Nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm gây bất ngờ cho Phó thủ tướng
“Đất nước Việt Nam có ba điều gì làm em tự hào nhất?” là câu hỏi của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi về trường Đoàn Thị Điểm dịp 20/11. Câu trả lời của 2 nữ sinh khiến ông bất ngờ và cho 10 điểm.
Sáng 17/11, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam tại trường phổ thông Đoàn Thị Điểm (khu đô thị Bắc Cổ Nhuế – Chèm, Từ Liêm, Hà Nội). Phó thủ tướng gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đến dự và chúc mừng thầy cô trường Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Hoàng Thùy.
“Những ngày này, lãnh đạo Đảng, nhà nước và địa phương đều đến các trường để khẳng định rằng đất nước Việt Nam 4.000 năm nay đều cần đến thầy cô, 90 triệu dân Việt Nam cần một triệu thầy cô và các em học sinh cần các thầy cô”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trường Đoàn Thị Điểm có truyền thống 15 năm dạy tiểu học, 7 năm trung học, tuy thời gian chưa dài nhưng đã đạt được nhiều thành quả. Học sinh lớp bé cần xem các anh chị học tập như thế nào để phấn đấu.
“Nhớ thời chúng tôi, phòng học không ở trên cao mà ở dưới thấp. Mỹ ném bom miền Bắc nên trường phải dời về Thái Nguyên. Lớp đào xuống đất sâu 1,5m để học, máy bay ngày nào cũng bay qua đầu. Mỗi tối đi ngủ, sáng hôm sau chúng tôi dậy lo nhất là không tìm ra lọ mực vì đó là thứ quý giá nhất với học trò thời chiến. Còn bây giờ các em dậy chỉ lo không thuộc bài, phải không?”, Phó thủ tướng cười tâm sự.
Video đang HOT
Phó thủ tướng bất ngờ vì câu trả lời rất chính xác của Trần Hồng Huệ Chi về xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng đầu thế giới. Ảnh: Hoàng Thùy.
Bất ngờ đặt câu hỏi: “Đất nước Việt Nam có ba điều gì làm em tự hào nhất?”, Phó thủ tướng nhận được câu trả lời của em Trịnh Mai Chi (lớp 9A2). Chi bày tỏ, ba điều mà em tự hào nhất là truyền thống yêu nước của dân tộc, đạo hiếu – truyền thống uống nước nhớ nguồn và sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đánh giá câu trả lời xuất sắc, đáng nhận điểm 10, Phó Thủ tướng căn dặn, nếu nhân dân ta không có đoàn kết dân tộc, chia sẻ ngọt bùi, quyết tâm giữ gìn đất nước 4.000 năm qua thì không có Việt Nam như hôm nay. Chỉ có truyền thống yêu nước đó mới giữ được đất nước, đánh đuổi ngoại xâm.
Phó thủ tướng phân tích, cách đây 100 năm cứ 100 người Việt Nam thì 95 người không biết đọc, nay 100 người có 96 người biết đọc, biết viết. Từ một dân tộc không biết chữ nay đã phổ cập được trung học cơ sở, đó là nhờ công của người thầy.
“Người Việt Nam thường hỏi tại sao có mình? Đó là nhờ cha mẹ sinh ra, nuôi dạy và được quê hương đùm bọc. Còn uống nước nhớ nguồn là nhắc các em phải nhớ ơn thầy cô”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng gửi tặng trường Đoàn Thị Điểm bức tranh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Riêng về ý kinh tế Việt Nam phát triển, Phó thủ tướng mời em Trần Hồng Huệ Chi (lớp 6A1) lấy ví dụ thể hiện rõ nhất. Chi cho rằng, xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới là ví dụ tốt nhất thể hiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Phó thủ tướng phải thốt lên “Huệ Chi là bất ngờ lớn nhất của ngày hôm nay”.
Sau cuộc trao đổi thú vị với học sinh, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích trường Đoàn Thị Điểm cần tiếp tục chú trọng giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh và mong muốn học sinh phải cố gắng để luôn là niềm vui, tự hào của bố mẹ, thầy cô.
“Cám ơn các thầy cô đã hết lòng vì học sinh, chúc các thầy cô luôn tự hào về nghề nghiệp, không ngừng phấn đấu để làm tấm gương cho học sinh về đạo đức, về tự học, về sự sáng tạo”, Phó thủ tướng nói.
Trong năm học qua, THCS Đoàn Thị Điểm có 33 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, 4 em giành giải trong cuộc thi toán châu Á Thái Bình Dương, 3 học sinh đoạt giải cuộc thi hùng biện tiếng Anh quốc tế, 6 học sinh có huy chương trong cuộc thi toán tuổi thơ toàn quốc, 3 em đạt cấp quốc gia môn tiếng Anh qua Internet, một học sinh của trường được cử tham gia hội thảo quốc tế về quyền trẻ em tại Srilanka và Thái Lan…. Kết quả thi đại học của trường THPT Đoàn Thị Điểm đạt thứ 14 của Hà Nội và 110 cả nước.
Theo VNE
Vinh danh các nhà giáo
Đại học Quốc gia TPHCM ngày 16-11 đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Dịp này, Đại học Quốc gia TPHCM đã vinh danh và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho GS-TS Ngô Văn Lệ (Khoa Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 16 nhà giáo.
Đây là những nhà giáo có nhiều cống hiến trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản trị... và có thời gian công tác lâu dài trong ngành giáo dục (từ 17-31 năm) như PGS-TS Dương Anh Đức, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, PGS-TS Đặng Mậu Chiến, PGS-TS Hoàng Dũng, GS-TS Nguyễn Thị Cành...
Hiện nay, Đại học Quốc gia TPHCM có hơn 5.300 cán bộ, giảng viên, trong đó có 29 GS, 182 PGS; 2 Nhà giáo Nhân dân và 49 Nhà giáo Ưu tú.
T.Vinh
Theo người lao động
Quà nào cho ngày Nhà giáo? Giáo dục Việt Nam đang "ngồi ghế nóng" trên các phương tiện truyền thông, trong nghị trường Quốc hội, thậm chí trong các bữa cơm gia đình. Hàng loạt những vụ việc tai tiếng trong lĩnh vực giáo dục đăng tải trên báo chí đã đưa dư luận hết dạt đến góc nhìn này lại sang góc nhìn khác, nhưng phần lớn, kết...