Nữ Thủ tướng Thái dễ dàng thoát hiểm
Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm nay (28/11) đã dễ dàng vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội trong bối cảnh bà đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong 2,5 năm cầm quyền.
Nữ Thủ tướng Yingluck
Bà Yingluck đã giành được 297 phiếu ủng hộ và 134 phiếu chống trong tổng số 492 ghế trong Hạ viện Thái Lan. Nữ Thủ tướng chỉ cần có đủ số phiếu quá bán là 246 phiếu để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà phe đối lập nhằm vào bà. Chiến thắng này giúp bà Yingluck xinh đẹp thêm phần tự tin trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ đe doạ đến sự tồn tại của chính phủ Thái Lan đương nhiệm.
Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan cũng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với số phiếu ủng hộ là 296 và số phiếu chống là 135.
Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra sau hai ngày liên tiếp diễn ra cuộc tranh luận nóng bỏng xoay quanh vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Kết quả trên thực ra đã được dự đoán từ trước bởi đảng Puea Thai cầm quyền của bà Yingluck nắm quyền kiểm soát Hạ viện Thái Lan với 299 ghế.
Hồi đầu tháng, Đảng Dân chủ đối lập đã kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Yingluck và Bộ trưởng Nội vụ Charupong. Phe đối lập cũng trình kiến nghị luận tội với hai nhà lãnh đạo trên và Phó Thủ tướng Plodprasop Suraswadi vì tội lạm dụng quyền lực và vi phạm luật pháp.
Dù bà Yingluck đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng Thái Lan vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn.
Chính phủ Thái Lan lao đao vì làn sóng biểu tình
Cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Thái Lan bắt đầu bùng lên từ sau khi khi nữ Thủ tướng Yingluck chơi nước cờ mạo hiểm khi đưa trở lại dự luật ân xá. Đây là dự luật rất nhạy cảm bởi phe đối lập cho rằng, dự luật này thực chất chỉ là cái cớ để chính phủ “rửa tội” cho cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của bà Yingluck và mở đường cho ông này trở về nước.
Từ “ngòi nổ” được châm ngòi ở trên, phe đối lập tiếp tục dấn lên với những cuộc biểu tình rầm rộ nhằm vào mục đích mà họ công khai tuyên bố là để lật đổ chính quyền của bà Yingluck, hay nói theo cách của phe đối lập là chính quyền của ông Thaksin. Phe đối lập tin rằng, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck chỉ là “con rối” trong tay ông Thaksin.
Cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan ngày một trở nên trầm trọng khi những người biểu tình chống chính phủ chiếm đóng 24 trụ sở cơ quan chính phủ ở các tỉnh và tụ tập bên ngoài 4 bộ chính ở thủ đô Bangkok.
Video đang HOT
Trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh chiến dịch lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck và dựng lên cái mà họ gọi là “Hội đồng Nhân dân”, hàng ngàn người biểu tình tiếp tục chiếm đóng các văn phòng chính phủ ở tất cả 14 tỉnh phía nam của Thái Lan, trong đó có cả hòn đảo du lịch Phuket – một thành trì truyền thống của Đảng Dân chủ đối lập.
Chưa dừng lại ở đó, những người biểu tình còn tràn đến chiếm đóng các văn phòng chính phủ ở phía bắc và đông bắc đất nước – nơi gia đình Shinawatra có thế lực rất mạnh.
Những người biểu tình được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã bắt đầu hướng mục tiêu vào các bộ chính của chính phủ kể từ hồi đầu tuần và họ đã chiếm trụ sở của Bộ Tài chính Thái Lan làm căn cứ chính.
“Chúng tôi rất vui và nghĩ rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong vài ngày tới”, ông Suthep cho biết. Ông này khẳng định, phong trào biểu tình do ông dẫn dắt là nhằm triệt tiêu tận gốc rễ mạng lưới quyền lực của cựu Thủ tướng Thaksin. Phe đối lập vẫn tin rằng, tỉ phú truyền thông Thaksin vẫn đang điều hành đất nước Thái Lan từ bên ngoài, dưới vỏ bọc chính quyền của nữ Thủ tướng Thaksin.
Bà Yingluck dường như không thể ngăn được các cuộc biểu tình ngày một tăng lên của phe đối lập nhằm làm tê liệt chính phủ của bà. Tuy nhiên, bà Yingluck vẫn khẳng định bà sẽ không dùng vũ lực với người biểu tình.
Đề cập đến cáo buộc cho rằng, bà chỉ là con rối trong tay anh trai, nữ Thủ tướng Yingluck thẳng thừng tuyên bố, “không bao giờ có sự tồn tại của chính quyền Thaksin ở đây. Chỉ có duy nhất một chính quyền. Đó là chính quyền được bầu lên một cách dân chủ”.
