Nữ tỷ phú vùng cao lái ô tô đi… bán cá giống
Chỉ cần nhắc tên bà Hoàng Thị Chắp, bà con trong xã Cốc San, huyện Bát Xát (Lào Cai) đều trầm trồ, ngưỡng mộ. Bà Chắp đã gây dựng nên trại nhân nuôi cung cấp cá giống cho nhiều chủ trang trại thủy sản lớn khắp miền Bắc.
Nắm bắt cơ hội, vượt qua nghèo khó
Bà Hoàng Thị Chắp là người dân tộc Giáy, năm nay đã ngấp nghé tuổi 50, nhưng về tính cách và sức khỏe vẫn rất “thanh niên”, tự lái ô tô bán tải đi bán cá giống khắp các tỉnh. Bà Chắp tâm sự: “Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm. Lúc lấy chồng, về nhà chồng lại đông anh em, tôi chỉ suốt ngày quanh quẩn với mấy thửa ruộng lúa, rau, khoai, cuộc sống rất khó khăn…”.
Bà Hoàng Thị Chắp giới thiệu lứa cá giống chuẩn bị xuất bán cho khách hàng. Ảnh: V.P
Bà Chắp là điển hình của người nông dân mới, nhất là ở vùng cao Bát Xát này. Gia đình bà Chắp nhiều lần được T.Ư và địa phương tuyên dương vì có thành tích lao động xuất sắc. Đây là vinh dự của không chỉ của gia đình bà Chắp mà còn là của tất cả bà con nông dân xã Cốc San”. Bà Nông Thị Minh – Chủ tịch
Hội Nông dân xã Cốc San
Đầu những năm 1990, vợ chồng bà Chắp khi ấy luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo bởi cái đói luôn đeo đuổi gia đình. Vừa hay lúc ấy trại cá giống tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) – tiền thân của Hợp tác xã Cốc San – bàn giao đất cho nông dân, bà bàn với gia đình nhận toàn bộ 2,3ha ao về để nuôi cá, trong đó có 1,2ha mặt nước ương nuôi cá giống các loại. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn, như cá bố mẹ bị bệnh, khó kiểm soát thời gian cá đẻ… Tất cả những khó khăn đó dẫn tới thu nhập từ ương, nuôi cá của gia đình bà Chắp không cao.
Không ngại khó, vợ chồng bà mạnh dạn liên hệ, tham vấn ý kiến của các kỹ sư tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NNPTNT) cũng như các kỹ sư thủy sản tại tỉnh nhà và các tỉnh lân cận. Chịu khó tìm tòi, tích lũy kiến thức, bồi đắp kinh nghiệm, mạnh dạn ương nuôi giống thủy sản mới nên trại cá giống của bà Chắp ngày càng sản xuất hiệu quả, bền vững.
Video đang HOT
“Theo đó, nhiều đại lý, chủ trang trại nuôi thủy sản biết tiếng dần dần tìm đến để mua cá giống. Do điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn nước tốt, kết hợp cả kỹ thuật ương nuôi nên thương lái chỉ cần nhìn cá thân dài, bóng đẹp thì biết ngay là cá của nhà tôi…”-bà Chắp hãnh diện khoe.
Thương hiệu “ cá chép bà Chắp”
Hiện nay trại cá của gia đình bà Chắp có 8 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. “Vì nghề làm cá giống cần phải túc trực 24/24 giờ từ khi cá nở với rất nhiều việc như kiểm tra nhiệt độ, mức nước, dinh dưỡng… Nhiều hôm tôi ngủ rất ít chỉ để lo chăm cá đẻ”-bà Chắp cười nói.
Mỗi năm, gia đình bà Chắp ương nuôi và bán ra thị trường 3-4 lứa cá giống, mỗi lứa 3 triệu con các loại, đạt doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng, lãi ròng hơn 1 tỷ đồng. Bà Chắp thổ lộ: “Tôi phải sang tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tìm giống cá chép lớn, đẹp mang về ương giống. Giống cá chép này mình dài, bóng vàng, trọng lượng đạt tới 2-3kg/con sau 8-9 tháng nuôi. Đây cũng chính là loại cá đem lại uy tín, thương hiệu cho trại cá chúng tôi”.
Để nhân giống được loại cá này, bà Chắp phải đi lại giữa Việt Nam – Trung Quốc không biết bao nhiêu lần để học hỏi. Và bằng một số biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá hơn 20 năm, bà đã nhân giống thành công loại cá này ở Việt Nam. Với giống cá chép này, bà Chắp có thể ép cho cá mẹ đẻ trứng, cá bố phối tinh theo ý mình. Khi nào có đơn hàng bà mới cho cá đẻ. Ở nơi khác, cá chỉ đẻ theo mùa, thời tiết, còn ở Cốc San, bà Chắp có thể cho cá đẻ quanh năm nên càng tạo ra hiệu quả cao trong việc nuôi giống cá này.
