Nữ y tá chăm sóc bệnh nhân COVID-19 suốt đêm để vong linh cha yên lòng
Suốt 3 đêm liền, các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 đã thay nhau chăm sóc, đo nhiệt độ, truyền nước hạ sốt cho ba mẹ tôi.
Cái nắm tay thân thương của y bác sĩ dành cho bệnh nhân COVID-19
Mùa hè năm 2021, thời điểm cả nước phải đối mặt với bao khó khăn, mất mát do dịch COVID-19 cũng là lúc đội ngũ y – bác sĩ căng mình ở tuyến đầu chống dịch. Mặc dù có những công việc đơn giản được đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ, như kê khai y tế, truy vết, lấy mẫu…, đội ngũ y bác sĩ mới là người bước vào bên trong phòng tuyến cuối cùng, nơi các bệnh nhân đang điều trị COVID-19.
Tôi nhớ như in cảnh cả gia đình mình đã hoảng loạn và bất an ra sao khi cùng nhập viện. Trong những thời khắc khó khăn, mỏi mệt vì dịch bệnh ấy, sự tận tình và chu đáo của các bác sĩ điều trị đã khiến chúng tôi thật sự ấm lòng.
Do tuổi tác đã cao, ba mẹ tôi đã lên cơn sốt suốt ba đêm liền tại bệnh viện dã chiến. Hai anh em tôi mỏi mệt, đau cơ nên không thể chăm sóc nổi ba mẹ.
Thế nên, suốt ba đêm liền, các bác sĩ tại bệnh viện đã thay nhau chăm sóc, đo nhiệt độ, truyền nước hạ sốt cho ba mẹ tôi.
Phút nghỉ ngơi của đội ngũ tuyến đầu những ngày dịch dã
Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh chị y tá thức suốt đêm chăm lo cho từng người bệnh trong căn phòng cách li hôm ấy, dù đã vào ca trục từ sáng hôm trước.
Khi thấy tôi ngỏ ý muốn giúp, chị khẽ khàng bảo: “Em còn mệt, nên cứ nghỉ ngơi đi. Chị chưa nhiễm bệnh nên vẫn còn sức đề kháng nhiều hơn mọi người. Khi nào chị mệt, chị sẽ nhờ em. Giiờ đây chúng ta không nên phân biệt bệnh nhân và bác sĩ, hãy coi nhau như một gia đình lớn”.
Câu trả lời nhỏ nhẹ nhưng khiến tôi rưng rưng xúc động. Càng xúc động hơn khi về sau có dịp thăm hỏi nhau trên Facebook, tôi được biết rằng ba chị vừa qua đời cách đó chỉ vài ngày, cũng vì COVID-19.
Chị nói với tôi: “Chị xem đây như một cách để ba mình thêm an tâm, tiếp tục tinh thần sống lạc quan, lan tỏa nhiều năng lượng tích cực của ba khi còn sống”.
Hóa ra có rất nhiều cách để chúng ta xoa dịu đi nỗi buồn, sự mất mát trong cuộc sống. Một trong những cách đơn giản nhất chính là sống bao dung hơn, kế thừa tinh thần lạc quan và lương thiện của những người đã ra đi, để hình ảnh họ mãi tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta.
Giường ngủ của y bác sĩ trong bệnh viện dã chiến
Ngành y là một trong những công việc vất vả, đòi hỏi nhiều sự hi sinh và tận tụy. Nhưng giữa thời điểm dịch bệnh, đội ngũ y bác sĩ lại càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn gấp bội.
Video đang HOT
Từ việc phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ suốt nhiều giờ trong mùa nắng nóng, mồ hôi vã ra như tắm, đến những khó khăn tưởng chừng rất nhỏ khi tấm chắn giọt bắn mờ mịt hơi nước do độ kín của khẩu trang.
