Núi Cấm mùa mưa: Tắm suối Thanh Long, ăn bánh xèo rau núi
Mùa mưa, núi Cấm ( xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thay chiếc áo xanh mơn mởn. Khung cảnh núi rừng bỗng hóa nên thơ với tiếng suối chảy rì rào, tiếng chuông chùa tịch lặng vọng xuống hồ nước đầy ăm ắp hay sự “lên ngôi” của đặc sản vào mùa.
Phong phú về đặc sản
Không quá ồn ào, náo nhiệt như những tháng hành hương nhưng núi Cấm mùa mưa trở nên hấp dẫn du khách bởi những loại cây đặc sản vào mùa. Dọc theo tuyến đường lên núi, dễ bắt gặp những rổ bơ bày bán với sắc xanh, tím trông thích mắt. Vào tháng 5 (âm lịch), bơ núi Cấm đã vào mùa rộ.
“Năm nay, mưa kéo dài nên bơ đậu trái rất sai. Mỗi cây có thể cho khoảng 200-500kg trái nếu bẻ hết mùa. Vì vậy, nhà vườn núi Cấm năm nay có thu nhập khá. Ngặt nỗi, giá bơ không như mong đợi. Thương lái bẻ tại vườn chỉ tầm 5.000 – 6.000 đồng/kg, chúng tôi bán lẻ cho du khách cũng chỉ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Đối với giống bơ sáp giá có nhỉnh hơn chút ít nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn mọi năm” – bà Nguyễn Thị Liên (chủ vườn bơ trên núi Cấm) thật tình cho biết.
Du khách đến viếng Phật Di Lặc khá đông
Ngoài bơ, du khách có thể nghe mùi hương thoang thoảng của sầu riêng núi chín cây còn lủng lẳng trên cành. Theo nhiều chủ vườn, sầu riêng được bán cho du khách với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg. Khi được hỏi về phẩm chất, ông Ngô Văn Hòa, nông dân trồng sầu riêng ở ấp Thiên Tuế (xã An Hảo) giải thích: “Sầu riêng trên núi sản lượng không cao, phẩm chất cũng như dưới xuôi.
Có điều, chủ vườn trên này không bẻ sớm như các tỉnh miền Đông mà đợi sầu riêng chín rụng mới đem bán lẻ cho du khách.
Vì sầu riêng chín tới nên chất lượng thơm ngon và đảm bảo không xử lý hóa chất như các nơi khác. Năm nay mưa dai, sầu riêng không đậu trái nhiều nên sản lượng chỉ còn một nửa, chứ các năm trước giá không cao như bây giờ”.
Mùa mưa ở núi Cẩm, đặc sản rau rừng “lên ngôi”
Bước qua khỏi hương thơm sầu riêng núi Cấm, tôi đặt chân đến tượng Phật Di Lặc với nụ cười tự tại giữa trời cao. Dù là mùa mưa nhưng du khách đến viếng Phật Di Lặc khá đông, họ thành kính cầu mong điều tốt lành và muốn chiêm ngưỡng tượng Phật lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á.
Điểm cuốn hút du khách vào mùa mưa chính là bánh xèo rau núi. Vào mùa này, khá nhiều rau rừng xuất hiện cùng dĩa bánh xèo.Có thể thấy đọt cát lồi, lá châm, lá xoài non, rau tàu bay, lá đinh lăng, lá bơ non… xuất hiện cùng các loại rau quen thuộc như: ống cây, cải xà lách, cải bẹ xanh đã tạo nên hương vị rất riêng của món bành xèo rau núi.
Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng cho 1 dĩa bánh xèo 2 cái, du khách có thể thưởng thức cả dĩa rau rừng to với lời mời đon đả của chủ quán: “Ăn đi chú, mùa mưa rau núi ăn… mệt nghỉ”.
Vẻ đẹp nên thơ
Mùa mưa cũng là lúc những đám mây cứ chực sà xuống, mang theo cái se lạnh làm tươi mát tâm hồn du khách. “Tôi thích nhất ở núi Cấm chính là mây.
Khung cảnh ở đây vào buổi sáng sớm nhìn rất nên thơ với những đám mây là đà trên mặt hồ Thủy Liêm. Được ngồi nghe tiếng chuông chùa, ngắm mây bay mơ màng khiến tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn.
Bởi vậy, tôi luôn sắp xếp thời gian đến núi Cấm mỗi năm 1 lần khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch. Đi núi vào mùa này thấy thoải mái bởi khách không quá đông mà khung cảnh lại rất hữu tình” – chị Lưu Ngọc Hà (du khách ở TP. Cần Thơ) chia sẻ.
