Núi Mò O, An Nhơn Một thắng cảnh đẹp ở Bình Định
Nằm ở địa phận thôn Lý Tây và Nhơn Thuận xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, sườn phía bắc thuộc thôn Chánh Mẫn xã Cát Nhơn (Phù Cát), núi Mò O lọt thỏm giữa bốn bề ruộng đồng bát ngát.
Núi có các tên gọi: Mò O, Ma-ha, Thiên Bút, Mạ Thiên Sơn, Tiên Tỉnh Sơn. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí còn chép là Mô Ô, có lẽ do phiên âm tiếng Mò O ra chữ Hán mà thành.
Đi dọc quốc lộ 1, đoạn Phù Cát-An Nhơn hay tuyến đường Đập Đá-Nhơn Hạnh, Chợ Gồm-Cát Tiến, hay Gò Găng-An Lợi, du khách đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi từ xa với mỗi hướng là một hình thù khác biệt. Hòn Mò O không cao (345 thước) nằm giữa quận An Nhơn (Phía nam) và Phù Cát (phía Bắc).
Có nhiều thầy địa bảo rằng: Hòn Mò O tiếp nhận đến hai sơn mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống. Một từ Chà Rang chạy xuống đến đầu thôn Phú Thành (Phù Cát) qua các gò Tân Nghi, Bình Đức, Nghĩa Hòa… thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành “Lưỡng Long Nhập Thủ” – nghĩa là hai con rồng vào một cái đầu. Và hòn Mò O là “Đình Tức Long”, tức là con rồng dừng lại để thở, rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại.
Hòn Mò O, nửa đất sỏi, nửa đá dăm, đứng sừng sững giữa cánh đồng rộng. Hình thù cổ quái. Trên đỉnh có một lỗ thủng, ngoài tròn trong vuông, rộng chừng hai thước, sâu trên một thước. Dưới đáy toàn cát trắng. Người địa phương gọi là Giếng Tiên. Do đó núi mệnh danh là Tiên Tỉnh Sơn.
Trên miệng giếng có hai tảng đá hình tam giác cao lớn đứng song song che miệng giếng ở mặt Đông và mặt Tây. Xa trông giống lỗ miệng hả toạc hoạc mà đôi môi nhọn hoắt. Người Tây bảo “núi hả miệng mắng Trời”. Vì vậy núi có tên nữa là Mạ Thiên Sơn.
Hình núi, đứng nơi chùa Thập Tháp ngó xuống thì thấy giống như lá buồm. Chùa lấy núi làm tiền án. Và đối với địa cuộc của chùa, núi chịu triều phục, nên dáng trông hiền lành, lễ độ. Nhưng nếu đứng ngoài vùng Phù Cát ngó vô thì thật ngạo nghễ, hung tợn. Lưng chơm chởm đá dăm như lưng nhím, miệng mồm há hốc như con gấu heo toan vồ mồi. Nếu đứng hướng Đông nhìn lên thì là một ông Phật ngồi, hai đùi giãn, hai chân thòng, bụng phơi ra, mặt ngó xuống bảy hòn thổ sơn ở Chánh Mẫn (Phù Cát). Còn đứng lối Đập Đá trông ra, thì không hiền cũng không dữ, có thể ví với một con mãnh hổ nằm ngó mông.
Không ai hiểu vì sao núi lại mang tên Mò O, vì trên núi và quanh vùng không hề có khóm mò o nào cả. Trái lại ở sườn phía Đông và phía Nam có một thứ chè gọi là chè tóc tiên, hương vị rất đượm. Và thứ đá dăm ở sườn phía Bắc là thứ đá hoa thạch anh, hình lục giác, bát giác… trông óng ánh nhiều màu. Người ta bảo rằng đá chịu gió Bấc lâu đời sẽ thành ngọc kim cương. Nên thỉnh thoảng có khách đeo chiếc cẩm nang không đáy, đi vào núi.”
Núi Mò O bây giờ không khác mấy so với những gì nhà thơ Quách Tấn miêu tả, chỉ khác là đường sá chạy dọc ngang các xóm làng quanh núi giờ đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc du sơn ngoạn thủy của du khách.
Biển Nhơn Lý - Thắng cảnh đẹp của Bình Định
Xã Nhơn Lý hiện nay đã phát triển nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên với những bãi cát trắng trải dài, nhà mái ngói đỏ tươi, biển vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ.
Cách trung tâm phố Quy Nhơn 30km, băng qua cầu Thị Nại là xã Nhơn Lý. Xã Nhơn Lý đã có lịch sử lâu đời, bề dày về truyền thống văn hóa với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Người dân trong xã vẫn sống với những nghề liên quan đến biển như đánh bắt thủy hải sản, chế biển hải sản. Đây là một xã đảo vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của văn hóa Champa, với lễ hội Cầu ngư được tổ chức hàng năm, nơi còn lưu giữ 6 sắc phong của các triều đại Vua...
Thâm trầm thành cổ Tà Kơn Ở vùng đất xa xôi của tỉnh Bình Định, có một nơi sẽ gây tò mò với những người lần đầu đến xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Đó là thành đá cổ Tà Kơn. Chỉ vỏn vẹn có mấy từ thôi nhưng để khám phá di tích này thật sự cũng không dễ. Từ lâu, vùng đất Vĩnh Sơn đã được xem...