Nữ VĐV chiến thắng bệnh tim, chinh phục đường chạy 42km
Ý chí sắt đá cùng với quyết tâm không ngừng nghỉ đã giúp cô gái Phạm Thị Bình chiến thắng căn bệnh tim hiểm nghèo, chinh phục đường chạy 10.000m rồi sau này là marathon.
Trong môn điền kinh, nội dung marathon với chiều dài 42,195km được xem là khắc nghiệt nhất, thử thách tài năng, bản lĩnh cũng như sức chịu đựng tột cùng của các VĐV. Không phải ai cũng “dám” dấn thân ở nội dung siêu khó này. Nhưng cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Bình đã thành công với trái tim bị dị tật bẩm sinh, từng có lúc cướp đi sự nghiệp của cô.
Con nhà nông bén duyên với đường chạy
Phạm Thị Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Là con thứ 5 trong một gia đình có đến 7 anh chị em, ngay từ nhỏ Bình đã phải sớm lăn lộn vào cuộc sống mưu sinh. Mảnh đất có điều kiện khắc nghiệt này đã hun đúc cho Bình một quyết tâm, ý chí sắt đá giúp cô vững bước trên đường chạy về sau.
Nhờ cơ địa tốt, có sức bền, Phạm Thị Bình được chọn vào đội điền kinh huyện Bình Sơn tham dự Hội khỏe phù đổng tỉnh năm 2003 khi mới 14 tuổi. Tại giải đấu này, Bình chỉ đoạt HCĐ nhưng ông Nguyễn Văn Vinh (huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh) đã chú ý đến chị.
Phạm Thị Bình đã đoạt gần 30 huy chương các loại kể từ khi thi đấu đến nay.
Chỉ sau gần 6 tháng huấn luyện tại Trung tâm, Bình được đưa đi thi đấu tại Giải điền kinh trẻ toàn quốc năm 2004 và bất ngờ đạt huy chương vàng ở cự ly 10 km.
Đó là bước ngoặt để đưa Bình đến với đường chạy trên đôi chân trần, giúp cô đổi đời đồng thời cũng giúp điền kinh Việt Nam có được một VĐV đầy tài năng. Phạm Thị Bình không phải VĐV tự hài lòng với chính mình, luôn muốn khám phá giới hạn của bản thân, hướng đến những mục tiêu mới.
Năm 2006, khi đã quá quen với đường chạy 10.000m, Bình muốn được thử sức ở nội dung “khó nuốt” nhất của điền kinh – marathon (42,195km). Cô tâm sự: “Năm 2006 khi tập tại Đà Nẵng nhìn thấy những anh chị chạy nội dung này em phục lắm. Em nghĩ không biết mình có đi bộ được chặng đường bấy nhiêu không chứ đừng nói là chạy. Nhưng em vẫn muốn thử sức”.
Được HLV Nguyễn Tuấn Anh của Trung tâm 3 động viên và hướng dẫn, Phạm Thị Bình đã lao vào tập luyện vài tháng và sau đó đoạt ngay HCĐ tại giải điền kinh toàn quốc cùng năm. Kể từ đó, Bình liên tục thi đấu ở 2 nội dung, nhưng thành công vang dội ở nội dung marathon với hàng loạt chiến tích đáng nể như: Huy chương vàng Giải bán maraton quốc tế Việt- Nhật năm 2009, huy chương đồng Giải maraton vô địch thế giới ở nội dung chạy tiếp sức, phá KLQG ở nội dung marathon giải VĐQG 2012…
Trở lại mạnh mẽ sau ca mổ tim
Tháng 9/2010, một biến cố lớn tưởng chừng đã cướp đi sự nghiệp của Phạm Thị Bình. Trong một lần đi khám sức khỏe để làm thủ tục nhập học tại ĐH TDTT Đà Nẵng, Bình bị phát hiện gặp vấn đề ở tim. Sau khi được khám kỹ càng tại bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng, Bình được chẩn đoán bị hở lỗ thông liên nhĩ, cần phải tiểu phẫu nếu không sẽ không thể thi đấu, đồng thời nguy hiểm đến tính mạng.
Không phải ai cũng đủ quyết tâm, ý chí để trở lại thi đấu thành công như Bình.
Bầu trời như đóng sập trước mắt Phạm Thị Bình bởi số tiền 45 triệu đồng chi phí cho ca phẫu thuật này vượt quá xa khả năng của chị. May thay trong lúc khám bệnh có một bác sĩ của bệnh viện Hoàn Mỹ quen với tổ chức hỗ trợ bệnh tim của nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi. Cảm phục ý chí, tài năng của Phạm Thị Bình, tổ chức này đã đài thọ toàn bộ kinh phí phẫu thuật giúp cô có một trái tim lành lặn. Bệnh tật không đánh gục được Bình mà trái lại còn giúp cô trở lại đường chạy mạnh mẽ hơn, thành công hơn. Chỉ 3 tuần sau ca phẫu thuật tim, Bình đã trở lại đường chạy để rồi đoạt ngay 2 HCB ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng.
Đó là một chiến tích phi thường. Nhưng năm 2011 mới là đỉnh điểm thành công trong sự nghiệp của Phạm Thị Bình. Tháng 7 năm đó cô làm được điều mà chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào làm được: đoạt huy chương châu lục. Tại giải điền kinh vô địch châu Á diễn ra ở Phuket, Thái Lan, Bình đã xuất sắc đoạt HCĐ ở nội dung marathon.
