Nữ sinh bị cưa chân tại Đắk Lắk: Bác sĩ có phạm tội?
Theo luật sư, nếu khi giám định mức độ thương tích của em Vi từ 31% trở lên thì khung hình phạt thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 3 năm tù.
Liên quan đến việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) phải cắt bỏ một chân vì hoại tử do sự tắc trách trong công việc của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đang khiến dư luận hết sức bất bình, gia đình và người trong cuộc đau xót.
Phần đa lên án về sự tắc trách của cả ekip khi không sát sát trong việc chữa trị, hơn nữa gia đình đã xin chuyển lên tuyến trên nhưng các bác sĩ tại đây không đồng ý. Hậu quả sau đó em Vi phải cắt bỏ chân, khiến em từ một cô bé 15 tuổi lành lặn trở thành tàn phế. Vậy trong trường hợp các bác sĩ tắc trách và để xảy ra hậu quả như vậy liệu ekip này có bị xử lý hay không, PV có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công Lý về vấn đề này.
Luật sư Kiên cho biết, trong trường hợp này ekip bác sĩ trên phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm trước tiên là phải bồi thường thiệt hại cho em Lê Thị Hà Vi ( Bệnh viện đa Khoa Cưkuin đứng ra bồi thường trước rồi yêu cầu ekip trả lại tiền mà Bệnh viện đã thay mặt bồi thường cho nạn nhân – PV). Mức bồi thường thiệt hại trước tiên do hai bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì gia đình em Lê Thị Hà Vi có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Em Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) phải cắt bỏ một chân vì hoại tử do sự tắc trách trong công việc của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Ảnh báo Giao thông.
Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, ekip bác sĩ trên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 109 Bộ luật hình sự.
“Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Nếu giám định mức độ thương tích của em Lê Thị Hà Vi từ 31% trở lên thì khung hình phạt của tội này thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 03 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm”, Luật sư Kiên cho biết.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh cũng cho biết, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định bé Vi bị cắt chân là do lỗi chủ quan từ phía Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin thì Bệnh viện này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tinh thần mà bé Vi phải gánh chịu.
Theo Luật sư Thanh, bé Vi và gia đình sẽ được bồi thường những khoản tiền sau:
Video đang HOT
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của bé Vi bao gồm: tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bé Vi theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho bé Vi và các chi phí cho việc lắp chân giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của bé Vi (nếu bé lao động và có thu nhập)
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bé Vi trong thời gian điều trị.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm (tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường).
Trưa 6/3, Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị TNGT trên đường đi học về, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, bác sĩ Y Tâm bó bột mạnh tay, Vi kêu đau nhưng người này nói phải mạnh như thế mới nẹp cho xương liền lại được. Sau đó, nữ sinh liên tục kêu đau buốt ở chân. Do vậy, gia đình đề nghị tháo bột và cho chuyển viện nhưng các bác sĩ không có ý kiến trước tình trạng này. Tới sáng 8/3, các bác sĩ mới đồng ý tháo bột cho Vi và thấy chân Vi xuất hiện nhiều bọng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ, không đồng ý cho chuyển. Đến trưa ngày 11/3, bệnh viện cho bệnh nhân Vi chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các bác sĩ cho biết cơ chân Vi bị hoại tử, đứt hết các mạch máu nên chuyển tới bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nhưng đã muộn, phải phẫu thuật cắt bỏ gần hết chân phải. Gia đình đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân gồm: ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin; Bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó giám đốc kiêm trưởng Khoa ngoại; Bác sĩ Y Tâm và hai điều dưỡng viên là Lê Thị Long và Vũ Thị Kim Len để xảy ra hậu quả, đồng thời đề nghị bệnh viện trả tiền nuôi dưỡng Vi suốt đời.
MINH PHÚC
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vụ nữ sinh bị cắt chân: 'Mong em gái vượt qua nỗi đau'
"Tai nạn giao thông thì nhiều người bị lắm! Họ chỉ băng bó vết thương một thời gian rồi mọi chuyện sẽ qua. Thế nhưng, tại sao nỗi đau xót này lại rơi vào đúng em gái tôi. Vi chỉ mới 15 tuổi", chị nạn nhân chua chát.
Như chúng tôi đã đưa tin, chỉ vì sự tắc trách của bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) mà em Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, cư trú tại địa phương) đã bị cắt chân sau một tai nạn giao thông.
Trưa 16/3, em Lê Thị Thùy Trang (20 tuổi, chị gái Vi) xót xa: "Tính mạng của Vi đã được giữ nhưng nỗi đau của gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tại, gia đình chỉ mong sức khỏe của Vi ổn định trở lại".
Vi đang được điều trị tại bệnh viện
Trang kể, cha mẹ sinh được ba người con. Bà nội và mẹ thường đau ốm. Do đó, toàn bộ gánh nặng gia đình hầu như đè lên đôi vai của cha. Thế nhưng, cha Trang chưa một lần đề nghị các con nghỉ học. Thay vào đó, anh luôn động viên cả ba con phải cố gắng học tập để thoát khỏi cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Trước đây, Trang rất thích ngành công an nhưng do điều kiện nên không hoàn thành ước mơ. Thay vào đó, Trang đậu và đang theo học tại trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Vi biết điều này nên đã từng chia sẻ, muốn thực hiện ước mơ thay chị. Do đó, trong quá trình học, Vi rất cố gắng.