“Đợt mưa lũ quét vừa rồi ở Bát Xát, nhà tôi cũng bị thiệt hại nặng nề khi mất đi 70% sản lượng cá giống của lứa thứ 3 trong năm. Sau lũ quét, gia đình tôi lại gây dựng lại, chuẩn bị cho lứa cá tiếp theo” – bà Chắp chia sẻ.
Theo Danviet
Làm giàu ở vùng đất tứ bề gian khó
Giai Xuân là xã 'tứ bề gian khó' của huyện Tân Kỳ (Nghệ An), là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thổ. Mặc dù có địa hình phức tạp, với gần 90% diện tích đất đồi núi và khe suối nhưng bà con nơi đây vẫn vượt khó biến đất cằn thành những trang trạng ngút ngàn xanh tốt.
Những năm qua, bà con xã Giai Xuân đã dần xóa bỏ những lạc hậu trong làm ăn kinh tế để mạnh dạn phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 10 trang trại và hơn 40 gia trại. Thu nhập mang lại từ những trang trại này mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng đã giúp cho người dân vươn lên làm giàu.
Đã gần 10 năm khai hoang phục hóa tại vùng đồi Vạn Xuân, ông Nguyễn Văn Hữu (sinh năm 1961) đã biến vùng đất cằn này thành trang trại rộng lớn với đa dạng các loại cây trồng. Trong ảnh là diện tích trồng hơn 600 gốc thanh long ruột đỏ. Sau hơn 1 năm chăm sóc, mùa này thanh long đã có hơn 4 tạ quả bói.
Bên cạnh thanh long, trang trại của ông còn có hơn 500 gốc quýt PQ và quýt đường. Đây là loại quả được thị trường hết sức ưa chuộng. Hiện đã có hơn 200 gốc cho thu hoạch.
Đây là mùa thứ 2 cây cho quả, ước tính năm nay số lượng quả đạt được sẽ đạt từ 5 đến 6 tấn. Với mức giá trên 40 nghìn đồng mỗi kg, sau khi trừ chi phí sẽ mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Tận dụng lợi thế địa hình, ông Hữu còn canh tác hơn 7.000 m2 sắn dây. Ông được xem là người tiên phong trồng loại cây này. Thu nhập mang lại từ đây cũng không hề nhỏ với mức giá xấp xỉ 90 nghìn đồng/yến tươi. Theo ước tính của ông, năm nay với hơn 7000 m2 sẽ thu hoạch được khoảng 13 tấn.
Trong 2 năm trở lại đây, ông còn mạnh dạn chế biến bột khô để bán với mức giá 120 nghìn đồng/kg. Hiện tại mặt hàng sắn dây của gia đình ông đã được tiêu thụ rộng rãi tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nam Đàn và Tân Kỳ.
Bên cạnh những trang trại trồng trọt, ở Giai Xuân còn có nhiều trang trại chăn nuôi. Trong hình là trang trại chăn nuôi tổng hợp của chị Phạm Thị Huê ở xóm Vạn Long.
Trang trại nuôi gà của chị hiện có 2.000 con giống gà Phùng có nguồn gốc từ Nha Trang. Đây là giống gà có chất lượng thịt ngon và được nhiều khách hàng chọn lựa. Sau 4 tháng chăm sóc là có thể xuất chuồng với mức giá 75.000 đồng/kg. Năm 2015 gia đình chị đã xuất được hơn 4,5 tấn thịt ra thị trường.
Bên cạnh phát triển nuôi gà, trang trại của chị Phạm Thị Huê còn chăn nuôi 15 con trâu bò và 35 con dê. Ước tính mỗi năm thu nhập từ đàn gia súc là trên 100 triệu đồng. Theo số liệu tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm xã Giai Xuân đã đạt giá trị sản xuất hơn 104 tỷ đồng, tăng 15,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (theo mức giá 2010). Đạt được thành quả này là nhờ không nhỏ vào những trang trại và gia trại trên địa bàn. Từ đây, bà con đã cải thiện được thu nhập để nuôi ước mơ làm giàu.
Theo Thanh Quỳnh (Báo Nghệ An)
Trồng táo đại, dân Vò Rài thoát nghèo Với việc đưa giống táo đại về trồng ở quê hương, anh Tạ Văn Xứ, xóm Vò Rài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng) đã giúp nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo, dần vươn lên khấm khá. Hồng Việt là xã nghèo ven thành phố Cao Bằng. Tới tháng 8.2016 Hồng Việt đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng...