Nước biển dâng cao đột ngột, nhiều vùng ngập nặng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, tại bãi biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và một số xã ven biển ở Nam Định có mưa, kết hợp triều cường dâng cao, sóng biển đánh cao, nước biển vượt qua bao đê ngoài tràn vào khu dân cư ven biển gây ngập nặng. Tại Nghệ An, nhiều tuyến đê biển cũng bị nước tràn qua gây ngập úng cục bộ.
Vùng đê biển Quỳnh Lưu – Hoàng Mai đang bị sóng biển dâng cao
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hữu Tuy – Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai cho biết: Địa phương đã di dời khoảng gần 300 người dân đến nơi an toàn. Một số tuyến đê biển bị nước tràn qua gây ngập úng cục bộ ở các phường như Quỳnh Phương, Quỳnh Lập và Quỳnh Xuân… Địa phương đang tích cực di dời dân, tài sản ra những vùng nguy hiểm. Nước biển cũng đang dâng rất cao.
Nghệ An: Sóng biển dâng cao, nước tràn vào bờ, nhiều nơi ngập lụt
Một số tuyến đê biển ở các xã như Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa… huyện Quỳnh Lưu, phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Xuân thị xã Hoàng Mai cũng bị nước tràn qua vô cùng nguy hiểm.
Chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương triển khai các phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời triển khai các phương án ứng cứu tại những vị trí xung yếu, trước nguy cơ vỡ đê.
(Ảnh: Hoàng Lam)
Đắp đất gia cố đê
Tại đê chắn sóng xã Quỳnh Thọ, triều cường nước biển dâng cao áp sát chân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao. Nghiêm trọng, phía bên kia chân đê có 150 hộ dân đang sống với chiều dài 2,2 km. UBND xã Quỳnh Thọ chỉ đạo dân quân tự vệ, công an và bà con nhân dân dùng cọc tre, bao tải cát đá để kè vào những đoạn đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ.
Cùng với đó, phân công lực lượng di dời 600 người dân đến các địa điểm an toàn như nhà văn hóa xã, thôn để tránh trú. Hiện toàn huyện Quỳnh Lưu có 750 hộ với 3.200 người ở các xã Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thọ, An Hòa… đã được di dời đến nơi an toàn.
Trên địa bàn thị xã Cửa Lò, Cửa Hội nước biển cũng dâng cao khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Hàng quán của người dân cũng bị hư hỏng nặng do bão. Trên địa bàn TP Vinh một số tuyến đường cũng bị ngập do mưa lớn.
Đường vào xóm 8, xã Hưng Nhân – phía ngoài đê sông Lam nước dâng cao từ 50cm-1m làm chia cắt cục bộ.
Mực nước sông Lam đoạn qua địa bàn xã Hưng Nhân đang dâng cao. Theo người dân, nếu đà này trong đêm nay nước sẽ gây ngập lụt nhiều nơi.
Video đang HOT
Theo thông báo, thủy điện Khe Bố và hồ Vực Mấu thì cả hai đơn vị này đang chuẩn bị vận hành xả lũ với lưu lượng khoảng 1.500 m3/s đến 4.200 m3/s.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT- TKCN Nghệ An cũng vừa có Thông báo số 77 về việc vận hành hồ xả lũ hồ chứa Thủy điện Khe Bố.
Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND TX Cửa Lò cho biết, hơn 14.400 người dân ở các huyện, thị ven biển Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu… đã và đang được di dời đến nơi an toàn trước 10h sáng nay 15/9. Lương thực, thuốc men có thể sử dụng trong 3 ngày.
Vùng ven biển Nam Định ngập nặng
Từ sáng ngày 15/9, tại bãi biển Quất Lâm, thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy mực nước biển dâng cao kèm theo đó là những cơn sóng lớn ập vào tràn qua bờ đê và các ki ốt bên cạnh. Việc sóng biển dâng cao khiến toàn bộ các tuyến đường đi xung quanh lối đi vào bãi tắm Quất Lâm bị ngập nặng.
Đường vào bãi tắm Quất Lâm bị ngập (ảnh: Phùng Thành)
Việc nước biển dâng cao, sóng đánh mạnh khiến con đường chạy ven biển và một số ki ốt kinh doanh trước mặt biển cũng trở thành “bãi tắm”. Không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân quanh đây cũng bị đảo lộn vì nước biển dâng quá cao, nhiều phương tiện đi qua đây phải quay lại di chuyển bằng đường khác.
Còn tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, đến khoảng 9h sáng nay, triều cường đột ngột dâng cao, sóng biển đánh cao cả chục mét, nước biển vượt qua đê bao ngoài (đê bao trực diện) tràn vào khu dân ven biển.
