Nước Đức chia rẽ sau ‘đêm giao thừa nhục nhã’
Loạt tấn công tình dục ở Cologne trước thềm năm mới đã làm bùng lên tranh cãi trong lòng xã hội Đức về chính sách đối với người tị nạn.
Phong trào Pediga tuần hành phản đối các vụ tấn công tình dục ở Cologne. Ảnh:DW
Hôm thứ bảy tuần trước, ít nhất ba đoàn tuần hành đã tụ tập bên ngoài nhà ga chính ở Cologne, Đức. Họ đến để bày tỏ phản ứng trước những vụ tấn công, quấy rối, cưỡng bức nhắm vào phụ nữ Đức tại địa điểm này vào đêm giao thừa hơn một tuần trước, theo NewYorker.
Cuộc tuần hành đầu tiên được tổ chức bởi Pegida, phong trào chống nhập cư xuất hiện ở vùng Đông Đức cũ và thường xuyên phát động các cuộc biểu tình trên các thành phố khắp nước Đức. Nhóm thứ hai là cuộc tuần hành chống Pegida dưới sự điều hành của các nhà hoạt động cánh tả, những người cáo buộc Pegida đang khơi dậy bóng ma quá khứ phát xít của nước Đức.
Cả hai nhóm này đều tuyên bố đang chiến đấu cho tương lai của nước Đức. Không khí đối đầu giữa hai nhóm căng thẳng đến mức Pegida đã phải kết thúc sớm cuộc tuần hành, và một số người biểu tình đã bắt đầu ném chai lọ vào nhau. Trước khi sự việc đi quá xa, cảnh sát Đức quyết định dùng vòi rồng để can thiệp và giải tán đám đông.
Trước khi hai nhóm này bắt đầu, đã có một cuộc tuần hành khác, phản đối bạo lực với phụ nữ, và rất nhiều người khi nghe được thông tin về “đêm giao thừa nhục nhã” thông qua báo chí hay mạng xã hội đã xuống đường tham gia ngay lập tức. Chủ đề được đề cập nhiều nhất, trực tiếp nhất trong cả ba cuộc tuần hành chính là những gì đã xảy ra trong đêm trước thềm năm mới ở Cologne.
Trong đêm đó, hàng nghìn thanh niên Đức kéo đến trước nhà ga Cologne để đón giáo thừa. Khi một số người đốt pháo ném nhau, họ bị đẩy ra những con phố vốn đã rất đông đúc bên ngoài. Tại đó, một đám đông hơn 1.000 thanh niên, mà theo các nhân chứng và báo cáo của cảnh sát là đa phần người Bắc Phi, Trung Đông và vùng Balkan, vây chặt lấy họ và bắt đầu có hành vi quá khích.
Đám đàn ông này sờ soạng, sàm sỡ phụ nữ, trong khi những kẻ khác trộm ví và điện thoại của nạn nhân. “Các cô gái, dù có bạn trai đi cùng hay không, đều phải chạy bán sống bán chết qua đám đông những kẻ say xỉn đang buông những lời tục tĩu không tả được bằng lời”, tờ Der Spiegel công bố một báo cáo sơ bộ của cảnh sát Cologne.
Trong đám đông hỗn loạn, những cô gái tội nghiệp không biết phải chạy đi đâu, họ tuyệt vọng kêu cứu, nhưng cảnh sát không có cách gì để cứu họ. Các nhân chứng cho biết cảnh sát hoàn toàn bị đám đông áp đảo.
Báo cáo của cảnh sát cho biết không ai thiệt mạng trong vụ việc này, nhưng đó hầu như là do may mắn chứ không nhờ bất cứ hành động can thiệp nào của đội ngũ hành pháp. Cảnh sát trưởng Cologne đã buộc phải nghỉ hưu sớm sau sự việc “nhục nhã và đáng xấu hổ” này.
Cảnh tượng hỗn loạn trước nhà ga Cologne trong đêm giao thừa. Ảnh: Der Spiegel
Theo luật của Đức, bất cứ hành vi phạm tội nào diễn ra ở nhà ga chính hoặc trong phạm vi 30 mét tính từ đường ray đều thuộc quyền xử lý của cảnh sát liên bang (Bundespolizei), và đến thứ 6 tuần trước, lực lượng này mới đưa ra danh sách nghi phạm đầu tiên.
