Nữ thợ săn khiến tội phạm ma túy Philippines khiếp vía là ai?
Ít ai ngờ rằng một phụ nữ trẻ tuổi lại là thành viên của một đội sát thủ chuyên săn lùng và tiêu diệt những kẻ buôn ma túy ở Philippines hiện nay.
Theo BBC, Philippines hiện đang trải qua cuộc chiến “đẫm máu” với những cuộc săn lùng tội phạm buôn ma túy theo chỉ đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Chỉ trong vài tuần từ khi bắt đầu chiến dịch trấn áp tội phạm, đã có 2.000 người bị tiêu diệt. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, một trong những “sát thủ” thực hiện các vụ bắn giết tội phạm ma túy lại là một phụ nữ trẻ tuổi. Cô từng ra tay đoạt mạng sáu người.
“Công việc đầu tiên của tôi bắt đầu vào hai năm trước. Khi ấy, tôi vô cùng sợ hãi và căng thẳng bởi tôi chưa từng làm điều đó bao giờ” – nữ sát thủ nói.
Ít ai ngờ rằng một cô gái trẻ tuổi như Maria lại là thành viên của một đội sát thủ săn tội phạm ma túy ở Philippines. Ảnh: BBC
Maria (tên nhân vật đã được thay đổi), giờ đây chuyên thực hiện các hợp đồng giết thuê, là một phần trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi xướng.
Maria tham gia một đội sát thủ gồm ba phụ nữ. Thân phận nữ giới giúp họ có thể tiếp cận các đối tượng cần tiêu diệt dễ dàng hơn mà không gây nghi ngờ như nam giới.
Từ khi ông Duterte lên nắm quyền, ra lệnh cảnh sát kể cả dân thường thẳng tay tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy, Maria đã giết thêm năm người nữa. Tất cả đều bị bắn vào đầu.
Khi được phóng viên Jonathan Head của đài BBC hỏi ai ra lệnh cô đi giết tội phạm ma túy, cô trả lời: “Sếp chúng tôi, sĩ quan cảnh sát”. Phóng viên BBC ghi nhận, vào buổi chiều hôm gặp Maria, cô và chồng mình đang vội vã chuyển đồ bởi chỗ trú ẩn an toàn của họ đã bị lộ.
Cuộc chiến chống ma túy đang gây tranh cãi ở Philippines đã mang đến cho Maria nhiều “hợp đồng” nhưng cũng khiến cuộc sống của cô gặp nhiều rủi ro hơn. Maria đã kể lại chuyện cô bắt đầu công việc này như thế nào. Đó là lúc chồng cô được cảnh sát giao nhiệm vụ “thủ tiêu” một con nợ đồng thời cũng là một kẻ buôn ma túy.
“Chồng tôi nhận lệnh đi giết những người không thể trả nợ” – Maria cho hay. Điều này trở thành công việc thường xuyên của chồng cô cho đến một ngày tình hình thay đổi. Cô kể tiếp: “Họ cần một phụ nữ… chồng tôi đã chuyển giao công việc đó cho tôi. Khi tôi nhìn thấy người đàn ông mình cần giết, tôi tiếp cận anh ta và nổ súng”.
Video đang HOT
Maria và chồng cô xuất thân từ một khu phố nghèo ở Manila và không có thu nhập thường xuyên trước khi nhận công việc “giết người thuê” này. Hiện tại, với mỗi “hợp đồng” hoàn thành, vợ chồng cô kiếm được khoảng 430 USD. Tuy nhiên, số tiền này bị chia cho 3-4 người. Dù vậy, đây vẫn là cả một gia tài đối với những người có thu nhập thấp ở Philippines.
Tổng thống Philippines Duterte phát động chiến dịch bắn giết tội phạm ma túy đang gây tranh cãi. Ảnh: BBC
Khi được phóng viên hỏi có phải cô cảm thấy công lý đang được thực thi khi Tổng thống Duterte phát động chiến dịch bắn giết tội phạm ma túy không, cô trả lời: “Chúng tôi chỉ nói về nhiệm vụ của mình và cách thực hiện nó”. Maria trả lời: “Khi nhiệm vụ hoàn thành chúng tôi không bao giờ nhắc tới nó một lần nào nữa.”