Tại thị trấn Thịnh Long, triều cường dâng cao kết hợp sóng đánh cao khiến nhiều nơi bị ngập cục bộ (ảnh: Phạm Tùng)
Theo ông Vũ Văn Kỳ, Chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu, cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Hải Hậu đang xảy ra tình trạng triều cường dâng cao gây ngập cục bộ tại các xã, thị trấn ven biển.
Tuy nhiên do còn có một đê bao trong ngăn cách nước biển với các khu dân cư nên nước biển chỉ mới gây ngập tại các khu vực người dân hoạt động buôn bán, du lịch.
Cũng theo ông Kỳ, tính đến trưa nay, nước biển ngập vào dất liên dâng cao hơn 1 mét. Hiện đã có 120 nhà dân, ky ốt bán hàng đã bị nước biển xâm chiếm.
UBND huyện Hải Hậu đã huy động toàn bộ quân số phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an, dân quân… tổ chức di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Triều cường vẫn chưa có biểu hiện rút, ngập cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra.
Một số hình ảnh ngập tại thị trấn Quất Lâm và Thịnh Long:
Triều cường dâng cao, kết hợp sóng lớn khiến mực nước biển tràn vào bãi biển Quất Lâm (ảnh: Phùng Thành)
Nước biển dâng cao gây ngập lụt khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn (ảnh: Phùng Thành)
Tại thị trấn Thịnh Long nước biển tràn qua bao đê ngoài vào trong (ảnh: Phạm Tùng)
Nhiều tuyến đường ven biển bị ngập nặng (ảnh: Phạm Tùng)
Người dân bì bõm lội nước trên các tuyến đường bị ngập (ảnh: Phạm Tùng)
Đường đi ra bãi biển Thịnh Long bị nước tràn qua (ảnh: Phạm Tùng)
Khu vực nhà dân ven biển lúc triều cường bắt đầu dâng cao (ảnh: Phạm Tùng)
Người dân di dời vật nuôi ra khỏi nơi bị ngập lụt. (ảnh: Phạm Tùng)
Đức Văn
Theo Dantri
Dân 3 xã kêu trời vì con đường "đau khổ" nhất huyện
ĐH05 là tuyến đường huyết mạch liên huyện chạy qua địa bàn 3 xã Công Lý, Nguyên Lý, Đức Lý, nhưng không hiểu vì sao khi tuyến đường này đang thi công dang dở thì dừng lại, cùng với đó hàng ngày tuyến đường này phải "gồng" mình hứng chịu hàng trăm lượt xe tải chạy qua băm nát tuyến đường này.
Gần 5 năm qua, người dân 3 xã xã Công Lý, Nguyên Lý, Đức Lý, huyện Lý Nhân phải sống chung với con đường xuống cấp trầm trọng ĐH05, người dân nơi đây còn đặt tên là "con đường đau khổ" nhất huyện Lý Nhân.
Vào năm 2012, UBND huyện Lý Nhân, Hà Nam triển khai Dự án xây dựng đường giao thông nông thôn sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuyến đường ĐH05 chạy qua địa bàn 3 xã Công Lý, Nguyên Lý, Đức Lý, huyện Lý Nhân bắt đầu được mở rộng từ 3,3m lên thành 7,5m với 5m lòng đường và 2,5m làm vỉa hè hai bên. Giải phóng mặt bằng xong, đơn vị thi công đã cho máy móc về múc đất, san gạt, đổ đá, làm hoàn chỉnh cốt đường chỉ trong một thời gian ngắn.
Chi chít ổ gà, ổ voi dày đặc nằm trên tuyến đường ĐH05 chạy qua địa bàn 3 xã Công Lý, Nguyên Lý và Đức Lý
Người dân nơi đây khi biết tuyến đường được mở rộng thì vô cùng vui mừng vì giao thông thông thoáng hơn, đi lại sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nên nhiều gia đình thậm chí đã hiến đất để làm đường. Nhưng không hiểu vì lý do gì, việc thi công tuyến đường này lại bị dừng khi mà việc san gạt, đổ đá, làm hoàn chỉnh cốt đường đã xong chỉ còn thiếu khâu đổ bê tông mặt đường... Người dân "ngơ ngác" không hiểu lý do gì việc làm tuyến đường ĐH05 này lại bị đình trệ.
Chờ mỏi mòn đến 5 năm sau, tuyến đường này vẫn không được làm lại, thậm chí tuyến đường này còn xuống cấp trầm trọng khi mà hằng ngày, con đường này phải gồng mình gánh chịu hàng trăm lượt xe tải chở cát quá tải từ hai bãi cát Trần Xá và Nga Khê chạy qua.
