Nửa đêm bỗng nghe điện thoại của… một người dưới mộ
Quá nửa đêm, ông Cao Ngọc Viên (cựu chiến binh, quê tỉnh Hưng Yên, hiện sống tại phường Bình Trinh Đông, Q.2 TP.HCM) và cả nhà đã yên giấc. Bất ngờ điện thoại bàn nhà ông reo dồn dập. Ai gọi điện giờ này? Ông Viên vừa tự hỏi vừa nhấc điện thoại. Trong máy vang lên giọng nói quen quen: “Viên ơi, Đãi đây!…”. Ông Viên sững sờ, thấy lạnh người. Đúng là giọng nói của người đồng đội Nguyễn Văn Đãi, nhưng đã hi sinh năm 1972, hiện có mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Từ một tấm hình
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nổi (xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một lần đào đất ở khu vực rừng tràm Bà Vụ (xã Tân Hòa, huyện Bến Lức) tình cờ phát hiện một hố chôn 2 bộ hài cốt.
Chôn cùng 2 bộ hài cốt là 3 chiếc ba lô bọc trong túi nilon, loại túi chuyên dụng của Trung Quốc trang bị cho quân giải phóng miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Bên trong ba lô còn khá nguyên vẹn nhiều giấy tờ, tư trang, hình ảnh, kỷ vật của của người quá cố.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Rừng tràm Bà Vụ từng là là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ – Sài Gòn trong chiến tranh, nhiều liệt sĩ hi sinh không tìm ra thân xác.
Bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm đối với đồng đội, ông Nổi đã bảo quản cẩn thận những gì khai quật được và báo cho cơ quan chức năng địa phương. Với những gì còn lại trong 3 chiếc ba lô, có thể xác định được chủ nhân của 2 cái: Liệt sĩ Trần Mậu và liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi. Cái thứ 3 không xác định được chủ nhân. Ông Nguyễn Văn Nổi và chính quyền địa phương đã trân trọng đưa 2 bộ hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Bến Lức.
Ngôi một liệt sĩ mang tên Nguyễn Văn Đãi (giữa) ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức.
Những thông tin trên giấy tờ còn lại từ 2 chiếc ba lô chỉ cho phép xác định danh tính 2 liệt sĩ (Trần Mậu và Nguyễn Văn Đãi) và quê quán “Miền Bắc” của các anh. Đồng thời, căn cứ vào cuốn sổ nhật ký dừng lại ở tháng 5.1972, những người quy tập cho rằng các liệt sĩ hy sinh vào năm 1972. Vì vậy mà trên bia mộ của 2 liệt sĩ chỉ ghi quê quán “Miền Bắc”, hi sinh năm 1972, ngoài ra không còn thông tin nào khác.
Trong ba lô của liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi còn có một tấm hình chụp người chiến sĩ với một bà mẹ và cô gái nhỏ. Phía sau tấm ảnh còn hiện rõ dòng chữ: “Tặng anh tấm hình làm kỷ niệm, nếu sau này còn sống anh về quê em theo địa chỉ thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ký tên Cao Ngọc Viên”. Một bức thư được ông Nguyễn Văn Nổi gửi theo địa chỉ ghi trên tấm hình với hi vọng người chiến sĩ Cao Ngọc Viên vẫn còn sống, từ đó mà tìm ra và báo tin cho gia đình của liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi.
Một thời đạn bom…
Như nhiều thanh niên cùng thời, Cao Ngọc Viên (thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã tạm chia tay việc học để lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam. Anh nhập ngũ tháng 4.1970, sau thời gian ngắn huấn luyện đã vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường Tây Nam bộ, chiến đấu ở đơn vị K4 Long An (Tiểu đoàn 4 tỉnh Long An).
