Nữ nhân viên xinh đẹp và tình yêu kỳ lạ với những chuyến tàu
Thấy túi tiền của một vị khách người nước ngoài bỏ quên, nữ nhân viên trên tàu khách SE8 đã trình báo với trưởng tàu để trả lại người đánh rơi. Hành động ấy của nữ nhân viên Ngô Thùy Thạch Thảo vẫn được nhiều người nhắc nhớ.
Trò chuyện với PV, Thảo nhớ lại, ngày 13.4 tàu xuất phát từ ga Sài Gòn đi Hà Nội. Lúc 4h45 rạng sáng 14.4, tàu dừng lại ở ga Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để đón trả khách. Sau khi tàu vừa chuyển bánh, Thảo đi các khoang để ổn định hành khách thì bỗng phát hiện tại giường số 36, toa số 6 có một túi vải màu đỏ.
Nữ nhân viên Ngô Thùy Thạch Thảo – người nhặt và trả lại túi tiền cho vị khách người Anh.
Kiểm tra trong túi, Thảo phát hiện trong túi có 7 triệu 400 nghìn đồng và một số giấy tờ tùy thân của hành khách nước ngoài.
Phán đoán hành khách do vội nên bỏ quên túi trên tàu, Thảo ngay lập tức trình báo với Trưởng tàu khách SE8, sau đó cùng bảo vệ tàu lập biên bản, ghi nhận số tiền và giấy tờ trong túi của khách bỏ quên.
Hành khách bỏ quên chiếc túi ngay sau đó được xác định là ông Berber, SN 1992, quốc tịch Anh.
Rất may là ngay sau đó, tàu đã liên lạc được với ông Berber. Khỏi phải nói ông Berber đã vui mừng thế nào. Ông này đã ủy quyền cho khách vận ở ga Đồng Hới nhận lại chiếc túi vào ngày 15.4. Vị khách ngoại quốc này đã đến ga Đồng Hới để nhận, đồng thời gửi lời cảm ơn đến chị Thảo cũng như ngành đường sắt Việt Nam.
“Đây không phải lần đầu mình nhặt được của rơi. Mình được ba mẹ dạy, đói cho sạch, rách cho thơm, dù nghèo nhưng không được tham. Những thứ không phải của mình thì không nên lấy. Mình nghĩ mình rơi 1.000 đồng còn thấy xót, huống hồ rơi ngần nấy tiền”, Thảo tâm sự.
Chia sẻ thêm về nghề với chúng tôi, Thạch Thảo (SN 1981) cho biết cô quê ở Bình Thuận. Thảo kể, lúc còn là học sinh cấp 3, nhà nghèo không có xe đạp, từ nhà tới trường là quãng đường dài tới 12km nên cô và các bạn quyết định chọn đi bằng tàu hỏa theo một cách khác biệt.
Video đang HOT
“Ngày đó không có tiền nên mình và các bạn phải đi tàu… chui”, Thảo cười. “Rất may là các anh chị soát vé tàu biết hoàn cảnh bọn mình là học sinh khó khăn nên không đuổi xuống. Đó chính là những ấn tượng đầu tiên của mình với những chuyến tàu nói riêng và ngành đường sắt. Sau này khi có cơ hội, mình đã lập tức chọn gắn bó với nghề tiếp viên trên tàu hỏa”, Thảo bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời mới vào nghề.
Cũng vì mê nghề, mê các chuyến tàu, Thảo từng có hai mối tình sâu đậm nhưng khi chuẩn bị tiến tới hôn nhân lại đổ vỡ. Thảo bảo là vì bạn trai muốn chị thôi công việc hiện tại để chăm lo cho gia đình, không muốn chị phải đi nhiều. Còn Thảo thì quyết tâm chọn nghề.
Ông Lâm Trọng Đức – Trưởng tàu khách SE8 trả số tiền và giấy tờ cho người được vị khách nước ngoài ủy quyền nhận lại.
“Mình theo tàu xen kẽ 4 ngày làm, 4 ngày nghỉ. Mình yêu nghề, yêu những chuyến tàu. Nói thật, xa tàu ít hôm mình lại nhớ như nhớ người yêu vậy” – Thảo tâm sự.
Chính vì đam mê nghề mà năm 2013, khi mới bước chân lên làm việc trên tàu, thu nhập chỉ 1,2 triệu đồng/tháng, Thảo vẫn chấp nhận. Bây giờ, dù thu nhập được 6 triệu đồng/tháng nhưng cuộc sống của Thảo vẫn rất khó khăn do còn phải chăm lo cho mẹ đã hơn 70 tuổi, thường xuyên đau ốm.
