Nữ sinh ‘không chân’ bước vào đại học, người mẹ nghèo xúc động ‘như một giấc mơ’
Thùy bị chứng cứng đa khớp, hai chân teo tóp từ khi mới sinh, gia đình chỉ nghĩ em đi học cho vui, nhưng không ngờ cô bé khuyết tật nơi cửa biển Diêm Phố đã vượt lên số phận nghiệt ngã để bước vào giảng đường đại học.
Hành trình gian truân của cô gái “không chân”
Những ngày cuối tháng 8 này, Nguyễn Thị Thùy (ngụ thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc, Thanh Hóa), học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4, đang chuẩn bị hành trang để nhập học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội.
Hành trình đầy gian truân của cô bé “không chân” bước vào giảng đường đại học. Ảnh MINH HẢI
Căn nhà 50 m 2 lọt thỏm trong con hẻm rộng chưa đầy sải tay ở xã Ngư Lộc – nơi có mật độ dân số lớn nhất Việt Nam, là nơi trú ngụ của 5 người trong gia đình Thùy.
Dù bị chứng cứng đa khớp, đôi chân bị co quắp không thể đi lại, nhưng hằng ngày Thùy vẫn dùng đôi tay để thay chân di chuyển giúp mẹ quét nhà, nhặt rau, nấu cơm.
Cô bé khuyết tật ngày ngày được mẹ chở bằng xe đạp đến trường nay đã sắp bước vào giảng đường đại học, nhờ nghị lực vượt qua khó khăn của số phận để vươn lên học tập.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thùy đăng ký khối C00 với ước mơ làm cô giáo và đã đạt tổng điểm 25,5 (môn văn 8,75 điểm, lịch sử 8,5 điểm và địa lý 8,25 điểm). Tuy nhiên, mới đây Thùy thay đổi nguyện vọng, đăng ký xét tuyển học bạ và trúng tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Hà Nội.
Video đang HOT
Hằng ngày, Thùy vẫn giúp mẹ những việc nhẹ nhàng như quét nhà, làm rau. Ảnh MINH HẢI
“Em sinh ra đã không được như các bạn cùng trang lứa, không thể đi lại bằng chân được, nhưng càng lớn, em thấy cảnh bố vất vả đi biển triền miên, mẹ nắng mưa đi mổ cá thuê khiến em càng quyết tâm học tốt để có công việc, thu nhập ổn định. Các năm học cấp 2, cấp 3 em đều là học sinh khá và giỏi. Em biết chương trình đại học sẽ khó khăn và vất vả hơn nữa, nhưng em sẽ quyết tâm học thật tốt để không phụ công mọi người”, Thuỳ chia sẻ.
Hành trình học tập của Thùy thực sự là một kỳ tích. Thùy không học tiểu học như các bạn cùng trang lứa, mà tham gia lớp học tình thương do một giáo viên ở xã dạy. Lên 11 tuổi, Thùy được đặc cách vào học lớp 6 ở Trường THCS Ngư Lộc. Kể từ đó, Thùy luôn là học sinh khá, giỏi.
Đầu gối của Thùy chai sạn do tiếp đất mỗi khi di chuyển. Ảnh MINH HẢI
Bà Bùi Thị Tới (52 tuổi, mẹ của Thùy) cho biết, khi Thùy lên 8 tuổi gia đình chỉ nghĩ cho Thùy đi học lớp học tình thương để cho con vui, biết được chữ nào hay chữ đó chứ không nghĩ tới chuyện theo học hết cấp này đến cấp khác.
“Đến bây giờ, sau 10 năm đưa đón, cháu nó đã học xong cấp 3 và sắp đi học đại học rồi. Nghĩ lại như một giấc mơ vậy. Bây giờ vừa mừng lại vừa lo, ra ngoài trường đại học chắc tôi sẽ không theo cháu suốt hành trình học tập được. Tôi cũng dự định mấy hôm nữa đi cùng cháu ra trường, ở cùng cháu thời gian đầu cho quen trường, quen bạn, rồi sau đó nhờ nhà trường hỗ trợ để cháu có thể ở lại học tập một mình”, bà Tới nói.
Mong muốn có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống bản thân
Gia đình Thùy thuộc diện hộ cận nghèo ở xã. Trong gia đình, không chỉ Thùy không may mắn, mà người anh trai cả của em cũng không được như người khác, không thể lao động kiếm sống dù đã trưởng thành. Người anh thứ hai đang phải đi làm thuê ở Hà Nội.
Thùy mong muốn sớm học xong đại học, có việc làm ổn định, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân để bố mẹ đỡ vất vả. Ảnh MINH HẢI
Gánh nặng gia đình bao năm qua dựa vào người bố nay đã 57 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn phải đi biển thuê. Còn bà Tới, vừa phải lo cơm nước chăm sóc các con, nên mỗi tháng chỉ tranh thủ được ít thời gian đi mổ cá thuê kiếm thêm được từ 1 – 2 triệu đồng/tháng.
Vì thế, mong muốn của Thùy là học xong đại học, có việc làm ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân.
“Trước em mong muốn làm cô giáo, nhưng em mới quyết định học ngành công nghệ thông tin để sau này có thể làm công việc văn phòng, ít phải di chuyển, phù hợp với em hơn. Em chỉ mong sao sớm kiếm được tiền để bố mẹ đỡ vất vả thôi”, Thùy nói.
