Nước Đức và sáng tạo xã hội
Nếu như sáng tạo đã và đang là động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới thì sáng tạo xã hội lại nổi lên như một nhu cầu cấp thiết để đảm bảo phát triển bền vững cho con người và môi trường sống. Bạn muốn quốc gia bạn đi đầu trong sáng tạo xã hội?
Tác giả tham quan School of Design Thinking, Postdam, Đức tháng 8/2015
Sáng tạo xã hội là gì?
Sáng tạo xã hội hay sáng tạo vì xã hội được hiểu là những giải pháp, sản phẩm, công nghệ hay năng lực, phương pháp, cách làm mới, sáng tạo được áp dụng để giải quyết một hay nhiều vấn đề xã hội. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “Sáng tạo xã hội là những sáng kiến mang đến phúc lợi trực tiếp cho các nhóm thu nhập thấp và nhóm yếu thế trong xã hội. Sáng tạo xã hội thường điều chỉnh các công nghệ, sản phẩm hay dịch vụ hiện có để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nhóm này”.
Video đang HOT
Bạn đã từng biết đến sản phẩm cặp phao cứu sinh? Cặp sách đi học cho trẻ em kết hợp chức năng phao cứu sinh giúp bảo vệ cuộc sống cho hàng triệu trẻ em Việt Nam sống ở các vùng sông nước (như làng chài trên biển, vùng đồng bằng sông Cửu Long), vùng núi cao, vùng có nguy cơ gặp bão lũ. Sản phẩm được sáng tạo từ ý tưởng của cậu con trai 15 tuổi của chị Nga, giám đốc một công ty ở Kim Bảng, Hà Nam, khi gia đình đang xem tin thời sự về sự việc 12 em nhỏ ở tỉnh Nghệ An bị lũ cuốn trôi trên đường đến trường. Từ đó, chị Nga phát triển thành công sản phẩm sáng tạo vì xã hội này.
Ở các quốc gia, chính phủ hay nhà nước có chức năng quản lý xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn và tạo môi trường để người dân có việc làm và thu nhập cho cuộc sống. Nhà nước cũng thường cung cấp các dịch vụ công (dịch vụ xã hội) để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân như giáo dục, y tế.
Các vấn đề xã hội thường nảy sinh khi các dịch vụ công không đáp ứng hoặc đáp ứng không đồng đều giữa các nhóm người trong xã hội. Một số vấn đề xã hội như sự mất công bằng trong tiếp cận học tập, khám chữa bệnh của các nhóm thu nhập khác nhau trong một quốc gia; vấn đề bình đẳng giữa nam giới và nữ giới; cơ hội học tập, việc làm, và thu nhập cho các nhóm thiểu số hay nhóm yếu thế trong xã hội như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nhập cư, trẻ em đường phố; vấn đề tệ nạn xã hội. Vấn đề xã hội cũng có thể nảy sinh do những biến động của nền kinh tế (như khủng hoảng kinh tế), môi trường tự nhiên (như hạn hán, bão lụt, dịch bệnh, biến đổi khí hậu) khiến một hay nhiều nhóm người trở nên bấp bênh, bất ổn về nhà ở, việc làm, thu nhập dẫn đến nghèo đói và nhiều vấn đề xã hội hệ quả khác.
Các vấn đề xã hội truyền thống cũng như mới nảy sinh do những biến đổi của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ngày càng phức tạp, đa dạng và diễn ra ở mọi quốc gia trên toàn cầu. Bởi vậy, cùng với sáng tạo – động lực cho sự phát triển kinh tế, sáng tạo xã hội ngày càng trở nên quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ cho mỗi quốc gia mà cho toàn cầu.
Ngoài tính mới, sáng tạo xã hội thường mang tính thông minh và hiệu quả. Quan trọng hơn cả, sáng tạo xã hội tạo ra những tác động, những thay đổi tích cực cho cuộc sống của mọi người hoặc của những nhóm người yếu thế và người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Sáng tạo xã hội diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi quy mô từ những giải pháp lớn đến những ý tưởng nhỏ, một cách vô tình hay có ý thức. Bất kỳ ai cũng có thể là chủ nhân của những sáng tạo tuyệt vời giúp thay đổi cuộc sống.
