Nữ “tổng tài” bắn dây thun vào cổ tay: Bác sĩ choáng vì độ liều lĩnh
Video nữ “tổng tài” bắn dây thun vào cổ tay nhiều cô gái đang được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về loạt nguy cơ đằng sau thử thách này.
Mới đây, video lan truyền trên TikTok về một người phụ nữ, được cho là quản lý, kéo căng dây thun cao su rồi bắn mạnh vào cổ tay của nhiều người phụ nữ khác.
Trong video, người phụ nữ này mô tả, việc trải qua thử thách bị bắn dây thun vào tay sẽ giúp người tham gia có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc đời.
Thử thách bắn dây thun vào tay đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận (Ảnh: Cắt từ video).
Theo cô, thử thách trong cuộc đời “đau hơn gấp trăm lần” so với việc bị bắn dây thun.
Dưới góc nhìn y khoa, bác sĩ đánh giá thử thách tưởng đơn giản này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.
Nguy cơ tổn thương mạch máu
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cảnh báo, việc sử dụng dây thun cao su để bắn vào cổ tay có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng, đến các mạch máu và mô mềm.
“Tôi bị choáng khi xem video này. Cổ tay là khu vực nhạy cảm với rất nhiều dây thần kinh, gân và mạch máu nằm ngay dưới bề mặt da.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: M.N).
Đặc biệt, động mạch quay nằm rất nông ngay dưới da cổ tay, chỉ cần một lực tác động mạnh là có thể gây ra chấn thương. Khi dây thun cao su bị kéo căng và bắn với lực mạnh, tác động trực tiếp lên vùng cổ tay có thể dẫn đến các chấn thương”, BS Mạnh phân tích.
Theo chuyên gia này, người tham gia thử thách có thể đối mặt với các nguy cơ sức khỏe sau:
- Bầm tím và chảy máu dưới da: Lực va chạm mạnh từ dây thun cao su có thể gây bầm tím, chảy máu dưới da. Các mao mạch dễ bị vỡ khi chịu áp lực cao, dẫn đến xuất hiện các vết bầm tím hoặc mảng xuất huyết ngay lập tức.
BS Mạnh cho biết, trong trường hợp nhẹ, vùng cổ tay sẽ bị đỏ ửng lên, nhưng nếu lặp đi lặp lại, vùng tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tổn thương dây thần kinh và đau dây thần kinh kéo dài: Cổ tay là nơi tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng như: Dây thần kinh giữa (median nerve) và dây thần kinh trụ (ulnar nerve).
Nếu dây thun bắn trúng vị trí này, nó có thể gây đau tức thời hoặc thậm chí làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê, mất cảm giác hoặc yếu tay.
“Việc lặp lại hành động này có thể gây ra hội chứng đau mãn tính, khó điều trị”, BS Mạnh chỉ rõ.
- Gây viêm, sưng nề: Tác động mạnh từ dây thun có thể gây viêm, sưng nề và ứ đọng máu trong các mô quanh vùng bị bắn. Viêm và sưng có thể kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, hoạt động bình thường của tay, thậm chí làm giảm lưu thông máu, gây đau nhức kéo dài.
- Nguy cơ tắc mạch: BS Mạnh cảnh báo rằng, mặc dù tỷ lệ tắc mạch không cao, nhưng việc dây thun bắn liên tục vào cổ tay với lực mạnh có thể làm tổn thương động mạch quay, gây huyết khối và tắc mạch.
“Nếu tình trạng này xảy ra, nó có thể dẫn đến đau đớn dữ dội, giảm lưu thông máu và cần can thiệp y tế ngay lập tức. Trong video, có thể thấy rõ phần cổ tay của người tham gia đã đỏ ửng lên, điều này cho thấy nguy cơ bị tổn thương mạch máu và tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”, BS Mạnh nhấn mạnh.
Ảnh hưởng tâm lý, tạo hệ lụy xã hội
Ngoài những rủi ro về mặt thể chất, hành động bắn dây thun vào cổ tay người khác còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý.
BS Mạnh cảnh báo rằng, việc tham gia vào các thử thách đau đớn này không chỉ gây căng thẳng, lo lắng mà còn làm giảm khả năng nhận thức về nguy cơ có thể gây ra, khiến người tham gia dễ bị cuốn vào các hành động liều lĩnh khác.
“Đối với nhiều người, cảm giác đau đớn hoặc thậm chí là chấn thương nhẹ có thể gây sợ hãi, lo âu. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần và có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài, đặc biệt là với những người có tâm lý nhạy cảm”, BS Mạnh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, TikTok là nền tảng với phần lớn người dùng trẻ tuổi, hành động bắn dây thun có thể bị xem nhẹ, không ý thức được mức độ nguy hiểm. Tham gia thử thách theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị hoặc kiến thức y tế có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
“Việc tham gia và lan truyền các thử thách như bắn dây thun vào người khác có thể tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các hành vi bạo lực nhẹ trong cộng đồng. Điều này đi ngược lại với các giá trị về tôn trọng và bảo vệ sức khỏe bản thân lẫn người khác”, BS Mạnh nêu quan điểm.
