Nước chè vỉa hè Nét văn hóa cũ mà mới
Nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt ở quán cóc bất chợt ven đường, ta thấy tiếng ru hời của bà, của mẹ, tiếng bà con chòm xóm gọi nhau ra đồng… Hóa ra, nó vẫn giữ lại đâu đó một góc “hồn quê” mát lành, cho ta sự bình yên giữa phố thị.
Có ai mà chưa từng ngồi quán cóc vỉa hè nhâm nhi điếu thuốc, cốc trà đá hay nhân trần mát lạnh. Được ngồi bên chén nước chè là những giây phút thoải mái nhất, một vài người còn ví von thói quen uống nước chè là “thú vui tao nhã”, hay nước chè “wifi” của sinh viên thời hiện đại. Quán cóc vỉa hè, cũng là nơi tôi bình yên ngồi ngắm Hà Nội:
Phố cũ rêu phong
Hàng cây giấu bao kỷ niệm…
Ngồi ngắm Hà Nội chầm chậm trôi…
“Hà Nội ơi, thời gian trôi đi như ly café”
Không khó để tìm được một quán nước chè khi bạn đi đường mệt mỏi, khi chờ đợi một ai đó nơi cửa ga, sân ga, bến ôtô, trên các vỉa hè, đầu phố, ngách nhỏ, giữa chợ, trường học, dưới một tán cây rợp bóng… Hà Nội càng mở rộng bao nhiêu, quán nước chè lại mọc ra nhiều bấy nhiêu.
Không có cà phê, cũng chẳng cần trà đậm, chỉ đơn giản là cái bàn nhỏ với ấm nước chè, vài đĩa hoa quả và mấy cái kẹo lạc. Cảm giác cầm chén nước chè nóng hổi sít từng ngụm nhỏ khiến những ngày đông buốt lạnh trở nên ấm áp, dấu ấn đầu tiên đến nơi cổ họng bạn là vị chát khó tả, nhưng theo ngay sau đó là dư vị ngọt ngào, đằm thắm khó cưỡng lại của chén nước chè, nó xâm lấn lòng người tựa như vị ngọt của nụ hôn đầu tiên vậy.
Những khi buồn, khi rảnh được lang thang kiếm một quán cóc vỉa hè, ngồi nhâm nhi cốc nhân trần và ngắm nhìn dòng người qua lại tấp nập thấy cũng vui, quán cóc vỉa hè với mặt hàng đơn sơ nhưng có thể chiều lòng người bất cứ lúc nào; mùa đông ta uống nhân trần và chè nóng được om trong ấm tích, rồi ủ trong một cái giỏ đan bằng tre có độn bông để giữ nhiệt suốt cả ngày; mùa hè ta uống nhân trần và trà đá, quán cóc vỉa hè cũng trở thành nét đặc trưng của người Hà Nội tự bao giờ.
Video đang HOT
Mỗi sáng, ra ngồi quán nước gọi một cốc chè xanh và ngắm nhìn mọi thứ xung quanh đang di chuyển, cái thú bình dị ấy chính là cách để ta khởi động cho một ngày mới đầy bộn bề, áp lực.
Chè chén có lẽ là thức uống bình dân và phổ biến nhất của Hà Nội, khách phương xa thăm thủ đô mà chưa từng ngồi vỉa hè uống chè quả là một thiếu sót. Đã có những ngày hè nóng bức, đáp vội vào một quán nước vỉa hè, gọi một cốc trà đá nhâm nhi bạn cũng thấy cái oi bức như dịu hẳn. Uống trà cùng với những người bạn cũng đủ giúp ta hiểu nhau hơn bởi những câu chuyện kéo dài tưởng như không bao giờ dứt. Hàng quán là như thế, là nơi bạn tìm nhau tâm sự, trao đổi công việc, học hành, là cuốn bách khoa toàn thư mà bạn có thể tìm kiếm thông tin nhanh nhất, phong phú nhất về các vấn đề xã hội, cũng vì đây là nơi hội tụ các kiểu người, đủ mọi lứa tuổi. Uống nước chè vỉa hè rất rôm rả và dân dã.
