Nữ sinh 7 năm được cha cõng đi học tri ân thầy cô
Có mặt trong ngày hội thầy trò, cùng ôn lại kỷ niệm với cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Nguyễn Thúy Nga, nữ sinh Nguyễn Phương Linh xúc động cảm ơn cô đã dìu dắt và gửi lời chúc sức khỏe đến các thế hệ thầy cô trên cả nước nhân ngày nhà giáo Việt Nam.
Sáng 8/11, Thành đoàn Hà Nội tổ chức ngày hội thầy trò, vinh danh 30 nhà giáo có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thủ đô. Vẫn ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc, nữ sinh Nguyễn Phương Linh (ĐH Công đoàn) cười tươi khi gặp lại cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Nguyễn Thúy Nga.
Được xem là điển hình cho mối quan hệ thầy trò khăng khít, Linh kể lại những ngày đầu mới đến trường cấp 3. Học ở trên tầng cao, nhưng Linh không hề gặp khó khăn với đôi chân không lành lặn. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp đã thỏa thuận, chia nhau cõng Linh lên lớp.
Phương Linh và cô giáo chủ nguyện Thúy Nga tại ngày hội thầy trò thủ đô. Ảnh: Hoàng Thùy.
“Khi em bị ốm không thể đi học, cô đã gọi điện hỏi han, nhờ các bạn đưa bài tập về nhà cho làm và dặn nếu không hiểu chỗ nào cứ hỏi cô. Vì vậy em chưa bao giờ thấy mình thiệt thòi mà luôn hạnh phúc vì được các bạn và cô hết lòng quan tâm”, Linh nói.
Còn cô Nga cho hay, điều hạnh phúc nhất của người thầy là khi được tin học trò thành công. Nhìn thấy Linh đến trường thi trên lưng bố, biết em thi đỗ vào ĐH Công đoàn, cô vô cùng xúc động. Cô nhớ, lần đầu tiên tiếp nhận một học trò khuyết tật, cô đã động viên Linh không nên để tâm đến những lời trêu ghẹo của một số bạn trong trường. Cô dạy Linh phải cố gắng học để có cuộc sống tốt hơn bố mẹ.
“Tôi dặn Linh phải coi mình là học sinh bình thường, không được đặt cho bản thân quyền ưu tiên nào để phấn đấu hết sức. Thậm chí, có lần tôi phải mắng để em tự tin vào bản thân”, cô Nga tâm sự.
Video đang HOT
Thay mặt cho học trò thủ đô, Phương Linh gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến các thế hệ thầy cô trên cả nước. Em chia sẻ, với học sinh, sinh viên, thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy các em làm người, là người cha, người mẹ thứ hai giúp các em khôn lớn, trưởng thành.
Cũng trong ngày hội thầy và trò thủ đô, quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó TP Hà Nội của bà Chu Anh Đào đã trao 160 suất học bổng cho học sinh, sinh viên. 70 tranh vẽ về tình thầy trò và 16 tờ báo tường cũng được triển lãm.
Theo VNE
Người cha 7 năm cõng con đi học
Từ khi con gái bị bại liệt lên cấp 2, ông Nghĩa ngày ngày cõng đến lớp học thêm rồi ngồi ngoài đợi con về. Hôm Linh thi đại học, ông lại cõng con lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh rơi nước mắt.
Ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Phương Linh nằm sâu trong khu tập thể Tân Mai (Hà Nội). Mọi vật dụng trong nhà đều được thiết kế rất thấp để Linh có thể tự phục vụ. Ngồi trên chiếc xe lăn, nữ sinh kém may mắn mỉm cười tâm sự: "Em đã không phụ lòng của mẹ, không phụ công của bố suốt những năm tháng qua".
Khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt ướt sáng lấp lánh, Linh ngồi bên góc học tập nhỏ say mê đọc những cuốn sách Văn học. Đó là môn em yêu thích nhất, bởi Văn giúp Linh ghi lại sự chuyển động của cuộc sống, đồng thời, cũng mở ra trước mắt em nhiều điều mới mẻ, nhiều vùng đất em chưa được tới...
Thiếu may mắn khi không thể tự đi trên đôi chân, nhưng chưa một lần Linh cảm thấy mình bất hạnh. Cô gái có nụ cười hiền lành cho biết, bạn bè có chân thì em có xe lăn, bạn bè đi chơi thì em cũng tham gia. "Em hạnh phúc vì đôi chân tật nguyền chỉ gây ra những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, chứ không khép lại tương lai của em", Linh nói.
Linh chưa bao giờ thấy mình bất hạnh vì bạn bè đi bằng chân, em đi bằng xe lăn, bạn bè đi chơi em cũng tham gia, và Văn giúp em thêm yêu cuộc sống. Ảnh: Hoàng Thùy.
Yêu Văn học, Linh từng viết về mẹ và được 9 điểm. Với Linh, mẹ là một hình mẫu mà em mong đạt đến bởi sự tần tụy, hết lòng vì chồng con. Xem chương trình Tòa tuyên án trên tivi, Linh mong một ngày trở thành luật sư để giúp nhiều người vô tội trắng án bằng lý lẽ thuyết phục. ĐH Luật quá xa nhà, Linh chọn thi vào khoa Luật ĐH Công đoàn để rút ngắn quãng đường đến lớp, và gần nơi mẹ bán hàng để tiện "khi có chuyện gì xảy ra".