Trước tình trạng các thử thách nguy hiểm lan truyền trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh khuyến cáo, mọi người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, không tham gia hoặc cổ súy cho những hành động gây hại.
Những thử thách như bắn dây thun không chỉ gây ra đau đớn tức thời mà còn để lại nhiều hậu quả dài lâu cho sức khỏe.
“Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào các trào lưu mạng xã hội, đặc biệt là những hành động có thể gây chấn thương cho bản thân và người khác.
Đồng thời, mọi người cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe, nhận biết các nguy cơ từ những hành động tưởng chừng như vô hại là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình”, chuyên gia khuyến cáo
Nam bác sĩ trẻ bán xe sang 3 tỷ để ủng hộ đồng bào vùng lũ và quan niệm "có nên để lại tài sản cho con hay không?"
Câu chuyện về bác sĩ Trần Ngọc Trung (32 tuổi, TP.HCM) đã khiến nhiều người không khỏi nể phục.
Những trận lũ lịch sử, sạt lở kinh hoàng liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua đã mang đến vô vàn đau thương chẳng cách nào bù đắp cho người dân Việt Nam. Nhưng cũng từ trong những đau thương ấy, câu chuyện về những tấm lòng, về hai chữ "đồng bào" lại càng vang lên một cách thiết tha, xoa dịu phần nào vết thật sâu trên mảnh đất cơn bão đi qua.
Đằng sau số tiền hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp gửi về cho bà con vùng lũ, cũng là hàng ngàn câu chuyện đủ hỷ nộ ái ố được viết nên. Trong đó, câu chuyện của bác sĩ Trần Ngọc Trung (32 tuổi) - một người đã sẵn lòng rao bán chiếc xe Porsche Macan mà mình đã mua tặng vợ với giá 3 tỷ đồng với mong muốn giúp đỡ đồng bào trong thời khắc khó khăn cũng thu hút được sự chú ý của nhiều người.
Nam bác sĩ trẻ bán xe sang 3 tỷ để ủng hộ đồng bào vùng lũ (Clip: Di Anh)
"Mình hỏi vợ có muốn làm vậy không thì vợ mình cũng đồng ý"
May mắn gặp mặt trực tiếp bác sĩ Trần Ngọc Trung, được biết, anh hiện đang công tác tại Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (Quận 2, TP.HCM). Tính cả thời gian học và theo nghề đến nay của anh cũng đã gần 10 năm.
Nói về việc bán đi một trong số những tài sản gần như lớn nhất và đặc biệt cũng là món quà anh mua tặng vợ khoảng 1 năm trước, bác sĩ Trung cho biết, đây là quyết định rất tự nhiên bắt nguồn từ suy nghĩ thoáng lên trong đầu:
"Mình hỏi vợ có muốn làm vậy không thì vợ mình cũng đồng ý luôn. Thật lòng mình cũng không nghĩ câu chuyện được nhiều người biết đến như vậy."
Bác sĩ Trần Ngọc Trung
Bên cạnh tấm lòng đối với người dân vùng lũ, có lẽ càng gây ấn tượng mạnh hơn với anh Trung - một người đã làm cha - chính là hình ảnh của những em nhỏ, dù may mắn được cứu sống nhưng lại mất đi hoàn toàn hơi ấm mẹ cha. Chỉ sau một đêm, thương tích của các em chẳng những ở trên cơ thể nhỏ bé non nớt ấy, mà còn là vết thương sâu vĩnh viễn không thể vơi đi trong lòng.
"Mình thấy rất nhiều em bé được cứu sống nhưng bố mẹ em ấy không còn nữa. Dù đang bị thương nhưng em ấy bảo chỉ mong gọi điện thấy bố thôi. Đó là hình ảnh rất đau lòng và để lại trong mình rất nhiều suy nghĩ."
Cùng với đó, để đi đến quyết định bán chiếc xe Porsche Macan, bác sĩ Trung cũng cho biết nguyên nhân khác là bởi việc bỗng nhiên huy động số tiền lớn là điều khó khăn với bất cứ ai. Chiếc xe của anh có thể sẽ bán được giá cao hơn nhưng để bán trong thời gian ngắn thì giá 3 tỷ đồng là điều hợp lý.
Chiếc xe anh mua tặng vợ khoảng 1 năm trước
"Khi có quyết định bán xe thì mình coi số tiền đó không phải của mình mà là của những người đang cần giúp đỡ. Nên kể cả mình có khó khăn, cần tiền chi trả ốm đau thì mình cũng không dùng mà gửi toàn bộ vào tài khoản ủng hộ cho bà con.
