Nữ tiếp viên hàng không: Xót lòng em bé gửi về từ trời Âu để tránh dịch Covid-19
Chứng kiến nhiều em bé còn ẵm ngửa, chỉ mới vài tháng tuổi được bố mẹ tiễn ở sân bay rồi nhờ người quen trên chuyến bay ẵm về Việt Nam tránh dịch Covid-19, nhiều tiếp viên hàng không xúc động khi nhìn trẻ khóc ngặt nghẽo.
Hình ảnh xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội – Ảnh: L.P.A
Những ngày qua, câu chuyện về các em bé bay từ vùng dịch châu Âu, Hàn Quốc về Việt Nam tránh dịch được tiếp viên hàng không chia sẻ khiến cộng đồng mạng không khỏi ngỡ ngàng.
Đây là những em bé còn ẵm ngửa, được bố mẹ, gia đình tiễn ở sân bay ở châu Âu hoặc Hàn Quốc rồi nhờ ông bà hoặc người quen trên chuyến bay ẵm về Việt Nam tránh dịch Covid-19.
Em bé từ Châu Âu về tránh dịch
Mới đây, tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh của Hãng hàng không Vietnam Airlines đã viết lên trang cá nhân kể lại câu chuyện mà chị chứng kiến trong một chuyến bay từ châu Âu về Việt Nam gần đây.
Chị viết: “Chỉ vì dịch mà chị 3 tuổi, em mới 2 tháng phải xa rời vòng tay mẹ. Mẹ lo dịch lan rộng và không kiểm soát được và vì cuộc sống nên mẹ buộc phải gửi em về cho bà chăm. Chắc hẳn mẹ cũng nhớ cũng thương em nhiều lắm. Khi con khóc chính là lúc sữa mẹ về, mẹ đau lắm, mẹ thương hai em lắm, vì bất đắc dĩ mẹ phải làm vậy thôi. Hai con thông cảm cho mẹ”.
Cuộc sống trong khu cách ly tại phố Trúc Bạch (Hà Nội)
Nữ tiếp viên trưởng kể, mỗi chuyến bay của chị đều là tình yêu, là kỷ niệm của chị. Suốt mười mấy tiếng trên máy bay, hai chị em khóc vì nhớ mẹ. Người bà của hai em thì hết quay sang cô chị vỗ về lại quay qua chăm cô em. Bà bế em đến nỗi tay mỏi rã rời và tê nhưng không dám nói…
Kèm theo những chia sẻ trên là tấm ảnh chị Phương Anh đang bế em bé trên máy bay vỗ về. Bài đăng của chị Phương Anh được chia sẻ khắp mạng xã hội. Ai cũng xót xa khi đọc được những dòng tâm sự này và càng yêu hơn trái tim ấm áp của người nữ tiếp viên.
Nữ tiếp viên hàng không cũng là những người có thể đã làm mẹ, họ vô cùng xót xa khi chứng kiến những em bé phải bay mà không có bố mẹ đi cùng – Ảnh: Lệ Uyên
Trao đổi với phóng viên, chị Phương Anh tâm sự: “Những dòng chia sẻ của chị trên trang cá nhân chính là những tình cảm từ tận đáy lòng của chị khi chứng kiến ba bà cháu trên chuyến bay. Chị xót lòng khi bế em bé và bé cứ rúc tìm hơi mẹ. Trong mùa dịch này ai cũng có nỗi niềm, có những nỗi lo, bố mẹ các con bận công việc không thể nào về nên nhờ bà sang đón hai cháu”.
Suốt 17 năm đi bay chị Phương Anh cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp những em nhỏ trở về Việt Nam mà không có bố mẹ đi cùng ở khắp các nơi. Bố mẹ có thể là diện xuất khẩu lao động nên gửi người nhà hoặc bạn bè bế con về Việt Nam.
Tiếng khóc ngặt nghẽo
Là người có nhiều chuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam trong mùa dịch Covid-19, chị Bùi Lệ Uyên (tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Vietnam Airlines) cũng từng viết lên trang cá nhân của mình những tâm sự khi chị cùng tổ bay chứng kiến những hành khách đặc biệt này “một mình” về nước tránh dịch.
Chị Uyên kể, trên chuyến bay Busan – Hà Nội trong mùa dịch Covid-19, phi hành đoàn tình cờ đón tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là bé gái mới 6 tháng tuổi còn chưa kịp cai sữa đã sớm phải rời vòng tay che chở của cha mẹ, trở về quê nhà để ông bà chăm sóc.