Trong mắt Trang, Vi là cô em gái hiền lành, dễ thương và siêng năng trong học tập. Mỗi khi đi học về, Vi lại giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc em trai. Vi không bao giờ khiến người thân phiền lòng.
Cách đây chưa lâu, Vi khoe với chị gái vừa thi học sinh giỏi tỉnh môn Địa Lý về. Tiếng cười vui vẻ của em gái vì làm bài tốt luôn nằm trong tiềm thức của Trang.
Hôm Trang nhận được tin em gái bị tai nạn giao thông thì rất lo lắng. Trang chỉ nghĩ rằng, em gái bị gãy chân thì bó bột rồi sẽ lành. Thế nhưng, mọi chuyện đã vượt ra suy nghĩ của Trang. Chỉ vì sự bất cẩn của bác sĩ mà hiện tại, chân phải của Vi đã phải cắt 1/3.
"Tai nạn giao thông thì nhiều người bị lắm! Họ chỉ băng bó vết thương một thời gian rồi mọi chuyện sẽ qua. Thế nhưng, tại sao nỗi đau xót này lại rơi vào đúng em gái tôi. Vi chỉ mới 15 tuổi", Trang chua chát.
Hình ảnh đôi chân bị cắt cụt của em gái như có mũi kim đâm vào tim Trang. Trang biết, Vi buồn lắm! Thế nhưng, Vi chỉ khóc một lúc rồi im bặt. Vi thấy mẹ khóc nên không dám khóc nữa. Trang biết, em gái sợ nếu mẹ thấy mình buồn thì sẽ càng buồn hơn và bệnh tình của mẹ thêm nặng. Do đó, Vi nén nỗi đau vào trong. Hiểu điều này càng khiến Trang đau lòng hơn.
Mấy đêm qua, Trang chính là người bên cạnh Vi. Có lần, trong đêm, Trang nhìn thấy nước mắt của em gái rơi trên gò má. Lòng Trang xót xa, chỉ biết động viên em gái vượt qua nỗi đau này.
Trang muốn chia sẻ nỗi đau với Vi nên thỉnh thoảng lại trò chuyện. Có khi, thấy không có mẹ, Vi lại hỏi chị: "Em mất chân rồi, tương lai phải làm sao? Em nhớ bạn bè, muốn đi học lại lắm!". Lúc ấy, Trang chỉ biết ôm em gái vào lòng mà nước mắt rơi dài. "Tôi cũng như cha mẹ không dám nghĩ về tương lai của Vi rồi sẽ ra sao. Do đó, câu hỏi của Vi làm sao tôi trả lời được", người chị thủ thỉ.
Mặc dù vậy, Trang cũng cho hay, trước đây, Vi ước được vào ngành công an. Nhưng, với tình trạng hiện tại thì chắc chắn ước mơ ấy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Trang hy vọng, sau khi sự việc xảy ra, Vi sẽ quay trở lại trường học. Tốt nghiệp phổ thông, Vi sẽ vào học một chuyên ngành phù hợp. Ra trường, Vi sẽ được phía bệnh viện đón nhận, tạo điều kiện cho Vi được công tác tại đây.
"Đây là hy vọng của tôi chứ không phải là mong muốn phía bệnh viện phải đáp trả. Nhưng có lẽ, điều này sẽ giúp Vi có thêm nghị lực sống, khỏa lấp phần nào thiệt thòi", Trang chia sẻ.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tâm (Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin - tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Sự việc xảy ra đối với em Vi khiến tôi và bệnh viện rất xót xa". Hiện tại, bác sĩ Y Tâm, trực tiếp bó bột cho em Vi, đã bị đình chỉ công tác 15 ngày. Bệnh viện cũng đã có văn bản báo cáo sự việc lên Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và chờ hướng dẫn xử lý.
Phần chân của Vi bị cắt cụt
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ Tâm tường trình lại sự việc. Theo tường trình, bác sĩ Tâm thừa nhận, do công việc nhiều, áp lực lớn, không thể quán xuyến hết nên đã để sự việc đáng tiếc xảy ra. Bác sĩ Tâm rất hối hận vì sự việc.
"Chúng tôi tiếp thu mong muốn của gia đình. Trước đây, ước mơ của em là trở thành chiến sĩ công an nhưng điều kiện hiện tại không cho phép. Chúng tôi khẳng định, sau sự việc này, nếu em Vi chọn học ngành văn thư, kế toán thì bệnh viện sẽ có trách nhiệm đảm bảo việc làm. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho cháu hết sức", vị giám đốc bệnh viện nói.
Trưa 6/3, Vi bị tai nạn giao thông trên đường đi học về và được đưa vào bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk). Vi được bó bột. Sau đó, Vi kêu đau, gia đình nhiều lần đề nghị tháo bột và cho chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng không được đồng ý. Tới 8/3, bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin tháo bột thay bằng nẹp vải. Đến ngày 11/3, Vi được chuyển lên bệnh viện tỉnh Đắk Lắk và chuyển tiếp lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Bác sĩ cố gắng "còn nước còn tát" nhưng do cơ chân bị hoại tử, đứt hết các mạch máu nên phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 phần chân phải của bệnh nhân.
Theo khampha
Vụ Camry "điên" đâm chết 3 người: Ai chịu trách nhiệm bồi thường? Liên quan đến vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường? Như tin đã đưa, sáng 29.2, tại phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội) xảy ra tai nạn nghiêm trọng, xe ô tô Camry biển số 29A... đâm vào 2 người...