Nữ phóng viên tử nạn: Bão lòng trong bão dữ
Sáng sớm nay, những người làm báo ở Quảng Ngãi ai nấy đều bàng hoàng khi nghe tin một đồng nghiệp của họ đã mãi mãi ra đi trong bão dữ. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của những nhà báo, của người thân nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (28 tuổi), phóng viên Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Không nỗi đau nào lớn hơn, chua xót hơn…
Giàn giụa nước mắt
Sáng sớm nay, chúng tôi tìm về ngôi nhà của vợ chồng nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen, ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Con đường nhỏ hẹp, quanh co dẫn lối vào nhà Sen chật kín người. Khi nghe tin Sen bị nạn trong đêm, bà con chòm xóm, đồng nghiệp vội vã chạy đến ở cạnh Sen đến tận khi trời sáng.
Ôm chặt đứa cháu nội trên tay, ông Trần Lên, cha chồng Sen, khóc nức nở. Không gì đau đớn hơn đối với gia đình ông trong lúc này. Tang thương bao trùm cả ngôi nhà.
“Sen đi làm phóng sự bão gì đó rồi gặp nạn. Con tôi chết mất rồi. Tội nghiệp quá”, nói đoạn ông Lên đưa tay lên lau nước mắt rồi ôm chặt đứa cháu nội, con của Sen, vào lòng khóc nghẹn.
Nằm bệt xuống sàn nhà, từ tối qua đến giờ, bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của sen, như chết lặng. Bà vật vã, đau đớn.
“Nhìn con nằm trong quan tài như thế này sao chịu nổi được chú ơi. Sen nó chưa chết đúng không chú”, bà Hoa quay sang tôi nói trong tiếng nấc.
Mẹ ruột của Sen khóc ngất khi con gái đã mãi mãi ra đi
Đứng thững thờ trước thi thể của vợ, anh Trần Ngọc Trang, chỉ biết nhìn vợ mà nước mắt lưng tròng. Trang không nói được câu nào, liên tục đưa tay lên lau nước mắt. Ngoài sân nhà của vợ chồng Sen có rất đông người đến. Ai cũng xót thương Sen – một nữ phóng viên giàu nhiệt huyết, yêu nghề.
Phóng viên Võ Thanh Kỳ, người làm cùng cơ quan với Sen đứng lặng lẽ bên ngoài sân, mắt u buồn nhìn về phía Sen. “Mới hồi chiều qua còn ngồi bên cạnh Sen, cùng đưa tin bão với Sen. Vậy mà giờ người thì đứng đây, người thì nằm đó. Buồn lắm”, phóng viên Kỳ nói đoạn rồi cúi mặt xuống.
Video đang HOT
Khi làm lễ khâm liệm cho Sen, hàng trăm người có mặt tại nhà Sen đều giàn giụa nước mắt khóc thương. Vợ chồng Sen cưới nhau rồi sinh được cháu Trần Chí Khang, nay đã 3 tuổi. Gia cảnh của vợ chồng Sen rất khó khăn. Chồng Sen làm chổi đót, có lúc lại đi làm phụ hồ kiếm tiền. Còn Sen ngày ba bữa đến cơ quan lo nghiệp báo chí. Lúc về nhà lại lo toan việc nhà. Giờ đây, Sen mãi mãi ra đi để lại mình người chồng cùng đứa con thơ dại.
Ông Trần Lên ôm đứa cháu nội vào lòng mà nước mắt lưng tròng
Hy sinh trong bão
Từ nhà vợ chồng Sen, trong nỗi buồn mất đi một đồng nghiệp, tôi trở lại cơ quan của Sen – Đài truyền thanh Đức Phổ – ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ. Chỉ vài cán bộ đài làm việc ở đây trực bão, còn lại đều đến nhà Sen. Phòng máy vi tính của Đài truyền thanh huyện Đức Phổ vắng bóng Sen. Chỗ ngồi của Sen, máy tính của Sen vẫn còn đó nhưng trống trơn, hiu quạnh khi Sen đã mãi mãi không còn ngồi đó viết tin, dựng hình, đọc bản tin như ngày nào.
Người dân xót thương trước cái chết thương tâm của Sen
Ông Phạm Ngọc Âu, Trưởng Đài truyền thanh huyện Đức Phổ buồn bã kể: “Ngày hôm qua, cán bộ công nhân viên của Đài đều phải đến cơ quan làm việc để theo dõi, phản ánh thông tin về tình hình của bão cho dân biết. Phóng viên Sen cũng được chúng tôi phân công nhiệm vụ theo dõi địa bàn hai xã Phổ Quang và Phổ Thạnh. Tối đó, trời mưa lớn, Sen vẫn chạy xe máy về hai xã trên, đưa thông tin về cơn bão số 14. Trên đường đi, khi đến đường tránh Quốc lộ 1, thuộc xã Phổ Ninh thì bị một xe khách tông tử vong. Cái chết của Sen khiến anh em chúng tôi vô cùng đau xót. Không ai có thể ngờ”, ông Âu xót xa nói.
