Nước châu Á nào dễ nhiễm làn sóng Covid-19 thứ hai?
Sau Trung Quốc, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản dễ gặp phải làn sóng thứ hai của Covid-19, các nhà dịch tễ học nhận định.
Ổ dịch mới ở Bắc Kinh bùng phát từ ngày 12/6 là lời cảnh báo về làn sóng thứ hai của Covid-19, đặc biệt là tại các quốc gia bước đầu thành công kiểm soát dịch bệnh, tiến đến mở cửa lại nền kinh tế.
Một số nước như Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi nới lệnh giãn cách xã hội đã báo cáo đợt bùng phát mới, số lượng ca nhiễm một ngày vào khoảng vài chục người. Các thủ đô là nơi ghi nhận nhiều trường hợp dương tính nhất, phần vì lưu lượng người dân cao. Ổ dịch mới nhất tại Trung Quốc ở Bắc Kinh, đến nay phát hiện 184 người mắc Covid-19. Giới chức phải hủy nhiều chuyến bay nội địa, cấm xuất cảnh và phong tỏa một phần thành phố.
Các chuyên gia đồng ý rằng Đông Á đã có sự chuẩn bị tốt, ứng phó nhanh chóng hơn sau bài học từ đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định thách thức vẫn còn, đặc biệt là trong việc duy trì cảnh giác, đảm bảo các cụm dịch nhỏ không phát triển thành ổ lây nhiễm lớn hơn, không thể kiểm soát.
Người dân Ấn Độ đeo khẩu trang trên một chuyến xe bus tại thành phố Mumbai, ngày 8/6. Ảnh: EPA-EFE
Paul Ananth Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Nhiễm trùng Lâm sàng Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia có nguy cơ trải qua làn sóng thứ hai lớn nhất là nơi chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, với số ca dương tính mỗi ngày vào khoảng hàng trăm đến hàng nghìn.
“Dù có thể lập luận đây là nửa cuối của làn sóng đầu tiên, những nước này vẫn có các chuỗi lây truyền chưa bị cắt đứt”, ông Tambyah nói.
Theo Tambyah, Ấn Độ là một trong những nơi tỷ lệ truyền nhiễm còn cao, dễ đối mặt với nguy cơ Covid-19 tái diễn. Ngày 19/6, nước này ghi nhận thêm 13.586 trường hợp dương tính, cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.
Nhiều bằng chứng cho thấy đại dịch có thể trở thành mạn tính, quay lại từng năm giống cúm mùa, các quốc gia đã vượt qua làn sóng đầu tiên đang sẵn sàng để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai.
Video đang HOT
Số ca mắc mới ở Hàn Quốc đã chững lại sau khi tăng nhanh hồi đầu tháng 5. Lee Hoan-jong, giáo sư tại Bệnh viện Nhi đồng, Đại học Quốc gia Seoul, cho biết việc virus lây lan mạnh mẽ hơn là không thể tránh khỏi, sau khi đất nước nới giãn cách xã hội khoảng một tháng.
“Làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể kéo đến bất cứ lúc nào, cho đến khi vaccine được phân phối đại trà, hoặc khoảng 60% dân số nhiễm virus và phát triển miễn dịch cộng đồng”, ông nói.
Giới chức y tế cho biết nước này cần chuẩn bị tinh thần cho các cụm dịch ở thủ đô Seoul và các khu vực khác, đồng thời cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài vào mùa hè.
Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Ki Moran, Giáo sư dịch tễ học, Trung tâm Ung thư Quốc gia, cho biết Hàn Quốc cần xiết chặt lệnh giãn cách xã hội, nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày trong một tháng tới.
Các chuyên gia đặc biệt lo ngại về Nhật Bản, cho rằng nước này khả năng cao đón làn sóng Covid-19 thứ hai. Theo Kazuhiro Tateda, chủ tịch Hiệp hội Các bệnh Truyền nhiễm (JAID), thành viên ủy ban ứng phó đại dịch của chính phủ, nhiều trường hợp dương tính tại Tokyo gần đây được phát hiện ở các khu giải trí về đêm. Ông cho rằng các cụm dịch này dễ kiểm soát hơn, bởi có thể tiến hành truy dấu tiếp xúc, tuy nhiên luôn có nguy cơ bùng phát cục bộ.
“Rủi ro thường thấp hơn trong mùa hè, như vậy làn sóng thứ hai có thể kéo đến kể từ tháng 10 trở đi”, ông Tateda nói thêm.
Học sinh tại một trường phổ thông ở thành phố Gwangju, Hàn Quốc được xét nghiệm Covid-19, ngày 12/6. Ảnh: Reuters
Dù các nhà chức trách đã đề ra một loạt hướng dẫn đối với các khu giải trí về đêm, giáo sư Yoko Tsukamoto, khoa nhiễm trùng, Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho biết sẽ rất khó để doanh nghiệp tuân thủ hoàn toàn. Nếu số ca nhiễm mỗi ngày tăng lên hơn 100, Tokyo không còn sự lựa chọn nào khác ngoài tái ban bố tình trạng khẩn cấp.
“Chính phủ đã bổ sung ngân sách nhằm chống lại căn bệnh. Bác sĩ, y tá cũng có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó với virus. Tất cả sẵn sàng nếu thực sự có làn sóng thứ hai”, ông nói.