Trong số 22 nghi phạm này có 9 người Algeria, 8 người Morocco, 5 người Iran, 4 người Syria, ba người Đức, một người Iraq, một người Serbia và một người Mỹ. Đây chưa phải là tất cả, bởi có khoảng 200 cô gái đã nộp đơn tố cáo, và nhiều đoạn video quay lại vụ việc, với thời lượng lên tới 350 giờ, theo Der Spiegel.
Những nghi phạm đầu tiên bị bắt là những kẻ trộm cắp tài sản. Cảnh sát Đức đã lần theo tín hiệu của những chiếc điện thoại bị đánh cắp và đột kích vào các khu lều trại hay khách sạn dành cho người đang nộp đơn xin tị nạn hoặc ở khu vực lân cận.
Người Đức nổi giận
Video đang HOT
Thông tin về việc 22 nghi phạm đầu tiên phần lớn là những người đang nộp đơn xin tị nạn đã khiến dư luận nước Đức vô cùng phẫn nộ. Một số người cáo buộc cảnh sát đã cố tình ém nhẹm vụ việc vì sợ dính dáng đến vấn đề tị nạn đầy nhạy cảm, hoặc đơn giản là để che giấu thất bại của họ.
Thị trưởng Cologne càng làm tình hình diễn biến tồi tệ hơn khi tuyên bố rằng các cô gái bị quấy rối, sàm sỡ, tấn công tình dục trong đêm đó đáng lẽ ra phải biết cách “giữ khoảng cách một cánh tay với những người lạ”.
Với một bộ phận người Đức, các vụ tấn công ở Cologne, cùng với một số vụ việc tương tự ở Hamburg và Helsinki vào đêm giao thừa, là một bản phán quyết với những người từng hoan nghênh chính sách mở cửa chào đón người tị nạn, trong đó chủ yếu là người Hồi giáo, ồ ạt đổ về châu Âu.
Họ cho rằng người cần bị đưa ra chỉ trích, phê phán trong vụ việc này là Thủ tướng Angela Merkel, người đã không áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho nước Đức, và kết quả là trong năm qua quốc gia này đã nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn từ Trung Đông, Bắc Phi.
Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn đó, bà Merkel trở thành biểu tượng cho lương tri của cả châu Âu. Thế nhưng giờ đây, bà lại trở thành “tội đồ” trong suy nghĩ của không ít người dân, khi họ cho rằng chính phủ Đức đã thất bại trong việc kiểm soát dòng người tị nạn, và “đêm giao thừa nhục nhã” là một kết quả không thể tránh khỏi.
Một trong những câu nói xuất hiện nhiều nhất trên báo chí Đức lại là của một người tị nạn. “Tôi là người Syria, các anh phải đối xử với tôi tử tế! Chính bà Merkel mời tôi đến đây”, người đàn ông này đã tuyên bố với cảnh sát Đức như vậy.
Rất nhiều lần, bà Merkeo đã tuyên bố trước nước Đức: “Chúng ta có thể xử lý vấn đề này, và chúng ta sẽ xử lý nó”. Và lần này, bà cũng quyết tâm xử lý vấn đề với lời khẳng định sẽ truy tố và trừng phạt bất cứ nghi phạm nào tham gia vụ tấn công, dù họ đang nộp đơn xin tị nạn.
Hôm thứ 7, bà khẳng định sẽ điều chỉnh luật để tạo thuận lợi hơn cho việc từ chối đơn tị nạn đối với những người vi phạm pháp luật, “không chỉ vì lợi ích của người dân mà còn vì lợi ích của đại đa số người tị nạn”.
Người tị nạn đang trở thành vấn đề đau đầu với Đức và nhiều nước châu Âu. Ảnh:CNN
Nhưng những nỗ lực này của bà Merkel cũng không thể ngăn được sự chia rẽ trong dư luận và những suy nghĩ ngày càng tiêu cực của người dân đối với vấn đề người tị nạn. Phần lớn những người chỉ trích cho rằng vụ tấn công ở Cologne là minh chứng cho nỗi sợ hãi rằng người tị nạn là một mối nguy hiểm, và sự hiện diện của họ sẽ khiến cuộc sống người Đức tồi tệ hơn.
