Nữ sinh day dứt với “báu vật của nhân loại”
“Tôi nghẹn ngào trước những trang viết như thế, tôi rùng mình nghĩ nếu như ai cũng thờ ơ như thế thì khác nào chúng ta đào mồ mà chôn đi tình Yêu Thương, thứ báu vật của nhân loại?”.
Với đề bài yêu cầu suy nghĩ từ một câu nói của Martin Luther King (“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”), một học sinh lớp 11 ở Vũng Tàu đã trình bày góc nhìn riêng của mình. Dưới đây là bài văn của học sinh.
Ảnh minh họa.
Một lần, khi nghe tin miền Trung có bão, thấy người ta ngồi trên mái nhà, dưới chân một màu trắng xóa chờ đợi, mẹ tôi bảo:
- Nhà ta còn nghèo quá, không có tiền ủng hộ đâu con ạ!
Mẹ tôi, người tôi yêu thương nhất vừa nói thế ư? Nói trước những cảnh chết chìm, chết nổi của miền Trung ư? Mẹ nói như chính mẹ đang là một phần của “thế giới này”, cái thế giới khiến chúng ta “xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng của những người tốt”.
Cuộc đời không phải là màu hồng, tôi biết. Tôi thấy những gam màu đen loang lổ. Những tên sát nhân, giết người chỉ vì 50.000đ trong túi của kẻ khác; những thằng kẻ cướp sẵn sàng chặt tay, chân và lấy mạng sống của cả một gia đình; những ông bố mất tính người hiếp dâm con gái, những tài xế vì sợ tốn tiền nuôi một đứa trẻ mà cán qua người nó đến chết mới thôi… Tôi biết ! Người ta đang ngày một trở nên khủng khiếp như quỷ dữ. Và tôi còn biết, có một điều đáng sợ hơn nữa, có bao nhiêu người tốt đang im lặng trước cái xấu. Im lặng, im lặng và chỉ im lặng…Im lặng nhìn bé Duyệt Duyệt bị cán qua mấy lần. Bình thản! Im lặng nhìn một sinh viên bị móc túi trên xe Buýt. Vẫn bình thản! Im lặng móc túi đưa tiền cho con đi xin việc làm. Trời ơi, lại cứ bình thản như thế!…Người phương Tây nói: im lặng là vàng. Nhưng không thể cứ im miệng, im luôn cả đầu óc, im thúc giục đôi tay, đôi chân, thúc giục trái tim nghĩ về người khác. Sự im lặng ấy là gì? Là kim cương chăng?
Video đang HOT
Hình như ngày càng nhiều người chấp nhận việc để cho quỷ dữ ra giá trái tim mình, ngày càng nhiều người thích hùa theo đám đông, im lặng. Họ bán lòng trắc ẩn, nỗi xót xa trước bao thân phận người, để mua sự an toàn. Chao ôi, tôi cứ nghĩ rồi người ta đang tự đi thụt lùi hàng mấy chục năm mất thôi. Cái thuở cả làng Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao lục đục kéo nhau về sau khi xem thằng Chí Phèo ăn vạ tưởng đã qua lâu rồi. Thì họ cũng muốn yên ổn thôi, khéo lại mang họa vào thân… thế thì ta đang đi về đâu? Đi đến đâu?
Ngày nhỏ, tôi cứ ám ảnh mãi những câu chuyện trong cuốn ” Những tấm lòng cao cả” của Et – môn – đê – Ami – xi, mẹ Enrico viết thư cho con thế này: “Khi bà ấy đưa tay ra xin con một ít tiền, con đã ngoảnh mặt quay đi, trong khi đó mẹ biết chắc rằng trong túi con có vài xu nhỏ. Sao con không tưởng tượng ra người phụ nữ đó ở nhà cũng có con trai trạc tuổi con, nhưng lại đói khát, bệnh tật, nằm rũ rượi trên giường, mắt long sòng sọc, tội nghiệp, nghèo đói, dơ bẩn bao vây…“
Enrico không xấu, thâm chí trong trái tim cậu ấy có biết bao mầm thiện đang nảy nở. Vậy mà cậu im lặng khóa trái tim mình, chắc để giành cho cái gì đó vĩ đại hơn chăng? Chân và tay không động đậy, cứ bước thẳng. Rồi cái bước thẳng của bao nhiêu phường ngông ấy sẽ dẫn đến lối đi vào cõi Vô Cảm. Đã bao giờ chúng ta đặt chân vào lối đi ấy?