Virus corona gây Covid-19 có thể lây xa 4,5 m trong môi trường máy điều hòa
Ngay khi chuyến bay chuẩn bị cất cánh, bé đã bật khóc ngặt nghẽo. Người trông chừng bé, một cậu thanh niên tầm 25-27 tuổi, loay hoay thử mọi cách từ bế, dỗ rồi đưa ti giả vào miệng mà bé nhất định không chịu nín.
Khi ấy, tiếp viên đang phục vụ bữa trưa cho hành khách nên đã hướng dẫn cậu thanh niên các cách để có thể giúp em bé dễ chịu hơn. Dù vậy, sau khi hoàn thành quy trình phục vụ, khi tất cả hành khách dần chìm vào giấc ngủ thì tiếng khóc của bé lại càng lớn hơn.
Chị Uyên viết: “Nhìn em bé quấy khóc vì khát sữa và hơi ấm của mẹ, các nữ tiếp viên đều không thể cầm được lòng trong khi cậu thanh niên thì lúng túng không biết cách thay tã cho bé, một tiếp viên trong đoàn đã không ngần ngại hỗ trợ. Đồng thời, các tiếp viên cũng thay nhau bế và dỗ bé nín”.
Theo lời chị Uyên kể, cậu thanh niên cho biết cậu cùng bố mẹ của bé sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhà máy nơi cậu làm việc buộc phải giảm công suất lao động bởi các đơn hàng xuất sang Trung Quốc gần như bị hủy hết. Cậu tranh thủ thời gian về thăm gia đình, đồng thời giúp vợ chồng bạn đưa bé về Việt Nam để gửi ông bà nuôi.
Bài viết của chị Uyên nhận được sự đồng cảm của người dùng mạng xã hội. Nhiều tài khoản tỏ ra xót xa khi các em bé còn nhỏ xíu đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ.
Nhiều em bé được cha mẹ gửi từ Hàn Quốc về Việt Nam tránh dịch nhưng không bay cùng – Ảnh: Lệ Uyên
Tài khoản Hà Mai Hương viết: “Cứ nghèn nghẹn khi đọc bài này”. Facebook Nguyễn Thị Thủy bình luận: “Thương bé quá, còn quá nhỏ mà đã phải xa cha mẹ. Tội bé và tội cả mẹ bé nữa”. Nickname Kiều Thịnh thì tâm sự: “Mình cũng đang nuôi con nhỏ, đọc bài mà không cầm được nước mắt, xót xa quá”.
Tiếp viên xót lòng!
Trao đổi với phóng viên, chị Bùi Lệ Uyên, người có 25 năm gắn bó với nghề tiếp viên hàng không, cho biết chị đã gặp rất nhiều hành khách là những em bé còn ẵm ngửa được cha mẹ cho “một mình” bay về Việt Nam để ông bà chăm sóc.
Chị Uyên tâm sự, những hành khách được bố mẹ các bạn nhỏ tin tưởng gửi gắm đưa về Việt Nam hầu như chưa từng làm bố mẹ nên họ thường khá lúng túng và vất vả trong việc chăm sóc, dỗ dành và ru các bé ngủ.
Lúc máy bay cất cánh và hạ cánh thường các bé hay bị đau tai, khóc sợ, thiếu hơi mẹ. Trên một chuyến bay, em bé khóc nhiều cũng ảnh hưởng đến nhiều hành khách khác, mọi người khách có thể khó chịu nhưng không ai trách được. Hơn ai hết, các nữ tiếp viên hàng không, vốn cũng là những người mẹ sớm phải xa con, chị và đồng nghiệp luôn hiểu, cảm thông với những hoàn cảnh đặc biệt này.
Nghề tiếp viên buộc họ phải thường xuyên xa con, xa nhà và luôn trong tâm thế sẵn sàng phải cách ly 14 ngày – Ảnh: NVCC
Một trường hợp khác mà chị Uyên từng gặp phải, đó là một em bé rất nhỏ cũng được bố mẹ gửi người quen đưa về Việt Nam. Từ khi máy bay cất cánh đến khi mọi người đã ổn định hết, em bé khóc liên tục.
Người bế bé dỗ mọi cách không được, những tiếp viên nữ cũng thay phiên nhau dỗ dành nhưng bé nhất quyết không bú sữa mà khóc mỗi lúc một to hơn. Thấy vậy, một tiếp viên nam nói: “Nhà em có con nhỏ 3 tháng, em vẫn hay ẵm cho bé bú bình, để em thử xem”. Thật bất ngờ, khi nằm gọn trong vòng tay của tiếp viên nam này, em bé nín hẳn rồi ngoan ngoãn bú.