Thỏa thích tắm suối Thanh Long
Quá trưa, ánh nắng bừng lên soi rõ khung cảnh núi rừng. Nắng chiếu xuống mặt nước hồ Thanh Long lấp loáng như tấm gương soi bóng núi. Từ ngày có con đập hồ Thanh Long, khung cảnh bỗng trở nên kỳ vĩ, hữu tình hơn.
Mọi người tranh thủ chụp ảnh tại hồ Thanh Long bởi công trình nhân tạo này đã tạo nên điểm thưởng ngoạn cảnh mới trên bước đường chinh phục núi Cấm của khách hành hương. Tôi xuống núi bằng “đường cũ” ven suối Thanh Long. Mùa mưa, con suối bừng tỉnh. Tiếng suối rì rào như tiếng hát cô sơn nữ làm khách bộ hành bâng khuâng, tưởng mình đã trở về thuở sơ khai giữa vùng núi non cô tịch.
Đường xuống núi mát rượi bóng cây. Thi thoảng, tôi bắt gặp những đoàn khách đang ngược hướng lên núi. Nhễ nhại mồ hôi, họ í ới gọi nhau và trò chuyện rôm rả. Những bậc thang ven suối Thanh Long đầy rêu vào mùa mưa.
Video đang HOT
Tuy không đến nỗi trơn như đổ mỡ nhưng đòi hỏi sự cẩn thận của du khách, nhất là những người đang xuống núi. Những chỗ dốc cao, suối Thanh Long tạo thành con thác nhỏ tuôn dài như “áng tóc trữ tình”. Những bạn trẻ hào hứng tắm trong làn nước mát lạnh, cười đùa vui vẻ.
“Muốn tắm suối thiệt đã thì phải đợi mùa này hẳn lên núi. Ở đây mấy chục năm tôi nghe tiếng suối đã quen tai, nếu vắng nó sẽ thấy buồn lắm.
Nhờ suối Thanh Long có nước vào mùa mưa mà tôi có thể trồng vườn hay buôn bán ít đồ lặt vặt cho khách tắm suối hoặc đi hành hương” – ông Nguyễn Văn Thuận (hộ dân sống gần suối Thanh Long) thật tình. Mấy tán bằng lăng rừng trổ bông tím rịm nổi bật giữa màu xanh của núi rừng trở thành nét chấm phá trong bức tranh sơn thủy hữu tình.
Tôi xuống đến chân núi với sự thoải mái sau ngày dài chinh phục đỉnh non cao. Có lẽ, tôi sẽ trở lại vào mùa mưa năm sau, khi mấy trái sầu riêng đầu mùa lủng lẳng tỏa hương thơm sau những cơn mưa rừng núi Cấm.
Theo Thanh Tiến (TTMT)
Chuyện kinh dị ở nơi đu mình xuống vực thẳm tìm... xác chết thối
Thường nạn nhân tự vẫn ở núi Cấm chọn địa điểm kết liễu sự sống ở những vách đá dựng đứng hoặc nơi rừng rậm, nên để đưa được những cái xác lên chôn cất, "biệt đội" nhặt xác gặp rất nhiều vất vả.
Thoát chết nơi chiến trường về nhặt xác
Ông Nguyễn Trọng Hiếu (51 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho hay, ông mới nghỉ làm nghề nhặt xác vài năm nay. Khoảng mấy mươi năm, ông làm đội trưởng "biệt đội" nhặt xác trên vùng núi Cấm. Do vậy, kỷ niệm của cái nghề vạn người chê này với ông rất nhiều. Ông là con út trong gia đình nghèo ở tỉnh Cà Mau. Nhiều lần gia đình ông lên núi Cấm sống, nhưng rồi phải chạy giặc Pháp, Mỹ đến Pôn Pốt. Sau, gia đình mới trở lại núi Cấm định cư đến bây giờ.
Núi Cấm cao 705m nhưng có nhiều vụ nhảy vực tự vẫn
Ông Hiếu kể, khoảng năm 1976, trên núi Cấm có duy nhất ấp Rau Tần thuộc xã Trác Quan, huyện Bảy Núi (nay là xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) với chừng 30 nóc nhà. Vì trường học xa xôi nên học hết lớp 9 thì ông nghỉ. Ông ở nhà phụ cha mẹ trồng su su. Năm 1985, ông đi bộ đội, đơn vị đóng quân ở Bắc Tăm Băng (Campuchia). Ông được giao nhiệm vụ hậu cần, thợ mộc xây doanh trại mới và tải thương ở trung đoàn 812, sư đoàn 309 thuộc Quân khu 5.
