Nữ phạm nhân về ma túy và những giọt nước mắt của người mẹ
Là mẹ của 6 người con và được lên chức bà, nhưng để đối phó với cơ quan chức năng, Ngọc tiếp tục mang bầu. Việc có thêm con không giúp Ngọc được hoãn thi hành án…
Tội chồng chất tội…
Xã Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vốn phức tạp về tệ nạn mua bán, sử dụng ma túy. Nhiều gia đình có tới ba thế hệ theo nhau vi phạm pháp luật và gia đình Ngọc cũng là một trong số ấy.
Mạch Thị Ngọc, khi mới 16 tuổi đã lấy chồng và 4 người con lần lượt ra đời. Để kiếm tiền nuôi con, ban đầu Ngọc cũng mở quán bán hàng bún, miến, phở mưu sinh. Thế nhưng, đồng lãi ít ỏi, việc làm lương thiện ấy đã không chiến thắng được cám dỗ và cơn lốc của cái chết trắng đi qua. Năm 2008, Ngọc mang bầu người con thứ 5, chính trong khoảng thời gian này, vợ chồng Ngọc đã “bập” vào ma túy và bị CA tỉnh Hà Nam bắt quả tang đang bán lẻ ma túy cho con nghiện.
Chồng Ngọc, Phạm Văn Dũng đã phải lĩnh 20 năm, còn Ngọc thì lĩnh án 16 năm tù nhưng được hoãn thi hành án vì đang mang thai. Khi được hưởng khoan hồng và được tại ngoại, Ngọc vẫn lén lút bán lẻ ma túy. Khi người con thứ 5 vừa tròn 3 tuổi, Ngọc tiếp tục mang bầu, coi đó như một “bảo bối” để đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật và chị ta đã không thành công khi sử dụng cả cô con gái nhỏ tuổi để thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày 3-3-2013, Mạch Thị Ngọc mua 1,5880gam heroin của một người đàn ông ngay tại nhà mình ở thôn Hồng Phú, xã Thanh Châu, rồi đưa cho con đẻ của mình là Phạm Thị Thu Trang, SN 1998 cất giấu với mục đích để bán. Bị mẹ điều tiết, Trang cầm số hàng trên giấu tại ống luồng trước cửa nhà vệ sinh. Quá trình điều tra, cảnh sát khẳng định, khoảng 17g ngày 6-3-2013, Trần Văn Việt, SN 1986, trú tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam gặp Nguyễn Thế Oanh, SN 1992, trú tại xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam tại khu vực cầu Phủ Lý và cùng rủ nhau góp tiền đến nhà Mạch Thị Ngọc để mua ma túy sử dụng. Oanh lấy 200.000đồng đưa cho Việt, Việt cầm tiền rồi cùng Oanh đi đến nhà Ngọc.
Tại cổng nhà Ngọc, Oanh đứng ở ngoài, còn Việt đi vào trong sân gặp Phạm Thị Thu Trang và nói “để cho một quả”. Thấy khách mua hàng, Trang đi ra phía sau nhà lấy một gói ma túy gói bằng giấy bạc màu vàng đựng trong lọ nhựa đưa cho Việt. Cầm “hàng” trong tay, Việt đưa cho Trang 400.000đồng và cô gái này mang tiền đưa cho mẹ để trả lại Việt 100.000 đồng tiền thừa. Tuy nhiên, khi Việt vừa cầm tiền thì đã bị lực lượng CA bắt quả tang.
Khám xét khẩn cấp, cảnh sát thu giữ 13 gói heroin cùng nhiều tang vật liên quan đến việc mua bán ma túy của Ngọc. Xét thấy, Ngọc phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm, vì vậy cô ta đã phải lĩnh 10 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Tổng hợp với hình phạt 16 năm tù của Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2008/HSST ngày 24-10-2008 của TAND tỉnh Hà Nam, Ngọc phải lĩnh 26 năm tù giam. Không thoát được tội, Ngọc ẵm con nhỏ vào tù.
Phạm nhân Mạch Thị Ngọc
Mắt ngấn lệ, Mạch Thị Ngọc chia sẻ, chồng cô lĩnh 20 năm tù giam về tội mua bán ma túy cùng mình từ năm 2008 và đang phải cải tạo ở trại giam Nam Hà. Do nuôi con nhỏ, Ngọc được hoãn thi hành án và cũng từ đó, miếng cơm manh áo, những lo toan bộn bề của gia đình đổ lên đôi vai gầy của cô ta. Lo cho gia đình, Ngọc lại bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi, rồi chính cô ta “vô tình” là người dẫn con đẻ vào vòng lao lý. Ngọc bảo rằng, những lúc ấy, mình chỉ nghĩ làm sao kiếm được tiền để mẹ con sống qua ngày chứ không ngờ chính lòng tham của cô đã đẩy đứa con nhỏ dại dẫm vào “vết xe đổ” của chính mình.
