Nữ sinh bị đánh dã man: Chuyên gia cho rằng đuổi học là hạ sách
Việc tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng – chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm.
Sự việc 7 học sinh đánh hội đồng một nữ sinh nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) và cách nhìn nhận, xử lý vấn đề của nhà trường đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu về giáo dục và phát triển trí tuệ Trẻ em.
ThS. Lê Thị Lan Anh có gần 10 năm làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, phát triển trí tuệ trẻ em. Hiện ThS. Lê Thị Lan Anh đang là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt; nghiên cứu các chương trình phát triển trí thông minh, sự tự tin và kỹ năng sống cho trẻ em…
PV: Bà nhìn nhận như thế nào về sự việc một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị đánh liên tiếp vào đầu ngay trong lớp học, kể cả việc quay clip đưa lên mạng?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc trước các vụ việc bạo lực học đường, nhưng sau khi xem clip này, xét từ góc độ tâm lý học trò, tôi có những băn khoăn: Thứ nhất, học trò lớp 7 đã có nhận thức khá tốt về hành vi tốt – xấu, thế mà khi tận mắt chứng kiến một nhóm đánh bạn lại không ai đi báo thầy cô giáo, không ai can ngăn. Phải chăng, tâm lý “bạo lực đám đông, a dua” đã biến học trò trở nên vô cảm trước rủi ro của bạn?
Thứ hai, người lớp trưởng mà có tư tưởng “anh chị”, “cậy quyền” để ép đối phương – liệu có tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến các bạn trong lớp? Có lẽ cũng vì nể sợ bạn lớp trưởng này mà không ai dám đi báo thầy cô?
Thứ ba, khi xem clip, ta thấy có một khoảng thời gian trống nhóm bạn không đánh, nhưng cô bé bị đánh cũng không bỏ chạy hay có ý định bỏ chạy. Điều này cho thấy, kỹ năng tự vệ của nạn nhân hoàn toàn không được trang bị, thụ động chịu trận.
Thứ tư, sau khi hứng trọn cơn thịnh nộ của đám bạn, cô bé cũng không phản kháng: không dám kể với cha mẹ, không mách thầy cô – điều mà theo lẽ thông thường nếu bị đánh, học sinh sẽ mách người lớn. Cần phải xem xét lại tính cách của bạn lớp trưởng này, cách bạn này “quản lý” bạn cùng lớp và môi trường của lớp học đó.
PV: Đây không phải là lần đầu tiên những việc như thế này xảy ra, nhiều người lo ngại việc giáo dục đạo đức học đường đang thực sự có vấn đề?
Video đang HOT
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đạo đức học đường là một phạm trù rộng, tôi không bàn ở đây, nhưng việc tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng – chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm.
Có 7 học sinh đánh 1 nữ sinh (vòng tròn đỏ). Ảnh cắt từ clip
Người bị đánh mà không phản kháng lại là thiếu kỹ năng tự vệ.
Người chứng kiến bạo lực nhưng không dám can ngăn là thiếu trách nhiệm và có phần vô cảm, bên cạnh tâm lý sợ bị trả thù.
PV: Vụ việc xảy ra vào ngày 10 và 13/1/2015 tại trường. Tuy nhiên, đến ngày 8/3 khi đoạn clip được tung lên mạng thì nhà trường mới hay biết. Cùng với đó là đề xuất đuổi học một số em trong nhóm học sinh tham gia đánh hội đông theo bà có có phải là giải pháp tối ưu?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đuổi học chỉ là hạ sách. Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp, vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được.
PV: Là một chuyên gia về giáo dục, theo bà giải pháp nào để hạn chế tình trạng bạo lực học đường hiện nay?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Không có giải pháp nào tối ưu cho mọi đối tượng, nhưng với trường hợp cụ thể này, chúng ta có thể giúp học trò theo hướng nhân văn: Cho học trò tham gia các khóa học chuyên dành cho trẻ em như: khóa tu thiền định, khóa tu mùa hè, một ngày niệm phật, khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn… Gần đây, những khóa học này được các chùa tổ chức mang lại hiệu quả khá tốt trong việc tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực cho học trò.
Tổ chức các buổi đi thăm trại trẻ mồ côi, người già neo đơn, bệnh viện… kết hợp với các chuyến đi là những giới thiệu ngắn gọn, ý nghĩa để học trò từng bước thấm dần sự sẻ chia, yêu thương và biết ơn.
Xây dựng các chương trình ngoại khóa để học trò được giao lưu, chia sẻ và gắn kết tình cảm bè bạn. Những hoạt động này biết là rất khó để làm, nhưng khi làm đến nơi đến chốn, hiệu quả sẽ rất lâu bền.
Mối quan hệ giữa thầy và trò cần thân thiết, gần gũi. Khi thầy cô tạo cho trò cảm giác Thầy cô là người bạn lớn của trò, chắc chắn sẽ không có việc: trò đánh nhau mà 2 tháng thầy mới biết.
Tóm lại, một môi trường giáo dục quá dập khuôn, quá nhàm chán, ít biến đổi, quá áp lực cũng là nguyên nhân khiến học rơi vào trạng thái tâm lý đè nén, ức chế và dễ bùng phát thành bạo lực. Muốn học trò sống hòa nhã, nhân ái thì môi trường sống phải luôn cho trẻ thấy được những giá trị nhân văn.
PV: Xin cảm ơn bà.