Bắc Tăm Băng ngày ấy là bãi chiến trường. Trận đánh của sư đoàn Bắc Sơn, lính Việt Nam dẹp loạn bọn Pôn Pốt sang tận biên giới Thái Lan vào Tết năm 1985 vừa xong, thì tân binh như ông mới được chuyển đến. Vừa đến trung đoàn, ông Hiếu đã thấy xe nhà binh ì xèo chạy về. Khi đồng đội mở thùng xe ra, ông thấy 5 xác lính. Từ đó, hầu như ngày nào cũng có người bị thương, người tử vong. Thấy những cái chết ghê rợn, có đồng đội còn bị nổ tan xác khiến ông nao núng.
Ông Hiếu chia sẻ chuyện nhặt xác
Ngày mới đầu quân, ông Hiếu có dịp làm quen với vị Trung đoàn phó Trung đoàn 812 tên Thái. Đây là người chăm sóc thương binh, chiến sĩ hy sinh rất chu đáo. Ngoài ra, vị Trung đoàn phó ấy cũng rất siêng trồng rẫy nuôi quân. Khi lính chưa thức, vị Trung đoàn phó đã vác cuốc ra rẫy. Ông Hiếu thấy vậy thì làm theo. Sau đó ông được phân công nhiệm vụ mới. Dù đang ở bãi chiến trường, vào sinh ra tử, nhưng ông Hiếu viết thư gửi về nhà nói mình vẫn bình yên. Lúc cha mẹ ông quá giang xe chiếu bóng đến thăm thì đúng ngày giặc bắn pháo vào doanh trại. Do đơn vị ông đóng quân là căn cứ cũ của giặc, nên bọn Pôn Pốt bắn vào rất chính xác, thương vong rất nhiều. Khi ấy cha mẹ ông hoảng hồn.
"Lúc tui đi bộ đội thì cha tui là người đầu tiên làm Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo (nay gọi là chủ tịch). Ổng nguyện cầu cho con đi bộ đội được bình yên. Còn tui thì van vái cho mình được sống sót, trở về nhà sẽ đi làm việc thiện. Bởi tui sợ mình bị thương thì cha mẹ già không ai nuôi. Rồi tui xuất ngũ năm 1989", ông Hiếu kể.
Theo ông Hiếu, nhờ những năm đi bộ đội mà ông biết cách xử lý xác chết và người bị thương. Ngày ấy đơn vị đóng quân trong rừng nên không có điện thắp sáng. Đêm xuống, ai khỏe thì dùng chân đạp "đầu bò" quay phát điện để người khác giải phẫu cho thương binh. Mọi người thay phiên nhau và mỗi lần cấp cứu được 5-7 quân nhân. Khi thương binh được đưa về nước thì mới xử lý kỹ lại vết cưa. "Nhiều người đạp trúng mìn, nếu để chất độc ngấm theo máu chảy ngược vào tim thì chết nên mình phải băng ga-gô ngăn lại rồi cưa. Sau đó mới nghĩ cách là ai bị trúng mìn này thì tháo khớp. Khi vừa xuất ngũ về, tui vào làm ở đội từ thiện của xã. Tui vừa vào làm thì đã có... người chết", ông Hiếu chia sẻ.
Khúc đường cua ở núi Cấm
Biệt đội toàn "Sa Tăng, Bát Giới" quay đầu!
Ông Hiếu kể, lúc mới vào làm đội từ thiện thì vào một đêm nọ, khi ông đi chơi về ngang qua nhà người hàng xóm thấy những ánh đèn dầu leo lét. Chung quanh người dân xúm vào khóc. Hiếu kỳ, ông ghé vào xem thì thấy thi thể người đàn ông ở xóm bị trúng trái nổ thương tích đầy người. Người này đã tắt thở, nhưng do người thân thấy thi thể bị thương quá đáng sợ nên không ai dám lau rửa. Thấy vậy, ông Hiếu hỏi người thân nạn nhân có rượu không, thì họ mang ra cho ông. Không chút ngần ngại, ông xắn vào vuốt, sắp lại mớ thịt bầy nhầy trên thi thể người bị nạn. Ông còn dùng rượu gội rửa cho thi thể nhằm làm giảm mùi máu tanh. Một mình ông Hiếu sắp xếp tử thi vào quan tài ổn định.
Khi ấy ông Võ Ngọc Ẩn xuất hiện. Ông Ẩn được dân trong vùng gọi là chú Tám Cứng (khi đó làm Hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo). Ông Ẩn hỏi ông Hiếu con ai và "Mày chịu làm lính tao không?". Biết nghề xử lý tử thi ít người làm và phù hợp với tâm nguyện của mình nên ông Hiếu đáp: "Dạ, chịu". Từ đó ông Hiếu chuyên nghề này và có hội họp gì chú Tám Cứng cũng gọi ông đi. 11 năm sau, ông Hiếu được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo, khi ông Ẩn vừa nghỉ. Với chức vụ ấy ông Hiếu nhận được hơn 1 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng. Những ngày đầu làm nghề, ông Hiếu ngửi mùi hôi thối rất khó chịu. Dù có tắm rửa thế nào, người ông cũng chẳng hết tanh hôi. Mỗi lần nhặt xác về, vợ ông phải nấu nước ấm cho ông tắm.
