Nữ sinh y khoa tốt nghiệp sớm để chống dịch
Ngày 31/1, Fatoumata Bogoy Bah, 26 tuổi, dự lễ tốt nghiệp trực tuyến của Đại học Y Massachusetts trên Zoom, sau đó tham gia chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19.
Fatoumata sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống ngành y, mẹ làm việc tại một viện dưỡng lão trong khi chị gái làm ở khoa cấp cứu. “Tôi không chịu được việc nhìn mẹ và chị chăm sóc, cứu người trong khi mình không biết làm gì. Đó là lý do tôi theo đuổi ngành học này”, cô chia sẻ.
Theo kế hoạch, Fatoumata sẽ kết thúc năm cuối Đại học Y Massachusetts vào tháng 7 với sự góp mặt của đông đảo gia đình và bạn bè. Sau đó, cô sẽ tự thưởng một chuyến du lịch nước ngoài trước khi trở thành bác sĩ nội trú.
Thế nhưng Covid-19 xảy ra khiến kế hoạch của cô gái 26 tuổi bị đảo lộn. Fatoumata tốt nghiệp trường y sớm hơn gần hai tháng, tình nguyện làm việc tại Trung tâm Y tế UMass Memorial ở Worcester, Massachusetts.
“Nếu vài tháng trước, ai đó gặp tôi và nói sẽ làm những công việc này vào tháng 4 năm nay, tôi sẽ nhìn họ như thể họ mất trí rồi. Tôi chưa từng tưởng tượng ra điều mình đang làm hiện tại”, Fatoumata nói.
Chưa đầy một tuần sau lễ tốt nghiệp ngày 31/3, cô bắt đầu công việc tại Trung tâm Y tế UMass Memorial (Massachusetts), tham gia khóa học điều trị từ xa và chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Lúc đó, Massachusetts có hơn 28.000 ca dương tính.
Nữ sinh y khoa Fatoumata Bogoy Bah. Ảnh: Good Morning America
Fatoumata làm việc tại khu vực cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 trong bệnh viện. Hàng ngày, cô chủ yếu giao tiếp với người bệnh thông qua điện thoại và video. Bệnh viện chỉ cho một bác sĩ đi thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân để giảm rủi ro lây lan virus.
Video đang HOT
Các lãnh đạo bệnh viện cho biết, việc không để cho Fatoumata cùng sinh viên vừa tốt nghiệp khác tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo do bác sĩ tình nguyện không thể ở lại lâu dài.
Tháng 7 tới, Fatoumata sẽ trở thành bác sĩ nội trú ngành gây mê tại Bệnh viện New York-Presbyterian Hospital, Trung tâm y tế Weill Cornell, thành phố New York, nơi được coi là điểm nóng của Covid-19. “Tuy có chút lo lắng, tôi rất háo hức khi có cơ hội tham gia vào công tác y tế tại New York”, Fatoumata nói.
Dù trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch, Fatoumata không hề lăn tăn hay nghi ngại, cho rằng đây là một quyết định “không thể đúng đắn hơn”. “Tôi thấy mình đang thực sự được sống trong lý tưởng và mục đích của bản thân khi lựa chọn theo đuổi ngành Y. Tại viện, tôi học được sự bình tĩnh của mọi người và biết bản thân đang đi đúng hướng mình muốn”, cô nói.
Đến 20/4, Covid-19 đã lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 2,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 170.000 người chết. Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 800.000 ca dương tính, trong đó 42.000 trường hợp tử vong.
Thanh Hằng
Sinh viên y chống dịch 12 tiếng mỗi ngày
Corin Kinkhabwala, 29 tuổi, sinh viên Đại học Y khoa Albert Einstein, thành phố New York dự kiến tốt nghiệp tháng 6, nhưng Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.
Thay vì thực hiện nghiên cứu khoa học để tốt nghiệp, Corin đang tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại Bệnh viện Montefiore, thành phố New York. Hai tuần trước, anh nhận được email tuyển tình nguyện viên chống dịch. "Ban đầu, tôi cảm thấy hoảng sợ. Email cho thấy tình hình thành phố đang khó khăn, thiếu nhân viên y tế", Corin nói.
Corin kể dù là bác sĩ, bố của anh phản đối quyết định tham gia tình nguyện của con trai. "Bố tôi đã làm việc nhiều năm trong nghề y nhưng ông chưa thấy dịch bệnh nào như vậy. Ông thấy số lượng thanh niên nhiễm bệnh tăng cao còn tôi lại đi vào tâm dịch", anh nói.
Corin Kinkhabwala hiện đang điều trị cho bệnh nhân nCoV tại bệnh viện Montefiore, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Stefano Giovannini.