Mẹ Enrico viết tiếp rằng: “Nhà ta không giàu đâu con ạ. Nó còn có thể nghèo bất cứ lúc nào, và có thể mẹ sẽ phải đi ăn xin như người phụ nữ ấy, nhưng khi mẹ thấy con không cho mẹ tiền để mua bánh mì cho đứa con bệnh tật của mình, mẹ sẽ buồn lắm. Mẹ sẽ thấy cả thế giới như hoàn toàn sụp đổ, không ai biết yêu thương nhau. Đó là sự cô đơn thống khổ nhất, khi con gào thét và không ai đến cứu”
Vâng! Tôi nghẹn ngào trước những trang viết như thế, tôi rùng mình nghĩ nếu như ai cũng thờ ơ như thế thì khác nào chúng ta đào mồ mà chôn đi tình Yêu Thương, thứ báu vật của nhân loại? Khi ai cũng vì mình, vì mình thôi là đủ mệt lắm rồi, thế thì ta sống hay đang trôi đi? Ngày tháng năm thành hư vô, con người sống hư vô, tình yêu là hư vô…ta cứ đổ lỗi cho cuộc đời, cho người khác, ta cứ im lặng mặc kệ và yên tâm ta là người tốt. Ta mài mòn trái tim mình, cho nó cùn đi, cùn hẳn. Rồi đặt tay lên vùng ngực trái bỗng thấy trái tim không đập mà vẫn sống. Chao ôi, bàng hoàng!
Mẹ tôi không xấu, mẹ là người tốt. Nhưng câu nói của mẹ là sự im lặng đáng sợ. Nghèo thì sao? Là có quyền không giúp được người khác ư? Tôi nghĩ đến cái điều mà Nam Cao đã nói ” Khi người ta có một cái chân đau, người ta sẽ không cần nghĩ đến cái chân đau của người khác”. Lại một biện hộ cho thói vô cảm. Ai chả có nỗi đau, mẹ tôi cũng thế, mẹ nghèo quá, cháy da cháy thịt mới có tiền cho con ăn học. Thế mà xoẹt một cái, cho người ta 100.000đ, tiêng tiếc, mà biết tiền của mình có đến được tay người ta không? Mẹ không ác, mẹ không sai, mẹ nghèo, nhưng sao mẹ không yêu người hoạn nạn theo cách của người nghèo? Sao mẹ không thắp một nén nhang lên bàn thờ rồi cầu cho mọi gia đình được đoàn tụ? Không ai bị lũ cuốn đi, phải, không ai để lũ cuốn đi….
Có những người xấu, có những người han rỉ tâm hồn…Chúng ta không ác, chúng ta chưa xấu, nhưng nếu chúng ta cứ đi qua, đi qua dửng dưng… Nếu như thế, cái ác, cái xấu còn khủng khiếp hơn nữa, nó đưa ta đi đâu?
Tháng 11/2012
Theo Dantri
Thêm một hoàn cảnh nhân ái bị kẻ xấu lừa tiền
Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, người đàn ông tự xưng tên Luân bảo chị L. làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ và gợi ý bồi dưỡng cho nhóm làm hồ sơ. Tin người, chị L. đã mất gần chục triệu bạc cho chiêu lừa đảo không mới này.
Theo trình bày của chị L., quê Tân Kỳ, Nghệ An (nạn nhân yêu cầu giấu tên), một nhân vật của mục Tấm lòng nhân ái Báo Điện tử Dân trí, chiều ngày 20/11, chị nhận được cú điện thoại từ số máy 01649261114. Chị L. kể: "Người đàn ông tự xưng tên Luân, công tác tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nông thôn. Hiện đang hợp tác với quỹ Tấm lòng vàng của Báo Nghệ An để trao một số tiền hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của con tôi (con gái chị L. mắc bệnh máu huyết tán), anh ta cho biết, chương trình nhân đạo giữa Ngân hàng và Báo Nghệ An đã trao được 3 trên tổng số 6 suất quà tại Nghệ An. Do một hoàn cảnh ở huyện Anh Sơn đã mất nên hiện tại suất hỗ trợ đó chưa biết trao cho ai và bảo tôi làm hồ sơ để trao số tiền đó cho con gái tôi.
Do ngày kết thúc chương trình hỗ trợ đã cận kề nên việc làm hồ sơ hơi khó, phải bỏ ra 4,5 triệu đồng để làm cho kịp. Sau đó anh ta gợi ý là trong nhóm làm hồ sơ có 4 người và đề nghị tôi bồi dưỡng cho họ. Thấy tôi lưỡng lự, anh ta bảo, số tiền hỗ trợ đợt này là 85 triệu đồng, bỏ ra một số tiền nhỏ để lấy gần 100 triệu đồng cũng đáng nên tôi xuôi xuôi. Anh ta hẹn tôi sáng ngày 21/11 xuống trụ sở Báo Nghệ An để hoàn thành hồ sơ, nhớ mang theo CMT, sổ hộ khẩu và giấy xác nhận hoàn cảnh".