Chuyện xuống được vực sâu để nhặt xác đầy khó khăn
Ông Hiếu cho hay, nghề nhặt xác chết giúp con người hoàn lương rất tốt. Mấy chục năm trong nghề, ông thu nhận nhiều thanh niên sừng sỏ, từng vào tù ra khám theo làm nghề ai cũng chê và gớm ghiếc này. Như con ông Tư Lâm, có lần còn dám mướn người về chém cha. Sau đó con ông Lâm đánh lộn phải ở tù. Ra tù, anh này xin vào đội từ thiện làm thì bỗng hiền lại. Nhưng trong một lần đi nhậu về, anh này chạy xe va quẹt nên đã tử vong.
"Thấy chết chóc thì những người lầm đường lạc lối suy nghĩ lại. Lính tui đi nhặt chừng 2 cái xác là hiền lại, dù trước đó sừng sỏ dữ lắm. Nhưng khi quay đầu hối cải, họ làm rất tích cực. Có người nói lính của tui toàn là "Sa Tăng, Bát Giới". Họ thường là dân nghèo, đôi lúc phải đi xa làm ăn. Hễ anh em này vắng thì người khác thay. Cứ vậy mà lúc nào Đội Mai táng cũng duy trì khoảng 20 người. Có anh em làm xong đòi về nhà ăn cơm, vì sợ ăn chung mất phước. Họ làm nghề này vừa tốt cho bản thân mà đỡ cho xóm giềng", ông Hiếu tâm sự.
Ông Hiếu cho biết thêm, ngày trước chưa có điện thoại di động nên mỗi khi có xác chết, những thành viên của "biệt đội" nhặt xác hú nhau đi. Do làm việc gớm ghiếc mà không lương nên trong đội tự xem mình như đám "kền kền". Thành viên nào báo có "đồ ăn" là biết ngay có xác chết, cần đến nhặt và mai táng. Ngày trước, khi đường chính lên đỉnh núi Cấm chưa làm, thì những người nhặt xác phải cột thi thể vào chiếc võng. Họ xuyên đòn gánh vào chiếc võng mà khiêng xác xuống chân núi, rồi mới đưa vào quan tài.
"Có đôi tình nhân cột tay nhảy xuống vực núi chết. Có người treo cổ trên cây cao chết. Có người lại uống thuốc độc rồi chui vào hang đá chết, kẹt trong ấy. Việc lấy xác của những người này rất khó khăn. Tui còn nhớ cách nay lâu lắm, có người đàn ông chết trong nhà trọ gần chùa Phật Lớn trên núi Cấm. Toàn thi thể người này xăm trổ như con tắc kè hoa. Khi khiêng được xác ông này xuống chân núi thì đã 21 giờ đêm. Nghề này vất vả lắm!", ông Hiếu bộc bạch.
Dân nhặt xác đu người thế này để tìm và nhặt xác
3 lần đu mình xuống vực mới tìm thấy xác
Ông Nguyễn Trọng Hiếu (51 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, mấy chục năm trước, núi Cấm chưa có đường nhựa lên đỉnh và rừng còn khá hoang sơ. Để nhặt và đưa được thi thể dưới vực sâu hơn 200m không phải chuyện dễ. Thiết bị cứu hộ cũng không đầy đủ như ngày nay nên chuyện nhặt xác rất vất vả và nguy hiểm. Chuyện nhặt xác từ vực thẳm rồi bó vào võng khiêng xuống chân núi tẩn liệm ngày ấy mất nhiều thời gian. Có khi họ làm cả ban đêm mới được về nhà.
Ông Hiếu nhớ nhất là lần nhặt xác người em trong vụ 2 anh em song sinh tự vẫn ngày 17/7/2013 tại đỉnh vồ Bồ Hong trên núi Cấm. Đó là 2 anh em Nguyễn Hoàng Hiệp và Nguyễn Hoàng Hải (tên đã thay đổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Khi ấy Hiệp may mắn sống sót, còn Hải thì mãi mãi nằm lại dưới vực sâu. Sau khi nhận tin báo có người chết, ông Hiếu cùng những thành viên trong Đội Mai táng xã An Hảo đã đến.