Vùng Đồng Tháp Mười (phần thuộc tỉnh Long An, nơi có dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua) có vai trò là điểm kết nối 2 chiến trường Đông và Tây Nam bộ, vì vậy mà là nơi thường xuyên đụng độ dữ dội giữa quân giải phóng và quân đội Mỹ – Sài Gòn.
Trong suốt 5 năm trụ lại chiến trường này, ông Viên đã trải qua nhiều trận đánh sinh tử, nhưng đã may mắn vẹn nguyên đến ngày miền Nam giải phóng. Trong khi rất nhiều đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường Long An.
Trong số đó có người đồng đội thân thiết như anh em ruột thịt tên Nguyễn Văn Đãi, cùng ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4. Một lần, giữa 2 trận đánh lớn, trong lúc yên tiếng súng, bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, hai người đồng đội thân thiết kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Cao Ngọc Viên lấy từ ba lô tấm ảnh chụp chung với mẹ và cháu gái ra khoe với người đồng đội Nguyễn Văn Đãi.
Video đang HOT
Thấy Đãi thích tấm hình, mà cũng không biết sau những trận đánh ai còn ai mất, anh Viên đã tặng tấm ảnh cho anh Đãi làm kỷ niệm. Dùng ba lô làm bàn, anh Viên rút chiếc bút máy Hồng Hà viết dòng chữ lưu niệm phía sau tấm, kèm theo địa chỉ của mình, với hi vọng sau ngày chiến thắng Đãi sẽ tìm về thăm quê anh. Tấm ảnh được anh Đãi xem như kỷ vật, luôn để trong túi ni lon ép kín, cất kỹ trong ba lô.
Tháng 5.1972, Tiểu đoàn 4 hành quân từ phía nam lên phía bắc tỉnh Long An, đêm hành quân, ngày dừng chân trong rừng tràm. Cuối mùa khô, đầu mùa mưa, rừng tràm Bà Vụ nơi đơn vị dừng chân còn lưa thưa lá. Máy bay trinh sát phát hiện, đối phương đưa sư đoàn 25 được yểm trợ bởi máy bay, xe tăng, xe bọc thép tấn công vào khu vực phòng ngự của Đại đội 2.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Đãi và một đồng đội khác (trong tổ xung kích, chung công sự) đã dũng cảm ngăn chặn cuộc tiến công của đối phương, hứng chịu hoả lực rất mạnh của xe tăng địch. Cách đó không xa, chiến sĩ Cao Ngọc Viên cũng chiến đấu trong một công sự khác. Và anh đã tận mắt chứng kiến xe tăng địch tràn lên trận địa, nghiền nát công sự của Nguyễn Văn Đãi…
Sau trận đánh, Cao Ngọc Viên được chuyển về đơn vị mới và luôn canh cánh nỗi đau về sự hy sinh của người đồng đội thân thiết. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Viên có tìm về rừng tràm Bà Vụ, nhưng cảnh vật đã thay đổi nhiều, dấu vết trận đánh năm xưa không còn, không thể tìm ra nơi người bạn Nguyễn Văn Đãi và đồng đội bị xe tăng càn chết.
Cuối năm 1998, ông Viên nhận được lá thư từ quê nhà Hưng Yên gửi vào, trong đó có kèm lá thư của ông Nguyễn Văn Nổi từ Bến Lức – Long An báo tin đã tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi. Ông Viên đi ngay xuống Bến Lức gặp ông Nổi, rồi ra nghĩa trang huyện đứng bất động hàng giờ trước ngôi mộ số 02, lô 01, khu 01, ghi tên Liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi, quê quán Miền Bắc, hy sinh năm 1972.
Trở về nhà, ông Viên viết thư gửi về xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (quê của Nguyễn Văn Đãi) báo tin là đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức, kèm theo số điện thoại của ông.
