Nữ sinh giết bạn trước cổng trường khai gì tại CQĐT?
Ngày 23/1, được sự đồng ý của CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang, PV đã có 30 phút trò chuyện với nữ sinh vừa gây trọng án chấn động miền sơn cước này.
Nguyễn Thị Hoa tại Trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang
“Bây giờ em nghĩ lại được thì đã muộn”
Chúng tôi tìm về thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi vừa xảy ra một vụ hỗn chiến của một nhóm nữ sinh, gây chấn động cả vùng quê. Hậu quả là Thân Thị Hồng H. bị thiệt mạng, Nguyễn Thị Hải bị thương nặng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được một nữ sinh (xin được giấu tên) cùng học với Hoa và Hải tại lớp 10C, Trung tâm Giáo dục thường xuyên- dạy nghề huyện Lục Nam cho biết: “Mâu thuẫn giữa Hải và Hoa đã có từ lâu, nên buổi sáng 18/1, khi ra chơi em thấy Hải cãi cọ với Hoa, việc cãi nhau này có nhiều bạn cùng lớp biết.
Sau đó đến trưa cùng ngày khi tan học đến cổng trường THPT dân lập, Lục Nam, tại đây Hải và Hoa lại cãi nhau, cả hai xông vào đánh nhau, đến khi em thấy Hoa đuổi theo Hải, Hải vừa chạy vừa thấy máu chảy xuống đất, khi đó chúng em mới biết là Hải bị đâm. Thấy Hải bị đâm thì H. xông vào (Thân Thị Hồng H. và Hải là hai chị em con cô con bác).
Trong lúc em đang nhìn thấy Hải máu me chảy nhiều, đến khi quay lại em đã thấy H. nằm gục ở dưới đất. Quá hoảng sợ em không dám nhìn nữa nên không biết gì thêm, vả lại lúc đó có rất đông bạn học sinh khác lớp cùng tan học đến vây kín. Buổi chiều hôm đó chúng em nghe tin H. đã tử vong, Hải bị thương nặng”. Cũng theo học sinh này cho biết, Hoa có người yêu ở trường cao đẳng Kinh tế, nhưng việc cãi nhau có xuất phát từ ghen tuông hay không thì em không dám khẳng định.
Ngồi trước mặt chúng tôi, Nguyễn Thị Hoa bật khóc và tỏ ra ân hận, khi biết hành vi của mình gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hoa khai nhận: “Buổi sáng 18/1, vào giờ ra chơi Hải gặp em và nói: “Tại sao mày lại bảo tao ngủ với trai có thai phải đi phá?”. Em trả lời: “Tao nói như thế bao giờ?”. Hải tiếp: “Tao có đi ngủ với trai đời nào tao lại để cho mày biết”.
Sau đó Hải bảo em: “Cuối giờ ra cổng trường có người gặp mày”. Em và bạn ấy lời qua tiếng lại một lúc sau đó cả hai đều vào học. Đến khi tan học H. và Hải đón đầu em ở cổng trường, cả hai xông vào đấm đá và tát em, không kiềm chế được nên em đã lấy dao để ở trong cặp sách và đâm Hải một nhát, Hải bỏ chạy. H. xông vào, em đâm H. 2 nhát”. Về con dao, Hoa lý giải buổi sáng, Hoa không ăn sáng nên đã mang theo dao gọt hoa quả để ăn.
Trước khi chào chúng tôi để trở về phòng giam, Hoa nói trong nước mắt: “Em muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình bạn Thân Thị Hồng H. và mong cho bạn Hải nhanh lành vết thương. Chỉ vì em không kiềm chế được nên đã gây hại cho bạn và bản thân, bây giờ em mới nghĩ lại được thì đã muộn”.
Đánh nhau ở cổng trường như cơm bữa (!?)
Chúng tôi tới cổng trường THPT dân lập Đồi Ngô, nơi xảy ra án mạng hỏi thăm bà Nguyễn Thị X. – người bán hàng trước cổng trường cho biết: “Trưa 18/1, lúc đó là giờ tan học, tôi thấy một tốp học sinh nữ tụ tập trước cửa quán đối diện bên kia đường, tôi nghĩ chúng lại đánh cãi chửi nhau như mọi khi, biết đâu sự việc lại nghiêm trọng như vậy.
Vì ở trường này, chuyện học sinh đánh nhau ở cổng trường sau giờ tan học xảy ra như cơm bữa. Cách đây mấy hôm, một nhóm học sinh nam cũng đánh nhau gây náo loạn cả khu vực, nhưng tôi chẳng thấy công an, bảo vệ, hay thầy, cô giáo nào can ngăn. Vả lại ở cái tuổi này các cháu hung hãn và dễ hư hỏng, nên gia đình phải quan tâm.
