Núi Bà Đen, Tây Ninh chuẩn bị đón Lễ vía Bà lớn nhất trong năm từ ngày 8-11/6
Lễ vía Bà – lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất tại núi Bà Đen, Tây Ninh sẽ được tổ chức từ ngày 8 – 11/6 năm nay.
Dịp này, đại lễ dâng đăng với kỷ lục 55.000 ngọn đăng sẽ được tổ chức để nhân dân tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát – nữ thần chủ của Núi Bà.
Lễ vía Bà sẽ được tổ chức trang trọng tại núi Bà Đen từ ngày 8-11/6. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Nếu như ở miền Bắc có tục thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ; miền Trung thờ Mẹ Xứ Sở; vùng đồng bằng sông Cửu Long thờ Bà Chúa Xứ, thì vùng Đông Nam Bộ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, hay còn được gọi bằng cái tên dân dã là Bà Đen. Trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người Nam bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu được xem là vị thần bảo hộ cho cả một vùng đất, và được thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam bảo.
Vào ngày 4,5,6 tháng 5 Âm lịch hằng năm, Lễ vía Bà Đen được tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức thiêng liêng tại hệ thống các chùa núi Bà để tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu. Các nghi lễ chính được tổ chức tại Linh Sơn Tiên Thạch Tự và Điện Bà nằm ở lưng chừng núi Bà Đen.
Video đang HOT |
Múa bóng rỗi trong Lễ vía Bà. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain |
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu hằng năm thu hút hàng ngàn người ở khắp các tỉnh thành khu vực phía Nam đến với núi Bà Đen, hoà vào không khí thiêng liêng của các nghi lễ truyền thống như: Tụng kinh niệm Phật, cúng ngọ, lễ cáo yết Bà Đen, múa bóng rỗi, lễ dâng 10 loại lễ vật: Hoa, đèn, nhang, trà, quả, thực, bỉnh, thủy xoàn, châu báu…
Nghi lễ đặc trưng và thiêng liêng nhất là Lễ tắm Bà diễn ra vào đêm mùng 4/5, khi cửa cung cấm đã đóng kín và chỉ có những người phụ nữ được phân công từ trước thực hiện nghi lễ. Sau lễ tắm Bà, hàng ngàn người dân đến trước Điện Bà để xin lộc là những chiếc khăn đã dùng lau tượng Bà, nước đã dùng nhúng khăn lau tượng, hay hoa quả trong lễ tắm Bà.
55.000 ngọn đèn đăng sẽ được dâng trên đỉnh núi Bà Đen vào tối 8/6. Ảnh: Việt Kiên |
Năm nay, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu sẽ được tổ chức từ ngày 9, 10, 11/6 (tức ngày 4, 5, 6 tháng 5 Âm lịch) tại hệ thống các chùa núi Bà với các nghi lễ truyền thống, cùng chương trình cải lương, tuồng cổ đặc sắc diễn ra vào ngày 10/6.
Đặc biệt, trên đỉnh núi Bà Đen, đại lễ dâng đăng với kỷ lục 55.000 ngọn đăng kính mừng Lễ vía Bà sẽ được tổ chức thiêng thiêng tại quảng trường dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và khu vực tôn tượng Bồ Tát Di Lặc vào tối 8/6 (tức ngày 3/5 Âm lịch).
Tại đây, 55.000 ngọn đèn hoa đăng do chính tay các nhân viên của khu du lịch Sun World Ba Den Mountain chế tạo và du khách, Phật tử tự tay viết lời nguyện ước sẽ được thắp sáng bên các đĩa nước dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tạo nên không gian huyền ảo chưa từng có cho đỉnh núi cao nhất Nam bộ. Trong văn hoá Phật giáo, hoa đăng tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ của đức Phật, thả đèn hoa đăng là mong muốn của nhân dân tìm kiếm an lạc trước ánh sáng trí tuệ. Bởi lẽ đó, đại lễ dâng đăng mừng ngày Lễ vía Bà chính là hàng vạn lời nguyện ước bình an, hạnh phúc của nhân dân dâng lên chư Phật và Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát đại diện của lòng từ bi, cứu độ chúng sinh.
Với người dân Nam bộ, Lễ vía Bà năm nay không chỉ là dịp để tỏ lòng tôn kính của Linh Sơn Thánh Mẫu, mà còn là cơ hội để hành hương, chiêm bái ngọn núi linh thiêng, đặc biệt là các công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á, tọa lạc trên đỉnh núi, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới, hay Trung tâm triển lãm Phật giáo lưu trữ các cổ vật và các phiên bản mô phỏng các tác phẩm văn hoá Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới.
Kéo dài trong suốt những ngày đầu tháng 5 Âm lịch, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu dự đoán sẽ đón hàng ngàn Phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái, đảnh lễ, làm nên một mùa hành hương thiêng liêng tại đỉnh núi cao nhất Nam bộ.
Ở nơi được ví như "nóc nhà Nam Bộ"
Nằm ở độ cao 986m, không khí trong lành, mát mẻ, cảnh quan tuyệt đẹp, núi Bà Đen - Tây Ninh được mệnh danh là "đệ nhất thiên sơn", "nóc nhà Nam Bộ".