Ngoài ra mình cũng muốn góp thêm sức, muốn đi đến tận nơi xây dựng trường học hay làm những con đường đi đến trường cho các em."
3 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, anh Trung vẫn cho rằng, tất cả "chưa thấm vào đâu so với những gì dân mình phải chịu đựng".
"Trước khi bão đến, cuộc sống của đồng bào cũng đã khó khăn rất nhiều rồi. Cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn nữa. Mình cũng mong việc làm của mình có thể lan tỏa cho nhiều người hơn, để người ta có thể quyết tâm làm những việc tốt.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi trong hoàn cảnh khó khăn thì dù số tiền ít vẫn có nhiều ý nghĩa. Cuộc sống ai cũng có mệt mỏi, ai cũng muốn tìm cuộc sống yên bình, cũng muốn dành dụm để tiền chăm lo cho bản thân, nhưng trong trường hợp này đối với mình, việc giúp đỡ người khác quan trọng hơn nghĩ cho mình."- Anh Trung bùi ngùi.
Làm từ thiện không phải việc đơn giản
Ngoài những câu chuyện cảm động đã chia sẻ, bác sĩ Trần Ngọc Trung cho biết bản thân cũng khá buồn khi có một số thông tin, đoạn video được chia sẻ trên các trang mạng xã hội lại là giả. Việc này cũng giúp anh nhận ra rằng, việc làm từ thiện, không chỉ đơn giản là mang của cải, vật chất đến trao, mà quan trọng hơn còn là trao cho đúng người, đúng thời điểm.
"Một đoạn video mình thấy cảm xúc nhất lại là giả. Khi ấy mình vừa nằm vừa khóc nhưng sau đó mới phát hiện những hình ảnh đó đều là giả. Trên mạng có quá nhiều thông tin sai sự thật nên mình mong số tiền đóng góp đến bà con phải đúng người đúng thời điểm.
Việc đi làm từ thiện không hề đơn giản. Số tiền mình làm ra để đến với bà con rất khó và không phải ai cũng làm được." - Chính bởi những lý do này mà anh Trung cho biết, sau khi hoàn tất việc bán xe, anh sẽ gửi toàn bộ số tiền có được tới tài khoản của Mặt trận Tổ quốc. Sự tin tưởng của anh Trung cũng như hàng chục ngàn người dân cũng chính là niềm tin về việc số tiền của mình có thể được sử dụng một cách đúng mục đích.
Anh Trung vẫn thường thực hiện các chương trình thiện nguyện
Đối với việc bỗng nhiên "nổi tiếng" nhờ câu chuyện bán siêu xe làm từ thiện, anh Trung bày tỏ đây là điều "trong thâm tâm không mong muốn".
"Điều duy nhất mình muốn là mình giúp được nhiều người phát tâm đi giúp. Tuy nhiên, sự việc này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của mình và cũng đem lại phiền phức không đáng có. Nhiều người thân quen... hỏi sao không giúp đỡ người ta trước. Nhưng cũng có nhiều người hiểu cho việc làm của mình."
Trước những luồng ý kiến trái chiều, hoài nghi về việc liệu bác sĩ Trung làm vậy chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình - giống như nhiều hiện tượng "phông bạt" đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận thời gian quan, anh cho biết, bản thân đang có một công việc ổn định cũng như khá bận rộn nên điều này là không cần thiết.
Anh Trung cũng đã có những chia sẻ rất riêng trong quan niệm về việc để lại tài sản cho con cái. Bác sĩ Trung cho biết, anh và vợ đã thống nhất sẽ không để lại khối tài sản quá lớn cho các con mình:
"Mình nghĩ khi con người có những tài sản lớn sẽ là sự thiệt thòi so với người khác bởi khi thất bại, các con vẫn biết có chỗ dựa phía sau thì động lực cố gắng sẽ giảm đi rất nhiều. Mình phải tạo cho con cái nền tảng đạo đức và kiến thức để các bạn bước vào đời."
Anh Trung hiện đang có một cuộc sống ổn định và hạnh phúc với gia đình nhỏ
Câu chuyện của bác sĩ Trần Ngọc Trung cũng như của rất rất nhiều người khác, dù các em nhỏ đến cụ già, dù đồng bào trong nước hay kiều bào nước ngoài, dù là người Việt Nam máu đỏ da vàng hay bạn bè quốc tế,... cũng mang đến cho chúng ta sự trân trọng với những trái tim lớn, những tấm lòng vàng vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày.
Cộng đồng "Tâm Sự Dao Kéo": Chuyện "dao kéo" không còn thầm kín! Nếu như trước đây những câu chuyện về "dao kéo" thường được giữ kín thì giờ đây với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, bí mật này dần được tiết lộ và trở nên công khai. Và, cộng đồng "Tâm Sự Dao Kéo" - một sản phẩm của Công ty TNHH Tâm Sự Dao Kéo đã trở...