Nhớ lại ngày đầu nhận việc, Corin vẫn cảm thấy sợ hãi vì "chưa từng có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh này". Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, anh đã thôi lo lắng, tập trung vào công việc trước mắt và học hỏi kinh nghiệm từ nhân viên y tế.
Làm việc 12 giờ mỗi ngày, Corin nhận xét bệnh viện luôn ở trong tình trạng hỗn loạn. Nhiều bệnh nhân đang ở trạng thái ổn định nhưng sức khỏe đột ngột suy giảm. Một số không qua khỏi.
"Có lần chỉ trong một tiếng, chúng tôi phải điều trị cho bệnh nhân nguy kịch. Mọi người hết sức hoảng loạn và không biết làm gì hơn là cứu càng nhiều người càng tốt", Corin nói. Tuy nhiên, anh nhận xét vẫn có những ánh sáng le lói. Nhiều người tưởng chừng không thể qua khỏi đã vượt qua và hồi phục.
Giờ đây, khẩu trang đã trở thành món đồ quý giá đối với nhân viên y tế tại bệnh viện. Corin đã sử dụng một chiếc mặt nạ N95 trong nhiều ngày và không biết tình hình sẽ kéo dài đến bao giờ.
"Chúng tôi cố gắng để không bị lây nhiễm nhưng vẫn lo ngại mình đã sơ suất. Tôi sợ virus có thể nằm trên bàn chải đánh răng của mình nhưng việc duy nhất có thể làm là chấp nhận và kiên trì làm việc", Corin nói.
Ngày 4/4, Thống đốc New York Andrew Cuomo ký quyết định cho sinh viên năm cuối ngành y tại các trường đại học trên địa bàn tốt nghiệp sớm. Các khóa học, kỳ thi, lễ tốt nghiệp bị hủy bỏ, thay vào đó tân cử nhân được điều động đến bệnh viện địa phương để hỗ trợ nhân viên y tế điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV.
Theo học chuyên ngành Tiết niệu tại Trường Y khoa Columbia, Randy Casals vẫn đăng ký tham gia chống dịch dù "không có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm". Các khóa học của Randy đã phải hủy bỏ, lễ tốt nghiệp vào tháng 5 dự kiến sẽ được tổ chức trực tuyến.
"Tôi không muốn ngồi nhà xem phim, tận hưởng thời gian nghỉ trong khi tôi có kỹ năng để giúp đỡ nhân viên y tế và các bệnh viện đang thiếu nguồn nhân lực", anh nói.
Khóa học của Randy Casals đã phải hủy bỏ vì Covid-19. Ảnh: Stefano Giovannini.
Katleen Lozada, 30 tuổi, sinh viên Trường Y khoa Icahn, thành phố New York, dự kiến làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện Mount Sinai từ tháng 7, sau khi tốt nghiệp. Nhưng hiện tại, cô cảm thấy háo hức đan xen lo lắng khi được giao nhiệm vụ liên lạc với gia đình bệnh nhân nhiễm nCoV.
"Đọc tin Italy cho sinh viên ngành y tốt nghiệp sớm, tôi biết nước Mỹ cũng sẽ sớm đưa ra quyết định tương tự để bảo vệ mình", Katleen nói.
Khi nhận được lời kêu gọi người tình nguyện, Katleen e ngại không được trang bị đồ bảo hộ vì tình trạng khan hiếm nhưng sau đó tin tưởng rằng "bệnh viện sẽ bảo vệ an toàn cho tất cả mọi người".
Làm việc tại Bệnh viện Bellevue, New York, Gabrielle Mayer, sinh viên khoa Y Đại học New York, lo lắng về tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế và đồ bảo hộ. "Hiện tại bệnh viện đã cung cấp thiết bị bảo hộ nhưng mọi việc đều có rủi ro nên y bác sĩ luôn phải giương cao cảnh giác", cô nói và cho hay dù lo lắng, bố mẹ cô vẫn ủng hộ quyết định của mình.
Đến ngày 9/4, Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh, 88.000 người chết. Mỹ ghi nhận 435.167 ca nhiễm nCoV, trong đó 14.797 người tử vong, là vùng dịch lớn nhất thế giới. New York đang là tâm dịch của nước Mỹ với 149.316 ca nhiễm, 6.268 người chết.
Tú Anh
Khiến 11 người nhiễm Covid-19, giáo sư Nga đối mặt bản án 5 năm tù Vì giấu chuyện trở về từ vùng dịch và không tự cách ly, một người phụ nữ ở Nga đã khiến 11 người mắc COVID-19 và 1.200 người đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh. Bà bị truy tố và có thể lãnh án 5 năm tù. Giấu chuyện trở về từ vùng dịch Tây Ban Nha và không tự cách ly, một người...