BBC cho biết hoạt động giết người thuê không còn là điều mới mẻ ở đất nước ngàn đảo này. Song đội ngũ sát thủ tại Philippines chưa bao giờ trở nên sôi động như hiện nay. Tổng thống Duterte đã truyền đi một thông điệp rõ ràng.
Tại thời điểm diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Duterte cam kết sẽ tiêu diệt 100.000 tội phạm chỉ trong sáu tháng đầu tiên kể từ khi nắm quyền nếu ông đắc cử. Lời cảnh báo của ông đặc biệt nhắm tới những kẻ buôn ma túy: “Đừng phá hủy đất nước của tôi bởi tôi sẽ giết các người”.
Tuần trước, Tổng thống Duterte tái khẳng định quan điểm cứng rắn của mình khi lên tiếng bảo vệ hành động giết người bị nghi là tội phạm ma túy mà không thông qua xét xử.
“Mạng sống của 10 tội phạm có thực sự quan trọng? Nếu tôi phải đối diện với tất cả nỗi đau này, liệu mạng sống của 100 kẻ ngốc ấy có nghĩa lý gì với tôi?” – ông Duterte nói.
Theo số liệu thống kê từ cảnh sát, đã có 1.900 người liên quan đến ma túy ở Philippines bị tiêu diệt kể từ khi ông Duterte chính thức làm tổng thống hồi cuối tháng 6. Trong đó, 756 người do cảnh sát tiêu diệt trong lúc đấu súng. Những cái chết còn lại vẫn đang được điều tra. Phần lớn các thi thể đều bê bết máu, được phát hiện trong đêm ở những khu nhà ổ chuột ở Manila và các thành phố khác.
Tại Tondo, khu nhà ổ chuột nằm gần khu cảng Manila, hầu hết người dân đều ủng hộ chiến dịch trấn áp tội phạm quyết liệt này của tân tổng thống.Tuy nhiên, một số người vẫn lo sợ mọi việc sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và người dân thường vô tội sẽ bị vạ lây.
Một trong những người đang bị truy lùng gắt gao là Roger (không phải tên thật). Người đàn ông này nghiện ma túy từ khi còn rất trẻ. Giống như những con nghiện khác, ông bắt đầu buôn bán ma túy để làm thỏa mãn những lần lên cơn thèm thuốc. Ông “hợp tác làm ăn” với các các sĩ quan cảnh sát tha hóa. Những người này thường thu giữ ma túy trong các đợt truy quét rồi tuồn một phần ra thị trường nhờ các đầu nậu như Roger.
Roger hiện đang bị truy lùng nên phải liên tục chuyển chỗ ở để tránh bị tiêu diệt. “Hàng ngày, hàng giờ, tôi không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi luôn thường trực trong tim mình. Thật mệt mỏi và đáng sợ vì lúc nào cũng phải lẩn trốn. Bạn không thể biết liệu người này đứng ngay trước mặt mình có chỉ điểm bạn không, hay liệu anh ta có phải một sát thủ được phái đến giết bạn hay không. Để chợp mắt được thực sự rất khó. Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng khiến tôi tỉnh giấc. Và điều khó khăn nhất là bạn không biết nên tin tưởng ai hay nên đi hướng nào, nên tìm nơi nào để trốn.” – Roger nói.
Hàng ngàn người liên quan tới buôn ma túy đã bị tiêu diệt mà không qua xét xử. Ảnh: CNN
Roger cũng cảm thấy tội lỗi với hành vi của mình. “Tôi thực sự tin mình đã gây ra tội ác, rất lớn. Tôi từng làm vô vàn điều xấu xa. Chỉ vì tôi mà họ trở thành con nghiện” – ông nói.
Roger đã gửi con về sống với gia đình vợ ở nông thôn để ngăn chúng tiếp xúc với đại dịch ma túy đang hoành hành. Roger ước tính khoảng 30%-35% số người ở khu dân cư nơi ông sống nghiện ma túy. “Tôi ước mình có thể quay ngược thời gian. Nhưng đã quá muộn rồi. Tôi không thể tự thú bởi nếu làm vậy, cảnh sát sẽ giết tôi mất” – Roger nói.
Giống Roger, Maria cũng hối tiếc về lựa chọn của mình. “Tôi cảm thấy tội lỗi và thần kinh tôi luôn căng thẳng. Tôi không muốn gia đình của những người bị tôi giết trả thù mình” – Maria nói.