Ngọc nói, dù là kẻ phạm tội nhưng cô ta vẫn là một người mẹ, Ngọc lo đứa con Yến Vi, 2 tuổi, bé bỏng, không có bàn tay người mẹ sẽ thiếu thốn, thiệt thòi nên cố giữ con lại trong trại giam, chăm chút cho con như để bù đắp. Nhưng cái niềm vui ấy chắc cũng không còn xa, bởi theo quy định của trại, khi cháu bé đủ 36 tháng tuổi sẽ được trả về gia đình nuôi dưỡng.
Video đang HOT
“Vì thế, tôi đã cố gắng chăm con, những mong chị em nó thỉnh thoảng được đoàn tụ. Bởi đứa con gái lớn của tôi cũng đang phải chịu án 17 năm về tội mua bán trái phép chất ma túy và đang thụ án tại phân trại số 3 của trại giam này. Tôi biết mọi người khinh rẻ tôi vì những việc tôi đã làm nhưng các con tôi không có lỗi gì cả. Cháu nó còn quá nhỏ để hiểu hết sự việc…”, phạm nhân Mạch Thị Ngọc lấy tay quệt ngang dòng nước mắt.
Ngọc tiếp câu chuyện, giờ đây, khi phải lĩnh án 26 năm tù, phải ở trong trại giam để cải tạo, cô ta rất hối hận vì những lầm lỗi đã phạm.
Trước khi chia tay chúng tôi, Ngọc gạt nước mắt. Cô ta nhắn nhủ rằng: “Với pháp luật tôi là người có lỗi nhưng với các con, tội của tôi còn lớn hơn gấp nghìn lần. Chính tôi là người đã đẩy chúng vào cảnh khổ sở như ngày hôm nay và đó chính là cái giá đắt mà tôi phải nhận. Chỉ mong đứa con nhỏ Yến Vi và các chị của nó lớn lên, lấy cha mẹ và chị làm bài học sâu sắc và tránh xa ma túy…”
Theo Phap luât Xa hôi
Nữ quản giáo tận tâm với công tác 'ươm mầm' hướng thiện
"Sông có khúc, người có lúc, không ai muốn mình sinh ra trên đời để trở thành phạm nhân. Để động viên họ an tâm tư tưởng, cải tạo tốt, sớm quay về nẻo thiện, điều cốt lõi phải luôn thấu hiểu tâm lý của họ, sẻ chia những uẩn khúc, khó khăn trong cuộc sống của họ như với những người thân trong cùng một gia đình. Đồng thời, kịp thời phát hiện những sai phạm, giúp họ có tay nghề tốt để xây dựng một tương lai vững chắc khi đã hoàn lương", Đại úy Lê Thị Thúy, cán bộ Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an, tâm niệm.
Chị Thúy gặp gỡ, động viên một nữ phạm nhân an tâm cải tạo.
Nghĩa tình với nữ phạm nhân
Được sinh trưởng ở một làng quê nghèo thuộc xã Đông Văn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) nên từ thuở ấu thơ, cô gái tên Thúy đã sớm quen thuộc với công việc đồng áng cùng gia đình. Cuộc sống lam lũ ở quê khiến nhiều người phải "Nam tiến" để tìm cơ hội làm giàu, còn gia đình Thúy vẫn vất vả với vài sào ruộng kiếm sống và nuôi cô học hành đến nơi, đến chốn. Riêng Thúy thì yêu mến những người lính "áo xanh" và khát khao góp sức mình đem lại cuộc sống yên bình cho người dân.
Đến năm 1998, Thúy đã đem lại niềm tự hào cho cả gia đình khi chị nhận được giấy trúng tuyển vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I.
Sau khi tốt nghiệp, Thúy cùng nhiều học viên khác được tổ chức điều động về công tác tại Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an thuộc huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Phải công tác xa nhà với một cô gái vừa ra trường thì cuộc sống gặp phải bộn bề khó khăn về tinh thần lẫn vật chất, nhưng Thúy luôn nghĩ rằng, đó là niềm vinh dự. Bởi lẽ, được giúp đỡ những người từng lầm lỡ cải tạo, hướng thiện là việc làm hết sức khó khăn, mà chị cùng đồng đội được giao nhiệm vụ này.