Nghị lực vượt qua số phận của cô bé Thùy nơi xã đảo Ngư Lộc đã là tấm gương sáng để cho các bạn trẻ noi gương. Hành trình phía trước của Thùy sẽ còn nhiều gian truân, rất mong cộng đồng có sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của để cô bé “không chân” vững vàng hơn trên giảng đường đại học.
Chàng trai 2K chinh phục hành trình đi bộ xuyên Việt trong 893 ngày
Sau gần 2 năm rưỡi, cuối cùng, chàng thanh niên trẻ quê Nam Định - Vũ Duy Hoàn đã kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt 0 đồng gây chấn động của mình tại cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.
Vào ngày 7/8 vừa qua, Vũ Duy Hoàn chính thức đặt chân đến cột cờ Lũng Cú, đánh dấu hoàn thành chặng đường đi bộ vượt qua hơn 3.000km chiều dài đất nước, từ Đất Mũi Cà Mau đến Hà Giang, một kỷ lục mà rất có thể sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa mới có người vượt qua.
Vũ Duy Hoàn chính thức khép lại hành trình 893 ngày đi bộ xuyên Việt 0 đồng của mình tại cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: Facebook Vũ Duy Hoàn
Tự nhận có máu phiêu lưu trong người bắt nguồn từ những ngày làm hướng dẫn viên du lịch, Vũ Duy Hoàn quyết định thử thách bản thân bằng cách đi bộ dọc đất nước để trải nghiệm cuộc sống. Chàng trai chia sẻ, bản thân thực hiện chuyến đi này với ba mục đích. Thứ nhất là cổ vũ tinh thần dám nghĩ dám làm của giới trẻ ngày nay. Thứ hai là truyền tải thông điệp "sống là để yêu thương", vì mỗi con người trên thế giới này đều ẩn chứa lòng trắc ẩn bên trong. Cuối cùng là "cuộc sống sẽ thú vị hơn khi có nhiều trải nghiệm".
Xuất phát từ mũi Cà Mau vào ngày 26/2/2020, hành trang của Hoàn chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo, đôi giày chạy bộ, cây gậy cùng chiếc túi 0 đồng.
"Khi không có tiền, chúng ta sẽ như thế nào? Làm thế nào để sống sót, sinh tồn hoàn thành chặng đường vạn dặm này? Hành trình này cũng là cơ hội để Hoàn mang đến những trải nhiệm thực tế nhất cho mọi người hiểu hơn về văn hóa các vùng miền trên đất nước Việt Nam ta", Hoàn bộc bạch.
Chuyến đi ban đầu được dự tính hoàn thành trong 100 ngày, nhưng đại dịch xuất hiện đã khiến chàng trai buộc phải kéo dài thời gian. Để trang trải cho chuyến đi, Hoàn thường xin việc làm tại những nơi anh đặt chân đến để đổi lại thức ăn và chỗ ngủ. Có những ngày anh ra đồng bắt cá sông, phụ bán bún, bán nước đến cắt cỏ, thu hoạch dứa... cùng người dân. Hành trình mỗi ngày của Hoàn bắt đầu từ 4 giờ 30 đến 12 giờ, buổi chiều sẽ từ 14 giờ đến 17 giờ. Cứ thế ngày qua ngày, Hoàn lại đi thêm 30 đến 40 cây số.
Hoàn phụ việc cùng người thợ điêu khắc đá tại làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình). Ảnh: Facebook Vũ Duy Hoàn
"Muốn được ở lại ngủ nhà người lạ thì điều quan trọng là mình phải thật sự chân thành, tạo niềm tin cho những người mình gặp", Hoàn nói về bài học kinh nghiệm sau những ngày khó khăn nhưng đầy thú vị của mình.
Trên chuyến hành trình vạn dặm trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên và con người xứ sở, Hoàn liên tục thực hiện nhiều đoạn video để chia sẻ trên mạng xã hội và được rất nhiều người biết đến và yêu thích.
"Trên dọc đường anh chị có tặng em tiền, nhưng hành trình của em đi không dùng tiền cho nên em đã nói rằng, nếu trên đường đi có gặp hoàn cảnh khó khăn hơn thì em sẽ gửi tặng số tiền được nhận cho người đó. Đến bây giờ kết thúc rồi mà trong túi vẫn còn tiền của các anh chị", chàng trai Nam Định chia sẻ.
Được biết, Hoàn sẽ dùng số tiền nhận được từ những nhà hảo tâm và từ kênh YouTube của mình để làm từ thiện tại những vùng cao, qua đó, tăng thêm phần ý nghĩa cho chuyến đi bộ xuyên Việt của mình. Chàng thanh niên nhắn gửi: "Em sẽ tới những bản làng xa xôi của Hà Giang còn đang gặp nhiều khó khăn để đi làm từ thiện, tu sửa lại trường học cho các em. Anh chị em ở Hà Giang có gặp em trên đường có thể chụp với em một tấm ảnh kỷ niệm. Trên đường đi làm từ thiện, nếu có khó khăn gì thì cũng mong anh chị em giúp đỡ".
Tại mỗi nơi Hoàn ghé thăm đều được người dân tiếp đón nhiệt tình, để lại trong tim chàng trai trẻ nhiều kỷ niệm đẹp. Ảnh: Facebook Vũ Duy Hoàn
Chuẩn bị hành trang lên đường cùng diễn đàn Du học Pháp năm 2022 Ngày 27.7, Campus France Vietnam, bộ phận chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thông tin sẽ phối hợp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức diễn đàn Du học Pháp lần thứ 17 năm 2022. Theo đó, diễn đàn Du học Pháp giúp trả lời những thắc mắc của các bạn sinh viên...