Cô cũng trăn trở về những gì con cái cô sẽ nghĩ về cô. Cậu con trai lớn của cô từng hỏi vì sao cha mẹ lại kiếm được nhiều tiền như thế. “Tôi không muốn chúng đi theo con đường của mình và không muốn nói chúng có thể sống nhờ vào số tiền mà cha mẹ chúng đi giết thuê”.
Maria hiện đang có nhiều “hợp đồng” phải hoàn thành nhưng cô muốn đây sẽ là hợp đồng cuối cùng. Cô muốn kết thúc công việc “đâm thuê giết mướn này”. Tuy nhiên, ông chủ cô đe dọa sẽ thủ tiêu bất kỳ ai muốn rời bỏ đội ngũ. Maria cảm thấy bị mắc kẹt. Cô xưng tội ở nhà thờ nhưng chưa bao giờ dám kể cho mục sư biết việc mình làm.
THÁI LAI
Theo PLO
Tổng thống Philippines: Sẽ điều tra lạm quyền, nhưng không nhượng bộ tội phạm ma túy
Hơn 500.000 người đã tự nộp mình cho cảnh sát vì hoảng sợ trước sự quyết liệt của Tổng thống Duterte.
Ngày 5-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo với báo chí rằng ông vừa ra chỉ thị "bắn chết" không nương tay đối với thành phần buôn lậu ma túy, kể cả các chính trị gia có dính dáng đến hoạt động này.
"Chúng tôi thật sự sẽ giết mà không chùn tay. Hãy nhìn những gì chúng đã làm với Philippines và tôi có thể tha thứ được sao?", tổng thống Duterte nói trong một cuộc họp báo ở TP Davao, sau khi ông đến thăm một quan chức cảnh sát bị một tội phạm ma túy bắn vào ngực.
"Chỉ thị của tôi là bắn chết chúng. Tôi không quan tâm đến nhân quyền đâu, tốt hơn chúng nên tin tôi."
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết không nhân nhượng tội phạm ma túy. Ảnh: REUTERS
Trong hơn một tháng đã có hơn 400 người bị bắn chết tại Philippines trong cuộc truy quét tội phạm ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động. Nhiều nhóm nhân quyền cho rằng chính phủ Philippines đã lạm quyền khi bắn chết tội phạm ma túy mà không qua xét xử.
Trước chỉ trích này, tối 4-8, Tổng thống Duterte thừa nhận có khả năng có sự lạm quyền trong cuộc chiến này, tuy nhiên ông khẳng định vẫn sẽ tiếp tục truy quét và bắn bỏ chứ không nhượng bộ tội phạm ma túy.
Theo ông, hầu hết những kẻ buôn lậu và nghiện ma túy bị cảnh sát bắn chết trước đó đều có đấu súng chống lại cảnh sát. Dù thế ông cho biết chính phủ sẽ điều tra khả năng lạm quyền.
Tổng thống Duterte trước đây vốn là một công tố viên của chính phủ Philippines. Ông từng nói rằng vì từng làm trong ngành tư pháp nên ông biết rõ tiến trình truy tố, xét xử phức tạp và mất thời gian thế nào, lại có rủi ro bỏ lọt tội phạm.
Tổng thống Duterte phát động chiến dịch truy quét ma túy nhằm mục tiêu chấm dứt nạn buôn lậu ma túy trong vòng 6 tháng. Ngoài hơn 400 người bị giết còn có hơn 4.400 người bị bắt.
Sự quyết liệt của Tổng thống Duterte đã làm bọn buôn lậu ma túy và thành phần nghiện ma túy hoảng sợ. Hơn 500.000 người đã tự nộp mình cho cảnh sát.
Tổng thống Duterte cho biết ông đang tính xây dựng thêm một số trung tâm cai nghiện trong các doanh trại quân đội để cai nghiện cho những người nghiện tự nộp mình.
THIÊN ÂN
Theo Danviet
Tổng thống Philippines thề theo đuổi chiến dịch truy sát tội phạm ma túy Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay tuyên bố sẽ duy trì lệnh "bắn chết" những kẻ buôn bán ma túy và khẳng định ông "không quan tâm đến nhân quyền". Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters Khoảng 800 người đã thiệt mạng kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống Philippines và áp dụng chính sách mạnh tay đối với...