Nhưng nói thật với chị, gia đình khó khăn, cha mẹ phải đi kiếm miếng ăn cho con, lại nghĩ là con mình đã lớn nên không để ý. Cái tuổi “nhất quỷ” này sợ lắm!”. Ngoài bà X. còn rất nhiều người dân xung quanh khu vực cổng trường Trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề huyện Lục Nam cho hay: Học sinh ở khu vực này ngỗ ngược lắm, chỉ cần mâu thuẫn nhỏ chúng có thể dùng gậy gộc, nắm đấm hành xử với nhau.
Video đang HOT
Anh Ngô Quang Tuấn, một người dân sống gần trường cho biết: “Tôi đã nhiều lần chứng kiến sau giờ tan học buổi trưa và buổi chiều, học sinh của Trung tâm giáo dục thường xuyên, thậm chí ở cả nơi khác đến đây tụ tập đánh nhau.
Đã có nhiều vụ xô xát giữa các học sinh nữ với nhau, tuy là con gái nhưng phải nói là các cháu rất nghịch ngợm. Đánh bạn rồi quay cả clip để gây sự chú ý của các bạn khác, cho mình như thế là “anh hùng”. Con gái bây giờ cũng kinh khủng chứ không riêng gì con trai. Nhiều học sinh nữ đánh nhau tôi phải ra can các cháu mới thôi, nói thật đối học sinh nam phải có công an, tôi ra can không khéo nó cho mình ăn đòn.
Vì cái tuổi của các cháu có lớn, nhưng chưa có khôn, nên ở lứa tuổi 15-16, cha mẹ phải theo dõi kèm cặp đến nơi đến chốn. Tôi không hiểu việc giáo dục bây giờ ra sao? Học sinh không biết quý trọng tình cảm bạn bè cùng học, thậm chí không tôn trọng các thầy cô…”. Cũng theo anh Tuấn, sự việc đáng tiếc nêu trên xảy ra có phần lỗi lớn từ phía gia đình.
Được biết, gia cảnh nhà nạn nhân Thân Thị Hồng H. rất éo le, cha phải đi làm thuê tận trong Nam, mẹ làm ruộng. Còn Hải, mẹ đi lao động ở nước ngoài, ở nhà có ba bố con. Từ khi Hải nhập viện chỉ có mình người cha tất tả chạy ngược chạy xuôi chăm sóc, lo lắng cho con.
Con dại cái mang
Chúng tôi tìm đến nhà hung thủ Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đọ Trại, xã Cương Sơn, huyện Lục Nam, mới biết Hoa có gia cảnh cũng rất khó khăn. Anh Nguyễn Văn T. là hàng xóm của cạnh nhà Hoa cho biết: “Bố mẹ Hoa phải đi phụ hồ, gánh gạch thuê, nên ít có thời gian để mắt đến con cái.
Gia đình Hoa có hai chị em, chị gái của Hoa đi làm xa, Hoa sống hòa đồng, vui vẻ với mọi người xung quanh, chưa hỗn láo với ai ở làng xóm. Vì thế khi hay tin nó cầm dao tước đi mạng sống của bạn học và đâm trọng thương một bạn học khác, ai cũng sốc”.
Bố mẹ Hoa – ông Nguyễn Văn T. và bà Lê Thị T. nét mặt thất thần, ủ dột mỗi khi có người hỏi thăm đứa con gái vừa phạm trọng tội. Bà T. nói trong nghẹn nghào: “Ngay sau khi biết con gây án, vợ chồng tôi đã đưa con đến công an xã đầu thú và nhờ người đến hỏi thăm, mong chia sẻ phần nào nỗi đau mất mát đối với gia đình cháu H., cháu Hải. Con dại cái mang, bây giờ chúng tôi chẳng biết làm sao.
Tôi ân hận lắm cũng chỉ vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng mải mê làm ăn không quan tâm đến con cái. Khi mới học được một kỳ nhưng có nhiều lần cháu xô xát với bạn bè, bị đánh sưng tím mặt mày, chúng tôi cũng chủ quan không để ý tới, nghĩ là những hành động nghịch ngợm, dại dột của tuổi học trò nên không sát sao, dẫn đến cháu có suy nghĩ lệch lạc, hành xử thiếu suy nghĩ. Giờ chúng tôi nghĩ được như vậy thì đã quá muộn rồi…”.
Giá như không có sự vô cảm…
Để tìm hiểu về nguồn cơn dẫn đến sự việc đau lòng trên, chúng tôi có buổi tiếp xúc với ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề Lục Nam, nơi Nguyễn Thị Hải và Nguyễn Thị Hoa đang theo học.
Ông Phương cho biết: “Sự việc cháu Hoa và Hải xảy ra đánh nhau là rất đáng tiếc. Hoa và Hải đều học lớp 10C, cả hai có lực học trung bình, hơi nghịch nhưng không phải học sinh cá biệt. Hải còn được tín nhiệm bầu là lớp trưởng.