Từ việc phải bình thản chấp nhận đau đớn do thường xuyên lấy dịch hầu họng để xét nghiệm đến nỗi ám ảnh khi từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút đứng bên giường bệnh đối diện với lằn ranh sinh tử của bệnh nhân và bản thân có thể trở thành F0…
Trong cuộc đối đầu với COVID-19, ngoài những kiến thức y khoa, lòng nhiệt thành và sự tận tụy vì người bệnh chính là nguồn năng lượng lớn của đội ngũ y – bác sĩ.
Những ngày ở bệnh viện dã chiến, tôi đã nhiều lần chứng kiến sự vất vả, gian nan của họ trong công tác chống dịch bệnh. Thật khó mà đếm được bao nhiêu bữa ăn quá giờ và không trọn vẹn, bao nhiêu ca trực cấp cứu đầy ắp áp lực, căng thẳng đến kiệt sức, nhưng nghe tiếng chuông báo động bệnh nhân trở nặng, cần được hỗ trợ, họ lao đi ngay, quên cả bản thân đang rất mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.
Niềm vui của họ chỉ đơn giản là được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh và bình an rời khỏi bệnh viện.
Xin được cám ơn và tri ân sâu sắc với những chiến sĩ áo trắng đã không quản ngại gian khó, tiếp biết bao niềm tin và sức mạnh cho người bệnh trong thời điểm căng thẳng của dịch bệnh COVID-19.
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng… rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
'Chị ơi, về bình an nhé', còn tôi cúi đầu cảm tạ y bác sĩ
Ngày ra viện, tôi cúi đầu chắp tay chào, nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các vị thiên thần áo trắng.
Tôi đi từng bước từng bước thật chậm để có thể nhìn ngắm lại cái nơi đã có rất nhiều kỳ tích về sự sống, về tình người.
Chị Lê Phước Hồng Văn gặp lại bác sĩ Đỗ Doãn Bách tại lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021 diễn ra ở thủ đô Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tối 26-3 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021.
Tại lễ vinh danh, sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt khiến khán phòng lặng đi vì xúc động.
Chị Lê Phước Hồng Văn (TP.HCM) từng là bệnh nhân COVID-19, được bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách - gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu - cứu sống. Thế nhưng chị chưa có dịp nhìn thấy bác sĩ Bách, vì các bác sĩ đều mặc đồ bảo hộ kín mít.
Ngày 26-3, giữa sân khấu, bác sĩ Bách mặc lại quần áo bảo hộ hòa vào "dàn bác sĩ", nhưng chị Văn đã tìm thấy anh nhờ ánh mắt thân quen.
Chị kể lại những ngày nằm viện với Tuổi Trẻ Online.
Năm 2021, tôi, một bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất nặng ngay thời điểm đỉnh dịch ở TP.HCM vào tháng 7, tháng 8, đã may mắn sống sót khi được các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên từ cả Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện dã chiến số 16 cứu chữa, trực tiếp chăm sóc tận tình, chu đáo.
Tôi được chuyển từ Bệnh viện Hùng Vương sang Bệnh viện dã chiến số 16 do các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phụ trách trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy và được tiên lượng không qua khỏi. Trong không gian ngột ngạt, bức bách, từng chiếc băng ca liên tục được đẩy ra, đẩy vào, tôi hoảng loạn đến tuyệt vọng.
Các bác sĩ phải giành giật từng hơi thở, từng sự sống của bệnh nhân. Căn buồng không lúc nào vơi người bệnh. Ai cũng chằng chịt dây nhợ, kết nối với các loại máy móc cùng âm thanh "tít, tít" vang lên.
Những y bác sĩ, điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ vội vã tới lui, từ máy bộ đàm là tiếng gọi "Alô, cấp cứu bệnh nhân giường..., alô, alô...".
Rồi có cả âm thanh khô khốc của những chiếc phéc mơ tuya được kéo lên khi những số phận không may bị cho vào túi. Đâu đó, tôi nghe văng vẳng tiếng kinh cầu nguyện.