Công an huyện Đức Phổ cũng đã xác định xe gây tai nạn mang biển số 77B-00988, chạy hướng từ Bình Định ra Đà Nẵng.
Nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (hàng thứ nhất, thứ 2 từ trái sang)
Sen là một nữ phóng viên rất năng động, yêu nghề, được đồng nghiệp cơ quan tin yêu. Cái tên ấy cũng khá quen thuộc trên các trang báo của Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH Quảng Ngãi khi là một cộng tác viên tích cực của các báo.
Trong chiều nay, hàng chục nhà báo ở Quảng Ngãi đã tìm đến nhà Sen thắp nén nhang tiễn biệt người đồng nghiệp. Bão thiên tai dẫu không đến với chúng tôi, không làm những phóng viên như chúng tôi sợ. Sen cũng vậy, cũng lao vào trong bão để rồi ra đi mãi mãi. Cơn bão lòng trào dâng trong mỗi người chúng tôi – những đồng nghiệp của Sen – đau buồn và vô cùng tiếc thương.
Nhìn ánh mắt thơ dại của cháu Khang, con của Sen, tôi như lặng đi khi cái suy nghĩ “rồi đây Khang sẽ sống ra sao khi mất mẹ. Một mình chồng Sen với cảnh gà trống nuôi con có chăm chút được cho Khang khi cái đói, cái nghèo của gia đình Sen vẫn còn đó”.
Chiều. Những cơn mưa nặng hạt lại trút xuống mái nhà của Sen. Và cô ấy – một nữ phóng viên yêu nghề – đã mãi mãi về với đất. Cô ấy đã hy sinh vì nghiệp báo!
Theo Khampha
Siêu bão Hải Yến trườn dần ra phía Bắc
Có sự khác với dự báo ban đầu, bão số 14- HaiYan (Hải Yến) sẽ không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Trung bộ mà trườn dọc theo bờ biển, đi lên Bắc Trung bộ và đổ bộ vào Nam đồng bằng Bắc bộ.
Với kiểu di chuyển này, siêu bão HaiYan- Hải Âu sẽ giảm dần cường độ khi ma sát với bờ biển các tỉnh miền Trung trước khi đổ bộ vào Nam đồng bằng Bắc bộ. Theo nhận định, với kiểu di chuyển này, miền Trung sẽ tránh được sức hủy diệt của cường độ gió giật trên cấp 17, nhưng phạm vi ảnh hưởng sẽ mở rộng.
Từ đêm ngày 9-11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 9, Cù Lao Tràm (Đà Nẵng) cấp 8; TP Đà Nẵng, TP Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.
Vào 5h sáng nay 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp, giật cấp 15, cấp 16.
Trong ngày hôm nay, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4h sáng mai 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp, giật cấp 11, cấp 12.
Bão HaiYan thay đổi đáng kể đường đi
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc bộ từ trưa chiều nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh ven biển Bắc bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - 12.
Ở khu vực Trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và Bắc bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 - 3,5 m. Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh - Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4 - 5 m. Sóng biển 3 - 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Cà Mau, các tỉnh, thành phố đồng bằng, miền núi Bắc bộ đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ PCLB Trung ương về triển khai các biện pháp ứng phó với bão và mưa, lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công điện phê bình Chủ tịch các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang do chậm chễ trong công tác sơ tán dân.
Dự báo từ các đài khí tượng quốc tế cũng cho răng, bão HaiYan sẽ trườn dọc miền Trung lên Bắc bộ
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h sáng 10-11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.969 phương tiện/389.253 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Đã có 13 tỉnh/ thành phố từ Thái Bình đến Phú Yên lên kế hoạch sơ tán, di dời 231.822 hộ/858.579 người. Tính đến 5h sáng nay, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã thực hiện sơ tán, di dời 174.582 hộ/ 602.838 người.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Bình dự kiến sáng 10-11 mới tổ chức di dời; các tỉnh, TP Nam Định, Hải Phòng họp Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh trong sáng 10-11 và quyết định phương án di dời dân. Trong sáng nay, BCH PCLB TP Hà Nội cũng họp, lên phương án chống úng ngập cho vùng nội thành và ngoại thành.
Theo ANTD
Đang cập nhật: 12 người chết vì bão, người dân vẫn đùa với tử thần 15h30, bão Haiyan đang chuyển hướng về phía Đông Bắc bộ, có thể suy yếu. Hải Phòng huy động 4 xe thiết giáp, 600 CSGT Hà Nội sẵn sàng chống mưa ngập. Giới trẻ Thanh Hóa vẫn đổ ra biển tạo dáng chụp ảnh, bất chấp lệnh cấm trước bão Haiyan. 17h30: Bão đã được dự báo không đổ bộ vào khu vực...