Riêng Hoa, học kỳ I bị hạ một bậc hạnh kiểm do có xô xát với bạn học khác dịp đầu năm, song từ đó đến nay chưa có biểu hiện gì. Để xảy ra sự việc đau lòng này là điều rất đáng tiếc, song để giáo dục, ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Gia đình có nề nếp tốt, con cái có ý thức tổ chức kỷ luật tốt thì sẽ hạn chế được những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Quan trọng mỗi gia đình, mỗi phụ huynh phải quan tâm, sát sao đến con em mình. Từ sự việc đau lòng trên, cả gia đình, nhà trường và xã hội phải nắm bắt được những mâu thuẫn của con trẻ để có hướng giải quyết, đồng thời khuyên nhủ các cháu kịp thời.
Một điều đáng buồn mà tôi phải nói thật đó là, trong khi xảy ra sự việc nghiêm trọng như vậy, nhưng người lớn và cả các em học sinh có mặt chứng kiến lại không căn ngăn, cũng không có học sinh nào báo cáo tới Ban giám hiệu nhà trường. Nếu như không có sự vô cảm ấy, chắc chắn sự việc đã không đi quá xa”.
Theo xahoi
"Tôi là cô giáo sida"
Cô giáo miền sơn cước đã thẳng thắn tuyên bố như vậy mặc cho búa rìu dư luận có giáng xuống đầu mình và sau nhiều lần tìm đến cái chết không thành.
Bây giờ thì cả huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đều biết cô giáo Lương Thị Dung ở trường tiểu học và THCS Nhân Lý bị nhiễm HIV. Nhưng họ không kỳ thị, ngược lại họ phục cô ở sự dũng cảm hiếm có.
Kỳ thị là rào cản lớn nhất của tình người.
Ngày cưới không có hoa
Từ thị trấn Chiêm Hoá, chúng tôi leo ngược những con dốc mù sương mới đến được bản Hạ Đồng, nơi cô giáo Lương Thị Dung đang ở. Hạ Đồng mùa lạnh càng như buồn hơn, những cơn gió từ dòng sông Lô thổi vào càng làm cho bản nghèo thêm tiêu điều, xơ xác.
Nhưng không khó để tìm được nhà cô Dung. Ngôi nhà cấp 4 bé tin hin nằm nép dưới những dãy núi đồ sộ là nơi ở của ba mẹ con suốt những năm tháng đen tối vừa rồi. Đó cũng từng là ngôi nhà hạnh phúc mà cô đã được tận hưởng trong khoảng thời gian ngắn ngủi bên người chồng.
Cô Dung sinh năm 1972, cô không phải người Chiêm Hoá bản địa. Cô quê gốc Hoài Đức, Hà Tây cũ, theo gia đình lên rừng theo chính sách kinh tế mới từ những năm 1978, thế rồi nhập gia tuỳ tục, cô coi mình là sơn nữ, một cô sơn nữ nhan sắc, bông lan rừng ngát hương.
Gái thuyền quyên gặp trai anh hùng, chồng cô là Trần Văn Thành người Hải Phòng. Mãi sau này, cô Dung mới biết chồng mình là một thiếu gia của một gia đình giàu có nhất nhì thành phố Cảng. Thành lang bạt lên Chiêm Hoá, gặp "đoá lan rừng" mới kết thành duyên chồng vợ.
Ảnh cưới duy nhất của cô Dung còn sót lại.
Cô Dung bảo: "Chúng tôi gặp nhau lần đầu đã biết là của nhau rồi. Đám cưới được tổ chức một cách nhanh gọn nhất. Ngày cưới của tôi không có hoa, cũng chẳng có nhiều bạn bè, nhưng đó là giây phút mà tôi cảm thấy thật hạnh phúc, cảm giác ấy tôi không quên được".
Tình yêu của họ đã cho ra đời 2 cô con gái bé bỏng xinh đẹp là Trần Minh Anh và Trần Phương Anh. Hiện nay, cháu Minh Anh đang học lớp 5, cháu Phương Anh đang học lớp 4. Cả hai đều học rất giỏi, năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.
Cô giáo Dung và 2 con gái.
Những ngày "trời sập"
Đôi vợ chồng "hạnh phúc nhất quả đất" sống với nhau vừa tròn 2 năm thì duyên phận đôi ngả. Cô Dung bảo vậy, nhưng sự đôi ngả ở đây không phải li thân hay li dị, mà đau đớn hơn khi anh Thành ốm nặng rồi qua đời.
