Nữ phóng viên trúng đạn khi đưa tin biểu tình Mỹ
Nữ phóng viên ảnh tự do Linda Tirado ngày 29/5 bị bắn trúng mắt trái trong lúc đang đưa tin về biểu tình ở Minneapolis, bang Minnesota.
Sau khi Tirado bị trúng đạn, dường như là đạn cao su từ cảnh sát, một số người biểu tình đã đưa cô tới bệnh viện. Sau phẫu thuật, Tirado được các bác sĩ báo tin rằng mắt trái cô đã bị mù vĩnh viễn. Dù vậy, Tirado khẳng định tại nạn này sẽ không thể chấm dứt sự nghiệp nhiếp ảnh của cô.
“Tôi vẫn có thể nhìn thấy hoa và mặt trời lặn, chỉ có điều là tôi sẽ không biết chúng ở cách bao xa mà thôi”, cô chia sẻ.
Xe cảnh sát bị đốt trong lúc ngăn cản người biểu tình ở thành phố Atlanta, Georgia, ngày 29/5. Ảnh: Reuters.
Tirado là một trong rất nhiều phóng viên bị bắt hoặc tấn công khi đưa tin về các cuộc biểu tình đang nổ ra ở Mỹ sau cái chết của George Floyd ở Minneapolis. Một phóng viên ở Louisville, Kentucky, đã trúng đạn hơi cay trong lúc đưa tin trực tiếp trên truyền hình, khiến cô phải hét lên: “Tôi bị bắn! tôi bị bắn”.
Floyd, ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy trong hơn 9 phút, dù liên tục cầu xin và nói rằng anh “không thể thở”.
Các cuộc biểu tình “Tôi không thể thở” khởi phát từ Minneapolis hiện lan rộng khắp nước Mỹ, buộc nhiều thành phố phải ban lệnh giới nghiêm và triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để đảm bảo an ninh. Hàng trăm người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại. Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn, nhưng nhiều người chưa thỏa mãn với tội danh này.
Linda Tirado với vết thương bên mắt trái. Ảnh: Linda Tirado/Twitter.
Người biểu tình Mỹ đốt đồn cảnh sát
Đám đông biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu bị ghì chết xông vào đốt phá đồn cảnh sát ở thành phố Minneapolis.
Một nhóm người biểu tình tối 28/5 vây quanh đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota để phản đối vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5.
Người biểu tình liên tục la hét "Không công lý, không hòa bình", ném pháo sáng và đồ vật về phía cảnh sát, trong khi cảnh sát bắn đạn cao su để đáp trả. Hành vi quá khích của người biểu tình diễn ra sau khi các công tố viên cùng ngày tuyên bố họ vẫn chưa quyết định có truy tố 4 cảnh sát liên quan tới cái chết của Floyd hay không.
Đến 22h, khi người biểu tình trèo qua hàng rào xông vào đồn, cảnh sát buộc phải lên xe rút lui. Đám đông xông vào đốt phá đồn cảnh sát, khiến một phần của tòa nhà bốc cháy.
Người biểu tình đốt phá đồn cảnh sát Phân khu Ba ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ châm lửa phóng hỏa ở đây, thế nên mọi người hãy cẩn thận", một người đàn ông hét lên khi đám đông ùa vào đồn cảnh sát. Bom xăng bắt đầu được ném vào tòa nhà, khiến ngọn lửa bốc lên cao.
Phát ngôn viên Sở cảnh sát Minneapolis cho hay toàn bộ nhân viên trong đồn cảnh sát đã rời khỏi tòa nhà trước đó. Chính quyền thành phố Minneapolis cảnh báo người biểu tình tránh xa tòa nhà, cho hay trong đồn nhiều khả năng có chất nổ.
Video quay từ trực thăng cho thấy ngọn lửa cuồn cuộn bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu vực gần đó.
Ngọn lửa bốc lên từ đồn cảnh sát Phân khu Ba và khu lân cận ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, hôm 28/5. Video: Twitter/ Seth Kaplan.
Tình trạng bất ổn tiếp tục leo thang ngay cả sau khi Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã yêu cầu điều 500 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tới thành phố Minneapolis và Saint Paul. Walz nói ông ủng hộ các cuộc tuần hành ôn hòa, nhưng vô cùng lo ngại về tình trạng bạo lực khi các tòa nhà bị đốt cháy, cửa hàng bị cướp bóc và người dân đụng độ với cảnh sát.
Các cuộc biểu tình hòa bình đòi công lý cho Floyd bắt đầu biến thành bạo lực vào tối 27/5 và kéo dài đến 28/5. Các cuộc biểu tình này còn nghiêm trọng hơn hôm 26/5, khi người dân đụng độ với cảnh sát, song chưa xảy ra thiệt hại trên diện rộng.
Floyd bị 4 cảnh sát da trắng khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Một sĩ quan đã ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd vài phút, trong khi anh liên tục cầu xin: "Tôi không thể thở nổi". Floyd sau đó tử vong trong bệnh viện.
Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey, cho biết các cuộc biểu tình phá hoại đã cho thấy nỗi tức giận của cộng đồng da màu suốt 400 năm bất bình đẳng. Thị trưởng Saint Paul, Melvin Carter, một người da màu, kêu gọi người dân hãy biểu tình trong hòa bình để thúc đẩy phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng và ngăn những sự việc thương tâm tiếp tục xảy ra.
Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết đang điều tra quyết liệt về cái chết của Floyd. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định "công lý sẽ được thực thi".
Twitter tiếp tục gắn cảnh báo bài đăng của Trump Twitter gắn cảnh báo dòng tweet của Trump ám chỉ khả năng Vệ binh Quốc gia nổ súng vào người biểu tình ở Minneapolis, với lý do "cổ vũ bạo lực". Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay bày tỏ nỗi tức giận trên Twitter về các cuộc biểu tình, đốt phá đang diễn ra ở thành phố Minneapolis, bang Minneapolis sau vụ...