Ông Hiếu cho biết, dù vị trí Hải rơi được người anh song sinh chỉ rõ, nhưng do nơi ấy toàn rừng bụi nên việc tìm kiếm rất mơ hồ. Khi đó, ông phân công cho mình và một số người đứng trên đỉnh vồ Bồ Hong kéo dây dù loại bản rộng. Còn người cháu tên Tân, con của anh rể ông Hiếu (chuyên làm nghề sưu tầm dược liệu thuốc Nam) đu dây lần mò xuống vực. Anh Tân cột dây vào eo ếch, dò dẫm từng bước treo mình bên vách đá lần xuống. Chàng thanh niên khỏe mạnh xuống được vực, nhưng rừng bụi bao quanh nên không tài nào thấy xác. Sau nhiều giờ tìm kiếm, Tân đuối sức trước sức nóng của cái nắng miền sơn cước, nên giật dây ra hiệu cho người phía trên kéo lên. Lần đầu tìm xác bất thành.
Thành viên đội mai táng phải đu mình để xuống được vực sâu nhặt xác
Sau một lúc nghỉ ngơi, 1 chàng trai lực lưỡng khác được cử đu dây trèo xuống vực. Thanh niên ấy xuống quần thảo ở các lùm cây ở độ sâu 200m nhiều giờ liền thì cũng giật dây báo hiệu kéo lên. Lần này, anh thanh niên Đội Mai táng xã An Hảo cũng về tay không. Trời xứ núi càng ngả bóng về chiều, ai nấy đều sốt ruột, đói và mệt. Tuy nhiên, bằng quyết tâm "sống phải thấy người, chết phải thấy xác", ông Hiếu lại cử người khác trèo xuống vực. Mất thêm khoảng 2 tiếng đồng hồ, xác nạn nhân mới được tìm thấy.
Theo ông Hiếu, việc tìm kiếm xác chết dưới vực sâu đã khó, việc đưa xác nạn nhân Hải trở lên lại gian nan bội lần. Khi 1 thành viên trong Đội Mai táng ra hiệu gặp được xác, thì các thành viên từng có kinh nghiệm khác được cử xuống để kéo xác lên. Ông Hiếu cho cột 1 đầu dây vào cây cổ thụ, để người cứu hộ lần theo vách núi thả người xuống vực. Nguy hiểm nhất là nếu ai đó sảy chân cũng có thể mất mạng. Bởi khi trượt chân, họ bị dây cột eo ếch treo đu đưa, va đập vào vách đá mà chết.
Rắc rối lúc này là không biết làm cách nào đưa xác chết lên đỉnh núi. Nếu cột dây vào thi thể để người phía trên kéo thì vướng cây rừng. Hơn nữa, vách núi lại nơi nhô nơi thụt vào. Do vậy phải cần có người trong đội cứu hộ được kéo cùng xác chết để đỡ cái xác không vướng cây, va vào vách núi. Trong khi nếu kéo cùng lúc nhiều người thì sợ đứt dây, xảy ra thảm họa.
Làm hết mình vì lương tâm con người
Sau một hồi bàn bạc cùng lực lượng công an, ông Hiếu quyết định cử người đu mình xuống vực đem theo những tấm thẻ vạt giường bằng tre để bó nẹp tử thi. Sau khi bó chặt và cột tử thi vào dây dù bản rộng, 4 người đàn ông lực lưỡng sẽ được kéo cùng người chết. Sau khi ra tín hiệu, thi thể nạn nhân cùng 4 người trong đội cứu hộ được kéo lên. Hễ kéo đến đâu vướng cây thì người cứu hộ nâng xác tháo gỡ. Họ được kéo lên từng đoạn một nơi vách núi cheo leo.
Anh Cường dù không hưởng lương vẫn miệt mài nhặt xác
"Chúng tôi làm hết sức cẩn thận và từng chút một. Bởi người ta kiêng kỵ việc người chết rơi thêm lần nữa. Lỡ sơ sảy, người cứu hộ cũng trở thành nạn nhân. Do vậy, anh em tụi tui phải treo mình bên vách đá để đỡ cái xác cho phía trên kéo. Vách đá gồ ghề, cây cối um tùm nên kéo lên là vướng. Cứ thế, tụi tui phải leo theo từng nấc để nâng đỡ cái xác. Sau nhiều giờ nỗ lực, thi thể nạn nhân cũng được đưa lên đỉnh núi an toàn, nhưng xương cốt đã gãy nát, mặt và trán biến dạng. Sau đó thi thể được bàn giao cho gia đình chở về quê an táng", ông Hiếu kể.
Anh Nguyễn Văn Cường bày tỏ: "Công việc ở đây không có trợ cấp. Trước giờ mình làm vì lương tâm. Mới đây, UBND xã An Hảo chủ trương hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi vụ nhặt xác và mai táng, mình cảm thấy an ủi phần nào. Nhưng dù có tiền hay không thì mình vẫn làm".
