Nước Anh đưa tiễn Hoàng thân Philip về nơi an nghỉ cuối cùng
Lễ tang Hoàng thân Philip, cố phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, đã bắt đầu lúc 15h00 theo giờ địa phương ngày 17/4 trong một buổi lễ trang trọng, khiêm tốn, với chỉ 30 thành viên hoàng tộc tham dự.
Linh cữu Hoàng thân Philip được đưa từ Lâu đài Windsor đến Nhà nguyện St George’s. Ảnh: Daily Mail
Hoàng thân Philip (1921-2021), người mang tước hiệu Công tước xứ Edinburgh, qua đời vào ngày 9/4 tại lâu đài Windsor. Ông là vị vương tế (phu quân của người đứng đầu vương triều) phục vụ lâu dài nhất thế giới, và đã trải qua cuộc hôn nhân 73 năm với Nữ hoàng Anh.
Cái chết của Hoàng thân Philip đã để lại một “khoảng trống lớn” trong cuộc đời Nữ hoàng – theo lời con trai của bà – Hoàng tử Andrew.
Theo tiêu chuẩn hoàng gia, tang lễ diễn ra tại Nhà nguyện St. George, nằm trong khuôn viên của Lâu đài Windsor, lúc 3 giờ chiều theo giờ địa phương ngày 17/4 (21h cùng ngày theo giờ VN).
Do đại dịch COVID-19, những người tham dự buổi lễ chỉ bao gồm các thành viên cao cấp của gia đình hoàng gia cũng như họ hàng và bạn bè thân thiết của công tước, trong số đó có Bernhard, Hoàng tử của Baden, Penny Brabourne, Nữ bá tước Mountbatten của Myanmar, và Hoàng tử Donatus, Landgrave của Hesse.
Xem video rước linh cữu Hoàng thân Philip từ Lâu đài Windsor đến Nhà nguyện St George’s (Nguồn: Sky News)
Linh cữu phu quân Nữ hoàng được đưa vào Nhà nguyện.
Linh cữu Hoàng thân Philip tại Nhà nguyện St George’s; Nữ hoàng Anh ngồi một mình ở hàng ghế thứ hai. Ảnh: Daily Mail
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đứng cúi đầu khi linh cữu phu quân bà được đưa vào Nhà nguyện.
Mũ sĩ quan và kiếm của Hoàng thân Philip được đặt trên nóc quan tài theo mong muốn của ông. Linh cữu Hoàng thân được đặt trên chiếc xe Land Rover mà ông đã thiết kế. Ảnh: Daily Mail.
Thái tử Charles và Công nương Camillia dự lễ tang cha.
Mặc dù buổi lễ sẽ giới hạn với số lượng 30 người bên trong Nhà nguyện, phù hợp với những hạn chế phòng dịch hiện tại của Anh, hơn 700 quân nhân sẽ hỗ trợ nghi lễ bên ngoài để vinh danh sự nghiệp quân sự vẻ vang của Hoàng thân Philip. Các thành viên của Hải quân Hoàng gia, Thủy quân lục chiến Hoàng gia, Quân đội Anh và Không quân Hoàng gia đều sẽ tham dự.
Hoàng thân Philip đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng quân sự trong suốt cuộc đời của mình sau khi hoàn thành nghĩa vụ hải quân vào năm 1953, bao gồm cả việc giữ chức vụ Đại tướng của Thủy quân lục chiến Hoàng gia.
Trước buổi lễ, linh cửu của Công tước – được treo cờ cá nhân của ông, với một thanh kiếm, mũ hải quân và vòng hoa đặt trên- được đưa đến Nhà nguyện từ lâu đài Windsor trong một đám rước của đội Cận vệ Hoàng gia.
Theo di nguyện của Công tước, linh cữu được chở trên một chiếc xe Land Rover sửa đổi, do chính Hoàng thân Philip thiết kế.
