Núi Đại Bàng – điểm đến mới tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình)
Vùng đất Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) còn có tên gọi là Mường Động, là một trong 4 vùng mường cổ của tỉnh.
Từ trước đến nay, Kim Bôi thu hút khách với các điểm du lịch sinh thái nổi tiếng như Serena, An Lạc với nguồn tài nguyên nước khoáng nóng chất lượng… Đến đây, du khách được thưởng thức các món đặc sản, trải nghiệm văn hóa người Mường. Đỉnh núi 800 hay núi Đại Bàng, xã Cuối Hạ được biết đến là điểm du lịch mới trên địa bàn. Trong năm 2021 đã có nhiều doanh nghiệp đến rà soát để đầu tư. Chuyến khảo sát điểm đến du lịch mới tại Kim Bôi do Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Mặt trời mọc (S-Travel) tổ chức đã thành công với việc chinh phục – cắm biển tên núi Đại Bàng trên độ cao 800m, chính thức mở ra một điểm du lịch hoàn toàn mới của huyện với sản phẩm du lịch thể thao – sức khỏe, phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay.
Núi 800 hay núi Đại Bàng, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp được biết đến là điểm du lịch mới trên địa bàn
Video đang HOT
Đỉnh núi 800 nằm trên địa bàn xã Cuối Hạ, cách Hà Nội khoảng 75 km, là nơi mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, sở hữu nhiều tiềm năng góp phần giúp du lịch Kim Bôi trở nên đa dạng hơn. Ngọn núi được bà con địa phương gọi dân dã là “đỉnh 800″ (do nằm ở độ cao 800m so với mặt nước biển). Bao quanh núi là những cánh rừng keo tai tượng của người dân nơi đây. Mặc dù núi không cao nhưng địa hình khá hiểm trở, rất dễ lạc đường bởi khó xác định phương hướng do nhiều con dốc giống nhau xung quanh sườn núi. Núi 800 là hiện thân của câu nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim” do đòi hỏi sự kiên trì của người leo núi vì càng lên cao, cảnh sắc càng đẹp và có nhiều thay đổi. Quãng đường 1 km đầu tiên dốc và có quang cảnh nhàm chán, dễ làm nản lòng du khách. Sau đó, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi du khách băng qua những cánh rừng keo và gặp những cánh đồng hoa dại, tiếp đến là thảo nguyên rộng bát ngát và những đoạn đường rừng hoang sơ. Cảnh đẹp giúp bước chân du khách trở nên nhẹ nhàng hơn. Vì cung đường có nhiều địa hình thảo nguyên nên du khách có thể trải tầm mắt ngắm toàn cảnh vùng đất Mường Động. Dọc đường, du khách có thể cảm nhận sự bình yên khi nhìn thấy trâu, bò thong dong gặm cỏ trên thảo nguyên. Quãng đường leo có nhiều đoạn nghỉ, ta có thể nằm giữa thảo nguyên rộng lớn, cảm nhận không khí trong lành và sự hùng vĩ của thiên nhiên.
Cảm xúc tràn ngập khi chinh phục được đỉnh núi. Khu vực đỉnh Đại Bàng rộng rãi, thoai thoải, dễ dàng để ngồi ăn hoặc cắm trại. Từ đây, du khách có thể trải mắt ngắm vùng đất Kim Bôi với những dãy núi xen kẽ nhau, xếp chồng lớp, tạo thành một khung cảnh đáng nhớ. Tổng quãng đường leo khoảng 8 km. Đây sẽ là địa điểm tiềm năng để thu hút khách du lịch trong tương lai đang cần được khai thác, đầu tư.
Cuốn hút bản Mường Bích Trụ, Hòa Bình
Đến với bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để cảm nhận về một bản Mường nơi lòng hồ non nước hữu tình, lòng người hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, một số hộ dân ở bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình đã xây dựng các homestay để đánh thức tiềm năng vùng lòng hồ
Nằm trong vùng "vén dân" khi xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, bản Bích Trụ gần như mất toàn bộ đất canh tác và trở thành một bản vùng lòng hồ. Biến khó khăn thành lợi thế, người dân Bích Trụ đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đồng thời chú trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện nay, 53 hộ dân trong xóm đã phát triển 167 lồng cá các loại và 4 hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch cộng đồng.
Từ thành phố Hòa Bình, chỉ mất 20 phút đi thuyền hoặc đi đường bộ để đến bản Bích Trụ. Cách Thủy điện Hòa Bình hơn 3 km, Bích Trụ được chia làm hai cụm dân cư chính nhưng nhìn tổng thể các hộ chủ yếu sinh sống men theo lòng hồ Hòa Bình. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là bản Mường này vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống. Trong đó chủ yếu là những ngôi nhà sàn xây được xây dựng khang trang, thoáng mát.