Giữa bệnh nhân và các bác sĩ, điều dưỡng luôn bị hạn chế trong giao tiếp do trang phục bảo hộ và tình trạng sức khỏe của chúng tôi. Chúng tôi được viết giấy, hoặc ra dấu để trao đổi với bác sĩ.
Có cây viết, tôi liên tục viết những mẩu tin nhắn đòi gặp gia đình, đòi về.
Tôi dùng viết để gõ vào thành giường, gây sự chú ý của mọi người. Tôi sợ mọi người hứa cho tôi về, rồi quên mất tôi, chứ nào biết họ còn đang ngày đêm giành giật sự sống của nhiều bệnh nhân khác. Tôi sợ tôi ngủ, rồi không thể dậy nữa...
Một ngày, bác sĩ Đỗ Doãn Bách, một trong những y bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM chống dịch, đồng thời cũng là người điều trị cho tôi, nhắn nhủ: "Chị hãy đặt niềm tin vào chị, hãy đặt niềm tin vào chúng tôi, và hãy cho chúng tôi niềm tin từ chị.
Chúng tôi tin chị sẽ làm được, và vì vậy chị hãy cho chúng tôi tin điều đó. Chúng ta hãy cùng tin tưởng nhau, và cùng cố gắng chiến đấu để giành chiến thắng".
Anh đã cùng mọi người luân phiên động viên tinh thần tôi, giúp tôi kết nối, liên lạc với gia đình.
Cứ thế, mỗi ngày, những lời động viên, từng viên thuốc, bữa ăn được các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên chăm sóc đã trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua.
Từng bước, tôi cai máy thở, cai oxy, bước xuống giường, tự làm mọi việc cá nhân và cuối cùng ra khỏi bệnh viện trong niềm vui không thể diễn tả của bản thân tôi và cả của những người đã điều trị cho tôi.
Ngày tôi về, những y bác sĩ vui mừng: "Chị ơi, về bình an nhé chị. Chúc chị luôn nhiều sức khỏe. Chúng tôi chúc mừng chị. Chúng tôi cảm ơn chị".
Tôi trân trọng từng giây phút ấy. Không bao giờ tôi quên. Tôi đã cố gắng không khóc, lặng lẽ giấu đi giọt nước mắt cho riêng mình. Giọt nước mắt hạnh phúc...
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo nhà nước, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bạch Mai (Bệnh viện dã chiến số 16), các bác sĩ Phương, bác sĩ Bách, bác sĩ Lộc, bác sĩ Vũ, điều dưỡng Đức, điều dưỡng Việt Anh, tình nguyện viên Vân, Phượng, Linh, Sơn, Ngân, hộ lý Tuyết... và tất cả những y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên mà tôi không biết hết tên... vì đã không quản khó khăn cứu chữa, giúp bệnh nhân COVID-19 chúng tôi được trở về với sự sống.
Xin cảm ơn gia đình của các y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên... vì đã là hậu phương vững chắc để những thiên thần áo trắng có thể yên tâm công tác.
Xin tri ân tất cả.
Hình ảnh các y bác sĩ trong bộ đồ cứu hộ được chị Hồng Văn ghi lại từ giường bệnh của mình - Ảnh: NVCC
Một tình nguyện viên hỗ trợ cắt tóc cho chị Văn - Ảnh: NVCC
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách là một trong các bác sĩ thuộc Bệnh viện Bạch Mai được điều động vào TP.HCM tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 16 - Ảnh: NVCC
Chị Lê Phước Hồng Văn trong thời gian điều trị COVID-19 năm 2021 - Ảnh: NVCC
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y... từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Ngày 15/5: Tin vui chống dịch, ca COVID-19 mới giảm, số khỏi bệnh nhiều gấp 3 số mắc, không có F0 tử vong Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 15/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.594 ca mắc mới COVID-19 tại 47 tỉnh, thành, giảm so với hôm qua; số khỏi bệnh nhiều gấp 3 lần số mắc mới; đây là lần thứ 4 trong thời gian gần đây không có bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày. Thông tin các ca mắc...