Việc hàng ngày gánh chịu nhiều lượt xe tải chạy qua, tuyến đường lại chưa được đổ bê tông nên đường ĐH05 bắt đầu xuất hiện chi chít những ổ gà và những "ổ voi" dày đặc.
Người dân quá quen thuộc với cảnh lội nước giữa trời nắng ở tuyến đường này
Vào những ngày nắng, con đường bụi mù mịt, còn ngày mưa thì những hố nước đọng thường bốc mùi hàng tuần sau đó.Thậm chí, nhiều đoạn "ổ voi" nằm choán hết lòng đường khiến nhiều người phải xuống xe dắt bộ.
Vừa chạy xe qua đoạn đường này, chị Nguyễn Thị Tường than thở: "Ngày nào cũng phải đi qua đoạn đường này vì phải vào xã Nguyên Lý, nhiều lần bị ngã lắm rồi, mà tôi cũng chả hiểu đang làm đường thì sao lại dừng lại. Làm gần 5 năm nay dân chúng tôi khốn khổ".
Theo người dân cho biết, trên tuyến đường ĐH05 này có đến 5 trường tiểu học và Trung học cơ sở, 2 trạm y tế, 2 trụ sở UBND xã, nên việc người dân không thể đi đường khác để đến nay. Hơn nữa đây cũng là tuyến đường chính vận chuyển sản phẩm của người dân làng Chều chuyên sản xuất bánh đa nem truyền thống. Đường xuống cấp ảnh hưởng rất lớn cuộc sống của các hộ dân trong xã.
Xe tải cũng góp phần không nhỏ trước việc băm nát con đường này
Quá bức xúc vì tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nên người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp, các ngành liên quan cần có biện pháp kịp thời sửa chữa tuyến đường; đồng thời, phối hợp các ngành chức năng hạn chế tải trọng của xe tải khi lưu thông qua tuyến đường này.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, xã Nguyên Lý bức xúc cho biết: "Lúc biết có dự án mở rộng đường, dân chúng tôi ai cũng mừng vì có đường mới đẹp hơn, to hơn để đi. Gia đình tôi là một trong những hộ tự nguyện hiến đất làm đường. Ai ngờ, giờ ra nông nỗi như thế này! Biết thế cứ để đường cũ mà đi, dù nhỏ nhưng cũng còn đi được. Dân kêu xã, xã lại bảo đường của huyện, không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi cảnh này".
Theo ông Đặng Xuân Đạo Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý - huyện Lý Nhân cho biết: "Trước đây tuyến đường này đã được người dân và chính quyền địa phương đổ nhựa mặt đường rộng 3m. Tuy nhiên khi có dự án nguồn trái phiếu Chính phủ, các cơ quan chức năng đã mang máy móc về thi công. Thi công được một thời gian thì bỏ dở giữa chừng 5 năm nay".
Trên tuyến đường ĐH05 này có đến 5 trường tiểu học và Trung học cơ sở, 2 trạm y tế, 2 trụ sở UBND xã, nên việc người dân không thể đi đường khác để đến nay.
Cũng theo ông Đạo, xã đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp với lãnh đạo tỉnh và huyện tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, năm 2017 xã Nguyên Lý sẽ về đích nông thôn mới nhưng cứ để con đường như thế này chúng tôi nhất định không nhận bằng nông thôn mới.
Còn theo phía UBND huyện Lý Nhân thì khi hoàn thành xong nền đường, đơn vị thi công đã cho dừng thi công với lý do chờ lún, khi nào cốt đường ổn định mới đổ bê tông. Tuy nhiên, do tuyến đường thi công bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2016, mà hiện nay nguồn vốn huyện được giao đã sử dụng hết nên đành phải chờ giai đoạn tiếp theo. Huyện đang tập trung xây dựng một số công trình phục vụ chương trình nông thôn mới tại các xã khác, chưa thể bố trí vốn hoàn thiện đường ĐH05.
Trong khi chờ đợi, thì 5 năm nay người dân vô cùng bức xúc vì liên tục nằm trong cái vòng luẩn quẩn tự tu sửa, xuống cấp rồi lại tự tu sửa... Không biết đến bao giờ người dân 3 xã mới có đường mới để đi.
Đức Văn
Theo Dantri
Ám ảnh những "hung thần" trong khu dân cư Một con đường liên xã nối nhiều xã đồng bằng ven biển của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vừa được nhà nước đầu tư hơn chục tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, con đường này đang đứng trước nguy cơ sẽ bị hư hỏng nhanh chóng bởi xe quá tải hoành hành suốt ngày đêm "Hung thần" trong khu dân cư...