Việc nhặt xác nạn nhân Hải đầy khó khăn, vất vả và mất nhiều thời gian. Ở độ sâu 200m, vách núi tại vồ Bồ Hong không có đá dăm, đá mồ côi nên chưa hiểm trở bằng vụ lấy xác của người vợ khi chồng chở xe lao xuống vực ngày 9/8/2014. Điểm vợ chồng anh Lâm và chị Vân Em (thông tin kỳ trước) gặp nạn là gần vồ Cứu Nạn, lưng chừng núi Cấm. Từ mặt đường xuống vực có bãi đá phế thải khi làm đường, cục đá to bằng người ôm. Khi ấy, anh Lâm nằm bất tỉnh do rơi ngay bệ đá.
Còn chị Vân Em thì đã chết, nằm dưới vực sâu 33m. Ông Hiếu cũng chỉ huy cho thành viên Đội Mai táng xã An Hảo cột dây dù bản rộng, rồi đi lùi từ trên mặt đường xuống vực. Ở điểm cứu hộ này, chỉ cần người cứu nạn đi lùi không khéo thì đá phía trên sẽ chày xuống khiến người cứu nạn đu dây lơ lửng bên dưới rất dễ bị đá lăn trúng mà chết. Cuối cùng họ cũng kéo được anh Lâm và xác vợ anh lên, rồi còn lấy xe đưa anh Lâm đi cấp cứu, đưa thi thể vợ anh Lâm về quê an táng.
Ông Hiếu thổ lộ: "Có những xác chết lâu ngày mới phát hiện nên đã sình thối. Khi ấy mình tìm đường phía trên gió để tiếp cận, cho đỡ mùi thối. Đến gần xác, mình cầm tấm cao su chụp từ trên xuống. Sau đó cuốn 1 đầu rồi lăn sang một bên. Đầu tấm cao su còn lại cũng cuốn kín. Cứ thế quấn cao su bịt kín cái xác. Có những xác khi nhặt được chỉ còn một mớ thịt vụn. Người làm việc này phải có đức hy sinh, chứ suy nghĩ đến nguy hiểm thì không làm được. Trước khi chạm vào xác chết, anh em đều khấn vái thầm: "Thôi, ở đây tụi tui đến giúp cho anh, chị, hay chú, bác gì đó". Nhờ vậy mà mấy chục năm qua, đội đã nhặt biết bao nhiêu xác chết nhưng vẫn an toàn".
Anh Nguyễn Văn Cường (46 tuổi, Đội phó Đội Mai táng xã An Hảo) cho biết, anh không có đất canh tác nên hành nghề chạy xe ôm 20 năm qua. Vợ chồng anh có 2 người con. Con gái lớn làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, còn con trai đang đi học. Từ ngày chạy xe ôm, anh đã tham gia công tác từ thiện. Anh cũng chuyên đi nhặt xác và mai táng tử thi. Cách đây không lâu, anh cùng các thành viên trong nghiệp đoàn xe ôm cũng bỏ cữ chạy xe để đi nhặt 2 xác chết ở điện Cây Quế.
Còn ông Nguyễn Chánh Thi (56 tuổi, làm nghề chụp hình dạo ở núi Cấm, cố vấn Hội từ thiện xã An Hảo) kể, mấy năm trước, tại nhà trọ dưới chân vồ Bồ Hong có đôi thầy trò vào ở và tự vẫn chết. Ông nghe nói trước đó chàng thanh niên bị bệnh và được thầy chữa khỏi. Sau đó 2 thầy trò quê ở tỉnh Kiên Giang này rủ nhau đi làm từ thiện. Do xuất tiền làm việc thiện quá nhiều nên nợ nần, rồi lên núi Cấm tự vẫn. Ông cùng những đồng nghiệp đến thu dọn 2 xác chết đã thối rữa ấy...
Nghĩa địa từ thiện
Hiến đất, góp tiền lập nghĩa địa
Ông Lý Văn Bé (Chủ tịch Hội Khuyến học xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, công tác xã hội từ thiện ở đây làm rất nhiều. Ngoài xây cầu, làm đường vào phum sóc cho người Khơme, đường dân sinh trên núi Cấm, thì những người làm ở Hội Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học... ở xã còn chung tay cất nhà, chuồng bò cho người Khơme. Sau nhiều năm, người dân Khơme đã dời chuồng bò ra khỏi nhà, phần nào phòng tránh được dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
"Thấy nhân dân trong vùng còn nghèo khó, khi qua đời không có đất chôn, anh em mới nghĩ ra chuyện xây nghĩa địa từ thiện. Thêm phần đặc thù ở vùng Bảy Núi là có nhiều người lên núi Cấm chết mà lại không mang theo giấy tờ tùy thân. Khi qua đời họ cũng không có thân nhân đến nhận. Do vậy mà trong nghĩa địa dành một phần để chôn những người đó, gọi là những ngôi mộ vô danh", ông Bé cho hay.