Theo Danviet
"Làm giàu thì khó, nhưng làm người tử tế thì ai cũng có thể..."
"Khi sự tử tế đã thường trực trong bạn, sẽ có 1001 cách để bạn chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình, lan tỏa sự tử tế đó ra xung quanh" - anh Lê Trung (Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội) tâm sự về những người tử tế mà anh biết.
"Giàu thì không hẳn cứ muốn là có được. Còn làm một người tử tế thì ai cũng có thể", anh Trung khẳng định.
Có một phụ nữ sắp sinh muốn làm điều có ý nghĩa; là một cô gái chọn ngày sinh nhật để ghi dấu ấn; là những chị em không cần nhận hoa mà lựa chọn ngày 8.3 để "tặng" cho đời những "đóa hóa"; là cặp đôi muốn tình yêu của mình được thêm nhiều lời chúc phúc; là người chồng rủ vợ con cùng đi đăng ký hiến tạng vì muốn tập cho con bài học về tình người; một người mẹ con trai sắp lên bàn mổ muốn cầu điều tốt lành cho con bằng một việc thiện...
Những người mà Lê Trung đã may mắn được gặp đều để lại cho anh những ấn tượng đặc biệt mà anh không thể nào quên được.
Trung bảo với tôi: Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách. Ngược lại, nếu bạn muốn từ bỏ một điều gì đó, bạn sẽ tìm ra rất nhiều lý do để tự thuyết phục mình. Làm hay không là do bạn lựa chọn.
Những bước chân tập tễnh không ngăn cản Thiện Quy tiến lên. (Ảnh: P.V)
Những người đó, những người đã khiến Trung ấn tượng và nể phục, có thể kể tới như cậu bé bán vé số có cái tên cũng khá đặc biệt: Thiện Quy. Quy sinh năm 1989, làm nghề bán vé số. Cậu đã có một hành trình dài hơn 2000 cây số trong vòng 282 ngày, với điểm xuất phát từ khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM), điểm cuối là đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh).
Để ghi dấu ấn trên hành trình thiện nguyện của mình, cậu đã gọi điện cho anh Trung nhờ dẫn đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để được đăng ký hiến tạng sau khi mất.
Đáng nói, Thiện Quy đã đi bộ trên đôi chân khuyết tật, bằng những bước chân tập tễnh, bước thấp bước cao. Suốt chuyến đi, các khớp xương thường xuyên sưng tấy, buốt lạnh. Hành trang gọn nhẹ trong chiếc ba lô của Quy là một máy sấy tóc. Mỗi khi dừng chân ven đường, cậu lại cắm nhờ máy sấy tóc để làm nóng khớp xương, hơ khô đôi bàn chân lạnh lẽo. Nhưng không gì cản được Quy bước về phía trước.
Anh Trung (bên phải) và Thiện Quy (giữa) tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. (Ảnh: T.L)
Một người khác cũng khiến anh Trung phải cảm động khi gặp về bức thư của cô gái Việt Nga xinh đẹp sau khi đến đăng ký hiến tạng. Sau khi cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay, Nga đã viết một bức thư gửi con gái đăng trên trang cá nhân. Bức thư tràn đầy tình yêu khiến bất cứ ai đọc được đều không cầm được lòng mình.
"Con gái ạ, hôm nay mẹ đã đăng kí đi hiến toàn bộ nội tạng sau khi chết não. Mẹ là người đầu tiên trong gia đình mình làm điều này. Mẹ chưa nói với ai, kể cả ông bà ngoại. Mẹ không biết có ai phản đối mẹ hay không, nhưng mẹ chỉ nghĩ cơ thể mẹ là do mẹ quyết định, và làm điều tốt - có thể mang đến sự sống cho vài người thì tại sao lại không? Khi kí vào tờ đơn đăng kí hiến tạng mẹ chỉ nghĩ cuộc đời này mẹ chưa thật sự làm được nhiều điều tốt đẹp, thì đây là việc có ý nghĩa nhất mà mẹ có thể làm ở thời điểm hiện tại".
Nga viết tiếp: "Mẹ đã hứa ở bên con suốt cuộc đời và việc này chắc chắn sẽ giúp mẹ thực hiện được 1 phần lời hứa đó. Nếu một ngày mẹ không còn nữa, con hãy hiến tất cả những gì của cơ thể mẹ có thể để cứu những mảnh đời khác. Và mong con, hãy quan tâm đến cả những người nhận, vì họ đang mang 1 phần cơ thể của mẹ, để con có thể cảm nhận được rằng mẹ vẫn luôn bên con trên suốt chặng đường đời".