Sau đó ít lâu, vào một đêm đã khuya, khi cả nhà đã an giấc, chuông điện thoại nhà ông Viên reo vang. Đầu dây bên kia là giọng nói quen quen: “Viên ơi, Đãi đây!”. Ông Viên nghe lạnh cả người, nhưng vẫn kịp trấn tỉnh hỏi: Anh chết rồi, sao còn gọi điện thoại? Anh có chết đâu? Anh không chết thì ai chết?… Ở hai miền đất nước, họ cùng hét vào chiếc điện thoại trong niềm vui vỡ oà…
Vẫn còn… liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi
Đêm đó, hai người đồng đội thân thiết cùng “ôm” máy điện thoại đến gần sáng. Nguyễn Văn Đãi kể với bạn: Lúc trận đánh diễn ra, ông và một đồng đội cùng công sự đã chiến đấu dũng cảm, đẩy lùi mấy đợt tiến công của sư đoàn 5 đối phương. Quân địch lùi ra dùng bom, pháo bắn dữ dội vào trận địa, sau đó cho xe tăng càn lên.
Chiến sỹ Nguyễn Văn Đãi bị đạn từ xe tăng bắn trọng thương, xuyên thủng mắt trái, được đồng đội đưa ra tuyến sau, một chiến sĩ khác thay thế vị trí chiến đấu của anh. Để rồi sau đó xe tăng của đối phương tràn lên trận địa, nghiền nát công sự chiến đấu của Nguyễn Văn Đãi như Cao Ngọc Viên đã chứng kiến. Hai đồng đội của họ đã anh cũng bị hy sinh, chiếc ba lô của Nguyễn Văn Đãi nằm lại nơi công sự cùng với xác 2 liệt sĩ bị xe tăng vùi lấp.
Sau trận đánh, Nguyễn Văn Đãi được đưa về Bệnh viện Tiền phương để điều trị thương tật. Vết thương nặng đã làm anh bị mù mắt trái cùng những di chứng nặng nề. Đầu năm 1974, thiếu úy thương binh Nguyễn Văn Đãi được vinh dự đi dự Đại hội Thi đua của Trung ương cục miền Nam. Sau đó anh được đưa ra miền Bắc tiếp tục điều trị thương tật. Anh bị mất 81% sức khỏe, thương binh hạng , hiện vẫn còn nhiều mảnh đạn trong não, phổi…
Thiếu uý – thương binh Nguyễn Văn Đãi đang sống tại Ninh Bình
Nguyễn Văn Đãi có vợ và 3 con, sống chật vật với tiền phụ cấp thương binh. Ông có một ước muốn: Được một lần vào thăm lại chiến trường xưa, nhìn ngôi mộ của đồng đội vẫn còn mang tên ông. Ông cũng mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Long An sớm tìm ra tông tích người nằm dưới mộ để trả lại tên cho người liệt sĩ.
Theo Lao Động
Huyền thoại Nick Út và những nỗi niềm đau đáu với quê hương
Trong cuộc trò chuyện tại văn phòng của hãng Mỹ AP ở Los Angeles, người phóng viên ảnh kỳ cựu Nick Út đã trải lòng về khoảng thời gian 49 năm làm việc cho AP, về những lần trở lại Việt Nam, về nỗi niềm đau đáu với quê hương.
Nick Út tại văn phòng của hãng tin Mỹ AP ở thành phố Los Angeles.
Nick trở thành phóng viên ảnh của hãng tin AP khi mới 16 tuổi sau khi người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, cũng là một phóng viên ảnh của AP, thiệt mạng ở chiến trường miền nam Việt Nam năm 27 tuổi. Nick đã đi khắp chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm.
Năm 21 tuổi, Nick giành giải Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá của Mỹ, với bức ảnh "Nalpam girl" (Em bé nalpam) chụp những đứa trẻ bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng,Tây Ninh năm 1972. Nick cho hay vào thời điểm ông đón nhận thông tin đoạt giải Pulitzer năm 1973, ông vẫn không biết giải thưởng đó là gì, có ý nghĩa ra sao.