Xuất phát từ thực tế và tâm nguyện, năm 2005, ông Ba Mẫn (ông Nguyễn Duy Mẫn, 79 tuổi, Chủ tịch Hội Từ thiện xã An Hảo) hiến 4 công đất (mỗi công = 1.000m2) trồng rẫy dưới chân núi Bà Đội Om, rồi xin chủ trương chính quyền cho xây nghĩa địa từ thiện. Phần đất này nhanh chóng trở thành nghĩa địa cho bất kỳ dân nơi đâu chết chở đến chôn miễn phí. Chỉ trong vài năm, nghĩa địa ấy đã được chôn kín, với hơn 200 ngôi mộ.
Ông Ba Mẫn
Thấy "nhu cầu" còn cao, 5 năm trước ông Ba Mẫn cùng nhiều người trong Hội Từ thiện, Hội Chữ thập đỏ của xã đứng ra vận động và các mạnh thường quân như bác sĩ Lê Văn Tiến (Phó phòng khám khu vực Chi Lăng), ông Huỳnh Hữu Thới (Bảy Thới) đóng góp để tiếp tục xây nghĩa địa từ thiện khác. Nghĩa địa mới này có quy mô 8 công đất với sức chứa khoảng 800 ngôi mộ, cũng nằm dưới chân núi Bà Đội Om. Ở đây phân biệt dãy đất nào dành chôn người cao tuổi, dãy nào chôn trẻ em. Nơi ấy còn có nhà Địa Tạng cho dân làm lễ cầu siêu, được quản lý bằng sơ đồ mộ phần chặt chẽ. Nhà sư Thái Nam (chùa Bửu Sơn) là người đóng góp lớn nhất.
Ông Bé (người quản lý nghĩa địa từ thiện) cho hay, nơi đây hiện có 3 ngôi mộ 3 không: không tên tuổi, không quê quán và không người thân. Trường hợp đầu tiên chôn cách đây khoảng 2 năm. Khi đó người dân trên núi Cấm phát hiện thi thể 1 phụ nữ đang phân hủy. Người này tự vẫn chết trong rừng. Sau khi công an khám nghiệm đã bàn giao thi thể cho Đội Mai táng của xã tẩm liệm và chôn cất ở nghĩa địa này. Còn nghĩa địa trên khu đất 4 công do ông Ba Mẫn hiến cũng có vài ngôi mộ vô danh như vậy.
Ông Bé chỉ những ngôi mộ vô danh
Nhớ lại những cái xác vô danh nằm lại xứ người dưới chân núi Bà Đội Ôm, ông Nguyễn Chánh Thi (56 tuổi, cố vấn Hội Từ thiện xã An Hảo) kể, khoảng 13 giờ ngày 14/2/2017, ông đang ngủ thì có người đến kêu lên hồ Thủy Liêm (trên đỉnh núi Cấm thuộc ấp Vồ Đầu). Bởi người dân thấy giống như có 1 xác chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Do không phải thành viên của nghiệp đoàn xe ôm nên việc lên núi của ông gặp khó khăn. Lúc này, ông ngụy trang bằng cách đeo máy chụp hình để qua chốt kiểm soát. Đến hồ, ông Thi thấy cái áo nổi trên mặt nước, tóc phất phơ. Bằng kinh nghiệm ông biết đó là 1 thi thể người chết. Tuy nhiên, để tránh vạ lây, cần người làm chứng, ông lớn tiếng hô: "Mấy bây ơi, nhìn giống người nào té chết quá vậy!". Vừa nghe tiếng hô của ông, hàng chục người chạy xe ôm và chụp hình dạo chạy đến xem. Thấy thế, Vinh "khùng" (người dân địa phương) liền gọi điện thoại báo công an.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng nhận định đây chỉ là vụ tai nạn đuối nước. Nạn nhân tự té và chết do ngạt nước. Tử thi là nữ, khoảng 45 tuổi. Khi chết, người này mặc bộ đồ vải hình bông hoa màu trắng đỏ, áo khoác bên ngoài màu đen. Sau khi khám nghiệm xong, công an giao xác lại cho Đội Mai táng xử lý. Khi đó ông Thi mới cùng các thành viên khác xắn tay vào trục vớt tử thi. "Chúng tôi lấy cái võng, rồi dùng cây khều tử thi lọt vào võng, cùng nhau kéo lên bờ hồ. Khi ấy đã 19 giờ tối. Thấy đàn bà tứ cố vô thân chết không người thân nhìn nhận, trong khi bộ quần áo đã rách tả tơi nên tui chạy xe đến tiệm bán tạp hóa mua quần áo. Tui móc tiền túi 100.000đ mua bộ quần áo, rồi thay cho bà ấy. Đó là cái xác được chôn ở ngôi mộ vô danh", ông Thi kể.