Chiếc xe Land Rover chở linh cữu Hoàng thân Philip, phía sau là các con, cháu và phụ tá thân cận của ông. Ảnh: Daily Mail
Sơ đồ đám rước linh cữu Hoàng thân Philip tới Nhà nguyện St George. Ảnh: CNN
Đi bộ sau xe là các thành viên cấp cao trong Hoàng gia, bao gồm Thái tử Charles, Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Edward, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry. Tất cả đều mặc quần áo dân sự.
Một số phụ tá thân cận nhất của Công tước, bao gồm thư ký riêng và cận vệ, cũng sẽ đi bộ trong đám rước.
Trong khi đó, phần còn lại các thành viên dự lễ tàng, bao gồm Camilla, Nữ công tước xứ Cornwall; Catherine, Nữ công tước xứ Cambridge; Công chúa Beatrice; Công chúa Eugenie và các thành viên khác trong gia đình sẽ đến nhà nguyện bằng ô tô.
Hai anh em Hoàng tử William và Harry, cháu nội Hoàng thân Philip, bước sau linh cữu vào nhà thờ.
Vợ Hoàng tử Harry, Công nương Meghan – Nữ công tước xứ Sussex, người đang mang thai đứa con thứ hai của cặp đôi và đang sống tại Mỹ, không tham dự lễ tang do được bác sĩ khuyên không nên di chuyển đường hàng không quốc tế.
Trong khi đó, Nữ hoàng Elizabeth đến Nhà nguyện trên xe ô tô riêng.
Nữ hoàng Elizabeth II xuống xe ô tô bước vào nhà thờ dự tang lễ. Ảnh: Getty Images
Trước đó, một loạt súng đại bác được bắn cách nhau một phút và chuông tháp giới nghiêm đổ để báo trước lễ tang, trong khi một phút mặc niệm trên toàn quốc đánh dấu thời điểm bắt đầu lbuổi lễ.
Bên trong nhà nguyện, tất cả các thành viên của giáo đoàn đều đeo khẩu trang theo giao thức y tế công cộng.
Cỗ xe ngựa yêu thích của Hoàng thân Philip được đánh tới Nhà nguyện St George trước lễ tang. Mũ, găng tay và khăn của ông được đặt đúng chỗ Hoàng thân thường ngồi. Ảnh: Daily Mail
Hoàng tử Harry ngồi một mình một góc trong Nhà nguyện khi diễn ra tang lễ ông. Vợ anh, Công nương Meghan không tham dự buổi lễ do đang mang bầu đứa con thứ hai. Ảnh: Daily Mail
Công tước xứ Edinburg đã tham gia rất cẩn thận vào việc lên kế hoạch cho lễ tang của mình, ông lựa chọn âm nhạc và đảm bảo buổi lễ phản ánh mối quan hệ quân sự và những lợi ích cá nhân của ông.
Buổi lễ được điều khiển bởi Đức cha David Conner và Tổng giám mục Canterbury, Welby, dự kiến kéo dài trong 50 phút.
Một dàn hợp xướng chỉ bốn người, với đàn organ, sẽ hát những bản nhạc do Công tước lựa chọn, bao gồm “Jubilate in C” của Benjamin Britten.
Sau đó, linh cữu Công tước sẽ được hạ xuống Hầm mộ Hoàng gia (Royal Vault), nơi an nghỉ của nhiều thành viên trong Hoàng gia. Hầm mộ nằm bên dưới Nhà nguyện, được xây dựng bởi Vua George III, một trong số các vị vua cũng được chôn cất ở nơi này.
Tuy vậy, Hầm mộ Hoàng gia sẽ không phải là nơi an nghỉ cuối cùng của Hoàng thân Philip. Khi Nữ hoàng băng hà, hài cốt ông sẽ được chuyển đến nhà nguyện tưởng niệm Vua George VI để nằm cạnh bà.
Theo yêu cầu của Công tước, lễ tang kết thúc sẽ được đánh dấu bằng bản nhạc “Action Stations” của Thủy quân lục chiến Hoàng gia, vốn là một thông báo theo truyền thống được phát đi từ một tàu chiến hải quân để biểu thị rằng tất cả mọi người đều nên tới các vị trí chiến đấu.