Theo Michael Baker, Giáo sư về Sức khỏe cộng đồng, Đại học Otago, Wellington, bài học quan trọng nhất đối với châu Á sau đợt dịch đầu tiên là tầm quan trọng của khẩu trang, xét nghiệm đại trà và công tác truy dấu tiếp xúc. Bên cạnh đó, ông nhận định “trình độ khoa học, lãnh đạo và các động thái nhanh chóng đối với đại dịch, kinh nghiệm từ đợt bùng phát bệnh SARS cũng tác dụng không kém”.
Bắc Kinh, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch SARS, đã áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn trong giai đoạn thứ hai của Covid-19, bao gồm thiết lập các trạm kiểm soát 24 giờ ở địa phương, đóng cửa trường học và khuyến khích người dân thực hiện giãn cách xã hội.
Giáo sư Baker cho biết các ca nhiễm “nhập khẩu” vẫn là mối đe dọa chính của Trung Quốc. Theo Zhang Qiang, phó trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh của Bắc Kinh, thành phố đã mở rộng quy mô xét nghiệm hàng loạt trong khu dân cư, bao gồm cả người đã đến chợ đầu mối Tân Phát Địa, hoặc tiếp xúc gần với các bệnh nhân tại đây.
Giáo sư Wu Zhiwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng, Trường Y Nam Kinh, nhận định nỗ lực của thủ đô là đủ để khống chế đợt bùng phát mới. Tuy nhiên mật độ dân cư, tỷ lệ di chuyển và xuất nhập cảnh sẽ đặt ra thách thức lớn đối với công tác phòng ngừa và kiểm soát.
Thụy Điển thừa nhận quá nhiều người chết do nCoV
Nhà dịch tễ học Anders Tegnell thừa nhận Thụy Điển đã ghi nhận quá nhiều người chết do nCoV và đáng lẽ nên hành động nhiều hơn để ngăn virus.
Trong buổi phỏng vấn với Đài phát thanh Thụy Điển hôm 3/6, khi được hỏi liệu có phải đã có quá nhiều người chết do nCoV ở nước này hay không, Anders Tegnell, nhà dịch tễ học chính phủ và là người phụ trách chiến lược "miễn dịch cộng đồng" của Thụy Điển, đã thừa nhận: "Đúng như vậy".
Tegnell nói thêm Thụy Điển sẽ phải tìm cách ngăn số ca nhiễm và tử vong do nCoV cao như vậy trong tương lai, thêm rằng lẽ ra nước này có thể đã làm tốt hơn.
Tuyên bố được Tegnell đưa ra sau khi số liệu từ trang web khoa học Ourworldindata.com cho thấy tỷ lệ tử vong do nCoV trên đầu người của Thụy Điển cao nhất thế giới trong 7 ngày qua. Ourworldindata.com chuyên tập trung vào số liệu của các vấn đề toàn cầu lớn như nghèo đói, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, chiến tranh và bất bình đẳng.
Người dân Thụy Điển trên đường phố Stockholm hồi tuần trước. Ảnh: AFP.
Tỷ lệ tử vong do nCoV ở Thụy Điển là 5,29 người/1 triệu dân mỗi ngày, cao hơn mức 4,48 ở Anh, vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới. Chính phủ Thụy Điển, dưới áp lực của phe đối lập, đã cam kết sẽ thành lập một ủy ban để xem xét chiến lược chống dịch của đất nước.
Nhà dịch tễ học Tegnell từng nhiều lần chỉ trích biện pháp kiểm dịch của các quốc gia khác trên thế giới và cho rằng áp đặt lệnh phong tỏa không phải phương án bền vững để chống Covid-19.
Không giống các nước láng giềng Bắc Âu, Thụy Điển không ban lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Chính phủ nước này áp đặt các quy tắc cách biệt cộng đồng nhưng chủ yếu dựa trên ý thức tự giác và sự hợp tác của người dân thay vì ra lệnh.
Thụy Điển đã đóng cửa trường học với những học sinh trên 16 tuổi, đề nghị không tụ tập hơn 50 người và tránh đi lại không thiết yếu, đặc biệt với người già hoặc người mang bệnh. Cửa tiệm, nhà hàng và phòng gym vẫn được phép hoạt động.
Bất chấp mục tiêu đề ra là bảo vệ đất nước có dân số già, chiến lược "miễn dịch cộng đồng" của Thụy Điển được đánh giá là rất thảm khốc với cộng đồng, khi khoảng một nửa số ca tử vong do nCoV ở đất nước được ghi nhận tại các viện dưỡng lão.
Miễn dịch cộng đồng là thuật ngữ chỉ việc đa số người dân ở một khu vực, quốc gia phát triển đủ kháng thể chống lại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan. Tuy nhiên, đây là chiến lược gây nhiều tranh cãi khi được áp dụng với Covid-19, dịch bệnh mới vẫn còn nhiều bí ẩn.
Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ và thời gian miễn dịch của những bệnh nhân khỏi Covid-19. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng với nCoV là phải có ít nhất 60% dân số có kháng thể chống lại virus.
Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Thụy Điển tháng trước công bố nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 7,3% cư dân ở Stockholm, khu vực bị đại dịch ảnh hưởng nặng nhất cả nước, phát triển kháng thể chống Covid-19 vào cuối tháng 4.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 6,4 triệu người nhiễm và hơn 380.000 người tử vong. Thụy Điển hiện ghi nhận hơn 38.000 người nhiễm và hơn 4.400 người chết do nCoV.
Trung Quốc bác cáo buộc chậm chia sẻ thông tin Covid-19 với WHO Trung Quốc nói rằng cuộc điều tra của hãng thông tấn Mỹ AP nói nước này hoãn chia sẻ thông tin Covid-19 với WHO là hoàn toàn sai sự thật. Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm nay khi trả lời câu hỏi...