Đến SEA Games cùng năm tại Indonesia, Phạm Thị Bình xuất sắc đoạt cú đúp HCB nhưng được xem quý như vàng ở nội dung 10.000m và marathon. Cũng tại kỳ SEA Games năm đó, cô vinh dự được kết nạp Đảng.
Hiện tại, Bình đang thuộc biên chế của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi. Tuy chỉ hưởng lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, cũng như chế độ thưởng không bằng các địa phương khác nhưng Bình vẫn cảm khái tình cảm của ngành thể thao nơi đây khi mọi người luôn bên cạnh mình trong những lúc gian khó nhất.
Với Bình được tiếp tục gắn bó với đường chạy đã là một niềm hạnh phúc lớn. Trong cô vẫn còn những dự định lớn cho tương lai sau khi đã giúp bố mẹ sửa sang lại nhà cửa, mở một quán ăn nhỏ cũng như nuôi em trai đang học đại học.
Theo VNE
Những HLV làm bẽ bàng nền thể thao VN
Vẫn biết chuyện HLV Nguyễn Tuấn Anh quấy rối tuyển thủ Trương Thanh Hằng chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh"; song từ đó dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế ngay càng đáng báo động: thể thao đang có quá nhiều những "con sâu"... thầy.
Cách nay 15 năm, việc HLV trưởng ĐT taekwondo Nguyễn Hữu Vạn chủ mưu vụ giết người, sau đó chịu án tử hình đã là cú sốc động trời với thể thao Việt Nam. Thậm chí, khi vụ trọng án xảy ra cả ngành không thể tin đó là sự thật. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, những hiện tượng vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của các HLV không hề hiếm.
Điển hình như năm 2007, ngay giữa Thủ đô đã có tới 2 trường hợp gây xôn xao dư luận. Một cựu tuyển thủ quốc gia karatedo đang là HLV cấp quận đi cướp giật, kinh hãi hơn là một HLV đấu kiếm thuộc diện đầy triển vọng còn dùng dao đâm chết người yêu cũ vì mâu thuẫn. Cũng trong năm nay, 2 ông HLV bóng đá rơi vào vòng lao lý vì liên quan đến móc ngoặc, dàn xếp tỷ số trận đấu.
Các nữ VĐV là nạn nhân chính của hành vi quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)
Đến tháng 6/2007, có một phiên tòa đặc biệt xét xử "thầy" Phan Thanh Định (môn vật) tội hành hạ dã man học trò, nhận bản án 15 tháng tù treo, đền bù 9 triệu. Ngoài ra, nội dung mà không chỉ một học trò tố ông thầy này cưỡng bức tình dục chưa được làm rõ, dù những nạn nhân khẳng định sẵn sàng đi tới cùng.
Đầu năm 2009, HLV ĐT trẻ silat Nguyễn Trần Tấn Lực bị loại khỏi hàng ngũ, đình chỉ công việc vì hành vi mượn rượu sàm sỡ học trò nữ, rồi còn tìm mọi cách chạy tội. Và vừa mới đây chính là ông thầy Nguyễn Tuấn Anh với scandal quấy rối nhiều lần tuyển thủ điền kinh Trương Thanh Hằng.
Bên cạnh đó, còn có một vấn nạn khác của HLV đã và đang như tảng băng chìm tàn phá sự lành mạnh của TTVN: "ăn chặn" tiền thưởng, tiền công tập luyện thi đấu của VĐV. Dù rất nhiều vụ đã được "giải quyết nội bộ" song chỉ qua mấy vụ việc được phanh phui, như ban huấn luyện đội tuyển bóng ném nam QG tiêu cực 49 triệu đồng tiền thưởng của VĐV cho thành tích HCB Sea Games 24, giải vô địch Đông Nam Á 2007, hay sự nhập nhèm tài chính của ông trưởng bộ môn Wushu năm 20011 cũng đã đủ thấy tính chất nghiêm trọng.
Một câu hỏi nhức nhối đặt ra là vì sao "sâu thầy" lại ngày càng tăng nhanh cả về số lượng lẫn hình thức. Tất nhiên ở đây còn một phần quan trọng liên quan đến ý thức, phẩm chất và sự rèn luyện của những cá nhân cụ thể.
Trương Thanh Hằng là nạn nhân mới nhất của "sâu thầy" trong ngành thể thao
Tuy nhiên, gốc rễ của nó lại gắn với những lỗ hổng to tưởng của ngành thể thao trong việc đào tạo, sử dụng, quản lý đội ngũ HLV. Trong đó, điểm yếu chung "chết người" của cả quy trình này là tình trạng chạy theo về số lượng và thành tích thuần túy, theo kiểu "đốt cháy giai đoạn" mà thiếu hẳn hành trang về lý luận, khoa học- công nghệ, văn hóa trong huấn luyện đào tạo; phong cách ứng xử, tâm lý sư phạm...
Chưa kể, việc quản lý thường xuyên yếu kém, nhất là thái độ thiếu quyết liệt, thậm chí nương nhẹ và bao che trước những vi phạm, sai lệch của một số HLV cũng tạo ra những nguy cơ khó lường.
Theo TTVH
Trương Thanh Hằng: "Tôi bị quấy rối tình dục nhiều lần" Trong tâm trạng hoảng loạn và rất bức xúc, nhưng Trương Thanh Hằng vẫn giữ được bình tĩnh trong cuộc trò chuyện với VietNamNet sau vụ việc mình bị HLV Nguyễn Tuấn Anh quấy rối tình dục. Tâm trạng của Thanh Hằng lúc này thế nào? Tôi cảm thấy rất buồn và cả bức xúc. Thanh Hằng có thể kể lại vụ việc...