Sáng tạo xã hội ở Đức
Tại Cộng hòa Liên Bang Đức, sáng tạo là đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Sáng tạo công nghệ cao là chiến lược trọng tâm của quốc gia này để trở thành quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới. Chiến lược về sáng tạo ở Đức hiện nay không chỉ dừng ở sáng tạo công nghệ cao mà còn bao gồm cả sáng tạo xã hội, trong đó coi xã hội và con người là trọng tâm cho sáng tạo và phát triển, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Sáu lĩnh vực ưu tiên phát triển sáng tạo ở Đức bao gồm: xã hội số (giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến công nghệ số), năng lượng bền vững, công sở sáng tạo, lối sống khỏe mạnh, vận tải thông minh, và an ninh dân sự (theo Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang, tháng 8/2014).
Dicovering Hands (Khám phá bàn tay) tại Berlin hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xã hội, đã khám phá ra năng lực xúc giác tuyệt vời từ bàn tay của phụ nữ mù và phụ nữ khiếm thị trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư vú ở nữ giới. Họ là nhóm phụ nữ yếu thế, thường gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nghề nghiệp và việc làm để tự đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình. Bệnh ung thư vú hiện đang là căn bệnh phổ biến nhất đối với phụ nữ ở Đức. Hàng năm, hơn 70.000 phụ nữ bị chẩn đoán là mắc bệnh và con số này không ngừng tăng trong suốt ba thập kỷ qua. Tại Discovering Hands, phụ nữ mù và phụ nữ khiếm thị được tuyển chọn, đào tạo trong 9 tháng qua chương trình MTE (Chương trình đào tạo kiểm tra y tế qua xúc giác). Gần 74 thành viên của MTE hiện đang làm việc tại Discovering Hands và 24bệnh viện, cơ sở y tếtrên khắp nước Đức. Một nghiên cứu của Trường Đại học Erlangen, Đức trên 451 bệnh nhân cho thấy khả năng phát hiện bệnh của MTE cao hơn 28,6% so với bác sỹ chuyên khoa và MTE có thể phát hiện sớm khối u ở kích thước 5-8 mm trong khi bác sỹ chuyên khoa thông thường có thể phát hiện khối u ở kích thước 10-15 mm.
Một thành viên của MTE đang giới thiệu kỹ thuật phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ tại Discovering Hands
Với hệ thống đào tạo và khám chữa bệnh sáng tạo này, Discovering Hands đang mang lại lợi ích xã hội cho nhiều các bên liên quan như: bệnh nhân có thêm cơ hội sống sót và giảm chi phí điều trị; phụ nữ mù và phụ nữ khiếm thị có cơ hội việc làm ổn định, đồng thờilàm thay đổi nhận thức của xã hội về năng lực của người khuyết tật; nhà nước tiết kiệm hàng triệu euro quỹ phúc lợi xã hội cho người mù không có việc làm cũng như tiết kiệm chi phí xã hội trong điều trị bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh chính sách khuyến khích sáng tạo vì xã hội của chính phủ Đức, nhiều ý tưởng và dự án sáng tạo xã hội đã ra đời từ các vườn ươm, tổ chức trung gian hỗ trợ, cũng như các trường đào tạo về sáng tạo xã hội. Một ví dụ là Trường đào tạo thiết kế sáng tạo School of Design Thinking thuộc Viện Hasso-Plattner, Trường Đại học Postdam, Đứchàng năm đào tạo gần 240 học viên đến từ 60 trường đại học ở gần 20 quốc gia về phương pháp thiết kế sáng tạo.
Chương trình hướng dẫnvà khuyến khích sáng tạo hợp tác giữa các cá nhân thuộc nhiều ngành nghề và kinh nghiệm khác nhau để cùng giải quyết các vấn đề xã hội. Quy trình thiết kế sáng tạo 6 bước được hướng dẫn và thực hành qua các bài tập nhóm 1 tuần, 3 tuần và 6 tuần dưới sự hỗ trợ của huấn luyện viên giúp học viên hiểu, thực hành và trải nghiệm, đồng thời tạo thành thói quen suy nghĩ và hành động sáng tạo cho mình. Kể từ khi chương trình bắt đầu năm 2007, hơn 100 sáng kiến xã hội đã được học viên các khóa cơ bản và nâng cao xây dựng cho các đối tác doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan nhà nước. Rất nhiều học viên từ cảm hứng, động lực của chương trình, cùng với kiến thức, kỹ năng, quan hệ có được đã tự tin khởi sự doanh nghiệp xã hội của mình, không ngừng mang lại những giá trị tích cực cho xã hội.
Tóm lại, nước Đức đang đi đầu trong việc tạo ra một môi trường khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của nhiều chủ thể nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho việc hình thành và thực hiện nhiều sáng tạo xã hội, giúp quốc gia này không chỉ tăng trưởng về mặt kinh tế mà còn tạo ra những giá trị công bằng và bền vững cho xã hội.
N.T.H.H
Theo Dantri