Theo VOV
Nữ sinh bị đánh hội đồng: Phụ huynh rục rịch cho con chuyển trường
Ngày 12/3, tiếp xúc với phóng viên Dân trí tại cổng trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh), nhiều phụ huynh đang cho con em theo học tại đây cho biết rất hoang mang, lo lắng và dự định sẽ cho con chuyển trường vì sợ bị đánh hội đồng.
Chiều ngày 12/3, có rất đông phụ huynh dừng xe gắn máy ở trước cổng trường THCS Lý Tự Trọng để đón con về. Số lượng phụ huynh tăng đột biến so với những ngày trước đó. Bà Trịnh Thị Ngọc Nuôi, phụ huynh học sinh đang theo học lớp 7 của trường cho biết: "Nhà tui ở tận xã Hòa Thuận (TP Trà Vinh) nhưng cũng ráng đi rước con vì sau vụ quay clip ai cũng sợ con mình bị đánh, sao tụi nhỏ giờ hành động dã man quá. Con tui học rất giỏi nên mới được vô trường điểm này nhưng giờ đợi cho thi học kỳ 2 xong sẽ chuyển trường về xã nhà học".
Theo bà Nuôi, mấy bữa nay phụ huynh ai cũng sợ, có người còn đứng ngoài đường suốt buổi để đợi con học xong sẽ rước về, có phụ huynh đưa rước ngay cửa lớp học vì sợ chuyện tương tự sẽ xảy ra.
Rất đông phụ huynh đến cổng trường đón con vào ngày 12/3.
Bà Huỳnh Thị Kim Loan, mẹ nữ sinh P. bị đánh hội đồng nghẹn ngào cho biết: "Bây giờ tôi quá sợ rồi, tâm lý của bé không biết sẽ ảnh hưởng tới khi nào. Sau khi xử lý vụ việc tôi sẽ cho con chuyển trường vì cứ vô lớp là bé bị ám ảnh. Suốt 2 tháng con nhiều lần bị nhức đầu, đau bụng nhưng gia đình không ai hay biết. Có những lúc tâm lý bé bị ảnh hưởng nặng nề và còn nói muốn đi tu vì quá sợ".
Theo bà Loan, bức xúc nhất là Trường THCS Lý Tự Trọng vô trách nhiệm vì sự việc xảy ra đã gần 2 tháng mà trường vẫn không biết. Coi lại lịch học thì ngày hôm đó có tiết của giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 khi trong lớp xảy ra chuyện, ghế nhựa gãy, con bị đánh bầm dập phải nhờ giáo viên đưa về mà không một giáo viên hay ban giám hiệu hay biết chuyện. Bà Loan nghi ngờ nhà trường đã phát hiện nhưng cố tình "ém nhẹm" mọi chuyện. Nếu không có clip tung lên mạng có lẽ tâm lý cháu sẽ bị ảnh hưởng suốt đời.
Lý giải vần đề này, thầy Phan Thanh Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng lý giải: "Thời điểm nữ sinh bị đánh hội đồng là vào lúc 12h trưa thầy cô chưa vô nên không ai hay biết. Trường có 2 bảo vệ được quản lý chặt chẽ cũng không biết được việc này". Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh phản đối vì đưa con vào đến cổng trường thì trách nhiệm sẽ thuộc về ban giám hiệu nhà trường cho dù trước đó vào giờ nghỉ trưa nhưng cũng phải có bảo vệ vì khi đánh hội đồng nhiều em học sinh la hét rất lớn.
Liên quan tới sự việc, ngày 12/3 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn hội thoại của tài khoản tên Tưởng Quốc Trung chat với bạn cho rằng thầy Huệ Minh (Phó Bí thư đoàn trường THCS Lý Tự Trọng - PV) đến nhà kêu xóa clip gốc. Ngay buổi chiều nay, phóng viên đến trường THCS Lý Tự Trọng để xác minh sự việc này cũng như tìm hiểu ý kiến của nhà trường trước tình trạng phụ huynh rục rịch cho con chuyển trường. Tuy nhiên nhân viên văn phòng của trường cho biết trong buổi chiều toàn bộ giáo viên trong trường sẽ họp hội đồng sư phạm nên không thể cung cấp thông tin cho báo chí. Phóng viên liên lạc với thầy Huệ Minh qua điện thoại thì được thầy Minh trả lời mọi sự việc liên quan đều do giám đốc Sở GD-ĐT phát ngôn nên không thể nói bất cứ điều gì.
Cuộc hội thoại của thành viên có tên Tưởng Quốc Trung trên Facebook.
Trước đó, chiều 11/3, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý nghiêm vụ nữ sinh đánh hội đồng gây bức xúc dư luận. Dự kiến ngày 13/3, kết quả kỷ luật sẽ báo cáo về Sở GD-ĐT, sau đó Sở sẽ báo Chủ tịch UBND tỉnh.
Minh Giang
Theo Dantri
Bàng hoàng clip nữ sinh đánh bạn dã man bằng ghế - Đoạn clip quay lại toàn bộ quá trình một nhóm nữ sinh vừa la hét, túm tóc vừa đánh một bạn nữ khác "tơi bời" ngay trong lớp học. Đoạn clip dài khoảng 1 phút 30 giây, được quay ngoài giờ học. Bắt đầu là những tiếng cãi vã lớn tiếng rồi ba nữ sinh áp sát một nữ sinh khác, dùng...