Chưa hết. Đó còn là cụ Hạnh (sinh năm 1935), ngày ngày vẫn mưu sinh ở gầm cầu vượt gần bách hóa Thanh Xuân (Hà Nội). Tài sản duy nhất có giá trị của cụ là chiếc cân cụ dùng để mưu sinh, nhặt nhạnh ky cóp từng một vài nghìn để qua ngày. Nhưng cụ đã đăng ký hiến tạng được 2 năm nay, sẵn sàng chia sẻ với người khác thứ cực kỳ quý giá mà con người có thể có.
Bà cụ Hạnh 83 tuổi, với tài sản duy nhất (chiếc cân) đã đến đăng ký hiến tạng. (Ảnh: T.L)
Mới đây có một cô bé rất nghèo, bồng bế con nhỏ đi xe khách lên Hà Nội xin đăng ký hiến tạng. Bố mẹ chia tay nhau từ nhỏ, em đã phải nỗ lực sống rất chật vật. Năm trước, khi em có thai thì bạn trai chia tay. Em quyết tâm giữ con nhưng gia đình không chấp nhận, em phải bỏ nhà, đi thuê chỗ khác, một mình vượt cạn, nuôi con.
"Trước Tết, em gọi điện cầu cứu câu lạc bộ chỉ vì "Mẹ con em lạnh quá, cho em xin cái chăn". Lúc gặp, em ấy bé như cái kẹo, ôm đứa con 5 tháng cũng nhỏ tẹo. Hôm đó, nhìn em dứt khoát, thanh thản ký đơn đăng ký hiến tạng, tôi thực sự cay mắt. Em ấy nghèo quá nhưng tấm lòng thật lớn. Một cô bé nghèo đã sẵn sàng chia sẻ thứ quý giá nhất mà cô ấy có - thân thể mình để cứu người. Lúc đó tôi thực sự thấy những gì mình làm được chỉ bé tí tẹo so với tấm lòng của các em", anh Trung nhớ lại.
Một bà mẹ trẻ khác cũng đã bồng bế con lên Trung tâm đăng ký hiến tạng. (Ảnh: T.L)
Trung ngẫm: Tôi học được từ cuộc đời rằng, cho đi để cuộc sống được nối dài. Giá trị của cuộc sống không phải là bạn sống được bao nhiêu năm mà là qua việc bạn đã làm được bao nhiêu điều tử tế.
Cách đây mấy hôm, có một bạn nói với anh: "Khi nào em có dư tiền, dư thời gian, em sẽ tham gia làm việc thiện với anh. Còn giờ em có lắm bận rộn, nhiều lo toan, còn khó khăn". Trung nói: "Trên đời này chẳng có ai là quá rảnh cả, cũng chẳng có ai đi làm điều thiện chỉ vì họ thừa tiền. Chỉ có chăng ai đủ thiện tâm, muốn chia sẻ thì họ sẽ biết cách gác việc riêng để giúp đỡ người khác".
Trung bảo tôi: Giống như những người vô sản mà trái tim lại vô cùng giàu có như tôi đã gặp. Những người tử tế. Một xã hội chỉ có thể tốt đẹp hơn khi từng người trong xã hội đó làm những việc tích cực. Nếu chúng ta chỉ ngồi một chỗ và tư duy mong nó tử tế hơn thì sẽ không bao giờ thành hiện thực?
"Điều tử tế với cuộc sống hôm nay đôi khi là thứ xa xỉ nhưng tôi thật may mắn khi được tiếp cận với những người tử tế hàng ngày. Họ thực sự làm tôi thấy nể phục và thấy cuộc sống này, những con người này dạy cho tôi quá nhiều điều, trong đó điều lớn nhất chính là tình yêu thương đồng loại vô điều kiện", anh Trung chốt lại câu chuyện.
Sau gần 4 năm vận động, anh Lê Trung đã đưa hơn 1.000 người đi đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Bản thân anh, bố mẹ và một cô cháu gái cũng đăng ký hiến tạng. Anh còn tham gia nhiều nhóm thiện nguyện, thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người nghèo, các bà mẹ đơn thân, khó khăn...
Theo Danviet
Trung úy công an tìm, trả lại nhẫn cưới cho cặp vợ chồng trẻ "Tôi chưa có vợ, nhưng khi nhặt được cặp nhẫn cưới bị đánh rơi bên vệ đường, tôi tin chắc đôi vợ chồng đó đang rất lo lắng và mong muốn tìm lại vì đây là kỷ vật đặc biệt thiêng liêng với họ. Tôi nghĩ bằng mọi cách sẽ phải tìm để trả lại cho đúng chủ nhân", trung úy Nguyễn Đăng...