Được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự đầu tư, kiến tạo từ bàn tay, khối óc con người, núi Bà Đen đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến với Tây Ninh.
Khu du lịch núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh nằm ở độ cao 986m, được ví như "nóc nhà Nam Bộ".
Quần thể danh thắng núi Bà Đen trải rộng trên diện tích khoảng 24 km, gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Nằm rải rác từ chân núi lên đến đỉnh núi Bà Đen là một quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp... Trong đó, nổi bật là chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) hay còn gọi là chùa Thượng và điện Bà, nơi đặt bức tượng Bà Đen bằng đồng. Bên cạnh chùa là điện Bà được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành am động. Ngoài ra, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như: động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là khu du lịch văn hóa với các khu vui chơi, nhà hàng.
Tháng 1/2024, Giáo hội Phật giáo tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ an vị Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc tạo thêm một điểm nhấn cho khu du lịch núi Bà Đen. Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m, nặng 5.112 tấn. Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Đến nay khu du lịch núi Bà Đen vẫn đang sở nhiều hữu kỷ lục thế giới Guinness như: Công trình ga Bà Đen là "Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới"; tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn với 2 kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi" và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhấtViệt Nam tọa lạc trên đỉnh núi"; "Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn nhất thế giới"; "Thác nước nhân tạo có độ cao cao nhất châu Á". Đây cũng là nơi đầu tiên củaViệt Nam vận hành loại hình du lịch máng trượt và cáp treo.
Lên đỉnh núi Bà Đen, ngoài việc được thu vào tầm mắt cảnh quan tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh, du khách còn được chiêm ngưỡng những kiến trúc, tạo hình độc đáo từ những ngôi chùa, pho tượng, thác nước, lối đi... và nghe thuyết minh viên kể sự tích huyền bí về núi Bà Đen. Tương truyền thuở xa xưa, núi Bà Đen vốn có tên là núi Một. Tên gọi núi Bà Đen được truyền tụng vào thế kỷ XVIII bởi một người con gái tuẫn tiết trở về báo mộng. Truyền thuyết kể rằng, nàng Thiên Hương vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, văn hay võ giỏi và là con của một nhà gia giáo nên được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi và cũng tỏ lòng cảm mến nàng. Trong một lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn, chàng Lê Sĩ Triệt đã xông ra đánh đuổi và cứu được nàng. ể đáp ơn chàng, cha mẹ Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Nhưng giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau, chàng trai Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân ra trận.
Khi Lê Sĩ Triệt tòng quân, ở nhà trong một lần lên núi cúng Phật, nàng Thiên Hương lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết. Một đêm nàng hiện về gặp nhà sư Trí Tân, trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa và kể lại hết sự tình. Sau khi nghe hết câu chuyện, nhà sư tỉnh dậy và cho người đi tìm thi thể nàng đem về mai táng, sau đó được nhân dân quanh vùng lập điện thờ trên núi. Từ đó, núi Một được người dân gọi tên là núi Bà Đen.
Lần báo mộng thứ hai là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn Bà Đen phù trợ. Đêm đó, Bà Đen xuất hiện và báo mộng, chỉ đường cho chúa Nguyễn thoát thân và khuyên chúa Nguyễn nên qua Xiêm tá binh để chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, tưởng nhớ đến chuyện lên núi được Thiên Hương mách bảo nơi ẩn náu và thoát nạn đã sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu, tạc tượng bà bằng đồng đen để nhân dân chiêm bái, phụng thờ.
Lần hiển linh báo mộng thứ ba được kể lại là nàng Lý Thị Thiên Hương đã nhập vào xác của một cô gái để trò chuyện với Quốc công Lê Văn Duyệt. Rằng nàng thác oan nên đã trở thành tiên thánh được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế. Nghe vậy, Quốc công đã thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm "Linh Sơn Thánh Mẫu", tạc tượng để thờ.
Không chỉ vậy, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975), núi Bà Đen từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta để giải phóng dân tộc. Chứng tích còn lại là động Kim Quang, chùa Hang và bảo tàng dưới chân núi trưng bày một số hiện vật, hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Với cảnh đẹp thiên tạo cùng những chứng tích lịch sử, văn hóa đậm nét, tháng 1/1989, núi Bà Đen được công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia. Tập đoàn Sun Group và tỉnh Tây Ninh đã hợp tác, đầu tư tôn tạo núi Bà Đen trở thành điểm du lịch hút khách. Từ nhiều năm nay, khu du lịch núi Bà Đen - "nóc nhà Nam Bộ" luôn được chọn là nơi tổ chức các lễ hội tâm linh độc đáo, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
Theo chân trai bản địa đi Tây Ninh mà vẫn "lạc" ở mảnh đất núi Bà Đen, vì sao vậy? Theo chân trai bản địa Tây Ninh mà vẫn "lạc" ở mảnh đất núi Bà Đen, vì sao vậy? Tưởng đi theo dân thổ địa thì không lạc, nhưng theo chân anh chàng Win đi ta lại càng thêm "lạc bước" ở Tây Ninh vì nhiều cảnh đẹp quá Sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh nhưng phải đến chuyến đi này...