“Mọi người nói đùa với nhau, chắc tại áo của anh tiếp viên còn hơi sữa từ em bé ở nhà nên em bé này mới nằm ngoan ngoãn như vậy. Kinh nghiệm tiếp viên hàng không của chúng tôi cũng cho thấy, nếu ai cho em bé còn ẵm ngửa bay “một mình” cùng người quen trên các chuyến bay thì hãy đưa kèm một chiếc áo của mẹ bé để bé cảm thấy hơi ấm quen thuộc mà hạn chế quấy khóc”, chị Uyên bộc bạch.
Theo thanhnien.vn
Tâm sự xúc động của người cha có con con gái là tiếp viên hàng không giữa mùa dịch
"Sức trẻ, lòng yêu nghề, biết vượt lên gian khó và sống có trách nhiệm với xã hội thì đó luôn là thứ vắc-xin mạnh nhất để đánh bật Covid-19".
Giữa đại dịch Covid-19, tiếp viên hàng không là một trong những ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Là người cha có con gái làm việc trong môi trường như vậy, những trăn trở, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. VTC News xin đăng tải nguyên văn tâm sự của nhà văn, nhà báo Nguyễn Tuấn.
Nguyễn Phương Ly - Tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines (thứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp trước khi cùng phi hành đoàn cất cánh.
"Bay chuyến 6h, nghĩa là phải dậy từ 3h30. Đêm trước, ngủ muộn nhưng điện thoại báo thức là con vùng dậy tỉnh queo. Rửa mặt, trang điểm, vấn tóc, thay đồng phục...trong 20 phút. Rồi vội vã ra xe tới sân bay. Một ngày mới được bắt đầu như thế, khi thành phố còn ngái ngủ và chìm trong hơi nước.
Sẽ có nhiều công việc an nhàn hơn. Buổi sáng có thể đủng đỉnh cafe với bạn bè trước giờ làm việc, nhưng con lại chọn cho mình công việc này. Bởi con thích xê dịch, khám phá những miền đất mới. Vì nếu nhàn rỗi quá thì cuộc sống nhàm, nhạt lắm và chẳng bao giờ có cơ hội thử sức mình.
Nhìn con đi lại nhẹ nhàng, uyển chuyển trên máy bay, bố lại nhớ về những bước đi lẫm chẫm đầu tiên. Hồi nhỏ con dễ nuôi, ăn ngủ ngoan, mũm mĩm hơn các bạn cùng lứa nhưng cái gì cũng chậm. Chậm nói, chậm đi, còn hay bị ngã. Giờ thì thành đứa đi xa và nói nhiều nhất nhà.
Xa nhà, con tự biết chăm sóc bản thân. Con đã coi đồng nghiệp là gia đình thứ hai của mình. Vui nhất là con luôn trân trọng công việc mình đang làm.
Dù con đi làm được gần 2 năm nhưng mỗi chuyến bay đêm là bố mẹ thêm một lần thao thức. Tiếp viên hàng không - nghề con chọn bao vất vả!
Tiếp viên Nguyễn Phương Ly tham gia gói bánh chưng từ thiện tại Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) do Đoàn Tiếp viên tổ chức.
Đêm nay, sau 11h bay, con và các bạn sẽ hạ cánh ở Charle De Gaule, nơi đang có hơn 1.000 người mắc Covid-19 và 21 ca đã thiệt mạng. Một đất nước quá văn minh, giàu có mà số người nhiễm bệnh gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Lần trước, con háo hức lắm. Cả buổi chiều chuẩn bị đồ ăn cho mọi người trong tổ bay. Rồi sắm những bộ cánh đặc biệt theo phong cách tiểu thư Pháp để tạo dáng ở Bảo tàng Louvre, Tháp Eiffel hay Khải hoàn môn. Con muốn lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất khi lần đầu đặt chân tới đất nước này.
Còn hôm nay, con bảo mẹ chuẩn bị nhiều thức ăn để ăn trong khách sạn, hạn chế tiếp xúc. Suốt từ trưa tới tối, mẹ tranh thủ đi chợ rồi lúi húi trong bếp làm thịt thăn rim, thịt bò kho, chả lá lốt, su hào xào. Cả tầng 1 nhà mình ngào ngạt mùi thức ăn.
