, vùng Paris, Pháp hồi tháng 6. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, Taylor, nhà nghiên cứu tại Đại học Duke, nói không rõ các nước EU có đủ khả năng vừa tiêm chủng tăng cường cho người dân, vừa hoàn thành các cam kết với thế giới hay không.
Ủy ban châu Âu đã đặt hàng thêm hơn hai tỷ liều để chuẩn bị cho khả năng triển khai chiến dịch tiêm chủng tăng cường hoặc ứng phó với các biến thể mới.
Tuần trước, chiến dịch tiêm chủng của EU đã vượt Mỹ. Khoảng 60% người dân của khối đã tiêm ít nhất một liều. Tại châu Phi, tỷ lệ này chỉ là 3,6%, trong đó chưa tới 2% tiêm chủng đủ liều. Việc nhiều nước chưa được bảo vệ có thể dẫn tới các đợt bùng phát không kiểm soát, tạo điều kiện cho virus tiếp tục biến đổi, như những gì xảy ra ở Ấn Độ.
“Sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta nhanh chóng rút kinh nghiệm và không phạm phải sai lầm lần nữa. Chúng ta đang ngồi trên quả bom hẹn giờ. Chúng ta chỉ ngồi và chờ đợi thảm họa xảy ra”, Taylor nói.
Nghiên cứu chứng minh tác hại khôn lường của việc kê kháng sinh liều cao
Việc sử dụng kháng sinh liều cao hơn để giải quyết vấn đề kháng thuốc, vốn đang ngày càng phổ biến, cuối cùng sẽ khiến một số loại vi khuẩn biến đổi để thích nghi tốt hơn.
Các loại thuốc tại Lille, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Kết quả nghiên cứu mới công bố ngày 12/5 cho thấy cái nhìn rõ hơn về nguy cơ chưa được lường trước này.
Liên hợp quốc coi tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất ở quy mô toàn cầu và dự báo đến năm 2050, tình trạng này có thể dẫn tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Một số nghiên cứu thực hiện trong những năm gần đây đã cảnh báo về các nguy cơ từ việc kê quá liều kháng sinh và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính hơn 30% số đơn thuốc có kê kháng sinh dù không cần thiết. Trước đây từng có nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng kháng sinh với các liều lượng cao hơn có thể làm chậm tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại chưa đánh giá tác động của việc sử dụng kháng sinh với những liều lượng cao hơn tới sức khỏe tổng thể của vi sinh vật.
Để có câu trả lời cho vấn đề này, một đội ngũ các nhà nghiên cứu Anh và châu Âu đã tiến hành đánh giá phản ứng của một nhóm vi khuẩn E. coli với 3 dòng kháng sinh phổ biến, sử dụng ở các liều lượng khác nhau. Kết quả cho thấy việc dùng kháng sinh với liều lượng cao hơn làm giảm tốc độ kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn bản gốc. Tuy nhiên, mặt khác, việc làm này cũng khiến tốc độ sao chép của vi khuẩn gia tăng hay nói cách khác là đẩy nhanh tốc độ ra đời một chủng vi khuẩn mới có khả năng thích ứng cao hơn.
Theo các tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Biology Letters, kết quả trên cho thấy việc tăng liều lượng kháng sinh có thể là "con dao 2 lưỡi" vì cuối cùng lại sinh ra một chủng vi khuẩn mới có khả năng kháng thuốc cao hơn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng cần đánh giá cả nguy cơ vi khuẩn biến đổi để thích nghi khi xem xét vấn đề kê liều lượng kháng sinh phù hợp.
Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia Mato Lagator, từ Trường Khoa học vi sinh thuộc Đại học Manchester (Anh), cho rằng khi phát triển các loại thuốc mới, các hãng dược thường tập trung vào mục đích chủ yếu là hiệu quả đẩy lui tình trạng nhiễm khuẩn nhưng lại rất ít khi để ý tới khả năng loại vi khuẩn đó sẽ biến đổi để kháng thuốc và khả năng kháng thuốc của chủng vi khuẩn mới.
Chuyên gia này dẫn dự báo rằng đến năm 2050, các loại vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây ra nhiều ca tử vong trên toàn cầu hơn cả bệnh ung thư, qua đó kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu về tác động dài hạn của việc kê kháng sinh liều cao, đặc biệt là đối với việc tạo ra các thế hệ vi khuẩn mới.
Từ quan điểm cá nhân, chuyên gia Lagator khẳng định việc tăng liều lượng kháng sinh để nhanh khỏi bệnh mà không nghĩ tới hậu quả lâu dài sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy.
Đắm thuyền chở người di cư ngoài khơi Tunisia Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn nguồn tin từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 13/5 cho biết ít nhất 17 người di cư mất tích sau một vụ đắm thuyền trên biển Địa Trung Hải ở ngoài khơi bờ biển Tunisia. Người di cư sau khi được lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia cứu. Ảnh: AFP/TTXVN Theo những...