Một số người có cái nhìn ít tiêu cực hơn cũng cho rằng vụ Cologne là dấu hiệu cho thấy nước Đức đã không chuẩn bị sẵn sàng để quản lý một lượng lớn người tị nạn đến vậy.
Trong khi đó, những người ủng hộ việc tiếp đón người tị nạn lại lo lắng rằng làn sóng giận dữ ngày càng lan tỏa trong lòng xã hội Đức sẽ gây gại cho cả những người tị nạn đang ở nước này lẫn những người sẽ đến trong tương lai.
Trong các cuộc thăm dò gần đây do Viện Forsa tiến hành, hơn một phần ba người Đức cho biết cái nhìn của họ đối với người nước ngoài đã xấu đi sau vụ Cologne, theo NPR. 57% người dân tin rằng người tị nạn sẽ khiến làn sóng tội phạm gia tăng ở nước này. Đây được cho là một trong những lý do khiến phong trào Pegida trỗi dậy, với những kẻ xăm trổ hát những bài hát từ thời Quốc xã, như một phép thử với chính bà Merkel và sự độ lượng của nước Đức.
Dù vậy, 60% người Đức khẳng định quan điểm của họ đối với vấn đề tị nạn vẫn không thay đổi. Nhiều nhà hoạt động nữ quyền cho biết rất nhiều phụ nữ tị nạn đã phải trải qua những tủi hổ, nhục nhã còn lớn hơn nhiều trên đường chạy trốn đến nước Đức, và họ có quyền tìm cho mình một chốn bình yên, thậm chí là sự tử tế, ở đất nước này.
Cuộc tuần hành vì nữ quyền hôm thứ bảy là sự kiện duy nhất kết thúc theo kế hoạch. Đoàn người càng lúc càng dài ra, khi nhiều người qua đường, chủ yếu là phụ nữ, cùng tham gia. Họ không hề muốn giữ khoảng cách một cánh tay với bất cứ thứ gì.
Trí Dũng
Theo VNE
'Đêm giao thừa nhục nhã' thử thách lòng kiên nhẫn của nước Đức
Những vụ tấn công tình dục vào phụ nữ Đức ở Cologne trong đêm giao thừa đang khiến dư luận nước này đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách nhập cư của chính phủ.
Khung cảnh hỗn loạn trước nhà ga Cologne trong đêm giao thừa. Ảnh: DW
Công chúng Đức không khỏi bàng hoàng trước thông tin về một loạt những vụ cướp bóc, tấn công tình dục, hiếp dâm diễn ra ngay trong đêm giao thừa chào đón năm mới ở Cologne, làm dấy lên làn sóng tranh cãi về mối đe dọa đến từ làn sóng người nhập cư vào nước này.
Theo Financial Times, nhiều người dân Đức từng chào đón một cách nồng hậu hàng nghìn người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi ở nhà ga Munich hồi mùa hè năm ngoái giờ đây có lẽ đã cảm thấy hối tiếc về hành động của mình, khi hàng loạt vụ tấn công nhắm vào phụ nữ Đức được cho là do người nhập cư gây ra.
Cuộc điều tra của cảnh sát Đức đối với những vụ tấn công tình dục, cướp bóc quy mô lớn chưa từng có tiền lệ này vẫn đang diễn ra, trong đó hơn 100 nạn nhân đã nộp đơn tố cáo bị sàm sỡ, quấy rối, cưỡng hiếp và cướp tài sản. Theo các báo cáo của cảnh sát và lời kể nhân chứng, những kẻ tấn công đến từ một đám đông khoảng 1.000 thanh niên trẻ, đa phần là người nhập cư gốc Arab hoặc Bắc Phi.