Từng lăn lộn tác nghiệp tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Nick đã bị thương 3 lần nhưng may mắn không nghiêm trọng. Giờ đây Nick cho biết đôi khi ông hứng chịu vẫn những cơn đau vì những vết thương năm nào khi trái gió trở trời.
Dù 40 năm đã qua đi nhưng ký ức về chiến tranh trong Nick vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông. Trong 49 năm làm việc cho hãng tin AP, Nick đã tham gia hàng trăm cuộc triển lãm khắp thế giới, trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn, nhưng ông vẫn không khỏi xúc động mỗi lần nói về các bức ảnh năm xưa.
Xót xa với di chứng của chiến tranh
Nick kể rằng ông từng chụp được ảnh máy bay Mỹ rải chất độc da cam xuống rừng ở miền nam Việt Nam. Nhưng khi đó, ông không hay biết đó là chất độc da cam, và các binh sĩ Mỹ cũng vậy.
"Có lần tôi đứng dưới chụp hình máy bay đang rải chất độc da cam nhưng may mắn không bị ảnh hưởng gì về sau, có thể là do đứng ngược hướng gió. Nhìn xa tôi cứ nghĩ máy bay bị hư gì đó khiến nước chảy ra. Thời điểm đó không ai biết đó là chất độc da cam. Các binh sĩ Mỹ cũng không hay biết về chiến dịch đó", Nick nhớ lại.
Nick giờ đây vẫn đau đáu với những hậu quả còn lại của chiến tranh, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam và bon mìn còn sót lại. Người phóng viên ảnh kỳ cựu cho biết, trong những lần trở về quê hương, ông đã thực hiện nhiều phóng sự ảnh về các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trên khắp Việt Nam, từ Bắc vào Nam.
"Trong một lần trở lại Việt Nam, tôi đã tới thăm các nạn nhân chất độc da cam tại khu vực Hà Tây cũ. Tôi đã gặp các cựu chiến binh từng đóng quân ở vùng Trường Sơn và hạ Lào. Tôi cũng trò chuyện với các chị từng là thanh niên xung phong. Họ giống như những cô gái mở đường, từng sống ở khu vực hạ Lào, khi đó mới mười mấy tuổi và ngày đêm ngủ trong rừng. Sau khi chiến tranh kết thúc, họ trở về lập gia đình thì con cái đều bị bệnh. Thật đau xót", ông kể.
Nick nói ông giờ đây chỉ mong chính phủ Mỹ thừa nhận trách nhiệm về chất độc da cam và hỗ trợ nhiều hơn cho các nạn nhân vì vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ em bị di chứng trên khắp Việt Nam, dù 40 năm đã qua đi.
"Tôi đã đi thăm các trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, từ Bắc vào Nam. Nạn nhân da cam còn nhiều lắm, tất cả các bệnh viện tôi đều gặp những trường hợp bị ảnh hưởng", Nick nói.
Quan hệ Việt-Mỹ đã tốt lên rất nhiều
Nick Út vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nghề dù đã làm việc cho AP gần 50 năm.
Định cư tại Mỹ từ năm 1977, Nick đã cho hay người Mỹ giờ đây hầu như không nhắc gì tới chiến tranh nữa, mà họ muốn quan hệ Việt-Mỹ gần gũi hơn về kinh tế. Nhiều người Mỹ đã tới Việt Nam trợ giúp nạn nhân da cam và loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
"Quan hệ Việt-Mỹ đã tốt lên rất nhiều. Giờ đây bạn vào bất kỳ của hàng quần áo lớn nào tại Mỹ cũng thấy đồ Made in Việt Nam. Trước đây, hầu hết là quần áo Made in Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan... Đối với tôi, là người Việt Nam, tôi rất mừng vì điều đó", Nick tâm sự.