23h35, nghĩa là chỉ còn 10 phút nữa máy bay cất cánh, con chat vội với bố:
- Chuyến bay sang Đức hôm nay hủy rồi bố ạ. Chắc chuyến đi Anh của con sắp tới cũng hủy. Nguy hiểm quá.
- Khách đông không con?
- Khá đông bố.
- Con nhớ tự phòng ngừa cho kỹ. Hạn chế ra đường nhé.
- Vâng. Có thể sau chuyến này về, bọn con sẽ phải đi cách ly nếu trên máy bay có người nhiễm bệnh.
- Bố mong là không có ai. Con cứ yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình.
Nếu con và các bạn cách ly 14 ngày thì sao nhỉ? Không sao cả. Đó là trách nhiệm của các con với bản thân và cộng đồng, vì sức khỏe bền vững của một quốc gia. Từ trong thẳm sâu, bố luôn tin các con có sức trẻ, lòng yêu nghề, luôn biết vượt lên gian khó và sống có trách nhiệm với xã hội thì đó luôn là thứ vắc-xin mạnh nhất để đánh bật Covid-19, không thể để nó thâm nhập vào cơ thể.
- Con chào bố mẹ. Con bay đây.
- Chúc con và các bạn mọi sự tốt lành.
Rất nhanh, con gửi bố tấm ảnh các con selfie trên khoang khách. 4 cô gái đeo khẩu trang nhưng đôi mắt đang cười. Nhìn ngoài, các con đã là những cô gái rất đẹp, nhưng hôm nay, bố thấy các con đẹp hơn, duyên dáng hơn dù nửa khuôn mặt đã bị che khuất bởi những chiếc khẩu trang.
Đêm nay, con hạ cánh ở Charle De Gaule. Bố từng nói giữa bộn bề bận rộn cuộc sống, gia đình ta chỉ gặp mặt nhau trong bữa cơm hàng ngày, vì vậy rất hiếm khi bố ăn ngoài tiệm, trưa dù nắng mưa đến đâu vẫn về ăn cơm mẹ nấu. Con vẫn còn nhớ như in hương vị từng món ăn của mẹ. Và làm sao quên được những tối bố đi trực ở cơ quan về muộn, dù 9 - 10h tối nhưng cả nhà vẫn sẽ đợi cơm. Con thèm những tần tảo sớm hôm của mẹ trong nghi ngút khói của bát cơm trên tay mình..."
Cảm thông với những tình cảm mà người cha dành cho cô con gái tiếp viên hàng không, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự mến mộ trước tinh thần mạnh mẽ, yêu nghề của cô gái, cũng như tình yêu của người cha dành cho cô.
Những ý kiến bày tỏ sự cảm thông trước tinh thần yêu nghề của các nữ tiếp viên hàng không khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát toàn cầu.
Bảo Dương bình luận : "Thật sự cảm động! Tình yêu thương của bậc làm cha, làm mẹ dành cho con cái luôn vĩ đại.Và các bạn đúng là những anh hùng khi chấp nhận những rủi ro của Covid 19 luôn rình rập đâu đó trên những chuyến bay. Chúc các thành viên tổ bay bình an, mạnh khoẻ và cảm ơn các bạn đã góp phần cho hoạt động xã hội vẫn tiếp diễn trong mùa dịch bệnh."
"Rất trân trọng về ý thức, trách nhiệm và tinh thần phục vụ của các bạn. Chúc các bạn luôn thành công và hoàn thành nhiệm vụ.", Nguyễn Dũng viết
Hoai Anh chia sẻ: "Hay quá! Đọc mà rưng rưng nước mắt. Nghề làm dâu trăm họ nhưng đầy tự hào."
"Yêu lắm các chiến sỹ đầu sóng ngọn gió. Mong các bạn bình an."; "Chúc phi hành đoàn luôn bình an trên những chuyến bay"; "Đọc mà rơm rớm nước mắt"...là những chia sẻ đầy cảm thông của mọi người dành cho những tiếp viên hàng không xinh đẹp.
NHẬT THÙY
Theo VTC
Khu cách ly Củ Chi, tiếp viên hàng không nhảy vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy Clip bác sĩ và những người trong khu cách ly ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi cùng nhảy vũ điệu rửa tay Ghen Cô Vy khiến dân mạng thích thú. Clip các tiếp viên hàng không Vietnam Airlines nhảy vũ điệu này cũng được chia sẻ nhiều. Hình ảnh bác sĩ, điều dưỡng trong khu cách ly ra sân nhảy điệu Ghen...