Cuộc khủng hoảng trên chính trường hiện nay không phải là điều gì xa lạ đối với đất nước Thái Lan. Đây là vòng xoáy đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong 8 năm qua, kể từ sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này nổi lên khi mà đất nước Thái Lan dưới sự dẫn dắt của nữ Thủ tướng Yingluck đã trải qua một gian dài yên bình nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bà Yingluck được đánh giá cao ở chỗ kể từ khi bà lên cầm quyền giữa năm 2011, những cuộc biểu tình và sự hỗn loạn, đấu đá trên chính trường dường như vắng bóng. Vậy mà giai đoạn này đã chấm dứt cách đây một tháng khi bà Yingluck bất ngờ đưa trở lại dự luật ân xá. Giới phân tích cho rằng, nữ Thủ tướng Thái Lan đã đi một nước cờ mạo hiểm và có thể là sai lầm.
Các nhà phân tích cho rằng, bà Yingluck có nguy cơ làm dấy lên tình trạng bạo lực nếu bà ra lệnh cho lực lượng an ninh trục xuất người biểu tình ra khỏi các toà nhà chính phủ. Nhưng nếu không làm như vậy thì bộ máy cầm quyền của bà sẽ bị tê liệt.
Theo một số nhà phân tích, nữ Thủ tướng Thái Lan có thể tìm cách củng cố tính hợp pháp của mình bằng cách kêu gọi một cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, cách này không phải là không có mạo hiểm trong bối cảnh một số quan chức trong chính phủ của bà bị cáo buộc tham nhũng.
Vân Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
"Nữ tướng" Thái tự tin đương đầu trên hai mặt trận
Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tiếp tục gây sức ép ngày một mạnh mẽ lên nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi cuộc biểu tình của họ bước sang ngày thứ năm.
Cùng với đó, trong Quốc hội, bà Yingluck cũng phải đương đầu với làn sóng chỉ trích của phe đối lập đang nhăm nhe tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà. Tuy nhiên, dù phải đối mặt với một cuộc chiến bị dồn ép quyết liệt trên hai mặt trận như vậy, "nữ tướng" Yingluck vẫn tỏ ra khá tự tin và điềm tĩnh.
Nữ Thủ tướng Thái Lan
Người biểu tình bao vây thêm hàng loạt cơ quan chính phủ
Trong ngày hôm qua (27/11), những người biểu tình tiếp tục thắt chặt vòng vây và chiếm giữ thêm nhiều trụ sở, cơ quan bộ ngành của chính phủ Thái Lan ở thủ đô Bangkok khi lệnh bắt giữ thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban cùng nhiều người khác được đưa ra.
Hàng ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập bên ngoài trụ sở chính của nhiều bộ ngành, thổi còi và ép các nhân viên chính phủ phải ngừng làm việc để gia nhập vào làn sóng biểu tình của họ. Hầu hết các quan chức và nhân viên chính phủ đều đã phải rời trụ sở làm việc của mình ngay khi người biểu tình ập đến.
Làn sóng biểu tình đường phố hôm qua đã nhằm mục tiêu vào trụ sở của các cơ quan bộ, ngành đóng ở khu vực ngoại ô thủ đô Bangkok như Bộ Thương mại, Bộ Y tế và Cục Điều tra Đặc biệt.
Cục Điều tra Đặc biệt đã phải nhanh chóng sơ tán nhân viên sau khi ít nhất 1.000 người biểu tình bao vây tòa nhà của họ. "Chúng tôi đã phải ra lệnh sơ tán mọi người ra khỏi tòa nhà của Cục Điều tra Đặc biệt. Tất cả các nhân viên của chúng tôi được yêu cầu rời khỏi nơi làm việc trong vòng nửa tiếng đồng hồ", một quan chức của Cục Điều tra Đặc biệt - ông Tharit Pengdit cho biết. Cục Điều tra Đặc biệt của Thái Lan là một phiên bản kiểu Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ. Cơ quan này bao gồm nhiều bộ phận xử lý các vấn đề khác nhau như thuế, nhập cư hay đất đai.
Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan gần đây đã buộc tội thủ lĩnh của cuộc biểu tình - ông Suthep Thaugsuban về vai trò của ông này với tư cách là Phó Thủ tướng trong cuộc đàn áp người biểu tình khiến hơn 90 người thiệt mạng năm 2010.
Hiện tại, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck đang xử lý cuộc biểu tình một cách rất bình tĩnh và kiềm chế. Cảnh sát vẫn đứng gác quanh cổng của những trụ sở, tòa nhà của các cơ quan chính phủ và họ nhận được lệnh không sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Vì thế, hiện tại, sau 5 ngày biểu tình, chưa xảy ra bất kỳ vụ đụng độ bạo lực nào giữa cảnh sát và người biểu tình.