Nick nói năm nào cũng trở lại Việt Nam vì "yêu quê hương lắm". Chỉ trong năm nay, ông đã trở về 2 lần để tham dự dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam và triển lãm ảnh chiến tranh của hãng AP. Ông khoe có nhiều bạn bè thân thiết trên khắp cả nước. Ông còn người thân đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng rất thích Hà Nội. Mỗi về thăm quê hương ông đều đến Hà Nội vì bạn bè ở đây rất nhiều.
"Mỗi lần trở về lại thấy quê hương thay đổi nhiều. Năm 1989, tôi đến thăm Hồ Tây thấy chưa phát triển gì cả, nhưng năm nay tôi đến Hồ Tây vào buổi tối thấy rất đẹp, đường xá, nhà cửa thay đổi nhiều. Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy, tôi từng sống tại đó, đường nào cũng biết mà giờ đi lạc, không biết đâu mà lần", ông kể.
Là một phóng viên ảnh kỳ cựu, niềm đam mê chụp ảnh như đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Nick thường chụp các bức ảnh đẹp về quê hương, về Hạ Long, Sa Pa, Nha Trang... và đăng tải trên trang cá nhân. Bạn bè ông khắp năm châu Âu, đặc biệt là bạn bè tại Mỹ, xem các bức ảnh đó và hiểu thêm về con người và đất nước Việt Nam.
"Họ nói "Nick Út ơi, tôi muốn đến thăm Việt Nam". Vì vậy, tôi rất muốn chụp nhiều bức hình về con người và phong cảnh đất nước Việt Nam để ngày càng nhiều người biết đến quê hương mình", ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho thế hệ trẻ
Sau chiến tranh Việt Nam, Nick làm việc cho hãng tin AP tại văn phòng ở Nhật Bản trước khi chuyển tới định cư ở Los Angeles năm 1977.
Trong gần 40 năm sinh sống tại Mỹ, Nick đã đi khắp nơi trong vùng Los Angeles cùng chiếc máy ảnh để ghi hình cho AP. Ông đã ghi lại vô số những khoảnh khắc của cuộc sống sôi động tại Los Angeles. Giờ đây, sau 49 năm làm việc cho AP và dù tuổi đời không còn trẻ, Nick hàng ngày vẫn xách máy ảnh lên và đi.
"Gần đây tôi đi ít hơn rồi đấy. Những năm trước tôi đi nhiều, có khi nửa đêm có công việc hãng gọi cũng phải dậy và lên đường tác nghiệp", Nick kể về nỗi vất vả của nghề.
Nick dự định nghỉ hưu vào năm tới sau tròn nửa thế kỷ làm việc choAP. Ông nói sau khi về hưu sẽ có điều kiện ở lại quê hương dài hơn mỗi lần về thăm, có thể là 6 tháng một năm. Khi đó, ông muốn dành một phần thời gian để chia sẻ về những kinh nghiệm thu thập được sau 50 năm công tác tại một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới với thế hệ phóng viên trẻ tại quê nhà.
"Phóng viên Việt Nam có nhiều điều cần học từ báo chí nước ngoài. Năm 16 tuổi, tôi học thẳng vào AP và tôi hiểu được rất nhiều điều. Nhưng khi sang Mỹ, tôi vẫn bị bỡ ngỡ. Công việc mới lúc đó khá khó khăn với tôi, vì tôi là phóng viên chiến trường, chỉ chụp ảnh chiến tranh... Sau gần 50 năm, tôi đã lĩnh hội được nhiều thứ và muốn chia sẻ với các bạn trẻ yêu nghề báo", Nick tâm sự về mong muốn làm điều gì đó có ích cho quê hương.
An Bình
Theo Dantri
Chiến tranh Việt Nam qua góc nhìn của truyền thông Mỹ Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, hãng thông tấn AP mở triển lãm ảnh "Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến" tại Hà Nội, trưng bày những bức ảnh vô giá về chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của truyền thông Mỹ. Quang cảnh tại lối vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 31/1/1968 - ngày thứ hai của cuộc...