Tổng giám mục Canterbury sau đó tuyên bố ban Phép lành và buổi lễ kết thúc bằng quốc ca vang lên.
Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II trong bức ảnh chụp năm 2003 tại Muick, Scotland. Ảnh: Điện Buckingham/AP
Màn hình lớn với hình ảnh Hoàng thân Philip tại bùng binh Picadilly, London. Ảnh: CNN
Người dân đặt hoa tưởng nhớ Hoàng thân Philip bên ngoài Lâu đài Windsor. Ảnh: CNN
Nữ hoàng Anh trở lại công việc Hoàng gia
Nữ hoàng Elizabeth trở lại làm nhiệm vụ tại một sự kiện của Hoàng gia Anh chỉ 4 ngày sau khi chồng bà, Hoàng thân Philip, qua đời.
Buổi lễ do Nữ hoàng Anh Elizabeth chủ trì hôm 13/4 đánh dấu Bá tước Peel rời vị trí Huân tướng Cung vụ, chức vụ cấp cao nhất trong Hoàng gia. Ông đã giám sát quá trình sắp xếp cho tang lễ của Hoàng thân Philip trước khi bàn giao công việc cho người kế nghiệm là cựu điệp viên tình báo Baron Parker.
Huân tướng Cung vụ là người chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ các vấn đề cấp cao trong Hoàng gia Anh, đóng vai trò kênh liên lạc với Thượng viện Anh, đồng thời đảm bảo phối hợp giữa Cung điện Buckingham và Cung điện Clarence đại diện cho Thái tử Charles.
Nữ hoàng Anh Elizabeth dự một buổi lễ tại lâu đài Windsor hồi tháng 6/2020. Ảnh: Reuters .
Nữ hoàng Elizabeth tham gia sự kiện sau khi Hoàng thân Philip, người đã đồng hành cùng bà suốt những năm trị vì, qua đời tại lâu đài Windsor hôm 9/4. Lễ tang của ông sẽ tổ chức vào ngày 17/4 tại nhà thờ St George, chỉ giới hạn 30 người tham dự do các biện pháp phòng chống Covid-19.
Những năm gần đây, Nữ hoàng đã bớt tham gia các sự kiện và bàn giao nhiều nhiệm vụ Hoàng gia cho Thái tử Charles, Hoàng tử William và những thành viên cấp cao khác. Tuy nhiên, Nữ hoàng vẫn đảm nhiệm những công việc Hoàng gia mang tính biểu tượng, như khai mạc quốc hội.
Hoàng tử Andrew, con trai thứ hai của Nữ hoàng, hôm 11/4 cho hay mẹ mình là "một người cực kỳ kiên định", nhưng việc chồng qua đời khiến bà cảm thấy mất mát rất lớn. "Bà nói việc ông ra đi đã để lại khoảng trống lớn trong cuộc đời", Andrew kể lại, nói thêm rằng mọi người đang cố gắng an ủi Nữ hoàng.
Bất chấp mất mát to lớn, các trợ lý và chuyên gia về Hoàng gia Anh dự đoán Nữ hoàng rất ít khả năng sẽ thoái vị và truyền ngôi cho Thái tử Charles. "Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Nữ hoàng sẽ không thoái vị", nhà sử học hoàng gia Hugo Vickers nói. "Mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng Nữ hoàng đang có sức khỏe rất tốt và bà sẽ tiếp tục là nữ hoàng của chúng ta càng lâu càng tốt".
Câu chuyện sau nụ cười của Nữ hoàng với Hoàng thân Philip Bức ảnh Nữ hoàng Anh cười với chồng năm 2003 khiến nhiều người đoán Hoàng thân Philip đang "chơi khăm" vợ, nhưng nguyên nhân họ cười lại là một đàn ong. Khi nước Anh thương tiếc sự ra đi của Hoàng thân Philip, những bức ảnh thuở sinh thời của ông được chia sẻ rộng rãi: đám cưới năm 1947 với bà Elizabeth,...