Không chỉ tại thủ đô Bangkok, ở khu vực phía nam Thái Lan, những người biểu tình chống chính phủ cũng bao vây nhiều hội đồng tỉnh.
Ông Suthep, thủ lĩnh các cuộc biểu tình đường phố ở Thái Lan hiện nay, đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào của mình cho đến khi cái gọi là "chính quyền của ông Thaksin" bị lật đổ hoàn toàn. Từ hồi đầu tuần, ông này đã chỉ đạo những người biểu tình xông vào chiếm giữ trụ sở Bộ Tài chính và Cục Ngân sách cùng những tòa nhà xung quanh đó. Trong vài ngày qua, lực lượng biểu tình đã khiến một loạt bộ phải đóng cửa như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Du lịch và gần đây nhất là Bộ Thương mại và Bộ Y tế...
Cảnh sát Thái Lan đã phát lệnh bắt giữ ông Suthep cùng một số thủ lĩnh biểu tình khác nhưng họ vẫn chưa tìm được cách để bắt giữ những nhân vật này mà không kích động tình trạng bạo lực trong nước.
Mục tiêu của những người biểu tình là làm tê liệt chính phủ của bà Yingluck để từ đó lôi kéo sự can thiệp của quân đội dưới hình thức một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền này.
Các cuộc biểu tình kiểu như trên đã trở nên quá quen thuộc ở đất nước Thái Lan trong thời gian 7 năm qua, kể từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006.
Dù đã rời xa chính trường và rời xa đất nước Thái Lan trong suốt 7 năm qua nhưng ông Thaksin vẫn đủ sức ảnh hưởng để gây ra những cơn sóng gió liên tục trên chính trường Thái Lan. Ông này là nhân vật gây phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan. Trong khi được hàng triệu triệu người dân nghèo, người dân vùng nông thôn yêu quý thì ông Thaksin lại là vị chính khách bị ghét cay ghét đắng bởi các thành phần hoàng gia, quý tộc, trung lưu. Lực lượng này ít hơn về số lượng so với những người ủng hộ cựu Thủ tướng nhưng lại có ưu thế nhiều hơn về sức mạnh và ảnh hưởng. Chính vì lẽ đó, chính trường Thái Lan đã trở thành nơi chứng kiến cuộc đấu dai dẳng không dứt giữa một bên là phe ủng hộ ông Thakin (áo đỏ) và một bên là phe chống ông này (áo vàng).
Nữ Thủ tướng Thái kêu gọi đối thoại
Nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck hiện tại đang phải đương đầu với một cuộc chiến trên hai mặt trận. Một mặt, bà Yingluck phải đối diện với làn sóng biểu tình rầm rộ chống chính phủ trên khắp các đường phố. Trong khi đó, ở Quốc hội, bà cũng vừa phải trải qua hai ngày tranh luận đầy căng thẳng về vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà. Nữ Thủ tướng trẻ tuổi và mảnh mai này đã phải xoay sở chống đỡ cùng lúc trên hai mặt trận.
Tuy vậy, đến thời điểm này, người ta cho rằng, bà Yingluck vẫn giữ được một thái độ bình tĩnh và tự tin khi xử lý cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi bà lên cầm quyền.
Nhà lãnh đạo Thái Lan hôm qua đã lên tiếng cho biết, chính phủ của bà sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với người biểu tình trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng mỗi lúc một trầm trọng trên chính trường đất nước hiện nay.
Bà Yingluck kêu gọi tất cả các bên ngồi xuống và đối thoại với nhau để chấm dứt tình trạng bất ổn, rối loạn trong nước, tránh gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. "Chính phủ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán. Bất kỳ việc gì tốt cho số đông, chúng tôi đều sẵn sàng hợp tác", bà Yingluck đã nói như vậy với hãng thông tấn Thái Lan.
Nữ Thủ tướng Thái cũng một lần nữa khẳng định, dù thực thi Luật An ninh Nội địa ở khắp thủ đô Bangkok và những tỉnh xung quanh, chính phủ vẫn cam kết tuân thủ theo các biện pháp hòa bình và quyết không sử dụng vũ lực với người biểu tình.
"Chính phủ của tôi sẽ không dùng đến bạo lực". Đề cập đến những cáo buộc của phe đối lập cho rằng chính phủ của mình là "con rối" trong tay cựu Thủ tướng Thaksin, bà Yingluck nhấn mạnh: "Đây không phải là chính quyền của ông Thaksin. Cái gọi là chính quyền Thaksin không bao giờ tồn tại ở đây. Chỉ có một chính quyền duy nhất. Đó là chính quyền được bầu lên một cách dân chủ".
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Sẽ có đảo chính quân sự tại Thái Lan? Những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan rầm rộ hiện nay cuối cùng có thể sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự mới, một học giả nổi tiếng có tên là Pavin Chachavalpongpunt ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto cho biết. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, liệu nữ...