Hà Nội nay đổi thay nhiều lắm, quán xá, cafe mọc khắp các phố lớn đến ngõ hẻm, cái thì phơi ra giữa vỉa hè, cái thì thu vào trong một ngách nhỏ, không đâu có mật độ dày đặc như nơi đây. Quán nước chè tuy mọc mạc đơn giản, với vài chiếc bàn cũ đi kèm dăm chiếc ghế nhựa hay ghế gỗ là đã thành quán nước, thế nhưng nó không kém phần sinh động và lý thú.
Hôm tôi ngồi với bạn, gần công viên Linh Đàm, tính hay tò mò nên đảo mắt nhìn quanh dò xét mới biết khách tới đây đầy đủ các thành phần từ các cụ già đi thể dục buổi tối ghé qua làm bát nước chè, tâm sự tuổi già, đến sinh viên, học sinh…chuyện trên trời dưới đất… rồi những đôi yêu nhau cùng úp đôi bàn tay lên chén chè xanh nồng ấm; bác xe ôm ghé vào quán làm bát nước chè, tranh thủ rít điếu thuốc lào lúc đang vắng khách. Văn hóa nước chè vỉa hè Hà nội dân dã như bao đời nay vẫn thế, là nơi để người ta lắng mình sau một ngày ồn ào hối hả mưu toan. Chén nước chè xanh vẫn “gợi” và “kéo” con người ta như trở về với thế giới bình yên, êm ả của miền quê xưa. Nhấm nháp ngụm nước chè chan chát, ngòn ngọt ở quán cóc bất chợt ven đường, ta thấy tiếng ru hời của bà, của mẹ, tiếng bà con chòm xóm gọi nhau ra đồng… Hóa ra, nó vẫn giữ lại đâu đó một góc “hồn quê” mát lành, cho ta sự bình yên giữa phố thị .
Ít ai biết, ấm nước chè xanh trong cái quán cóc vỉa hè tềnh toàng ấy lại chính là “ân nhân” của bao người con ngày nay thành đạt, bởi có thể đó là bà, là mẹ của họ hàng ngày gánh hàng rong kĩu kịt, ngồi chang nắng, chang mưa bán nước chè kiếm chút tiền nuôi họ ăn học.
Theo Tapchimonngon
Cơm nắm muối vừng đậm hồn quê hương
Hạt vừng, hạt lạc không hiểu từ khi nào lại có duyên với con người đến vậy. Phơi mình dưới cái nắng vàng giòn, chúng được cất vào một góc, để rồi một ngày nhàn rỗi, người ta lại đem ra rang rang, giã giã, làm thành lọ muối lạc vừng đơn sơ.
Chọn những hạt vừng, hạt lạc thật mẩy, rang đều tay trên lửa liu riu cho đến khi ngửi thấy mùi thơm dậy, hạt vừng bắt đầu ngả sang màu vàng sẫm, nổ tí tách, hạt lạc ngả màu nâu đỏ.
Nếu hạt vừng giã càng nhỏ càng ngon thì lạc chỉ cần giã đủ để hạt vỡ ra. Vị bùi bùi, ngầy ngậy của vừng, của lạc trộn với vị mặn mòi của hạt muối trắng tinh đã được rang khô trên bếp lửa sao mà quyến rũ đến lạ thường.
Có lẽ trong những món ăn của ẩm thực Việt Nam, chẳng thứ nào đơn sơ như muối vừng, muối lạc ăn cùng cơm nắm. Không chỉ là món ăn dùng khi lỡ bữa, nó còn là thức ăn chính trong những bữa cơm nghèo.
Không cầu kỳ, chỉ có hạt muối mặn mòi, hạt vừng, hạt lạc chắt chiu từ dải đất nghèo mà thành một món ăn gợi thương gợi nhớ và giờ đã trở thành thói quen thanh nhã trong mỗi gia đình Việt Nam. Món ngon đâu cần phải làm từ những nguyên liệu cầu kỳ, đơn sơ như muối vừng, muối lạc vẫn làm thành nỗi nhớ nhung đến lạ thường, cũng bởi nó gói gém trong mình dư vị của hồn quê Việt trong tâm khảm mỗi con người.