"Có lẽ điều kiện tuyển thẳng của em chưa đủ nên trường yêu cầu dự thi. Em cũng muốn một lần được thử sức, được khẳng định mình để đàng hoàng bước vào cánh cổng đại học", Linh nói và cho hay, em lựa chọn ĐH Công đoàn còn bởi vì trường có thang máy, ngồi trên xe lăn cũng có thể dễ dàng lên lớp ở tầng cao.
Có duyên với con số 7,5 nên thi vào lớp 10 Linh đạt 7,5 điểm môn Văn thi tốt nghiệp và đại học em cũng giành điểm số này ở môn mình yêu thích nhất. Trong câu hỏi nghị luận về thần tượng, Linh đã thẳng thắn phê phán lối sống đua đòi, thần tượng một cách thái quá của một bộ phận giới trẻ. Em còn đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề đó.
Nhưng có một điều Linh tiếc nuối mãi, đó là thần tượng của em thì không kịp viết vào. Với cô bé khuyết tật, người mẹ tảo tần, người bố chịu nhiều hy sinh là thần tượng lớn nhất trong cuộc đời. Hôm thi đại học, bố là người cõng Linh lên tận phòng thi khiến nhiều phụ huynh, thí sinh cảm động.
Sinh ra được hai tuần thì Linh bị sốt 41 - 42 độ. Ông Nguyễn Tấn Nghĩa cùng vợ đưa con gái đến bệnh viện khám mới chết đứng vì Linh bị sốt bại liệt. Đôi chân em yếu dần đi. Một thời gian sau, bác sĩ còn phát hiện ra Linh có u cột sống, có thể khối u này đã chèn lên dây thần kinh làm yếu đôi chân em.
Khối u lớn dần bằng quả xoài thì gia đình quyết định cho em mổ. Nhưng sau đó, khi xét nghiệm, bác sĩ ở bệnh viện khác mới cho hay, đó là u ác tính và Linh chỉ sống được khoảng 3 tháng. Ông Nghĩa đau khổ nhận tin và một mình âm thầm chuẩn bị hậu sự cho con.
"Nhưng thời gian trôi đi, Linh ngày một lớn lên và điều tồi tệ nhất đã không đến. Tôi thầm cảm ơn trời phật và cố gắng dành những điều tốt nhất cho con", người cha vừa nói vừa hướng đôi mắt về phía con gái.
Suốt 7 năm, ông Nghĩa ngày ngày cõng con gái đi học. Trong đợt thi đại học và thi tốt nghiệp THPT vừa qua, hình ảnh người cha cõng con đi thi gây xúc động cho nhiều người. Ảnh: SGTT.
Ông đi làm lo tiền chi tiêu cho gia đình, còn bà Trần Phương Thủy ở nhà mua sách dạy con học. Bà dạy từng chữ như sách giáo khoa, ra bài tập cho con rồi mang đến nhờ cô giáo trong xóm chấm hộ. Linh cứ làm quen với từng con chữ như thế trong hai năm, cho đến một ngày em muốn đến lớp học cùng các bạn.
Được mẹ đưa đến Tiểu học Tân Mai nhưng trường không được nhận vì "chưa có tiền lệ", Linh được mẹ đặt ngồi vào giỏ xe đạp, lên phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng để đặt vấn đề. May mắn, phòng đã cử người đưa về trường kiểm tra kiến thức và cho vào học lớp 2.
Do không thể tự vệ sinh nên Linh không được học bán trú, bố mẹ em phải thay phiên nhau, ngày đưa đón con 4 lần đi học, về nhà. Ông Nghĩa, xin cơ quan cho làm toàn bộ buổi sáng, để buổi chiều phụ vợ đón con.
Cấp một Linh học ở trường Tân Định, cấp 2 được về trường Tân Mai, cấp 3 đỗ vào THPT Trương Định. Học chính nhiều lúc Linh có bạn gần nhà đẩy xe lăn đến trường, cõng vào lớp, nhưng đi học thêm thì bố phải cõng lên từng bậc cầu thang. Linh đã đến trường trên lưng tôi suốt 7 năm qua", ông Nghĩa tâm sự.
Từng bị bạn bè trêu chọc vì không thể tự đi, Linh nhớ nhất có lần các bạn chọc ghẹo, rồi chạy xung quanh như thách đố "đuổi tao đi". Em ứa nước mắt nhưng đúng lúc ấy, bố đã có mặt. Em cũng nhớ những giờ học thêm, bố ngồi ngoài đợi suốt 2 tiếng để đón em về. Hay khi học ở gần hơn, bố đưa em đi học rồi tất tả về nhà nấu cơm, sau đó đón em và chờ mẹ đi bán hàng ở chợ về vào buổi tối.
"Em luôn tự nhắc nhở, bố mẹ đã rất vất vả để chăm lo cho mình, thì mình phải cố gắng tự lập, vui vẻ. Em cũng biết làm các việc vặt trong nhà như nấu cơm, dọn dẹp dù phải di chuyển bằng xe lăn. Những ngày tháng tới, đi học xa hơn, bận rộn hơn, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện ước mơ và đem lại niềm vui, nụ cười cho những người em yêu thương nhất", cô tân sinh viên nói.
Theo VNE
Cảm phục người thầy trên xe lăn Hơn 5 năm qua, trên chiếc xe lăn cũ kĩ, thầy giáo tật nguyền vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ nghèo để thấy mình vẫn còn có ích giữa cuộc đời... Đó là thầy Tư Trang (Phạm Viết Trang), SN 1971, ở làng Gia Hội, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nằm cách Quốc lộ 1A chừng...