Ngày 7/1, tờ Der Spiegel công bố bản báo cáo rò rỉ của một quan chức cảnh sát cấp cao Đức, trong đó nhấn mạnh những gì xảy ra trong "đêm giao thừa nhục nhã và đáng hổ thẹn" này là điều tồi tệ nhất trong cuộc đời 29 năm làm cảnh sát của ông, khi phải chứng kiến những cô gái trẻ chạy thục mạng để "thoát khỏi bàn tay những kẻ tấn công".
Trong bản báo cáo, viên cảnh sát thừa nhận sự hiện diện ít ỏi của họ ở khu vực nhà ga Cologne vào đêm giao thừa đã khiến tình hình sớm rơi vào hỗn loạn. Đám đông thanh niên say xỉn hò nhau tấn công các cô gái bằng các hành động sàm sỡ và những lời lẽ dung tục.
Các nạn nhân trong đêm kinh hoàng đó cũng miêu tả sự bất lực của luật pháp, khi những kẻ tấn công phớt lờ sự hiện diện của cảnh sát và chống lại mệnh lệnh của họ. "Chúng tóm lấy tay tôi, lột quần áo và tìm cách đưa tay vào giữa hai chân tôi", một cô gái kể lại với BBC.
Khi viên cảnh sát này đến nơi, ông bàng hoàng chứng kiến hàng trăm thanh niên đang tụ tập, đốt pháo và ném chai lọ vào đám đông, trong khi những cô gái vây quanh ông khóc lóc và tố cáo vừa bị sàm sỡ.
Một người đàn ông tuyên bố với cảnh sát: "Tôi đến từ Syria, các ông phải đối xử tử tế với tôi. Bà Merkel mời tôi đến đây". Trong khi đó, một người khác xé nát cuốn hộ chiếu của mình ngay trước mặt cảnh sát và tuyên bố: "Các ông không làm gì được tôi, mau mang cho tôi giấy tờ khác vào ngày mai".
Vụ việc này đã làm chấn động cả nước Đức, một đất nước vốn tự hào về trật tự xã hội, và khiến dư luận đặt ra vô số câu hỏi, từ cách ứng phó của cảnh sát cho tới chính sách nhập cư của chính phủ và khả năng hòa nhập của cộng đồng người Hồi giáo nhập cư.
Một cô gái Đức lên truyền hình tố cáo bị đám đông sàm sỡ tại Cologne. Ảnh: NDTV
Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi cảnh sát nước này có "hành động cứng rắn" đối với những kẻ tấn công ở Cologne, dù họ có nguồn gốc từ đâu. Thế nhưng lời kêu gọi của bà Merkel không thể xoa dịu được những lời chỉ trích của phe đối luôn chỉ trích chính sách nhập cư của bà. Hồi năm ngoái, bà Merkel đã quyết định mở cửa biên giới nước Đức, tiếp nhận con số kỷ lục khoảng 1,1 triệu người nhập cư.
Đảng Alternative fr Deutschland cánh hữu đã nhanh chóng lên tiếng đổ lỗi cho bà Merkel khi cho rằng các vụ tấn công ở Cologne là "sự pha trộn nguy hiểm giữa dòng người nhập cư không được kiểm soát, sự thất bại không thể bào chữa được của chính phủ và sự can thiệp chính trị".
Các chính trị gia cánh hữu trong liên minh cầm quyền CDU/CSU của bà Merkel cũng đã dùng vụ Cologne để gia tăng áp lực lên thủ tướng, khi cựu bộ trưởng nội vụ Hans-Peter Friedrich nói đến "làn sóng nhập cư mất kiểm soát".
Những người ủng hộ bà Merkel cũng đã có một số động thái phản công, khi cảnh báo các lời cáo buộc vội vàng là không khách quan. Nghị sĩ Claudia Roth thuộc đảng Xanh lên tiếng: "Thật không đúng khi nói rằng đây là hành vi điển hình của người tị nạn hay người Bắc Phi".
Theo giới phân tích, vụ việc đáng hổ thẹn ở Cologne sẽ càng khiến cuộc tranh luận về khả năng hòa nhập của người tị nạn trong lòng xã hội nước Đức trở nên căng thẳng hơn. Ngày càng nhiều người tin rằng chính phủ Đức đã thất bại trong việc giúp người nhập cư hòa nhập thuận lợi vào cộng đồng, khiến những người này, đặc biệt là người Hồi giáo, bị cô lập trong các nhóm thiểu số.