Canh giữ những ngôi mộ vô danh
Ông Nguyễn Duy Mẫn (Chủ tịch Hội Từ thiện xã An Hảo) tâm sự: "Toan bô tiền mua quan tai, đô tẩm liêm đêu do cac nha hao tâm hô trơ. Chúng tôi luôn sống với đạo lý "la lanh đum la rach", ngươi sông lo cho ngươi khuât. Ai co công giup công, co cua giup cua, đê lam sao cho môi phân ngươi xâu sô khi nhăm măt xuôi tay đều co nơi chôn cât. Anh em cất công đi nhặt xác dù hôi thối, dù không có lương nhưng vẫn làm vì đạo lý này".
Ông Thi còn cho biết, ngôi mộ vô danh thứ 2 nằm dưới chân núi Bà Đội Om là 1 xác chết lâu ngày đã khô, do dân trên núi Cấm phát hiện. Sự việc đã quá lâu nên ông không nhớ cái xác được phát hiện ra sao và chết do nguyên nhân nào. Chỉ biết trên cơ thể nạn nhân không có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào. Ngôi mộ chôn người vô danh thứ 3 là 1 người đàn ông. Người này tự vẫn chết cách đây khoảng 2 năm. Gần đây, có người thân ông này ở Cần Thơ đến nhận xác. Họ xin xây luôn ngôi mộ tại khu nghĩa địa này.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu (nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Hảo) kể, vào năm con đường chính lên núi Cấm đang thi công (năm 2007), đoạn vồ Thiên Tuế có đường tắt lên núi. Khi ấy có người đàn bà quê ở Đồng Tháp đi bộ từ chân núi lên tới đoạn đường tắt thì mệt. Người này nằm vựa lưng vào tảng đá trong vườn điều của dân nghỉ. Trước khi chợp mắt, bà lấy nón lá úp lên mặt ngủ. Không ngờ bà ngủ luôn "giấc ngủ ngàn thu". Sáng hôm sau, chủ vườn ra hái điều thì thấy có người nằm tựa vách đá úp nón lá che mặt ngủ. Chủ vườn gọi: "Chị ơi", nhưng người kia im thinh. Bà chủ vườn bước tới dỡ nón lá ra mới phát hiện người kia đã chết. Chủ vườn hốt hoảng tri hô. Lúc đó, ông Hiếu đang đậu xe chờ khách ở gần nghe tin nên tất tả chạy đến. Sau khi công an làm xong nhiệm vụ, ông cùng các thành viên trong Đội mai táng xã An Hảo chở xác người đàn bà này xuống chân núi.
Do người này không có giấy tờ tùy thân nên Đội Mai táng tẩm liệm rồi đưa đến nghĩa địa từ thiện chôn. Đó được xem là ngôi mộ vô danh. Chôn xong khoảng 10 ngày, công an cho ông Hiếu hay có thân nhân đến nhận xác. Những người trong "biệt đội" nhặt xác lại phải quật mồ, đưa quan tài lên để người thân đưa thi thể người quá cố về quê an táng. "Người thân cho biết, bà này mắc nhiều bệnh nên hay lên núi tìm thầy chạy chữa. Sức yếu mà lội dốc núi nên mệt mà chết", ông Hiếu cho hay.
Nhà Địa Tạng ở nghĩa địa từ thiện
Ông Hiếu bộc bạch: "Những trường hợp vô danh, chúng tôi thường để dây hạ huyệt cùng quan tài, rồi lấp đất. Mình phòng hờ khi xác định được nhân thân thì quật mồ, rồi dùng dây hạ huyệt kéo quan tài lên cho dễ. Đối với những xác chết vô danh, anh em giữ mộ rất cẩn thận. Bởi đã có người đến nhận không đúng xác của người thân cũng mang về. Lỡ thân nhân đúng đến nhận thì xác đâu giao cho người ta. Thành ra anh em chúng tôi giữ mộ vô danh kỹ lắm".
Theo VTC
An Giang, Đồng Tháp cải táng hơn 250 hài cốt liệt sỹ Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), sáng 20/7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã tổ chức lễ cải táng hơn 250 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia và trong nước. Tại An Giang, sáng ngày 20/7, tại...