Ông Bùi Văn Chức, xóm Bích Trụ cho biết: Để bảo vệ rừng, từ lâu bản chúng tôi không còn dựng nhà sàn gỗ. Tuy nhiên, phong tục của cha ông để lại, các hộ chuyển sang xây nhà theo phong cách nhà sàn, vừa chắc chắn, vừa thoáng mát. Đặc biệt, khi xây dựng nhà sàn, toàn bộ chuồng trại chăn nuôi được chuyển ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Không chỉ lưu giữ những nếp nhà sàn, nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ, lưu truyền, làm nên nét cuốn hút độc đáo riêng có ở Bích Trụ. Chị Bùi Thị Phương là người gốc Tân Lạc về Bích Trụ làm dâu. Từ nhiều năm nay, cũng như những phụ nữ Mường ở Bích Trụ, chị Phương giữ thói quen mặc trang phục dân tộc vào ngày lễ, ngày Tết. Ngoài ra, các chị đã thành lập đội văn nghệ và thường xuyên luyện tập các bài chiêng cổ, các điệu Thường rang - bọ mẹng để biểu diễn trong các ngày lễ, hội.
Đặc biệt, không khó để nhận ra người dân Bích Trụ rất tự hào với bản làng của mình và luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy, bản Mường xinh đẹp này đang là điểm đến lý tưởng nằm trên cung đường khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa du lịch vùng lòng hồ. Ông Trần Văn Đoàn, Trưởng bản Bích Trụ cho biết: Sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, việc giữ gìn môi trường nước trên hồ Hòa Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặt khác, những năm gần đây, để giữ chân du khách mỗi khi đến với lòng hồ Hòa Bình chính là phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, làn nước trong xanh, bản sắc văn hóa độc đáo. Vì vậy, hàng năm, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban công tác mặt trận bản Bích Trụ đã xây dựng kế hoạch và vận động người dân chủ động thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đường hoa, vườn hoa thanh niên và thu dọn vệ sinh tại các bến bãi, điểm tham quan du lịch, trên mặt hồ.
Hiện nay, cùng với nghề nuôi trồng thủy sản đã gắn bó từ lâu đời, nhiều hộ dân tại Bích Trụ bắt đầu phát triển mô hình du lịch, nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn như đi bộ, đạp xe khám phá bản làng, leo núi, chèo bè mảng, đánh bắt cá tôm, câu cá trên hồ, hay thưởng thức các món ăn do bà con tự chăn nuôi, chế biến hoàn toàn theo phong cách ẩm thực dân tộc Mường.
Đồng chí Hà Văn Thiểm, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai xây dựng Bích Trụ trở thành điểm du lịch cộng đồng tại vùng lòng hồ. Xã đã hỗ trợ các hộ đầu tư xây dựng cảnh quan, các sản phẩm du lịch độc đáo và kết nối du lịch với các bản vùng lòng hồ của huyện Đà Bắc để tạo ra các tuyến du lịch hấp dẫn vùng lòng hồ.
Cuối tháng 11 này, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch tại bản Mường Bích Trụ. Tại ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc. Đặc biệt, tại ngày hội có tổ chức đua thuyền Kayak và trình diễn dù lượn thể thao có động cơ; trưng bày không gian văn hóa đặc trưng dân tộc Mường; sản phẩm du lịch đặc trưng và hoạt động trang trí vườn hoa thanh niên. Trong khuôn khổ ngày hội, thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình du lịch tham quan hồ Hòa Bình - Không gian văn hóa bản Mường Bích Trụ - thác Giăng; tham quan hồ Hòa Bình - Không gian văn hóa bản Mường Bích Trụ - thác Giăng - đền Chúa Thác Bờ; tham quan các điểm du lịch của thành phố. Với những hoạt động hấp dẫn, ngày hội sẽ khắc sâu hơn nữa trong lòng du khách về một bản Mường với non nước hữu tình, sự hiếu khách và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Du lịch Tây Bắc: Khám phá Mai Châu - viên ngọc xanh của Hòa Bình Thung lũng Mai Châu là một viên ngọc quý của Hòa Bình. Vẻ đẹp như tranh vẽ của Mai Châu làm trái tim bao lữ khách xao xuyến trên đường du lịch Tây Bắc. Mai Châu đẹp bình yên thơ mộng. Ảnh: STS Mai Châu là thung lũng xinh đẹp, thơ mộng của tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 140 km về...