Cô như chết lặng bởi khi ấy đang mang thai cháu Phương Anh. Đứa con chưa biết mặt cha, hạnh phúc mà họ dành cho nhau lại quá ngắn ngủi ở giữa vùng đất hoang sơ ven dòng Lô giang này. Cô ngất đi rồi tỉnh lại bao nhiêu lần, chỉ ước sao đó là một cơn ác mộng.
Gia đình nhà chồng chính là chỗ dựa và là niềm động viên an ủi lớn nhất với cô lúc này. Tuy nhiên, cô luôn thắc mắc không biết chồng mình qua đời vì bệnh gì? Hỏi bác sĩ, bác sĩ bảo đã đưa giấy khám nghiệm cho gia đình nhà chồng. Mẹ chồng cô cũng đưa ra một cái giấy, kết luận anh bị ung thư.
Cô ở vậy nuôi con giữa độ tuổi "chín" nhất của nhan sắc lan rừng, bao nhiêu người đàn ông đến với cô, cô chối từ thẳng thừng. Nấm mộ chồng cô ngày nào cũng đầy ắp hoa, quả và những nén hương trầm.
Chỉ bảo cho học sinh từng bài học.
Vào một ngày giữa năm 2009, cô Dung ốm nặng, nằm liệt giường và sút đến 20kg. Bệnh viện thông báo cô bị nhiễm HIV, cô như không tin vào tai mình. "Trời sập" giữa lúc con cô còn nhỏ, niềm tin vào tương lai vẫn tràn đầy. Cô bảo: "Nghe tin này khác nào bị toà tuyên án tử hình. Tôi sẽ chết, chết nhục nhã giữa những kỳ thị người đời".
Lúc này, gia đình nhà chồng mới thành thật với cô là anh Thành cũng bị nhiễm HIV, anh bị chết vì căn bệnh thế kỷ này. Nhưng sợ điều tiếng, lại lo cho tương lai mẹ con cô nên họ đã nhờ bác sĩ cho một cái giấy kết luận hoàn toàn khác.
Qua lời kể của mẹ chồng, cô mới biết chồng mình từng là đại ca khét tiếng ăn chơi ở đất Cảng. Anh là con nghiện nặng đô nhất Hải Phòng, nhưng anh cũng là tấm gương tự cai nghiện thành công, anh phải trả giá cho những tháng ngày sa ngã và trác táng.
Những tháng ngày sau này, mới thực sự là ác mộng với cô giáo Lương Thị Dung khi với người dân vùng sơn cước Chiêm Hoá, HIV còn kinh tởm hơn gấp trăm vạn lần bệnh hủi. Cô vật vã trong đau đớn thể xác và tâm hồn, với cô sống không bằng chết.
Cô giáo Dung soạn bài trước giờ lên lớp.
Đứng dậy, ngẩng cao đầu mà bước
Cô không còn tâm trí đến trường, thế nhưng ngày nào cô đến trường là ngày ấy học sinh bỏ về hết. Phụ huynh cũng từng can thiệp đến tận cấp trên không cho cô dạy học vì sợ con em mình sẽ bị nhiễm. Cô Dung tâm sự: "Không phải một lần mà nhiều lần tôi đã tìm đến lá ngón để chết. Nhưng mỗi lần đưa lá vào miệng lại phải nhả ra vì thương học sinh, các em như con của mình, không đành lòng để chết".
Trong lúc này, cô giáo Trần Kim Dung, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Nhân Lý và là người bạn cùng tên đã đến bên cô động viên và ra sức thuyết phục phụ huynh học sinh hiểu hơn về căn bệnh HIV. Nhờ thế mà người dân bản địa cũng ít kỳ thị và tỏ ra thông cảm hơn.
Cô Dung lại được đến trường, được cầm tay nắn chữ cho học sinh thân yêu của mình. Cô bảo: "Dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng phải ngẩng cao đầu mà bước đi trong giông bão. Tôi đang phải điều trị bằng thuốc ARV với phác đồ bậc 2 (bậc nặng - PV), nhưng chỉ có niềm tin và hy vọng mới là phương thuốc hữu hiệu nhất".
Chính vì có niềm tin nên vừa qua, cô Lương Thị Dung đã dũng cảm tuyên bố với cả huyện Chiêm Hoá rằng mình bị sida. Cô chia sẻ: "HIV không đáng sợ, đáng sợ nhất là mất niềm tin và mất sự cảm thông từ mọi người. Nhưng nếu được mọi người dù chỉ nhìn bằng ánh mắt bình thường nhất cũng đã hơn vạn lời khuyên bảo rồi".
Theo 24h
"Tết đến, có ký trà là ấm áp rồi..." "Có ký trà là ấm áp rồi..." - đó là lời tâm sự của thầy Trần Duy Hùng - hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) khi nói về món quà Tết dành cho giáo viên. Tình cảnh ấy cũng là tâm trạng của những giáo viên (GV) Trường Mầm non xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi)....