Sau khi nhờ người nhà vay mượn được hơn 10 triệu đồng, theo lời hẹn của người đàn ông tên Luân, chị L. đến trụ sở Báo Nghệ An. Tới nơi, chị nhận được điện thoại, hướng dẫn ra hai gốc cây phía bên cạnh tòa nhà của báo lấy hồ sơ đã được để sẵn ở đó và ghi theo hướng dẫn. Sau khi điền đầy đủ thông tin, để hồ sơ và tiền ở gốc cây, sẽ có người phụ nữ tên Minh ra lấy.
"Tôi thắc mắc thì anh ta bảo là trong này đang họp, chị cứ điền hồ sơ rồi để dưới gốc cây, tý nữa em xác nhận vào hồ sơ rồi chị sang ngân hàng lấy tiền về. Dù rất nghi ngờ nhưng không hiểu sao tôi cứ như người mộng du, răm rắp làm theo lời hướng dẫn của anh ta. Sau đó anh ta hướng dẫn tôi đi ra phía cầu thang đăng sau tòa báo để lên phòng làm việc. Bảo vệ tòa nhà hỏi và hướng dẫn tôi đi cầu thang trước báo thì anh ta gọi điện bảo không phải lên nữa, giờ chị sang ngân hàng nhận tiền. Tôi đến trụ sở ngân hàng gọi lại thì số máy đó không liên lạc được nữa. Sau cả chục lần gọi không thành tôi mới biết mình bị lừa", chị L. uất ức kể.
Cả số tiền chạy hồ sơ và tiền bồi dưỡng cho nhóm làm hồ sơ, chị L. đã đưa cho đối tượng trên 9.500.000 đồng. Tiếc tiền nhưng chị L. không dám kể với ai vì sợ nếu con gái biết sẽ suy sụp, việc điều trị sẽ gặp khó khăn.
Tiếp đó, trưa ngày 23/11, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Nguyễn Thị Đào (trú tại xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An), nhân vật trong bài viết "Bố không muốn ngồi chiếu dưới, mẹ và 5 con gái khốn đốn". Chị Đào cho biết, chị nhận được điện thoại của một người tự xưng ở Hội Chữ thập đỏ Nghệ An, hiện đang thực hiện chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do một hoàn cảnh ở huyện Anh Sơn mất nên sẽ chuyển số tiền hỗ trợ đó cho chị. Đổi lại, chị Đào phải chi 4.050.000 đồng để làm hồ sơ. Họ hẹn chị đúng 13h ngày 23/11, có mặt tại cổng bến xe Vinh để đưa tiền, một số giấy tờ khác để làm hồ sơ.
Chị Nguyễn Thị Đào suýt nữa trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo
Nhận thấy đây có khả năng là hình thức lừa đảo tương tự như trường hợp của chị L. chúng tôi đã tìm cách hoãn thời gian gặp mặt đến 15h chiều, đồng thời bố trí phương tiện nghiệp vụ và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp để phục bắt. Trong vai chị Đào, tôi và một đồng nghiệp có mặt tại cổng bến xe Vinh và nhờ chị Đào liên lạc với kẻ lừa đảo (trước đó, người này cho biết chỉ tin tưởng nhận liên lạc qua điện thoại chị Đào).
Đối tượng này không tới Bến xe Vinh mà hướng dẫn chị Đào đi theo đường Nguyễn Sỹ Sách, ra khu vực bán hoa, cây cảnh trên đường 3-2. Khi chúng tôi có mặt tại một điểm bán cây cảnh sát trụ sở Báo Nghệ An và bố trí lực lượng phục kích thì đối tượng trên lại điện thoại cho chị Đào, hẹn tới số nhà 36, đường 3-2. Chúng tôi có mặt tại địa chỉ trên, có lẽ do đánh hơi được việc bị bại lộ, số điện thoại 01636263823 không liên lạc được nữa.
Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới, kẻ xấu nhằm vào các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo đang cần tiền chữa trị. Chúng thường tìm hiểu thông tin trên báo, lấy số điện thoại liên lạc tìm cách lừa đảo. Bởi vậy, đề nghị các hoàn cảnh nhân ái cần đề cao cảnh giác, khi nhận được những cuộc điện thoại đề nghị đưa tiền để làm hồ sơ nhận hỗ trợ cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc liên lạc với đơn vị mà đối tượng tự xưng để kiếm chứng thông tin.
Theo Dantri
Trường học khó kiểm soát người lạ đột nhập Sau sự việc kẻ xấu đột nhập vào trường mầm non 10A, Q, Tân Bình khống chế cô trò, nhiều trường mầm non ở TPHCM tăng cường hơn việc siết chặt an ninh. Nhưng việc kiểm soát kẻ lạ vào trường là chuyện không hề dễ. "Sơ hở" giờ đón trẻ Chiều 12/10, tại trường mầm non A.D (Gò Vấp), rất đông phụ...