Cách đây không lâu, phạm nhân N.T.T.T. nhập trại. Khi đó, T. đang mang thai nhưng tỏ ra mặc cảm với bản thân, vì cô gái này đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo mà mọi người thường gọi là "HIV". Sau khi hạ sinh con gái đầu lòng, T. chẳng những không quan tâm đến chính "núm ruột" mà còn tỏ thái độ chán nản muốn đoạn tuyệt cuộc đời cho bớt khổ. Đứa bé không được mẹ ruột cho bú nên đau ốm thường xuyên khiến chị Thúy và các phạm nhân khác phải mủi lòng, xót thương. Sau đó, chị Thúy đã đến tận phòng T. để khuyên nhủ nhưng T. vẫn "chứng nào, tật nấy", thậm chí còn đánh đập con gái nhiều hơn và không chịu cho đứa bé ăn uống, mặc quần áo.
Không nản lòng, Thúy thường xuyên đến sẻ chia cùng T., bỏ tiền lương của mình để mua những đồ dùng thiết yếu của phụ nữ như kẹp cài tóc, đồ vệ sinh cá nhân... dành tặng cô. Đồng thời, chị còn mua một số đồ chơi, bánh tặng cho đứa bé, kêu gọi cả các phạm nhân khác sẻ chia, động viên T. nhằm giúp cô quên đi mặc cảm, tự ti của bản thân.
Dần dà, T. đã thấu hiểu được sự tận tình của chị Thúy, bỏ qua mặc cảm của bản thân và viết thư xin lỗi chị. Cảm động hơn, vào thời điểm Tết Trung thu, chị Thúy đã chủ động đề xuất lãnh đạo trại cho con ruột của T. và nhiều phạm nhân khác cùng rước đèn với các con của các cán bộ, chiến sĩ nhằm xóa ranh giới về sự mặc cảm cho họ. Tình cảm nồng ấm này khiến T. và nhiều phạm nhân khác đã xúc động, quyết tâm cải tạo, học nghề tốt để đáp lại tấm chân tình của chị Thúy.
Một nữ phạm nhân khác tên T.T.V., cũng xúc động: "Khi mới vào trại chấp hành án, em cảm thấy mình lạc lõng với mọi người và phía trước là một tương lai xám xịt. Gia đình em ở xa nên chưa một lần đến thăm khiến em cảm thấy mặc cảm với bản thân trong suốt thời gian dài, nên có biểu hiện quấy phá trong học nghề.
Biết được tâm trạng của em, chị Thúy đã đến tận phòng gặp gỡ sẻ chia tâm tư, nguyện vọng về nghề nghiệp tương lai sau khi đã chấp hành án trở về địa phương. Động viên về mặt tinh thần như những người chị khiến em cảm thấy phấn khởi, yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội".
Giải mã nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng
Là trại giam thường xuyên quản lý hàng ngàn phạm nhân (trong đó, có nhiều phạm nhân nữ, phạm nhân có con nhỏ theo mẹ vào trại) thành phần phức tạp với nhiều mức án và tội khác nhau, phần lớn các phạm nhân có mức án cao, có nhiều tiền án, tiền sự và tái phạm nguy hiểm. Một số phạm nhân có biểu hiện tiêu cực không chịu học nghề, đặc biệt số phạm nhân nhiễm HIV, lao, viêm gan siêu vi A, B, C... đến trại ngày càng gia tăng.
Các phạm nhân chống đối và vi phạm kỷ luật từ các phân trại và trại giam khác do yêu cầu đã được phân loại, bóc tách chuyển đến, thường xuyên tìm đủ mọi cách để tạo uy lực, gây thanh thế. Hoặc một số phạm nhân trước đây đã từng tham gia băng, ổ nhóm tội phạm ngoài xã hội, các tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia...Thế nên, số đối tượng này có nhiều kinh nghiệm và thủ đoạn tinh vi trong việc đối phó và khai báo gian dối với cơ quan Công an khiến công tác đấu tranh, khai thác gặp rất nhiều khó khăn.
Đại úy Lê Thị Thúy, cán bộ Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an.
"Khi vào trại họ vẫn chưa hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi để từ bỏ ý định phạm tội và ngược lại số phạm nhân này vẫn tìm đủ mọi cách để tiếp tục phạm tội. Với nhiều lý do khác nhau, một số phạm nhân nhập trại vẫn chưa khai báo hết tội lỗi của mình và đồng bọn đã gây ra, hoặc không tố giác các hành vi ở ngoài xã hội mà các phạm nhân đó biết.