Necla Kelek, chuyên gia xã hội học của Đức, cho rằng đây là sự "độ lượng giả tạo" của nước Đức. Bà chỉ ra rằng đây chính là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên Hồi giáo nhập cư đến nước Đức mà không có người thân, vợ con, gia đình trở nên cực đoan hơn với tư tưởng về xã hội "trọng nam khinh nữ" của Hồi giáo.
Thảm họa sẽ còn tiếp diễn
Theo tiến sĩ Valerie Hudson, giảng viên Đại học Texas A&M, việc hàng triệu thanh niên chưa vợ con nhập cư ồ ạt vào châu Âu sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, và những vụ tấn công tình dục tương tự như ở Cologne chắc chắn sẽ tiếp diễn ở châu lục này.
Những tội phạm như tấn công tình dục và cưỡng hiếp sẽ trở nên phổ biến hơn ở những xã hội "nam hóa", và nguy cơ đối với phụ nữ sẽ ngày càng tăng lên, bà Hudson chỉ ra.
Các báo cáo gần đây cho thấy những vụ tấn công tình dục tương tự đã diễn ra ở nước láng giềng Áo, nơi cũng tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn trong năm qua. Tại Thụy Sĩ, 6 phụ nữ cũng nộp đơn tố cáo bị quấy rối trong đêm giao thừa ở Zurich, trong khi cảnh sát Pháp đang điều tra thông tin về những vụ tấn công tương tự đang được lên kế hoạch, theoPolitico.
"Khi vấn đề nhân đạo đối với dòng người tị nạn vào châu Âu là ưu tiên hàng đầu của chúng ta, các nhà hoạch định chính sách ở châu lục này cần phải tính đến những hậu quả lâu dài của việc thay đổi sự cân bằng giới tính chưa từng có trong xã hội của họ", chuyên gia này nhận định.
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Merkel vừa tuyên bố nước Đức phải xem xét lại liệu họ đã làm hết sức để trục xuất những người nước ngoài phạm tội hay chưa. Bà cho rằng các vụ tấn công đêm giao thừa ở Cologne là "hành động tội phạm phản cảm mà nước Đức sẽ không chấp nhận".
Thủ tướng Merkel đang chịu sức ép rất lớn từ vấn đề người tị nạn. Ảnh: Express
Trong khi kêu gọi người dân không nên áp đặt định kiến với người nhập cư nói chung, các quan chức Đức khẳng định sẽ xem xét những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, trong đó không loại trừ khả năng trục xuất đối với cả những người đang xin tị nạn.
"Luật pháp nước Đức cho phép chúng tôi trục xuất những người đang nộp đơn xin tị nạn nếu họ bị kết án tù từ một năm trở lên. Tòa án sẽ quyết định mức án tù, nhưng đây là mức án nhẹ nhất đối với các tội danh tình dục", Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas tuyên bố.
Theo giới phân tích, những phản ứng này là dấu hiệu cho thấy người dân Đức đang ngày càng ít kiên nhẫn với dòng người tị nạn quá đông, và đây có thể là tín hiệu rất xấu cho đảng cầm quyền của bà Merkel trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng ba.
"Các vụ tấn công tình dục ở Cologne đã cho cả nước Đức thấy rằng đây không còn là vấn đề xa vời nữa, mà đã trở thành mối bận tâm của mỗi người dân nước Đức. Khẩu hiệu chào đón người tị nạn vốn rất được hoan nghênh của nước này sẽ phụ thuộc rất lớn vào điều đó", chuyên gia Kelek nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Đức trả hàng trăm người di cư về Áo mỗi ngày Đức đang gửi trả ngày càng nhiều người di cư về Áo mỗi ngày, bắt đầu từ năm nay. Cảnh sát Áo cho rằng Đức đang gửi trả ngày càng nhiều người di cư. Ảnh: AP "Số người di cư mỗi ngày được trả về đã tăng từ 60 hồi tháng 12 lên 200 kể từ đầu năm nay", AFP dẫn lời David...