Đơn sơ là thế, nhưng có những món ăn nếu thiếu muối vừng bỗng trở nên "vô duyên", "nhạt nhẽo". Cơm nắm là bữa trưa ngon lành giúp người nông dân lấy lại sức lực sau buổi làm việc cực nhọc trên những cánh đồng, người làm nghề buôn bán hay đi chơi xa, cơm nắm cũng là bạn đường thân thiết, lót dạ khi đói lòng.
Bữa cơm thường ngày vẫn dành một góc khiêm nhường cho bát muối lạc vừng. Rải một thìa muối thơm bùi lên trên bát cơm nóng hổi, chấm miếng su su luộc ngọt lừ, bữa cơm dường như ấm áp và ngon miệng hơn.
Miếng cơm trắng tinh, mịn màng được gói trong lớp lá chuối xanh ngắt trông thật thích mắt. Bây giờ, cơm nắm được gói trong một lớp nilon và giấy báo. Muối vừng thì vàng ươm, những hạt vừng đều tắm tắp và một vài hạt lạc rang giã nhỏ thơm lừng.
Cơm được cắt ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chấm một chút muối vừng, đưa lên miệng thấy thật tuyệt. Vị thanh mát của miếng cơm, vị đậm đà, bùi bùi của muối vừng, nhai thật kĩ mới cảm nhận vị ngọt của cơm, vị bùi của lạc, của vừng hòa quyện với nhau làm nên bản âm hưởng của làng quê.
Tưởng như chẳng có gì có thể hợp hơn cái hương vị của cơm nắm và muối vừng, và cứ thế hương vị ngọt ngọt thân thương ấy ngấm dần qua từng giác quan, làm ấm thêm lòng người giữa tiết trời giao mùa.
Cơm nắm muối vừng vẫn theo từng bước chân con người, có khi là trong những bữa sáng thanh nhẹ hay bữa lót dạ lúc chiều về, nhất là vào những ngày tiết trời se lạnh, cái hương vị ngọt bùi của cơm nắm muối vừng lại càng quyện thêm nhiều thương nhớ.
Để làm ra những vắt cơm dẻo thơm như thế người làm cũng vất vả, nhọc nhằn lắm. Cơm phải nấu cho vừa lửa, dẻo và ướt hơn cơm ăn bình thường nhưng không nhão. Cơm phải nắm lúc còn nóng thì những hạt cơm mới quyện dính với nhau nhưng phải nhìn rõ từng hạt cơm trong trong, bóng mịn đẹp mắt, không bị vỡ nát.
Cơm nắm muối lạc, muối vừng là món ăn phục vụ nhiều đối tượng sinh viên, học sinh, cư dân văn phòng, công sở, người lao động ở đô thị.
Người Hà Nội từ lâu đã rất quen thuộc với những tiếng rao cơm nắm muối vừng. Nhưng ít ai biết rằng chỉ cách Hà Nội không xa có một nơi làm nên thứ quà quê ngon và tinh tế như vậy, đó chính là mảnh đất Hưng Yên.
Trên những con phố Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh, những mẹt hàng rong cơm nắm muối vừng chỉ với vài ngàn đồng, bạn đã có thể thảnh thơi ngồi nhấn nhá cơm nắm muối vừng dưới bóng râm ven đường.
Cơm nắm để nguội, ăn với muối vừng, vừa ngọt ngào vị ngọc thực lại rất thơm bùi làm ấm lòng người khi trời se lạnh và dịu mát trong những ngày hè nắng gắt.
Theo Tapchimonngon
Món "nhà nghèo" Mỗi lần đi chợ thấy người bán ngọn rau lang, lòng tôi lại bồi hồi nghĩ về mẹ, một người mẹ trong khốn khó đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Ngày ấy gia đình tôi sống ở vùng nông thôn, cuộc sống của thời bao cấp cái gì cũng thiếu. Mỗi lần ăn cơm với rau lang luộc, mẹ nói: "Rau lang...