Vì vậy, công tác quản lý phạm nhân ở trại giam không đơn thuần là quản lý, giáo dục con người và thực hiện chế độ, chính sách đối với họ, mà còn phải làm công tác đấu tranh, khai thác, phục vụ công tác phòng ngừa, không để phạm nhân trốn trại, vi phạm nội quy trại giam và thu thập nguồn tin, tài liệu phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm ngoài xã hội"
Chị Thúy cho biết thêm: "Từ năm 2010 đến nay, đã xuất hiện tình trạng phạm nhân có biểu hiện quan hệ, móc nối với các đối tượng bất hảo ngoài xã hội mua bán, trao đổi hàng cấm. Do vậy, tôi đã chủ động phối hợp cùng đồng đội thường xuyên tìm hiểu về tình hình, diễn biến tư tưởng của phạm nhân và phương thức hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu kỹ địa bàn hoạt động trọng điểm, sàng lọc đối tượng. Qua đó, đã thu được 75 nguồn tin quý giá, phát hiện và ngăn chặn 162 vụ, 401 phạm nhân có dấu hiệu vi phạm nội quy, sử dụng vật cấm, trộm cắp tài sản".
Điển hình, vào đầu tháng 5/2010, nhờ làm tốt công tác quản lý phạm nhân, chị Thúy phát hiện Huỳnh Lê Mộng H., án phạt 5 năm tù, đang lao động tại Đội 1, Phân trại số 1 có biểu hiện vận chuyển trái phép chất ma túy vào trại. Qua đeo bám phạm nhân này, chị phát hiện H. đã liên lạc với gia đình bằng tiếng lóng để tránh sự phát hiện với nội dung: "Ngày 28 tháng này lên thăm em, anh nhớ mang cho em xin 100.000đ".
Ngay trong đêm, chị Thúy nghiên cứu tỉ mỉ hồ sơ thì phát hiện phạm nhân này đã từng nghiện ma túy. Từ đó, chị đủ cơ sở nhận định rằng, có thể đối tượng còn vận chuyển ma túy đem vào trại bán cho các phạm nhân khác. Và, phương án bắt quả tang đối tượng đã được chị cùng đồng đội lựa chọn.
Chị Thúy hướng dẫn, động viên các nữ phạm nhân học nghề.
Đúng như kế hoạch, khi gia đình H. vừa mang ma túy được giấu trong thức ăn cho cô đã bị Ban chỉ huy Phân trại số 1 phát hiện, lập biên bản, thu giữ số ma túy và báo cáo đồng chí Giám thị Trại giam Thủ Đức, để chuyển hồ sơ cùng tang vật đến Công an huyện Hàm Tân mở rộng điều tra, khởi tố vụ án.
Gần đây, chị Thúy còn phát hiện 2 phạm nhân là Nguyễn Đức Mạnh (mức án chung thân) và Phạm Văn Minh (mức án 20 năm tù) có biểu hiện nghi vấn tổ chức trốn trại. Qua điều tra, chị Thúy được biết, các đối tượng đã lập kế hoạch thống nhất thời gian, địa điểm, công cụ để gây án. Ngay sau đó, chị đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo trại và trực tiếp "bóc tách" từng đối tượng ra đấu tranh.
Thoạt đầu, bọn chúng ngoan cố và kiên quyết không chịu nhận tội. Chỉ khi chị Thúy làm rõ được thành phần các đối tượng, thời gian, địa điểm, công cụ... chuẩn bị gây án có 2 đối tượng bỏ trốn, lợi dụng quá trình học nghề tại xưởng để tìm cách lẩn trốn vào rừng, nếu bị truy đuổi sẽ dùng cưa sắt để chống trả cán bộ... thì chúng phải cúi đầu "tâm phục, khẩu phục" người nữ quản giáo này.
Nói về đồng đội của mình, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức, cho biết: Đây là một cán bộ gương mẫu học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, tận tụy với công việc và được đồng đội mến yêu. Đối với phạm nhân, Thúy luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, tính nhân văn để cảm hóa thuyết phục khiến họ nhận thức rõ tội lỗi, từ bỏ cái ác, đấu tranh với những tiêu cực của các phạm nhân khác trong trại.
Đã có rất nhiều lá thư xúc động của phạm nhân gửi đến lãnh đạo trại để cảm ơn người nữ quản giáo này. Hằng ngày, Thúy phải đưa con đi học cách xa nơi làm việc gần 4km, nên phải thức dậy sớm nhưng chị vẫn luôn đảm bảo giờ giấc, hoàn thành tốt công việc của đơn vị.
Ghi nhận những thành tích trên, trong 5 năm qua, Thúy được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục XDLL-CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND), Tổng cục VIII tặng nhiều bằng khen, giấy khen, vì có thành tích xuất sắc trong giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Theo Công An Nhân Dân
Đại gia mua nhà cho người tình... nuôi "con tu hú" Đại gia Hà thành mua nhà cho người tình rồi sốc khi phát hiện đứa con mình thương yêu chăm sóc là con người khác. Người tình của đại gia là Trần Thu Hằng (sinh năm 1969, ở Tây Hồ, Hà Nội) đã bị xét xử tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đã yên bề gia thất, gia đình thuộc hàng khá...